Vì sao chiến dịch chống tham nhũng của CSVN không bao giờ có kết quả?

David Hutt, Diplomat February 23, 2021

Trúc Lam dịch

Các chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam và Lào tập trung vào tư cách đạo đức của các quan chức mà không giải quyết các cấu trúc chính trị, là điều khuyến khích tham nhũng.

Chúng ta hãy so sánh hai bài báo của Đài Á Châu Tự Do, bài thứ nhất đăng ngày 18/2 và bài thứ hai đăng ngày 19/2. Bài đầu cho chúng ta biết rằng, người lãnh đạo mới của đảng Cộng sản Lào, cựu thủ tướng Thongloun Sisoulith, đã ra lệnh cho Chủ tịch tỉnh hủy bỏ thỏa thuận mua một đội xe mới cho các quan chức địa phương mới đắc cử. Dường như lý do là, các nhà chức trách muốn được coi là thắt lưng buộc bụng và tránh phô trương công khai trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. Sau khi Thongloun trở thành thủ tướng năm 2016, ông đã khởi xướng một chiến dịch nhỏ chống tham nhũng, đã hết hơi vào năm 2018, nhưng bây giờ có khả năng quay trở lại.

Tuy nhiên, bài báo thứ hai cho chúng ta biết rằng, hai ứng cử viên tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội nước này, diễn ra hôm Chủ nhật [21/2/2021], đã bị loại khỏi danh sách bầu cử hồi tuần trước vì họ chỉ trích tham nhũng quá mạnh, gồm cả những gì xảy ra ở cấp cao nhất của đảng cầm quyền Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP). Như ở bất kỳ nhà nước cộng sản nào, Quốc hội Lào là cơ quan bù nhìn, có rất ít quyền lực và được cho là phụ thuộc vào bộ máy của Đảng – mặc dù là cơ quan được bầu trực tiếp duy nhất của đất nước, cơ quan này được giao trách nhiệm kiểm soát các quan chức.

Điều này được làm bằng cách nào? Những người cộng sản đã đưa ra những tuyên bố lớn về việc giải quyết tham nhũng trong những năm gần đây. Việt Nam được cho là chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng nhất trong nhiều thập niên, bắt đầu từ năm 2016 khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là người đứng đầu đảng [CSVN] tại Đại hội Đảng toàn quốc năm đó. Trung Quốc cũng vậy, Tập Cận Bình, Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư đảng Cộng sản, cũng khẳng định quan điểm của mình trong việc làm trong sạch Đảng.

Các số liệu hàng đầu cho thấy, có một số thành công trong trường hợp của Việt Nam. Phát biểu hồi tháng 12 năm 2020, ngay trước khi các đại biểu họp Đại hội đảng lần thứ 13, ông Trọng nói rằng, các nhà điều tra đã xem xét hơn 11.700 trường hợp. Trong số này, tòa án đã xét xử và truy tố 88 vụ, liên quan đến 814 người. Nhóm này gồm một ủy viên Bộ Chính trị, một số bộ trưởng và cựu bộ trưởng, và cả chục quan chức cấp cao trong quân đội. Từ đầu năm 2019, học giả Nguyễn Hồng Hải nhận xét: “Chưa bao giờ trong lịch sử Đảng Cộng sản có một số lượng lớn các quan chức cấp cao của Đảng và Chính phủ bị kỷ luật và trừng phạt nhiều như vậy”.

Tuy nhiên, câu hỏi không phải là tại sao mà là làm thế nào. Ông Trọng, 76 tuổi, đã giành được nhiệm kỳ thứ ba gần như chưa từng có tại Đại hội lần thứ 13 của đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng trước, một quyết định có nghĩa là đảng phải vượt qua hai chuẩn mực lâu đời được thiết kế để ngăn chặn độc tài lãnh đạo – giới hạn hai nhiệm kỳ đối với những lãnh đạo hàng đầu của đảng và dự kiến ​​sẽ nghỉ hưu sau khi 65 tuổi – và bây giờ có nghĩa là, ông Trọng là nhân vật quyền lực nhất của đất nước ​​kể từ thời Lê Duẩn, ông chủ đã lãnh đạo đảng trong phần lớn cuộc hiến tranh Việt Nam và sau đó xung đột với Campuchia và Trung Quốc.

Một quan sát được thực hiện hồi tháng 11/2018 của Cù Huy Hà Vũ, một nhà bất đồng chính kiến ​​từng là một quan chức trong Bộ Ngoại giao, đáng để xem xét bây giờ. Ông viết: “Vào lúc này, uy tín của chính phủ Việt Nam là do sự liêm chính được công nhận rộng rãi của… Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta không thể loại trừ khả năng tham nhũng có thể bùng phát trở lại, thậm chí với cường độ mạnh hơn trước, sau khi ông Trọng về hưu”. Chúng ta không thể, mặc dù hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, ông Trọng lẽ ra đã nghỉ hưu hồi tháng trước. Nhưng điều mà Vũ đang hướng tới là bản chất thật sự của các chiến dịch chống tham nhũng: Sự bất ổn cố hữu của chúng.

Ở Việt Nam, chiến dịch chống tham nhũng đi đôi với chiến dịch “đạo đức” nhằm thanh trừng những cán bộ có tư tưởng cải cách, cắt giảm số đảng viên, sự trung thành về ý thức hệ trở thành điều kiện tiên quyết để thăng chức và tạo ra vô số tài liệu nhấn mạnh rằng một “cán bộ chiến lược mới” sẽ được hình thành từ những người thể hiện sự tận tâm với các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, lòng trung thành với nhóm lãnh đạo hiện tại và sống có đạo đức.

Thay vì giải quyết gốc rễ hệ thống của sự tha hóa, họ cố gắng hoàn thiện bản chất con người. Tôi lập luận (và vẫn giữ lập luận này) rằng, điều này tiết lộ chủ nghĩa lý tưởng trong những người chống tham nhũng; họ tập trung vào đạo đức thay vì tập trung vào thể chế. Ngay cả khi cố gắng, người ta cũng không thể thiết kế một hệ thống hoàn hảo hơn hệ thống cộng sản của Lào và Việt Nam nếu người ta muốn tham nhũng phát triển mạnh: Các quốc gia độc đảng khép kính, nơi không có truyền thông tự do và không có tòa án độc lập, trong đó chỉ có kiểm tra và cân bằng, đến từ sự bảo trợ mà người ta nhận được từ cấp trên của mình.

Chẳng hạn, đôi khi ông Trọng dường như nhận ra bản chất hệ thống của tham nhũng. Là một phần của đặc điểm không nổi bật dành cho một nhà lãnh đạo cộng sản, phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam xem ông Trọng là “người đốt lò vĩ đại” vì nhận xét của ông rằng, tham nhũng giống như một đám cháy rừng; nó sẽ đốt cháy bất kỳ phần nào của củi, cho dù củi tươi hay củi khô. Ít nhất qua nhận xét này, ông ta có vẻ nhận ra rằng, tham nhũng cũng có thể thiêu rụi những quan chức ngay thẳng và trung thực nhất. Vì vậy, trên thực tế, nó không liên quan gì đến cá nhân.

Nhưng sau đó hãy lắng nghe những bình luận khác của ông ấy. Phát biểu trong năm 2018, ông Trọng nói: “Phải xây dựng cơ chế để kiểm soát… người được giao quyền và người có thẩm quyền dựa trên nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn”. Trên thực tế, điều này có nghĩa là cách duy nhất để kiềm chế tham nhũng là nếu các quan chức ở các vị trí cao hơn vốn có đạo đức và phẩm chất đạo đức hơn cấp dưới của họ. Hãy quên về chuyện kiểm tra và cân bằng.

Nhà báo kiêm nhà nghiên cứu Trần Lệ Thủy viết hồi năm 2019: “Phần lớn luận điệu của đảng Cộng sản tập trung vào sự cần thiết của ‘đạo đức và đạo lý’ của các quan chức chính phủ. Nhưng sẽ tốt hơn nếu chấp nhận rằng, tư lợi là một đặc điểm mạnh mẽ và không thể tránh khỏi của con người. Chỉ bằng cách ra lệnh cho các quan chức chính phủ hành xử trung thực theo ý thức công vụ, Đảng có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội thiết lập các cơ chế giám sát tham nhũng mạnh mẽ hơn và hợp lý hơn”.

Nhưng có một lý do rất tốt để không làm điều này. Ngay từ đầu, ông Trọng đã lưu ý rất sớm trong chiến dịch chống tham nhũng của ông rằng, ông không chuẩn bị “đập vỡ bình để bắt chuột”, có nghĩa là các nỗ lực chống tham nhũng sẽ dừng lại nếu làm suy yếu chính đảng CSVN.

Nhưng khía cạnh thứ hai, thường bị bỏ qua, là các chiến dịch chống tham nhũng cho phép những người đứng đầu hệ thống phân cấp cộng sản ở Việt Nam và Lào – cũng như ở Trung Quốc – tái tập trung quyền lực. Nếu việc thực thi các biện pháp chống tham nhũng có nghĩa là chỉ những người ở vị trí cấp trên mới được giao trách nhiệm để những người ở vị trí cấp dưới chịu trách nhiệm, thì chống tham nhũng trở thành một phương tiện mới để ràng buộc các đảng cộng sản tạp nham lại với nhau: Khôi phục quyền lực trở lại cho nhóm chóp bu.

Điều này đưa chúng ta trở lại hai bài báo của Đài Á Châu Tự Do. Theo một cách nào đó, hai bài là một ví dụ hoàn hảo về việc chống tham nhũng được sử dụng để tập trung quyền lực. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cho rằng, việc thanh trừng hai đại biểu quốc hội – những quan chức duy nhất thật ra được người dân bầu chọn, tuy nhiên cuộc bầu cử có thể vô ích – vì họ muốn tham gia vào chiến dịch chống tham nhũng. Điều này thật là quá đáng đối với các ông chủ của đảng, những người như ông Thongloun, đã nói tới trong ngày trước đó, tin rằng đó chỉ là mục đích của những người đứng đầu đảng để quyết định cách thức tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng.

Và đó là lý do tại sao các chiến dịch chống tham nhũng ở Lào và Việt Nam cuối cùng sẽ luôn thất bại. Bởi vì họ vốn dĩ là người từ trên xuống và tập trung vào việc chữa trị những cá nhân có khuynh hướng tự nhiên đối với tham nhũng trong một hệ thống không thể khắc phục được, họ sẽ cạn kiệt sức lực khi những người đề xuất của họ nghỉ hưu hoặc trừ khi không còn nạn nhân, như Trọng chỉ ra, cái bình phải bị đập vỡ để bắt tất cả các con chuột. Tệ hơn, cách chữa bệnh thường làm cho con bệnh nặng hơn.

Tính từ năm 2016, đảng CSVN hiện nay đã xé bỏ hầu hết mọi quy tắc phân chia quyền lực trong nội bộ để cung cấp cho ông Trọng ngày càng nhiều quyền lực hơn. Trong khi đó, ở Lào, những tiếng nói cải cách trong đảng và Quốc hội đang bị thanh trừng để bảo vệ chiến dịch chống tham nhũng.

D.H.

Nguồn: baotiengdan.com

This entry was posted in tham nhũng, Thể chế. Bookmark the permalink.