Cuộc cạnh tranh âm thầm nhưng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc

1. Mỹ lặng lẽ huy động sức mạnh kinh tế đối phó Trung Quốc

09/03/2021    05:42 GMT+7

Hoài Linh

Báo cáo về trí thông minh nhân tạo (AI) trong tuần qua của một uỷ ban lưỡng đảng Mỹ là dấu hiệu mới nhất về những gì có thể trở thành một thay đổi lớn trong chiến lược kinh tế của Mỹ.

Lý do cuộc thương chiến với Trung Quốc của ông Trump thất bại

Nguyên nhân khiến Trung Quốc hạ ưu tiên thương chiến với Mỹ

Trung Quốc đột ngột thiếu điện giữa mùa đông lạnh giá vì thương chiến với Australia

Mỹ lặng lẽ huy động sức mạnh kinh tế đối phó Trung Quốc

Mỹ lặng lẽ huy động kinh tế chống Trung Quốc. Ảnh: Oilprice.com

Theo nhận định của nhà bình luận David Ignatius của tờ Washington Post, không cần bàn cãi công khai nhiều, Mỹ đang tiến tới những gì giống như phiên bản một chính sách công nghiệp của Mỹ nhằm cạnh tranh với Trung Quốc về công nghệ.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một trong những nhà tài trợ chính của uỷ ban lưỡng đảng trên, đã đưa ra tầm nhìn mới một cách ngắn gọn trong bài phát biểu hồi tháng 12/2019. Nghị sĩ này cho biết, đã tới lúc nhận ra “những nguy cơ của chủ nghĩa cơ bản thị trường tự do” trong việc đối phó với Trung Quốc, thay vì giữ mãi “chính sách công nghiệp thân Mỹ của thế kỷ 21”.

Tư duy xét lại đó đang cổ vũ cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden, các thành viên cấp cao của Quốc hội và một số lãnh đạo công nghệ hàng đầu.

Giống như một số thay đổi lớn khác, thay đổi này trở nên rõ ràng khi nó bắt đầu thay thế cách tiếp cận cũ với Trung Quốc của Mỹ. Đằng sau hậu trường, lập trường của các nhà hoạt động ở cả hai đảng đã nhận được sự ủng hộ to lớn của Quốc hội Mỹ. 19 khuyến nghị của uỷ ban lưỡng đảng trên được lặng lẽ đưa vào đạo luật uỷ quyền quốc phòng (được thông qua hồi tháng 1), bao gồm các khoản chi hàng tỷ USD cho các nhà máy chế tạo chất bán dẫn mới ở Mỹ.

Những thay đổi mà trí thông minh nhân tạo sẽ mang lại cho mọi thứ dính dáng tới công nghệ kỹ thuật số cũng khiến các chuyên gia khó tính nhất trong lĩnh vực này phải kinh ngạc. Đó là lý do tại sao các thành viên uỷ ban lưỡng đảng trên cũng như những người nắm chắc vấn đề này lại phấn khích về nhu cầu tăng cường các nỗ lực của Mỹ: Họ thực sự nghĩ rằng tương lai của Mỹ đang bị đe doạ về mặt quân sự, kinh tế và thậm chí là chính trị.

Điều gì đã thúc đẩy những khoản đầu tư theo định hướng của chính phủ Mỹ vào công nghệ? Đó chính là nỗi lo sợ đối với cái gọi là sự hợp nhất dân sự -quân sự của Trung Quốc sẽ lấn át các nỗ lực của Mỹ, trừ khi nó phù hợp.

Eric Schmid, cựu Giám đốc điều hành của Google và là người chủ trì uỷ ban trên, cho biết trong một tuyên bố trước Quốc hội Mỹ hồi tháng trước rằng “mối đe doạ từ sự lãnh đạo của Trung Quốc trong những lĩnh vực công nghệ chủ chốt là một cuộc khủng hoảng quốc gia”. Ông Schmid nói, thay vì đưa giải pháp cho các công ty tư nhân, “chúng ta cần có một hướng tiếp cận kết hợp những nỗ lực của chính phủ với ngành tư nhân để giành chiến thắng”.

Các khuyến nghị của uỷ ban trên rất quan trọng vì các thành viên của nó gồm rất nhiều nhân vật nổi tiếng về công nghệ như Safra Catz – Giám đốc điều hành Oracle, Eric Horvitz –  Giám đốc khoa học của Microsoft, Andy Jassy – Giám đốc điều hành của Amazon, Andrew Moore – phụ trách mảng Trí thông minh nhân tạo (AI) của Google Cloud. Khuyến nghị đề cập tới việc vào năm 2026, các chi tiêu cho phát triển và nghiên cứu AI do nhà nước tài trợ phải đạt 32 tỷ USD.

Vai trò của chính phủ Mỹ trong việc tài trợ cho các công nghệ đột phá đã quá rõ ràng. Ví dụ rõ ràng nhất là Dự án Manhattan về phát triển vũ khí hạt nhân. Tiền của chính phủ cũng đã thúc đẩy chương trình không gian, phát triển internet và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các hoạt động thương mại quốc gia và toàn cầu. Sự can thiệp của chính phủ đã trở thành vấn đề nhức nhối trong thời kỳ bùng nổ công nghệ và tài chính những thập niên gần đây song con lắc dường như đã dịch chuyển.

Chính quyền của Tống thống Biden ghi nhận sự thúc đẩy của uỷ ban trên, nhưng không đồng ý về một số chi tiết. Nhà Trắng muốn chuyển các sáng kiến mới thông qua cơ cấu liên ngành hiện có của Hội đồng An ninh quốc gia và Hội đồng kinh tế quốc gia hơn là tạo ra một hội đồng bổ sung. Tuy nhiên, chính quyền ủng hộ nhiều khuyến nghị chính sách cụ thể được đề cập trong báo cáo dài 756 trang của uỷ ban trên.

“Đây là hình thức ủng hộ lưỡng đảng mà chúng tôi hy vọng có thể thúc đẩy đầu tư mới trong AI và các công nghệ mới nổi khác”, một quan chức Mỹ cho biết. Một dấu hiệu cho thấy sự liên kết của Nhà Trắng đó là Jason Matheny, một thành viên của ủy ban gồm 15 người trên, dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Văn phòng chính sách Khoa học và Công nghệ của Tổng thống Biden.

Chính quyền của Tổng thống Biden cũng chia sẻ sự hào hứng của uỷ ban lưỡng đảng với thứ mà báo cáo gọi là “một liên minh các quốc gia cùng chí hướng” nhằm thúc đẩy sự phát triển và sử dụng AI cũng như các công nghệ mới nổi.

Tuy nhiên, do gần đây một số đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á tỏ ra lo ngại về việc gia nhập liên minh “dân chủ – kỹ thuật” chống Trung Quốc, nên nhiều khả năng liên minh này chỉ hoạt động qua cơ cấu hiện có như nhóm G-7, quan hệ đối tác an ninh Quad gồm Ấn Độ, Nhật, Australia và Mỹ, quan hệ song phương với EU và các nước thành viên của nó.

Hoài Linh

Nguồn: vietnamnet.vn

2. Đối thủ cạnh tranh khiến ông Tập Cận Bình ‘đau đầu’

08/03/2021    05:57 GMT+7

Thanh Hảo

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẵn sàng cạnh tranh trở lại bằng cách tái lập sức mạnh kinh tế.

Chuyên gia Trung Quốc mổ xẻ quan hệ Mỹ – Trung thời Biden

Gần 90% người Mỹ được hỏi coi Trung Quốc là “đối thủ”

Trong bài viết được báo Nikkei Asia đăng tải ngày 4/3, nhà báo nổi tiếng William Pesek (ở Nhật Bản) đã có những phân tích sâu sắc về sự cạnh tranh của Mỹ trong 4 năm vừa qua và 4 năm tới đây trước Trung Quốc.

Đối thủ cạnh tranh khiến ông Tập Cận Bình 'đau đầu'

Ảnh: FT

William Pesek cho rằng, khi Chủ tịch Tập Cận Bình vạch ra kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc nhằm thống trị nền kinh tế toàn cầu, ông sẽ không quên 4 năm qua về thuế quan, các lệnh cấm doanh nghiệp và cả những dòng tweet gắt gao từ Nhà Trắng. Nhưng, quan trọng hơn đối với Bắc Kinh lại chính là những gì mà người tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden không theo đuổi thực hiện.

Nhà báo nhận định, khi ông Trump theo đuổi các cuộc chiến thương mại kiểu thập niên 1980, kinh tế Mỹ trở nên nhỏ giọt và ngành than phát triển mạnh trở lại. Thay vì xây dựng sức mạnh kinh tế và đổi mới ở trong nước, ông tìm cách đánh bại các đối thủ của Mỹ dọc đường đua và mặc nhiên giành chiến thắng 

Trái lại, người kế nhiệm của ông, Tổng thống Biden đang chuẩn bị cho nền kinh tế lớn nhất thế giới mạnh mẽ trở lại và bắt đầu thực thi kế hoạch 5 năm cho nước Mỹ. Trước hết là chiến đấu chống đại dịch Covid-19. Việc ông đẩy chương trình tiêm chủng của Mỹ lên một mức độ cao hơn, và bơm thêm 1,9 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế là một khởi đầu tốt. 

Tuy nhiên, kế hoạch của ông Biden là sẽ chi dùng lớn cho cơ sở hạ tầng, thắt chặt các yêu cầu của đạo luật Mua hàng Mỹ (Buy American) trong mua sắm chính phủ, loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng và tăng cường thực thi chống độc quyền.

Đối thủ cạnh tranh khiến ông Tập Cận Bình 'đau đầu'

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc tối ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. Ảnh: Reuters

Theo nhà báo William Pesek, dù muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đến mức nào, Mỹ vẫn phải thực sự cạnh tranh với quốc gia đông dân nhất thế giới.

Có thể nói, ông Trump đã dành tới 90% nỗ lực cho chính sách ngăn chặn, đặt Mỹ vào một vị thế cạnh tranh thậm chí còn tồi tệ hơn. Với Barack Obama, trong nhiệm kỳ tổng thống 2009-2017, tất cả những gì ông lý giải về xoay trục sang châu Á chủ yếu là giải quyết hậu quả cuộc suy thoái kinh hoàng Lehman năm 2008. Còn với George W. Bush, khoảng thời gian 2001-2009 ông lãnh đạo nước Mỹ bị chi phối bởi các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, chứ không phải Trung Quốc. 

Với sự tín nhiệm nhận được, ông Obama đã thử sức làm việc đa nhiệm. Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) của ông là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc. Nó tạo ra một nhóm 12 quốc gia, chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, mong muốn san bằng sân chơi với Trung Quốc. Nhưng vào năm 2017, ông Trump đã tạo cơ hội cho Trung Quốc bằng cách rút Washington ra khỏi hiệp định. Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình lấp đầy khoảng trống bằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gồm 15 quốc gia lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Giờ đây, Tổng thống Biden có thể tái gia nhập TTP và phát triển tư cách thành viên của Mỹ. Nhưng công việc thực sự là đưa một nước Mỹ đang bị tổn thương trở lại bình thường. Điều đó có nghĩa là phải tái định vị sức sáng tạo của đất nước. Điều duy nhất mà Thung lũng Silicon tạo ra được trong 4 năm qua chỉ là những chiêu thức bán quảng cáo tốt hơn. Rốt cuộc, Mỹ giờ đây cũng quay trở lại với nhiệm vụ nâng cao năng suất, tăng cường giáo dục và nâng cấp cơ sở hạ tầng từ lưới điện, viễn thông đến đường sắt cao tốc, đồng thời giảm lượng khí thải carbon.

Trung Quốc hiện nay đang phải dốc sức chuẩn bị cho sắc lệnh sắp tới của Tổng thống Biden bắt tay với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh công nghệ cao để xây dựng các chuỗi cung ứng về chip bán dẫn và các sản phẩm chiến lược khác vốn ngày càng bớt phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh đã bác bỏ nỗ lực này. Trung Quốc cho rằng, các động thái nhằm gạt ra rìa các chip, pin dung lượng lớn, dược phẩm và các vật liệu trọng yếu như đất hiếm của Trung Quốc là phi thực tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên tuyên bố “Trung Quốc tin những nỗ lực nhân tạo để thay đổi các chuỗi này và tách rời các chuỗi này là điều không thể”.

Tuy nhiên, phản biện của ông Triệu Lập Kiên có thể chỉ đúng với trước thời hạn ngày 20/1, trước khi Tổng thống Biden lên nắm quyền. Nó không tính đến mức độ làm việc đa nhiệm đã trở lại thế nào ở một Nhà Trắng đang cố gắng hướng tới những ngày vinh quang. 

Đối thủ cạnh tranh khiến ông Tập Cận Bình 'đau đầu'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại lễ đón ở Căn cứ Không quân Andrews, bang Maryland, ngày 24/8/2015. Ảnh: AP

Việc Tổng thống Biden thực hiện kế hoạch 5 năm đang làm thay đổi phép tính G2 (hai siêu cường kinh tế thế giới). Theo nhà báo William Pesek, cuối cùng, các chế độ hỗ trợ y tế nội địa cạnh tranh đang khiến cho nền kinh tế toàn cầu khởi sắc hơn. Ít nhất, kỷ nguyên Biden có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ cạnh tranh nhiều hơn là cãi vã.

Trong giới ủng hộ Trump, như thế sẽ chẳng khác gì đầu hàng. Thực tế, nó là chính sách thực dụng kinh tế. Quy mô của Trung Quốc và tham vọng của Chủ tịch Tập không thể bị khuất phục bằng thuế đánh vào hàng hóa hoặc nỗ lực bóp nghẹt những gã khổng lồ công nghệ như Huawei, Ant Group hay Tencent Holdings.

Tổng thống Joe Biden tìm cách đưa Mỹ quay lại cuộc đua công nghệ cho năm 2025 và xa hơn thế nữa. Trong khi ông Trump trở lại với nhiên liệu hóa thạch và amiăng, Trung Quốc đầu tư hàng nghìn tỷ đôla vào sở hữu tương lai của hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, tiền tệ kỹ thuật số, xe điện, mạng 5G, năng lượng tái tạo, rô-bốt, chất bán dẫn và tạo ra những “kỳ lân công nghệ” nhằm biến Thung lũng Silicon phương Đông trở thành hiện thực.

Trái ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm, ông Biden muốn chi hàng trăm tỷ đôla, với 300 tỷ USD cho khởi đầu, vào phát triển và nghiên cứu mới để ngành công nghệ Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu. Ông sẽ phải suy tính lớn, vì những gì Mỹ làm 4 năm qua đã giúp ích nhiều cho Trung Quốc.

Nhưng về mặt kinh tế, Trung Quốc đã chạy nhiều vòng quanh Mỹ mà quên mất trọng tâm phải là năm 2025, chứ không phải năm 1985. Điều đó lại được tái hiện ở Bắc Kinh trong tuần này khi giới chức Trung Quốc định đặt cược lớn vào các công nghệ mới nổi, từ công nghệ sinh học đến xe điện và xe hydro, và thiết kế chip máy tính mà không cần sự trợ giúp của Intel, Nvidia, Qualcomm và các tập đoàn cùng lĩnh vực.

Đây chính là nơi mà trận chiến kinh tế thực sự cho ngày mai sẽ diễn ra. Và khi Chủ tịch Tập triển khai kế hoạch tiếp theo, Nhà Trắng thời ông Biden cũng đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh thực sự mà sẽ khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đau đầu.

T.H.

Nguồn: vietnamnet.vn

3. Điểm yếu ngăn Trung Quốc thành ‘siêu cường sản xuất’

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Cựu bộ trưởng Miêu Vu nhận định Trung Quốc phải mất 30 năm để trở thành “siêu cường sản xuất” do còn phụ thuộc các công nghệ bên ngoài.

“Các năng lực cơ bản vẫn còn yếu, những công nghệ cốt lõi lại nằm trong tay người ngoài, nguy cơ bị ‘đánh vào yết hầu’ và ‘tuột xích’ đã tăng đáng kể”, Miêu Vu, cựu bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, cho biết trong bài phát biểu tại hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (CPPCC) hôm 7/3.

Trung Quốc gần đây trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới, chiếm hơn một phần ba sản lượng cầu, được thúc đẩy do nhu cầu trong nước để sản xuất mọi mặt hàng từ xe cộ tới máy móc công nghiệp. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Miêu đề cập tới những trở ngại khiến Trung Quốc phát mất 30 năm mới đạt mục tiêu trở thành “siêu cường sản xuất”.

Cựu bộ trưởng này cho rằng sự phụ thuộc quá nhiều của các ngành công nghiệp Trung Quốc vào những sản phẩm công nghệ cao của Mỹ như chất bán dẫn đã tạo ra điểm yếu cho nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu này.

Khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang mô hình dựa trên dịch vụ và các nhà máy sản xuất công nghiệp nặng gây ô nhiễm bị hạn chế, sản lượng sản xuất của nước này đã giảm. Năm 2020, lĩnh vực sản xuất chế tạo chỉ chiếm hơn một phần tư tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Cựu bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Miêu Vu tại một sự kiện ở tỉnh Hải Nam hồi tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.

Cựu bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Miêu Vu tại một sự kiện ở tỉnh Hải Nam hồi tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.

“Tỷ lệ sản lượng sản xuất trên GDP giảm quá sớm và quá nhanh, không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc làm, mà còn tạo ra lỗ hổng an ninh cho các ngành công nghiệp của chúng ta cũng như làm giảm khả năng đối phó với rủi ro, cạnh tranh toàn cầu”, ông Miêu, hiện là thành viên của CPPCC, nói thêm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 năm ngoái cũng nhận định ngành sản xuất nước này đổi mới “chưa đủ” và các công ty cần phải xử lý những công nghệ bị “tắc nghẽn” để tiến tới đổi mới hoàn toàn.

“Ngành công nghiệp sản xuất Trung Quốc đã đạt những thành tựu to lớn những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng ‘lớn nhưng không mạnh’ và ‘toàn diện nhưng chưa đủ tốt’ vẫn chưa được cải thiện”, ông Miêu nói.

Cựu bộ trưởng Trung Quốc cũng liệt kê thêm những rào cản với sự phát triển của lĩnh vực sản xuất như áp lực thuế, thiếu người tài, công nghệ cao và cần tăng cường hỗ trợ tài chính lập tức.

“Chúng ta phải duy trì quyết tâm chiến lược của mình, luôn sáng suốt và hiểu sâu sắc những lỗ hổng cùng khiếm khuyết”, ông Miêu nhấn mạnh.

Quốc hội Trung Quốc hôm 5/3 đã công bố kế hoạch toàn diện nâng cấp năng lực sản xuất với 8 lĩnh vực ưu tiên nhằm tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, Trung Quốc đặt mục tiêu khắc phục các khâu yếu kém trong các lĩnh vực chính, phần mềm, vật liệu và hệ thống cơ bản.

Tin liên quan

N.A.

Nguồn: vnexpress.net

4. Quân đội Mỹ chuẩn bị gì cho chiến tranh với Trung Quốc?

07/03/2021 16:45 GMT+7

TTO – Xung đột quân sự Mỹ – Trung là điều không ai mong đợi, nhưng các nhà hoạch định chính sách quân sự của cả hai nước không thể ngồi yên và cầu nguyện cho điều tốt nhất.

Tin liên quan

Quân đội Mỹ chuẩn bị gì cho chiến tranh với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Thủy quân lục chiến Mỹ tập trận ở Chonburi, Thái Lan vào tháng 2-2020 – Ảnh: AP

Đô đốc James Stavridis là tư lệnh đồng minh tối cao thứ 16 của NATO, hiệu trưởng Trường luật và ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ). Ông dành nhiều thời gian trong sự nghiệp quân sự hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. Sau đây là bài viết của ông trên báo Nikkei Asia của Nhật.

Tài liệu “The Longer Telegram” do Tổ chức học giả Hội đồng Đại Tây Dương biên soạn cung cấp nhiều manh mối quan trọng về các phương án Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đang cân nhắc để triển khai lực lượng Mỹ ở Đông Á đối phó Trung Quốc.

Liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có chấp nhận lập trường cứng rắn (của tài liệu) hay không còn phải chờ xem, nhưng nhiều yếu tố của nó đang được cân nhắc nghiêm túc.

Một trong số đó chính là “lằn ranh đỏ” – giới hạn mà nếu Trung Quốc vượt qua thì Mỹ sẽ phản ứng quân sự. Chúng bao gồm:

1. Trung Quốc hoặc Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học tấn công Mỹ và đồng minh.

2. Trung Quốc tấn công Đài Loan và các đảo trực thuộc, bao gồm vây hãm kinh tế, tấn công mạng nhắm vào hạ tầng và cơ sở của Đài Loan.

3. Trung Quốc tấn công lực lượng Nhật trong phạm vi bảo vệ chủ quyền của họ tại quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật ở biển Hoa Đông.

4. Bất cứ hành động thù dịch nào của Trung Quốc ở Biển Đông để tiếp tục cải tạo và quân sự hóa các đảo, hoặc dùng vũ lực với các nước có tranh chấp, hoặc ngăn chặn các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ và đồng minh.

5. Trung Quốc tấn công bất cứ lãnh thổ chủ quyền hoặc khí tài quân sự của đồng minh hiệp ước của Mỹ.

Đặt trong bối cảnh chiến lược Mỹ – Trung, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ chủ yếu hoạt động trên biển và có thể di chuyển vào Biển Đông, vào tận phạm vi các đảo nhân tạo Trung Quốc dùng để phòng thủ.

Khi đã tiếp cận, họ có thể dùng máy bay vũ trang không người lái, năng lực tấn công mạng, đặc nhiệm Marine Raiders, tên lửa đối không và vũ khí diệt hạm để tấn công lực lượng Trung Quốc.

Ngoài cách tiếp cận chiến thuật mới của thủy quân lục chiến, Hải quân Mỹ sẽ triển khai thêm các nhiệm vụ tuần tra cứng rắn bên ngoài vùng biển Trung Quốc.

Đây là một khái niệm chiến lược thông minh: Dần dần lôi kéo tàu chiến của đồng minh tham gia, quốc tế hóa nỗ lực chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước mắt, Mỹ muốn lôi kéo Anh, Pháp và các đồng minh NATO, sau đó sẽ thuyết phục Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… tham gia các nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải. Liên minh hải quân toàn cầu này sẽ đối trọng với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Bổ trợ cho Hải quân, Không quân Mỹ nhiều khả năng sẽ bổ sung máy bay ném bom và chiến đấu cơ tầm xa đến các căn cứ Thái Bình Dương nằm rải rác khắp châu Á. Chuỗi căn cứ nhỏ này sẽ được hỗ trợ bởi các căn cứ lớn hơn ở Guam, Nhật Bản, Úc và Hàn Quốc.

Cuối cùng, Lục quân Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh chiến đấu và cơ động để nhanh chóng triển khai các đơn vị nếu xảy ra một trong các kịch bản “lằn ranh đỏ”, bao gồm tăng cường căn cứ Hàn Quốc và Nhật nhưng có thể dễ dàng triển khai đến các đảo nhỏ hơn trong khu vực.

Ngoài ra, Lực lượng Không gian Mỹ mới thành lập sẽ tập trung vào tình báo và do thám, kết hợp với năng lực tấn công của Bộ chỉ huy Mạng và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).

Nhìn tổng quát, quân đội Mỹ đang tăng cường hiện diện và năng lực chiến đấu ở Tây Thái Bình Dương, chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xung đột quân sự với Trung Quốc trong vài thập niên tới.

Chỉ hi vọng rằng ngành ngoại giao và nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau của hai cường quốc sẽ ngăn chặn được chiến tranh nổ ra, nhưng không có gì nói trước được.

Nguồn: tuoitre.vn

This entry was posted in Quan hệ Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.