Như Trần Theo CNN
Chủ nhật, 21/3/2021 10:17 (GMT+7)
Chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đề xuất chi hàng tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa mới và nhấn mạnh đây là động thái cần thiết để đối phó Trung Quốc.
Trung Quốc đang xây dựng lực lượng quân đội ngày càng thiện chiến. Đất nước này cũng đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực nhằm thay thế sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á.
Đó là những điều đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, cảnh báo trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 9/3.
“Ngoài việc họ đang xây dựng thế trận tấn công, không còn cách nào khác để giải thích những hành động của họ”, ông Davidson nói, theo CNN.
“Tôi thấy họ đang phát triển các hệ thống, năng lực và thế trận cho thấy rằng họ quan tâm đến chính sách gây hấn”, chỉ huy này nói thêm.
Trong phiên điều trần, ông Davidson nhắc lại yêu cầu chi hàng tỷ USD cho vũ khí mới ở Thái Bình Dương. Đô đốc Davidson nói rằng việc tăng cường đầu tư là động thái cần thiết để ngăn chặn tham vọng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh: AP.
Ông Davidson gọi Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược lâu dài lớn nhất đối với an ninh trong thế kỷ 21” và chỉ ra rằng Bắc Kinh đang thực hiện các động thái ngày càng mang tính đe dọa hơn. Chỉ huy này nhắc đến hoạt động quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan, dọc theo biên giới tranh chấp với Ấn Độ và thậm chí xung quanh các đảo của Mỹ ở Thái Bình Dương.
“Tôi lo ngại rằng họ (Trung Quốc) đang đẩy nhanh tham vọng thay thế Mỹ và vai trò lãnh đạo của chúng ta trong trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật trước năm 2050”, ông Davidson nói.
Trong khi đó, Trung Quốc kiên quyết tuyên bố quân đội của mình chỉ phòng thủ.
“Sự phát triển quốc phòng của Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh chính đáng của nước này và đóng góp vào sự phát triển của các lực lượng hòa bình trên thế giới”, theo Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2019. “Trung Quốc sẽ không bao giờ đe dọa quốc gia nào và cũng không tìm cách tạo ra sự ảnh hưởng nào”.
Về vấn đề Đài Loan, ông Davidson cho biết Bắc Kinh có thể sẽ giành quyền kiểm soát hòn đảo này trong tương lai gần.
“Tôi nghĩ mối đe dọa sẽ trở thành sự thật trong thập kỷ này, trên thực tế là trong 6 năm tới”, chỉ huy này cho biết. Đô đốc Davidson nói thêm mối đe dọa đối Đài Loan gia tăng trong khi khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn hành động của Trung Quốc đang “suy giảm”.
Khi được hỏi liệu Mỹ có cần phải bảo vệ Đài Loan hay không, ông Davidson nói việc không có hành động sẽ làm tổn hại vị thế quốc tế của Mỹ. Bên cạnh đó, uy tín của Washington với tư cách là một đối tác quốc phòng cũng bị ảnh hưởng.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép Đài Loan độc lập và cũng không loại trừ việc sử dụng vũ lực nếu cần thiết.
“Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc”, ông Ngô Khiêm (Wu Qian), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói vào tháng 1. “Quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Ngày 7/3, ông Ngô nói đến tranh chấp lãnh thổ của Đài Loan và Bắc Kinh với các nước láng giềng để biện hộ cho việc Trung Quốc vừa công bố mức tăng chi tiêu quân sự 6,8% cho năm 2021. Người phát ngôn này nói “thế giới không hòa bình và quốc phòng của chúng ta phải vững mạnh”, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
“Hiện tại Guam là mục tiêu”
PLA từ lâu đã tăng cường sự hiện diện tại các bờ biển gần mình, ở những nơi như Đài Loan và Biển Đông.
Trong phiên điều trần, ông Davidson tiết lộ Bắc Kinh đang hoạt động nhiều hơn quanh các đảo ở Thái Bình Dương của Mỹ.
“Chúng tôi đã thấy hải quân Trung Quốc triển khai các nhóm đặc nhiệm và tàu ngầm vòng quanh đảo Guam và Quần đảo Bắc Mariana”, ông Davidson nói.
Chỉ huy này nhắc đến một video tuyên truyền của Trung Quốc, trong đó mô phỏng các máy bay ném bom của Bắc Kinh tấn công Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam.
“Ngày nay Guam là một mục tiêu. Nơi này cần được bảo vệ”, ông Davidson nói và nhấn mạnh hòn đảo là nơi sinh sống của 170.000 công dân Mỹ. “Bảo vệ Guam là bảo vệ quê hương”.
Để đạt được mục đích đó, đô đốc Davidson cho biết quốc hội cần phê duyệt 1,6 tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đảo Guam.
Thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ở Hawaii. Ảnh: Quân đội Mỹ.
Hiện tại, đảo Guam được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Song, ông Davidson cho biết THAAD không bao quát toàn bộ phạm vi cần thiết để đối phó với các mối đe dọa từ tàu trang bị tên lửa, tàu ngầm và máy bay Trung Quốc.
“Chúng ta phải chứng minh rằng Trung Quốc phải trả cái giá rất đắt cho bất kỳ tham vọng nào và mối đe dọa nào họ gây ra”, ông Davidson nói.
Tăng cường hợp tác với đồng minh
Kế hoạch lắp đặt hệ thống Aegis Ashore là một phần trong Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc. Kế hoạch 5 năm trị giá 27 tỷ USD nhằm nâng cấp các lực lượng của Mỹ trong khu vực này được Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đệ trình lên quốc hội và đang chờ xem xét.
Bên cạnh hệ thống Aegis, Lầu Năm Góc đề xuất lắp hệ thống radar phòng thủ mới cho Hawaii. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng yêu cầu có thêm phương tiện tình báo, trinh sát và bom, đạn.
Đồng thời, Lầu Năm Góc muốn triển khai thêm các binh chủng hải quân, không quân và thủy quân lục chiến trong khu vực. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu tổ chức thêm các cuộc huấn luyện và tập trận với đồng minh và đối tác.
Những đối tác này bao gồm thành viên của nhóm “Bộ Tứ” – gồm Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật Bản.
Chỉ huy Davidson ngày 9/3 gọi nhóm đó là “viên kim cương của các nền dân chủ” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 trình diễn kỹ thuật “voi đi bộ” trên sân bay ở đảo Guam vào tháng 4/2020. Ảnh: Không quân Mỹ.
Lãnh đạo của bốn nước trên sẽ họp trực tuyến vào ngày 12/3, cuộc họp cấp cao nhất của “Bộ Tứ” cho đến nay.
“Bộ Tứ” vẫn là một nhóm không chính thức và ông Davidson ngày 9/3 bày tỏ hy vọng nhóm này có thể “phát triển thành khối vững mạnh hơn”.
“Không chỉ về mặt an ninh, mà là về cách chúng ta tiếp cận nền kinh tế toàn cầu, các công nghệ quan trọng như viễn thông và 5G, sự hợp tác trên trật tự quốc tế. Còn nhiều thứ phải làm về mặt ngoại giao và kinh tế”, ông nói.
Phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các lực lượng vũ trang Trung Quốc “tập trung vào năng lực sẵn sàng chiến đấu”. Ông Tập cũng đặt ra các mục tiêu quân sự trong 5 năm tới, theo Tân Hoa xã.
N.T.
Nguồn: zingnews.vn