Hai “tin vui” dưới mắt một nhà khoa học

Nguyễn Ngọc Chu

I. Vài suy ngẫm về chương trình nghệ thuật đặc biệt tối 02/2/2021 trên sân vận động Mỹ Đình

I.

Không biết Hội diễn nghệ thuật chào mừng thành công Đại hội Đảng có từ bao giờ? Nhưng chắc chắn tại Đại hội II (1951, trong kháng chiến), và tại Đại hội III (1960, khi đã hoà bình) đều không có hình thức phô trương như bây giờ.

Trong thực tiễn, vấn đề nên hay không nên tổ chức lễ hội chào mừng có thể nói là 50/50, hãy chưa bàn đến. Vấn đề cần bàn là, khi đã tổ chức, thì quy mô và phương thức tổ chức sẽ như thế nào?

Ở phương diện này, Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của Đại hội XIII diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình tối ngày 02/2/2021 đã để lại những điều phải suy ngẫm.

1. Một là, chương trình diễn ra trong thời điểm bùng phát dịch covid 19 chủng loại mới rất nguy hiểm về tốc độ lây lan, mà lại tập trung nhiều ngàn người, trong đó có rất nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nếu lỡ xẩy ra lây lan covid 19 thì hậu quả sẽ rất tai hại.

Dẫu biết rằng, chương trình đã được chuẩn bị rất công phu từ trước với hơn 1800 nghệ sỹ, lại luyện tập dày công nhiều ngày, nếu bỏ đi thì thật tiếc.

Dẫu biết rằng Ban tổ chức đã cẩn thận kiểm tra test covid 19 cho tất cả những người tham gia chương trình.

Nhưng đặt lên bàn cân lợi hại thì sẽ rõ. Chuẩn bị công phu lớn như Olympic Tokyo mà cũng phải hoãn, nói chi đến một đêm biểu diễn.

2. Hai là, chương trình vô cùng tốn kém.

Tổ chức biểu điễn cho 1800 nghệ sỹ thì tốn kém nhiều về tài chính. Các đoàn không chỉ ở Hà Nội mà đến từ các tỉnh và cả từ TP HCM. Chưa nói đến công sức luyện tập nhiều ngày và nhiều lần diễn thử.

Lại thêm phải tổ chức kiểm tra test covid 19 cho mấy ngàn người tham dự, là một sự tốn kém đáng kể. Trong hoàn cảnh phải căng sức chống bùng phát covid chủng loại mới thì thấy thật khó biện hộ.

Tổng cộng tất cả lại, tính cho đầy đủ tất cả mọi thứ, thì đêm nghệ thuật 100 phút của hơn 1800 nghệ sỹ tối ngày 02/2/2021, để chào mừng thành công của Đại hội XIII, đã tiêu phí bao nhiêu tỷ đồng? cả của nghệ sĩ, cả của người đến dự?

3. Có cách nào tổ chức lễ chào mừng thành công Đại hội XIII đủ trang trọng, mà ít tốn kém hơn không?

Đảng luôn đề cao tiết kiệm. Chỉ thị 44/CT-TTg của Thủ tướng về không sử dụng ngân sách vào bắn pháo hoa trong dịp Têt là rất phù hợp và kịp thời. Nhưng chi phí lớn cho Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của Đại hội XIII diễn ra tối ngày 02/2/2021 trong lúc đại dịch covid bùng phát lại thì thật khó thuyết phục.

Đại hội Đảng thành công như thế nào thì đã rõ. Mức độ thành công của Đại hội XIII phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi cá nhân. Việc tổ chức “hoành tráng” lễ chào mừng thành công – không có nghĩa là mức độ thành công của Đại hội Đảng tỷ lệ thuận với sự “hoành tráng” của lễ chào mừng.

II.

Dẫu sao thì Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của Đại hội XIII cũng đã diễn ra tối 02/2/2021 rồi. Trao đổi những điều suy ngẫm trên là để những người có trách nhiệm tham khảo mà có những quyết định phù hợp cho những sự kiện tương tự trong tương lai.

Để cho những ai còn hoài nghi, xin đưa 3 câu hỏi sau đây.

1. Nếu không phải là ngân sách Nhà nước thì có đơn vị tư nhân nào đứng ra tổ chức lễ chào mừng thành công Đại hội XIII như chương trình tối 02/2/2021 không?

2. Nếu tổ chức lễ chào mừng thành công Đại hội XIII với phương thức kinh doanh bán vé thu tiền, lời ăn lỗ chịu, thì có đơn vị nào dám đứng ra tổ chức không?

3. Nếu bạn là người có quyền quyết định tối cao về tổ chức lễ chào mừng về mọi mặt, bao gồm cả kinh phí, thì bạn có tổ chức như đêm 02/02/2021 hay không?

Trong hai chục năm gần đây, nước ta đã chi quá nhiều tiền, một cách quá lãng phí, cho các cổng chào, các tượng đài, các lễ hội. Chi một cách xa hoa. Xa hoa là thứ người cộng sản dị ứng. Xa hoa đối nghịch với tính cách giản dị cần kiệm của giai cấp công nhân – đội ngũ tiên phong của Đảng.

Hái củi 3 năm đốt 1 giờ. Không sắm xe mới, không chạy theo đồ đắt tiền là điều rất quý. Nhưng quý hơn nữa là cắt bỏ được mọi hoạt động mang tính hình thức dẫn đến tiêu tiền lãng phí. Học tập Bác Hồ – xin đừng sao nhãng sự khiêm tốn, giản dị, thực chất, và hiệu quả. Đó là nghĩ đến Dân.

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và trong nhà


N.N.C.

Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Chu

II. Để mục tiêu 50 đại biểu Quốc hội là người ngoài đảng của Chủ tịch Quốc hội trở thành hiện thực

I. Tin vui

Báo Vietnamnet.vn ngày 04/2/20201 đưa tin:

“Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cơ cấu ĐBQH khóa mới phấn đấu người ngoài đảng từ 25-50”

(https://vietnamnet.vn/…/khoa-moi-phan-dau-co-25-50-dai…).

Đây là một tin vui. Vì là lần đầu tiên một trong những lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước – là đương kim Chủ tịch QH – công khai bày tỏ mong muốn của đảng và nhà nước phấn đấu để có được 50 ĐBQH là người ngoài đảng.

Có thể khẳng định, đây là đóng góp rất quý giá của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trong nhiệm kỳ Quốc hội XIV, nếu mục tiêu 50 ĐBQH người ngoài đảng được trở thành hiện thực trong Quốc hội khoá XV.

Để góp sức biến mục tiêu 50 ĐBQH người ngoài đảng của đảng, nhà nước và đương kim Chủ tịch QH thành hiện thực, xin đề xuất thể thức dưới đây.

1. Tại mỗi đơn vị bầu cử, ngoài số lượng ĐBQH là đảng viên, ghi rõ 1 ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng. Như vậy sẽ có 50 đơn vị bầu cử có 50 ghế dành cho ĐBQH không phải là đảng viên.

2. Tại mỗi đơn vị bầu cử có 1 ghế ĐBQH không phải đảng viên, cần 2 ứng cử viên không phải là đảng viên.

Vì đây là ghế ĐBQH dành riêng cho người ngoài đảng nên 2 ứng cử viên tự do sẽ không nằm trong danh sách hiệp thương của MTTQVN, mà lọt vào danh sách bầu cử qua con đường lấy chữ ký ủng hộ của cử tri.

Các ứng cử viên tự do phải có chữ ký ủng hộ của cử tri tại đơn vị tranh cử. Mỗi cử tri chỉ được ủng hộ cho một ứng cử viên tự do.

Trường hợp có nhiều hơn 2 ứng cử viên tự do, thì 2 ứng cử viên thu được nhiều chữ ký của cử tri hơn sẽ lọt vào danh sách bầu cử cuối cùng.

3. Các ứng cử viên tự do có quyền tranh cử ở bất cứ đơn vị bầu cử nào có ghế ĐBQH dành cho người ngoài đảng, không phụ thuộc vào quê quán, nơi thường trú hay tạm trú.

Xin khẳng định rằng, nếu tiến hành theo thể thức trên, đảm bảo dứt khoát có 50 ĐBQH là người ngoài đảng trong QH khoá tới. Và tất cả đều là những ĐBQH rất tài giỏi.

Nếu đảng và nhà nước muốn phấn đấu có nhiều ĐBQH là người ngoài đảng hơn nữa thì mỗi đơn vị bầu cử dành 1 ghế ĐBQH cho người ngoài đảng. Như vậy, tại 181 đơn vị bầu cử (theo số liệu bầu cử QH ngày 22/5/ 2016) sẽ có 181 ĐBQH là người ngoài đảng. 181/500 cũng chỉ là thiểu số (36,2%).

II. Các bạn trẻ ở đâu?

Xưa, khi giặc Ân sang xâm chiếm nước ta, nhà vua đã cho sứ giả đánh chiêng gõ mõ khắp cả nước, tận hang cùng ngõ hẻm, từ núi cao cho đến biển sâu, để tìm người tài ra giúp nước. Vì thế mới xuất hiện Thánh Gióng.

Nay, đảng và nhà nước đang tìm kiếm người tài giỏi ra ứng cử vào Quốc hội để giúp nước. Đảng và nhà nước đang cần 50 người tài. Các bạn trẻ tài giỏi ở đâu?

Thánh Gióng xưa chỉ mới 3 tuổi. Nay các bạn đã 30 tuổi, 40 tuổi. Đây là thời cơ giúp nước của các bạn. Các bạn không được bỏ lỡ.

Tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và sáng láng về trí tuệ. Vì sung mãn và sáng láng nên dứt khoát trong quyết định, dũng mãnh trong hành động.

Hãy tạo nên một nếp sống mới trong bầu cử ở Việt Nam. Hãy nghiền nát sự e dè. Hãy vứt bỏ sự khiêm tốn giả tạo. Hãy đường hoàng ra ứng cử. Cùng góp sức để mục tiêu 50 ĐBQH là người ngoài đảng của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, của đảng và nhà nước trở thành hiện thực.

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và văn bản cho biết '2021 M'

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyễn Ngọc Chu

(*) Đầu đề chung do BVN đặt

This entry was posted in quốc hội, Đại hội Đảng. Bookmark the permalink.