Câu hỏi đầu xuân: Có thể chọn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là UVTƯ Đảng được không?

Nguyễn Ngọc Chu

Vai trò của giáo dục quan trọng như thế nào thì đã được đề cập nhiều nên không nhắc lại ở đây. Chỉ xin trao đổi đôi điều về vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT) sau khi đã có danh sách các UVTƯ được bầu tại Đại hội XIII.

Năm lý do để yêu cầu không phải là UVTƯ khi chọn Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo

1.

Điểm qua danh sách các UVTƯ khoá XIII có liên quan đến giáo dục và khoa học, được Ban tổ chức trung ương, Ban bí thư và Bộ chính trị khoá XII lựa chọn từ các trường đại học và các cơ sở khoa học giáo dục để làm cán bộ nguồn, thì thấy rất lo cho vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGDĐT). Một cách thẳng thẳng, trong số các UVTƯ khoá XIII thuộc lĩnh vực giáo dục và khoa học, chưa nhìn ra một ứng viên nào xứng đáng với vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Chiếc áo Bộ trưởng BGDĐT đều quá khổ cho bất cứ ai trong số các ứng viên này.

2.

Đối với vị trí Bộ trưởng BGDĐT cần chọn người có tầm nhìn sáng về phát triển giáo dục và khoa học cho quốc gia. Để có tầm nhìn sáng về phát triển giáo dục và khoa học thì phải có tri thức rộng lớn về nhiều lĩnh vực, phải rất am hiểu về các khoa học liên quan đến sự phát triển của tự nhiên. Chẳng hạn như cố bộ trưởng Tạ Quang Bửu là một thí dụ được kiểm nghiệm.

3.

Tài năng không đi theo con đường tuần tự. Tài năng bước những bước lớn, bỏ qua những bước tuần tự tủn mủn. Cho nên, đối với vị trí Bộ trưởng BGDĐT không nên chọn theo cách tuần tự thông thường đang áp dụng cho việc tuyển chọn nhân sự hiện nay. Cụ thể là yêu cầu phải kinh qua các vị trí lãnh đạo từ thấp đến cao.

Thí dụ như ông Putin được ông Eltsin lựa chọn không theo con đường tuần tự. Thí dụ ông Donald Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ không qua con đường tuần tự. Yêu cầu kinh qua các vị trí lãnh đạo tuần tự từ thấp đến cao là phép loại bỏ các tài năng, bắt tài năng phải thui chột trước khi có được cơ hội toả sáng.

4.

Công dân Việt Nam, nếu xứng đáng với vị trí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì đó là những người có tri thức sâu rộng. Những người có tri thức sâu rộng chắc chắn không đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và tổ quốc. Cho nên, lựa chọ vị trí Bộ trưởng BGDĐT không nên quan tâm đến đảng phái tôn giáo.

5.

Học tập Cụ Hồ ở điểm nào?

Nhiều trí thức du học phương Tây được Cụ Hồ chọn vào Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà không phải là đảng viên ĐCS Đông Dương, cũng không nằm trong Ban chấp hành trung ương của ĐCS Đông Dương.

Học tập và làm theo gương Cụ Hồ chính là ở điểm này. Vì lợi ích dân tộc cần phải chọn cho được một vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xứng tầm, bỏ qua mọi rào cản về đảng phái, tôn giáo, lý lịch.

Đề xuất

Biết là rất khó khăn. Nhưng vẫn đề xuất.

1. Không yêu cầu phải là UVTƯ khi lựa chọn vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Không xét đến các tiêu chí đảng phái, tôn giáo và lý lịch trong để cử và ứng cử cho vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích và tôn chỉ của ĐCS VN. Điều này là học tập và làm theo Cụ Hồ.

2. Các ĐBQH mạnh dạn ứng cử vào vị trí Bộ trưởng BGDĐT.

3. Các công dân Việt Nam tự tin ứng cử vào ĐBQH và ứng cử vào vị trí Bộ trưởng BGDĐT.

4. Các vị UVTƯ và ĐBQH tiến cử người cho vị trí Bộ trưởng BGDĐT.

Chia sẻ

1. Nhớ lại tích xưa, khi Bão Thúc Nha có công rất lớn giúp Tề Hoàn Công (715 TCN – 643 TCN) lên được ngôi vua (685 TCN), lại từ chối chức Tể tướng mà tiến cử Quản Trọng (725 TCN – 645 TCN) cho Tề Hoàn Công để làm Tể tướng. Bão Thúc Nha là tấm gương thanh liêm, thẳng thắn, không tham quyền, không kỳ thị người tài, đã được sử sách ghi nhận.

Việc tiến cử người tài ra giúp nước ở thời xưa là một trong những cách thức tìm người hiền tài. Cách thức này được các vua quan thời trước thực thi thường xuyên và trở thành truyền thống. Nhưng không biết từ thời nào lại biến mất cách thức tiến cử người hiền tài?

2. Các vị ĐBQH hãy tự tin ứng cử vào vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Và tìm cách tiến cử những người có đủ năng lực vào vị trí Bộ trưởng BGDĐT. Đó là trách nhiệm của ĐBQH trước cử tri cả nước.

3. Lại thêm một giấc mơ đầu xuân. Mơ mãi tất thành hiện thực.

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Chu

This entry was posted in Đảng lãnh đạo, Giáo dục. Bookmark the permalink.