Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam: tại sao không?

Lê Tự Do

21.3.2021

“Công dân được làm những gì pháp luật không cấm”

Chương 2, điều 25 trong Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tuân thủ theo quy định của Hiến pháp, là những công dân Việt Nam chịu sự điều chỉnh của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, và có thắc mắc mặc dù chưa có Luật lập hội với những quy định rõ ràng, song việc thành lập tổ chức mang tên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (nếu tôi nhớ không lầm là năm 2014) là phù hợp Hiến pháp?

Sắc lệnh số 52/SL ngày 22/4/1946 về thể thức xin lập hội của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Điều 1 có nêu: “Hội là một đoàn thể có tính cách vĩnh cửu gồm hai hoặc nhiều người giao ước hiệp lực mà hành động để đạt mục đích chung; mục đích ấy không phải để chia lợi tức”.

Hiện nay, hội theo định nghĩa pháp lý được quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ là “Tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.

Lợi tức là một khái niệm trong kinh tế học dùng để chỉ chung về những khoản lợi nhuận (lãi, lời) thu được khi đầu tư, kinh doanh hay tiền lãi thu được do cho vay hoặc gửi tiết kiệm tai ngân hàng.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đây là một tổ chức tự nguyện của công dân, có thể nói là một sân chơi của những người đam mê viết lách, của những bạn trẻ (hoặc trung niên trước đây chưa từng viết cho tờ báo nào) tập tành làm phóng viên cũng như nơi gặp mặt của nhiều cây bút lão làng trong báo chí.

Có thể nói, Hội chỉ là một sân chơi, nói theo ngôn ngữ bình dân, là nơi “thỏa mãn đam mê” viết lách cho nhiều người chứ hoàn toàn không phải là một tổ chức kinh doanh hay thu tiền lãi.

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam không được Nhà nước công nhận là một Hội, chính vì thế, việc kiếm tài trợ từ các quảng cáo như những tờ báo khác là điều hoàn toàn không có. Không có quảng cáo thì đồng nghĩa với việc không có tiền lãi hoặc gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Nói về Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam trong tình hình xã hội đang ‘tồn tại’ nhiều Hội, một quan sát viên cho biết: “Thực tế trên mạng xã hội, có nhiều nhóm ghi Hội này Hội kia, hoạt động chủ yếu cũng đăng tin, đăng hình trên mạng, cùng chia sẻ những kinh nghiệm với nhau, có nhóm tổ chức họp offline. Nếu xét về cơ chế hoạt động, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam cũng có nét tương đồng, cũng đăng tin trên mạng (web, fanpage), cũng có tổ chức offline (dù lâu rồi không còn nữa) để chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Vậy thì có khác gì nhau?

Nếu nói Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đưa tin gọi là nhạy cảm thì mình nghĩ chẳng qua cũng là đặc thù nghề nghiệp. Chứ phóng viên, nhà báo mà không đưa tin thì làm sao gọi là làm báo? Mà đã đưa tin thì phải đưa cái mà độc giả muốn xem, muốn tìm hiểu chứ. Không lẽ báo chí có giấy phép đã đưa tin nghị trường với đầy rẫy những cuộc họp rồi giờ Hội đưa tin đó nữa thì ai xem? Đó là chưa kể phóng viên của Hội làm sao vô được mấy cuộc họp đó mà đưa tin?

Còn nếu mà nói phản biện, dễ đụng chạm, mình thấy nhiều khi báo chí có giấy tờ nói còn nặng hơn đấy chứ”.

Một ý kiến khác.

“Những năm về trước, ông Dũng biết rõ từng người có năng lực viết bài như thế nào, nhà ai có quan hôn tang tế, thường đích thân ông Dũng sẽ đến. Hội bị nói này nói nọ, ông Dũng cũng lên tiếng phản bác. Tiếc một điều, từ khi ông Dũng bị ghép tội, những người lãnh đạo còn lại không làm được những điều như ông Dũng khi xưa đã từng làm.

Có thể lấy ví dụ gần nhất như việc có người phát ngôn trên Youtube rằng: “Năm 2020 chứng kiến nhóm Xã hội Dân sự cuối cùng ở Việt nam đã hoàn toàn tan rã. Đó là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam của nhà báo Phạm Chí Dũng”.

Tuy nhiên, nói đi cũng nói lại, may mắn là Hội vẫn còn nhiều thành viên tâm huyết, sẵn sàng chấp nhận khó khăn với Hội”, một Hội viên yêu cầu ‘ẩn danh’ lên tiếng.

Có thể, với bài viết này, sẽ nhận được không ít ý kiến từ phía dư luận viên hay lực lượng 47. Tuy nhiên “công dân được làm những gì pháp luật không cấm”, đồng thời như điều 25 của Hiến pháp, thêm vào đó chưa có luật lập hội một cách rõ ràng, vậy tại sao một tổ chức nghề nghiệp như Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam lại không được công nhận?

L.T.D.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Hội Nhà báo độc lập, Tự do ngôn luận. Bookmark the permalink.