Em chỉ mong “mọi việc sẽ ổn” thôi mà

Vũ Kim Hạnh

Chẳng có điều gì có thể nhân danh

Nếu chĩa súng vào Nhân dân.

Dù ngươi là ai, từng mang khuôn mặt đẹp đẽ nào

Khi chĩa súng vào Nhân dân

Ngươi đã không còn là ai khác:

Kẻ phản bội Nhân dân!

Khi xả đạn vào Nhân dân

dù trên trán của ngươi có vẽ bất cứ ngôi sao rực rỡ nào, có vẽ bất cứ ánh hào quang mặt trời rực rỡ nào

Ngươi chỉ còn một khuôn mặt:

Giết người!

Và khi người lính buông súng

Nhân dân ôm anh vào lòng

Con ơi! Nhân dân nghèo

Chỉ có Nước mắt

Chào đón con thôi.

Lưu Trọng Văn

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng, giày dép và văn bản cho biết 'EVERY THING İLLBE'

Tôi viết bài này đã 3 hôm. Đâu phải để mừng ngày 8/3. Cũng không phải để đưa một tin hot. Tôi viết rồi thấy nghẹn và dừng. Rồi nghĩ mãi, và lại tiếp tục. Lần này, không biết xong không…

Hàng trăm người tề tựu ở Mandalay hôm thứ Năm để dự tang lễ của em, cô gái 19 tuổi bị bắn chết trong cuộc biểu tình chống đảo chính ở Myanmar một ngày trước đó.

Kyal Sin, được biết đến với cái tên Angel, khi ngã xuống đang mặc một chiếc áo phông có dòng chữ “Everything will be OK – Mọi việc sẽ tốt”.

Khi viên đạn ghim vào đầu em, quá bất ngờ, chắc em còn chưa kịp biết điều gì vừa xảy đến với mình. Nhưng không phải em không dự liệu điều khủng khiếp nhất có thể đến với em nên đã viết sẵn trên tường nhà FB của mình: “”Tôi thuộc nhóm máu A. Nếu tôi có mất mạng, xin hãy quyên góp giác mạc và nội tạng của tôi cho những người cần nó.”

Như vậy là em đã biểu đạt thật nhẹ nhàng, rành mạch: Dù tôi chỉ mong “mọi việc sẽ ổn” cho đất nước tôi, tôi cũng biết là “tôi có thể mất mạng”; và dù cho có thể chết, tôi vẫn biểu tình, đòi hỏi điều đó cùng bạn bè, người dân tôi.

Trong một đoạn video chiếu lại những giây phút cuối cùng của Kyal Sin, người ta thấy em dẫn đầu một nhóm biểu tình trẻ tuổi. Khi hơi cay và đạn được bắn ra xối xả từ lực lượng an ninh ở đầu đường bên kia, tất cả đều tỏ ra lo lắng nhưng em đã hét lên: “Chúng ta đoàn kết chứ?”, Và họ hô vang “Đoàn kết, Đoàn kết”. Myat Thu, người cùng biểu tình hôm 3/3 với em, kể là: bỗng đám biểu tình tán loạn vì một loạt lựu đạn cay bắn vào họ. Em liền phản ứng nhanh, đá vỡ các ống nước để lấy nước cho những người biểu tình rửa hơi cay ở mắt. Em hét lên với Myat Thu khi cảnh sát nổ súng: ” Ngồi xuống! Đạn sẽ bắn trúng bạn”. Rồi, hàng loạt phát súng bay tới.

Myat Thu cho biết Angel, người mà năm ngoái, bày tỏ tự hào khi đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần đầu tiên, là một “cô gái vui tươi”. “Cô ấy yêu quý gia đình của mình và gia đình cô cũng rất yêu thương cô. Chúng ta không đang trong chiến tranh. Không có lý do gì để sử dụng đạn thật bắn vào người dân”.

Một người bạn của gia đình sau đó nói rằng Kyal Sin là một nhà lãnh đạo thực sự truyền cảm hứng.

Bộ trưởng ngoại giao Singapore phải thốt lên:”Quân đội bắn vào dân mình là đỉnh cao của sự nhục nhã”. Nhưng cả Thủ tướng Lý Hiển Long và ông đều nói: cấm vận, trừng phat, cô lập nhà cầm quyền quân đội không có ý nghĩa gì. Quyền lực rồi sẽ khiến họ có thể bắn tất cả dân tộc để duy trì chế độ?

Chưa biết sau Kyal Sin, còn bao nhiêu thanh niên Myanmar nữa? Bạo lực không dừng, dù máu hàng chục thanh niên đã đổ trên đường phố trong biểu tình ôn hòa.

Muốn cho “mọi việc sẽ ổn” để đất nước hòa bình, phát triển, Kyal Sin phải trả bằng máu. Mọi người nghe chưa, em ấy chỉ muốn biểu đạt mong muốn “Mọi việc sẽ ổn thôi mà”. Lương tâm nhân loại bị nã một tràng đạn quá đau. Và đã qua đời chưa?

V.K.H.

Có thể là hình ảnh về 1 người

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

Nguồn ảnh: FB Dũng Hoàng

________

Đọc thêm

Nhà chức trách Myanmar khai quật mộ cô gái 19 tuổi bị bắn chết vì biểu tình?

06/03/2021 20:17 GMT+7

Minh Khôi

TTO – Hãng tin Reuters dẫn lời nhân chứng cho biết các nhà chức trách Myanmar đã khai quật mộ, phẫu thuật và dường như đã lấy đi một thứ gì đó từ thi thể cô Kyal Sin.

Nhà chức trách Myanmar khai quật mộ cô gái 19 tuổi bị bắn chết vì biểu tình? - Ảnh 1.

Chân dung Kyal Sin, 19 tuổi, bị cảnh sát bắn chết trong cuộc biểu tình ngày 3-3 – Ảnh: Reuters

Nhờ cảnh sát canh gác, chính quyền Myanmar đã khai quật ngôi mộ của cô gái 19 tuổi, người đã trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình chống đảo chính sau khi bị bắn chết trong lúc mặc chiếc áo phông có chữ “Mọi thứ rồi sẽ ổn”.

Thi thể cô gái tên Kyal Sin được đưa đi hôm 5-3 rồi trả lại. Ngôi mộ sau đó được niêm phong, hãng truyền thông địa phương Mizzima đưa tin.

Hãng tin Reuters đã liên lạc với quân đội và cảnh sát nhưng đều không được trả lời.

Nhà chức trách Myanmar khai quật mộ cô gái 19 tuổi bị bắn chết vì biểu tình? - Ảnh 2.

Ngôi mộ bị xáo trộn của Kyal Sin, ngày 6-3 – Ảnh: Reuters

Một người dân tới thăm mộ trong ngày 6-3 nói với Reuters rằng xi măng vẫn đang khô; găng tay, ủng cao su, áo phẫu thuật bị bỏ đi; có nơi còn có vết máu.

Một nhân chứng sống gần ngôi mộ cho biết anh đã nhìn thấy một nhóm ít nhất 30 người tới khai quật ngôi mộ vào tối thứ sáu.

Nhà chức trách Myanmar khai quật mộ cô gái 19 tuổi bị bắn chết vì biểu tình? - Ảnh 3.

Trang phục y tế nằm ngổn ngang ở khu vực mộ của Kyal Sin – Ảnh: Reuters

“Họ lôi quan tài ra, đặt thi thể lên một chiếc ghế dài và kê một viên gạch dưới đầu”, nhân chứng giấu tên vì sợ bị liên đới trách nhiệm cho biết.

“Những người có vẻ là bác sĩ phẫu thuật đã làm gì đó với đầu thi thể. Họ lấy một mảnh nhỏ từ thi thể và cho nhau xem”.

Reuters nói chưa thể xác nhận những lời nhân chứng kể.

Nhà chức trách Myanmar khai quật mộ cô gái 19 tuổi bị bắn chết vì biểu tình? - Ảnh 4.

Trang phục bảo hộ y tế cũng được tìm thấy tại ngôi mộ – Ảnh: Reuters

Kyal Sin qua đời với một vết thương đẫm máu ở đầu. Truyền thông trước đó đã đưa tin Kyal Sin bị cảnh sát bắn chết.

Tờ Global New Light of Myanmar do chính phủ quản lý ngày 5-3 cho biết các chuyên gia đã phân tích bức ảnh và kết luận vết thương trên đầu Kyal Sin không nhất thiết là do vũ khí chống bạo động gây ra.

Các nhà chức trách lúc này đang điều tra cái chết của Kyal Sin và sẽ thông tin kịp thời.

Nhà chức trách Myanmar khai quật mộ cô gái 19 tuổi bị bắn chết vì biểu tình? - Ảnh 5.

Nhiều người Myanmar đến dự đám tang của Kyal Sin hôm 4-3. Cô trở thành biểu tượng của phong trào biểu tình chống đảo chính sau khi thiệt mạng vì bị bắn chết – Ảnh: Reuters

Kyal Sin nằm trong số 38 người thiệt mạng hôm thứ tư (ngày 3-3) – ngày đẫm máu nhất cho đến nay từ lúc biểu tình chống đảo chính nổ ra – trong chiến dịch trấn áp biểu tình của cảnh sát.

M.K.

Nguồn: tuoitre.vn

This entry was posted in Biểu Tình, Đảo chính, Myanmar, Quân phiệt, Tự do dân chủ. Bookmark the permalink.