Toàn văn báo cáo tổng hợp về quan hệ Mỹ – Việt do Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ thực hiện.
Huỳnh Minh Triết
Vào ngày 16/2/2021 vừa qua, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (Congressional Research Service – CRS) đã đăng tải một báo cáo tổng hợp về quan hệ Mỹ – Việt trên trang web của cơ quan này.
Thành lập vào năm 1914, CRS là một viện nghiên cứu chính sách công thuộc Quốc hội Mỹ, hoạt động theo nguyên tắc phi đảng phái. Viện này có vai trò cung cấp thông tin cần thiết cho các thành viên của Quốc hội, hỗ trợ hoạt động soạn thảo dự luật, các phiên tranh luận để thông qua luật, và giám sát việc thực thi những đạo luật đã thông qua.
Trong các báo cáo mà CRS thực hiện, có một dạng tóm tắt chỉ dài hai trang, được gọi là “In Focus report” (báo cáo trọng tâm). Các báo cáo trọng tâm này cung cấp cái nhìn tổng quát cho các nhà lập pháp Mỹ về những điểm quan trọng nhất trong từng vấn đề.
Báo cáo về quan hệ Mỹ – Việt (US – Vietnam relations) trong bài viết này thuộc nhóm sản phẩm “In Focus” đó. Tác giả của nó là Michael F. Martin và Mark E. Manyin, hai chuyên gia về quan hệ châu Á thuộc CRS.
Luật Khoa giới thiệu toàn văn báo cáo để giúp độc giả hiểu được cách các nhà lập pháp Mỹ nhìn nhận về quan hệ hai nước. Đồng thời, báo cáo cũng chứa những thông tin mà người Việt Nam khó tiếp cận qua các kênh truyền thông nhà nước. Các hình ảnh minh họa trong bài do Luật Khoa đưa vào.
Về quan hệ Mỹ – Việt
Năm 1995, Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Kể từ đó, nhờ các lợi ích kinh tế và chiến lược giao thoa, hai nước đã mở rộng mối quan hệ trên hàng loạt các phương diện. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc). Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.
Kể từ năm 2010, hai nước đã trở thành đối tác trong nhiều vấn đề khu vực, từ an ninh đến kinh tế. Một phần nguyên nhân là do hai nước chia sẻ mối quan ngại về việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các vấn đề khu vực, và do vị thế ngày càng tăng cao của Việt Nam trong nhóm các cường quốc tầm trung (middle power).
Hiện tại, Việt Nam đang đóng vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việc này mở ra thêm cơ hội cho việc tăng cường hợp tác song phương.
Các thông tin cơ bản về Việt Nam trong báo cáo của CRS. Việt hóa: LK
Có nhiều yếu tố giới hạn quy mô và tốc độ cải thiện quan hệ hai nước.
Thứ nhất, Việt Nam thường tính toán đến phản ứng của Trung Quốc trước khi tiến hành bất kỳ quyết sách ngoại giao lớn nào, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ.
Thứ hai, mặc dù các cuộc khảo sát dư luận đều cho thấy người dân Việt Nam có cái nhìn tích cực về Mỹ, giới quan chức Việt Nam vẫn nghi ngờ rằng mục tiêu dài hạn của Hoa Kỳ là chấm dứt quyền lực độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”.
Thứ ba, Mỹ quan ngại về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, vốn ngày càng tệ hơn trong mấy năm gần đây. Điều này vẫn là một rào cản đối với việc cải thiện quan hệ song phương.
Cơ cấu chính trị Việt Nam
Việt Nam là quốc gia chuyên chế độc đảng, do Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) nắm quyền. Trên thực tế, ĐCSVN thiết lập đường lối chính sách chung, còn công việc cụ thể do bộ máy chính phủ, Quốc hội và quân đội xử lý. Hai vị trí lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam là tổng bí thư đảng cộng sản và thủ tướng chính phủ.
Đầu năm 2021, ĐCSVN tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 13 để xác định nhân sự và thiết lập định hướng cho các chính sách kinh tế, ngoại giao và xã hội của Việt Nam. Đại hội đảng tổ chức 5 năm một lần.
Trong kỳ họp này, ông Nguyễn Phú Trọng (sinh tháng 4/1944) đã tái đắc cử chức Tổng bí thư đảng lần thứ ba. Ông được đặc cách khỏi quy định độ tuổi nghỉ hưu cũng như giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo. Ông là người lãnh đạo ĐCSVN lâu nhất kể từ thập niên 1980.
Từ trái qua: ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính. Ảnh: quochoi.vn
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng được miễn quy định độ tuổi nghỉ hưu, và được cho là sẽ trở thành Chủ tịch nước tiếp theo. Đây là một chức danh mang tính nghi thức ở Việt Nam.
Người được nhận định sẽ thay ông Phúc làm Thủ tướng là ông Phạm Minh Chính (sinh tháng 12/1958), hiện giữ chức Trưởng ban tổ chức trung ương đảng. Vào tháng Năm tới, Quốc hội sẽ họp và bầu các chức danh mới cho hai nhân vật này.
Công tác phòng chống COVID-19 của Việt Nam
Tính đến giữa tháng 2/2021, Việt Nam báo cáo có chưa đến 2.200 ca nhiễm bệnh và ít hơn 50 ca tử vong. Họ đạt kết quả này là nhờ hành động sớm, tiến hành hạn chế rồi dừng hẳn các hoạt động xuất nhập cảnh, phong tỏa toàn bộ khu vực dân cư có ca nhiễm, tiến hành xét nghiệm diện rộng và truy vết tiếp xúc. Các yếu tố khác giúp Việt Nam sớm kiềm chế được ổ dịch gồm có cơ cấu dân số tương đối trẻ, các kinh nghiệm đã có về đối phó với dịch bệnh trước kia, và chính phủ có quyền hạn lớn trong việc giám sát và hạn chế hoạt động của người dân.
Quan hệ Trung – Việt và căng thẳng Biển Đông
Mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Việt Nam là với Trung Quốc. Hai nước có cùng hệ thống chính trị do đảng cộng sản lãnh đạo, có kênh liên lạc xuyên quốc gia giữa hai đảng. Hai chính quyền Việt Nam và Trung Quốc thường chia sẻ nhiều quan điểm chính thức về quan hệ quốc tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, quan hệ Trung – Việt thường xuyên xảy ra căng thẳng. Trong hơn 10 năm qua, tranh chấp chủ quyền Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với nhiều vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã khiến căng thẳng giữa hai bên tăng mạnh. Điều này khiến Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải và mở rộng quan hệ với các cường quốc biển khác như Mỹ, Nhật và Ấn Độ.
Kể từ năm 2007, Trung Quốc ráo riết hành động nhằm củng cố các đòi hỏi chủ quyền của họ.
Việt Nam đã có động thái phản đối Trung Quốc vì các hành vi bắt giữ tàu cá của ngư dân Việt, gây sức ép buộc các công ty năng lượng phương Tây không làm ăn với Việt Nam trong vùng biển tranh chấp, và xây dựng bảy hòn đảo nhân tạo có trang bị quân sự ở Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc phản đối các hoạt động của Việt Nam như thăm dò dầu khí, đánh cá trong khu vực tranh chấp và bắt giữ các tàu cá của Trung Quốc.
Việt Nam cũng tăng cường sự hiện diện ở gần và trong các vùng biển tranh chấp, bao gồm việc mở rộng thăm dò và khai thác dầu khí để phục vụ nhu cầu năng lượng đang tăng ở trong nước.
Ngoài ra, Việt Nam có tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở những khu vực mình kiểm soát trên Biển Đông. Tuy nhiên, các hoạt động này có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với của Trung Quốc.
Hình ảnh được cho là chụp vào năm 2017 cho thấy quy mô các hoạt động quân sự hóa tại những đảo Trung Quốc đang chiếm giữ thuộc quần đảo Trường Sa (Spratly). Ảnh: Inquirer.net/ Philippine Daily Inquirer
Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến Mỹ và Việt Nam tăng cường hợp tác an ninh. Trong năm 2016, chính quyền Obama gỡ nốt quy định cấm vận đối với việc bán vũ khí sát thương và các dịch vụ đi kèm cho Việt Nam. Mọi đơn hàng xuất khẩu vật phẩm quốc phòng, cả sát thương và không sát thương, đều được Ban Giám đốc Sở Kiểm soát Thương mại Quốc phòng thuộc Bộ Ngoại giao đánh giá thẩm tra.
Chính quyền Obama và sau đó là chính quyền Trump đã ưu tiên hỗ trợ hàng hải cho Việt Nam. Hai chính quyền đã cung cấp 24 tàu hải giám cảnh vệ, máy bay không người lái, radar biển, và hai tàu tuần tra thuộc hệ Hamilton của Hải cảnh Mỹ (đã ngưng sử dụng) – đây là các tàu hải giám lớn nhất của Việt Nam.
Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực khác được tăng cường, do chính quyền Trump có chính sách giúp quân đội Việt Nam “phát triển khả năng thách thức năng lực triển khai sức mạnh của Trung Quốc”.
Tháng 3/2018, Carl Vinson trở thành hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ ghé cảng Việt Nam kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Tháng 2/2020, Theodore Roosevelt là chiếc mẫu hạm thứ hai cập cảng Việt Nam.
Nhân quyền
ĐCSVN duy trì hệ thống tổ chức sâu rộng khắp cả nước, cho phép họ có thể giám sát các hoạt động thường nhật của người dân. Trong ba thập niên qua, ĐCSVN dường như thực hiện chiến lược vừa cho phép một số hình thức biểu đạt cá nhân và tôn giáo, vừa tiến hành đàn áp có chọn lọc và ngày càng tăng đối với những cá nhân và tổ chức mà họ coi là mối đe dọa cho quyền lực độc tài của đảng.
Trong khi ĐCSVN cho phép người dân lập doanh nghiệp tư nhân và tham gia hoạt động tôn giáo, họ đàn áp mạnh tay đối với những gì bị coi là hoạt động chống chính quyền và một số tổ chức tín ngưỡng không đăng ký. Luật Việt Nam đòi hỏi các nhóm tín ngưỡng phải đăng ký và được nhà nước chấp thuận.
Trong nhiều năm qua, theo nhiều nhà quan sát, tình trạng đàn áp đối với giới bất đồng chính kiến và người biểu tình trở nên tồi tệ hơn. Chính quyền Việt Nam đã tăng cường năng lực về mặt luật pháp lẫn công nghệ để giám sát các hoạt động trên mạng xã hội của công dân. Chính quyền Việt Nam cũng gia tăng trấn áp giới blogger và những luật sư đại diện cho các nhà hoạt động nhân quyền và tự do tín ngưỡng, đặc biệt là những người bị cho là có liên hệ đến các mạng lưới vận động dân chủ hoặc những ai chỉ trích chính sách của chính quyền đối với Trung Quốc.
Từ trái sang: Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn – ba nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam vừa bị chính quyền xét xử vào tháng 1/2021. Ảnh: Luật Khoa tổng hợp
Chính quyền Trump vẫn duy trì các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên với Việt Nam và đưa ra những chỉ trích về nhân quyền với nước này trong nhiều báo cáo thường niên cũng như trong các phát ngôn cụ thể. Dù vậy, chính quyền Trump không tỏ ra coi trọng nhân quyền trong cách tiếp cận tổng thể với Việt Nam. Trong phiên họp Quốc hội thứ 116, hai dự luật S. 1369 và H.R. 1383 có nội dung lên án hoạt động vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam nhưng đã không được thông qua.
Kinh tế và thương mại
Trong thập niên qua, Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn ở châu Á, trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Một phần của thành công này là nhờ sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng do chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng lên, việc ký kết các thỏa thuận thương mại khu vực cũng như căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Theo số liệu thương mại của Mỹ, buôn bán hàng hóa song phương Mỹ – Việt năm 2020 đạt gần 90 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2019. Thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Việt Nam trong năm 2020 là 69,7 tỷ USD. Đây là mức thâm hụt lớn thứ ba trong số các quốc gia mà Mỹ có quan hệ thương mại.
Trong năm 2020, Việt Nam là nguồn nhập khẩu quần áo lớn thứ hai của Mỹ (sau Trung Quốc), và là một nguồn cung ứng lớn các mặt hàng điện máy, giày dép và đồ gỗ nội thất cho Hoa Kỳ.
Một số công ty Mỹ cáo buộc công ty Việt Nam cạnh tranh không công bằng. Chính quyền Trump đã cho điều tra hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam và liệt Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Một số công ty Việt Nam cáo buộc Mỹ ban hành các quy định thương mại vô căn cứ, phân biệt đối xử và áp đặt các giới hạn để hạn chế xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Một trong những nguồn cơn gây căng thẳng đặc biệt trong quan hệ thương mại hai bên là việc Mỹ áp đặt các quy định đối với nhập khẩu cá da trơn từ Việt Nam.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mỹ tăng liên tục qua các năm. Giá trị hàng hóa xuất khẩu (export) từ Việt Nam qua Hoa Kỳ vượt xa giá trị nhập khẩu (import). Nguồn: Vietnam Customs/ Vietnam Briefing
Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Việt Nam là một trong 26 nền kinh tế có tăng trưởng trong năm 2020. Việt Nam báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực (GDP) đạt mức 2,9% trong năm 2020, giảm từ mức 7% của hai năm trước đó.
Trợ cấp nước ngoài mà Mỹ cấp cho Việt Nam
Trong năm tài chính 2021, Quốc hội Mỹ phê chuẩn gần 170 triệu USD trợ cấp cho Việt Nam, lớn hơn 20% so với con số 141 triệu USD mà chính quyền Trump đề nghị.
Trong năm tài chính 2020, Quốc hội Mỹ cũng thông qua 165 triệu USD trợ cấp cho Việt Nam, nhiều hơn đề xuất của chính quyền Trump khoảng 6%.
Trong các năm tài chính 2018 và 2019, khoản trợ cấp cho Việt Nam mà Quốc hội thông qua lần lượt là 149 và 154 triệu USD, gần gấp đôi so với yêu cầu.
Chiến tranh Việt Nam vẫn còn để lại dấu tích nơi những tổn thất mà chất độc da cam (Agent Orange) và chất diệt cỏ dioxin gây ra cho con người và môi trường. Những chất độc này do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong giai đoạn 1961 – 1971.
Theo ước tính của Hội Nạn nhân Chất độc Da cam/ Dioxin Việt Nam (VAVA), có khoảng 2,1 đến 4,8 triệu người Việt Nam đã trực tiếp tiếp xúc với chất độc da cam.
Tính từ năm 2007, Quốc hội Mỹ đã duyệt chi hơn 380 triệu USD cho công tác loại bỏ dioxin và các chương trình y tế có liên quan. Khoảng 70% số tiền này được sử dụng để làm sạch dioxin. Một dự án hợp tác xử lý ô nhiễm dioxin ở Đà Nẵng đã hoàn tất vào năm 2017.
Năm 2020, Chính phủ hai nước đã phát triển kế hoạch tẩy độc dioxin kéo dài 10 năm tại căn cứ không quân Biên Hòa. Chi phí ước tính của dự án là 450 triệu USD.
Chính phủ Việt Nam đã thúc giục Mỹ hành động thêm trong việc loại bỏ dioxin và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Nguồn bản dịch: luatkhoa.org