Phạm Đình Trọng
Trân trọng gửi đến bạn đọc xa gần bài viết tâm huyết của nhà văn Phạm Đình Trọng, mặc dầu quan điểm và văn phong trong bài không thể hiện chính kiến của Bauxite Việt Nam
1. Lọt vào BCT, Bộ Cai Trị, khoá 13 không phải chỉ có cậu ấm Bộ trưởng Tuấn Anh con ông Lương địa chất từng làm Chủ tịch nước. Một bộ trưởng kém cỏi, một nhân cách tầm thường, đội cái riêng lên đầu, đạp cái chung, đạp kỉ cương, đạp liêm chính, đạp danh dự, trách nhiệm quốc gia dưới chân.
Người đi cùng chuyến bay với vợ ngài Bộ trưởng chướng mắt khi thấy xe sang mang biển xanh, số hiệu quốc gia ra tận cửa máy bay đón bà mệnh phụ phu nhân diêm dúa, kênh kiệu. Chuyện đưa lên báo, gây ồn ào cả nước. Cả nước chướng mắt, bất bình về bà mệnh phụ kệch cỡm thì ít mà phẫn nộ bất bình nhiều về ông chồng Bộ trưởng chí tư vô công, dùng tài sản nhà nước thoả mãn thói đài các rởm học đòi làm sang của bà vợ trẻ mới đặt một chân vào giới thượng lưu, được ông chồng Bộ trưởng thoả mãn tối đa thói đài các rởm đó.
Một Bộ trưởng yếu kém gây thiệt hại cho người trồng lúa, để gian thương ép giá người làm ra hạt gạo, sản phẩm hàng hoá xuất khẩu mang thương hiệu quốc gia, lũng đoạn thị trường lúa gạo trong vụ xuất khẩu gạo.
Một Bộ trưởng tai tiếng trong đề bạt bất thường, bất minh quan chức dưới quyền, gây bất ổn trong bộ, gây trì trệ, sai trái trong công việc.
Một Bộ trưởng dung túng cho những nhóm lợi ích đua nhau làm thuỷ điện huỷ diệt rừng tự nhiên, tàn phá môi trường gây lũ quét, lũ ống, lũ rùng rợn, lũ triền miên, lũ chồng lũ cuốn trôi nhà cửa, cuốn trôi mạng sống người dân. Một Bộ trưởng dung túng cho đám tư bản hoang dã tìm kiếm lợi nhuận trên sinh mạng dân lành và trên sự tan hoang của thiên nhiên gấm vóc đất nước.
Trong BCT, Bộ Cai Trị, Bộ Cấp Thượng, Bộ Có Tiền còn có quan toà Nguyễn Hoà Bình mù loà công lí.
Quyền con người cao nhất, thiêng liêng nhất là quyền được sống và quyền tự do. Bảo đảm quyền con người, trong tố tụng hình sự của xã hội văn minh, nhân đạo có nguyên tắc suy đoán vô tội. Người phạm tội chỉ được xác định bằng vật chứng khách quan. Chỉ có lời cung chủ quan của bị can thì không thể kết tội. Với những bản án có khung hình phạt tử hình, suy đoán vô tội và tang chứng vụ án càng không thể thiếu.
Trong vụ án hai cô gái bị giết ở Bưu điện Cầu Voi, Long An năm 2008 chỉ có lời cung bất nhất, luôn thay đổi của bị can Hồ Duy Hải lúc nhận tội, lúc không. Các tang chứng giúp xác định chính xác tội phạm như máu, tinh dịch, dấu vân tay kẻ giết người đều bị nhân viên điều tra tiêu huỷ phi tang, để cơ quan điều tra tuỳ tiện làm án, tuỳ tiện kết luận. Không một tang chứng, cơ quan điều tra chỉ tập trung bạo lực trấn áp, buộc bị can nhận tội rồi tuỳ tiện làm án. Không một tang chứng, hai toà cấp dưới đã quyết tuyên tội chết cho một dân đen thấp cổ bé họng. Đến phiên toà giám đốc thẩm vụ án ngày 8.5.2020, Chánh toà Tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng mù loà công lí, vẫn nhắm mắt tuyên tử hình với Hồ Duy Hải.
Người dân kinh hoàng và vô cùng bất an trước sự mù loà công lí của người đứng đầu các quan toà cả nước. Theo dõi buổi giải trình của Chánh toà Tối cao Nguyễn Hoà Bình trước Quốc hội ngày 15.6.2020, người dân càng thất vọng, ngao ngán về sự trí trá của ông Chánh toà Tối cao. Nay ông Chánh toà trí trá, mù loà công lí Nguyễn Hoà Bình chễm chệ trong Bộ Cai Trị. Bộ Cai Trị mù công lí thì cả nước trong ngút trời điêu linh, dân lành chìm đắm trong bất công, lầm than, đau khổ, ai oán, oan khiên.
Thời phong kiến suy tàn chỉ có một khúc Cung oán ngắn ngủi do trái tim nhân hậu Nguyễn Gia Thiều chia sẻ với một thân phận ai oán thời đó. Thời cộng sản rực rỡ quang vinh, Cung oán không chỉ là một khúc ngâm ngắn ngủi, lẻ loi, thầm thì, rên rỉ chốn thâm cung mà là những cung oán gào thét trên khắp đất nước, những Cung Oán Liên Khúc, những trường ca bất tận ai oán hận thù, đau đớn giống nòi.
Cung oán với cả một vùng đất, với cả một cộng đồng dân cư. Hàng ngàn dân đen cũng bị giày xéo, bắn giết như giẫm đạp, như giết một bầy ong, một bầy kiến. Cung oán Văn Giang. Cung oán Dương Nội. Cung oán Thủ Thiêm. Cung oán Lộc Hưng. Cung oán Đồng Tâm. Cung oán thảm hoạ Formosa. Cung oán thuỷ điện miền Trung…
Cung oán với từng thân phận con người. Cung oán Nguyễn Thanh Chấn. Cung oán Huỳnh Văn Nén. Cung oán Hàn Đức Long. Cung oán Nguyễn Văn Chưởng. Cung oán của những người thầy vô tội Đinh Đăng Định, Đào Quang Thực sống lay lắt, chết thê thảm trong ngục tù. Cung oán Hồ Duy Hải. Cung oán doanh nhân kĩ sư Trần Huỳnh Duy Thức. Cung oán nhà báo sắc sảo Phạm Đoan Trang. Cung oán nhà báo, nhà chính trị Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ. Cung oán nhà văn Phạm Thành. Cung oán kĩ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh. Cung oán thạc sĩ thuỷ sản Đinh Thị Thu Thuỷ. Cung oán sinh viên nồng nàn yêu nước Phan Kim Khánh. Cung oán của những công dân tự do, lương thiện thường xuyên bị công an bủa vây quanh nhà, chặn cửa không cho ra khỏi nhà, tước quyền con người cơ bản là quyền đi lại. Tước cả quyền mưu sinh, chặn mọi ngả đường tìm việc làm kiếm sống. Tước quyền làm việc đóng góp cho xã hội của công dân.
Lùi lại chút xíu thời gian là những Cung oán ngút trời đau thương. Cung oán Cải cách Ruộng đất. Cung oán Nhân Văn Giai Phẩm. Cung oán Xét lại chống Đảng. Cung oán cải tạo tư sản. Cung oán tù đày những trí tuệ, những hiền tài không cùng ý thức hệ cộng sản trong những nhà giam hà khắc đói khổ, ăn chỉ qua bữa, không đủ nuôi cơ thể, bệnh tật không thuốc men, chết dần chết mòn trong âm thầm vô tăm tích. Điển hình là người thầy lớn của cả nền giáo dục đầy thành tựu Việt Nam Cộng hoà, giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã chết mòn mỏi, âm thầm ở nhà tù Ba Sao, Hà Nam năm 1986 sau mười một năm tù đày hà khắc chỉ vì đã mang trí tuệ, đức độ và tài năng đóng góp cho nền giáo dục tốt đẹp Việt Nam Cộng hoà.
Cung oán diễn ra dồn dập, liên tiếp trên khắp đất nước, không sao kể xiết. Đất nước của sử vàng chói lọi Bạch Đằng, Đống Đa. Đất nước của bất tận ca dao, dân ca lấp lánh về cái đẹp, về tình yêu. Trúc xinh trúc mọc đầu đình. Em xinh em đứng một mình cũng xinh. Trúc chỉ xinh, người chỉ đẹp để đi vào ca dao chỉ có trong thời đại đẹp, trong đất nước hoà thuận yên vui.
Đất nước hoà thuận yên vui không còn nữa. Đất nước hôm nay chỉ còn là cường quốc của bạo lực, cường quốc của cái xấu, cái ác lộng hành, cường quốc dân oan! Thời cường quốc dân oan thì đương nhiên súng đạn, bắt bớ, bắn giết phải đi vào ca dao dân gian:
Muôn đời nhớ chuyện Đồng Tâm
Ba ngàn cớm trẻ giết ông lão què.
Và:
Hoan hô chiến sĩ Đồng Tâm
Nhà dân đột nhập tay cầm AK
Chiến công giết được cụ già
Bắt thằng địch sống tuổi ba tháng tròn!
Cung oán ngâm khúc thế kỉ 18 chỉ có một tác giả là quan Tổng binh Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều. Nhân vật Cung oán ngâm khúc chỉ thấp thoáng số phận hẩm hiu, đau khổ về đời sống tình cảm, đời sống tâm sinh lí của một cung phi hơ hớ tuổi xuân, đằm thắm nhan sắc bị giam cầm, bị lãng quên trong cung cấm âm u, lạnh lẽo như trong nhà xác.
Mọi người dân Việt Nam hôm nay dù là trí thức trong tháp ngà trí tuệ chữ nghĩa hay người dân cần lao lam lũ đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên ruộng đồng, trong xưởng máy vừa là nhân vật để lại thân phận ai oán trong Trường Ca Cung Oán Liên Khúc thế kỉ 21, vừa là tác giả ghi lại số phận oan khuất, đau khổ của mình.
Nhiều Cung oán đã thành sách xuất bản. Dù xuất bản chui, xuất bản ở nước ngoài nhưng nhân vật trong sách là những nhân chứng chân thực về thân phận con người trong thời kì lịch sử đau đớn của loài người, thời cộng sản ai oán. Sách đã nhanh chóng phát hành khắp thế giới, đã dịch ra nhiều ngôn ngữ thế giới. Đêm giữa ban ngày của nhà văn Vũ Thư Hiên. Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Hoa xuyên tuyết của nhà báo Bùi Tín. Hồi kí một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải. Kẻ bị mất phép thông công của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Đến già mới chợt tỉnh của nhà báo Tống Văn Công… Còn hàng ngàn, hàng vạn Cung oán mới chỉ là bản thảo hoặc đang viết, sẽ viết.
Những hiền tài của đất nước đang trong ngục tù mang thân phận Cung oán hôm nay do Bộ Cai Trị mù loà công lí tạo nên sẽ là những tác giả Cung oán ngày mai tố cáo về một thời cộng sản mù loà công lí, quyền con người bị chà đạp, hiền tài bị đầy đoạ để những kẻ giá áo túi cơm bất tài và tham lam chiếm vị trí quốc gia, hại dân, hại nước.
Nhất là những người tù oan vốn là nhà văn, nhà báo, có cây bút trong tay, có cảm hứng văn chương, nhạy cảm với thân phận con người thì Cung oán của họ không phải chỉ là tiếng thét vang động thế giới tố cáo về một thời cả dân tộc Việt Nam và từng thân phận con người Việt Nam chìm đắm trong ai oán oan khiên mà những Cung oán đó còn là những tấm bia khắc ghi một thời đại Cung oán trong thời gian, trong lịch sử.
Lịch sử trớ trêu và bỡn cợt khi trường học mang tên người viết Cung oán ngâm khúc thế kỉ 18, Nguyễn Gia Thiều, lại là nơi Đảng trưởng cộng sản Nguyễn Phú Trọng học hỏi để tạo ra một thời trường ca Cung Oán Liên Khúc thế kỉ 21.
2. Dưới BCT, Bộ Cai Trị 18 người là cái nền, là điểm tựa 200 người được gọi là Ban Chấp Hành, BCH. Vì đã có cái đỉnh BCT, Bộ Cai Trị, Bộ Cấp Thượng, Bộ Có Tiền nên cái nền BCH phía dưới được dân gian đọc là Ban Chỉ Huy, Ban Cấp Hạ, Ban Có Hưởng. Ban Có Hưởng nên luôn có những khuôn mặt xôi thịt, giá áo túi cơm. Khoá 12 vừa kết thúc, những thành viên Ban Có Hưởng như Triệu Tài Vinh, Nguyễn Nhân Chiến là Bí thư Tỉnh uỷ đã đưa cả nhà, cả họ lên ghế quan trị nhậm trong tỉnh. Cả nhà, cả họ mượn uy nước cướp quyền dân, cưỡi cổ dân, hưởng ơn dân lộc nước.
Khoá 13 này chỉ xin điểm một gương mặt nổi cộm thành viên Ban Có Hưởng vừa được Đại hội 13 hoành tráng và dày công bầu chọn, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường.
Công dân Phạm Đình Quý có học vị Tiến sĩ đang giảng dạy bậc đại học ở Sài Gòn chính danh và đúng pháp luật tố cáo ông Cường ăn cắp trí tuệ, kiến thức, công trình nghiên cứu của người khác đưa vào luận vănTiến sĩ của ông Cường. Không phải chỉ có Tiến sĩ Phạm Đình Quý tố cáo ông Cường. Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn cũng có đơn tố cáo ông Cường đánh cắp công trình khoa học.
Một vụ việc dân sự đơn giản, bình thường của cá nhân với cá nhân. Vụ việc dân sự phải giải quyết theo thủ tục và tổ chức hành chính dân sự là toà án dân sự. Quyền uy như Tổng thống Mỹ Donald Trump lồng lộn, gầm thét cho rằng bị đánh cắp phiếu bầu cử nên không đủ phiếu tái cử nhiệm kì hai. Sự việc hình sự nghiêm trọng cấp nhà nước, gây sôi sục cả xã hội Mỹ. Vậy mà ông Tổng thống đầy hiếu thắng và đầy quyền uy Donald Trump có cả Bộ Tư pháp liên bang trong tay, có cả Đảng Cộng hoà sau lưng cũng phải thảo hết đơn kiện này đến đơn kiện khác. Tổng thống cũng phải hơn sáu mươi lần phát đơn kiện ra toà án rồi bồn chồn đứng ngồi trong phòng Bầu dục Nhà Trắng chờ toà phán.
Chỉ là Bí thư Đảng bộ cấp tỉnh, ông Cường đã ngạo ngược khinh bỉ pháp luật của nhà nước cộng sản, khinh bỉ giá trị làm người của người dân đến mức ra lệnh miệng cho công an tỉnh toả đi, lùng bắt hai Tiến sĩ Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn. Cả chục công an trên xe công vụ, lăm lăm súng đạn, loảng xoảng còng sắt từ Đắk Lắk ầm ầm chạy xuống Sài Gòn. Không một mảnh giấy hợp pháp bắt người, như cảnh sai nha bắt người trong Truyện Kiều “Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”, công an Đắk Lắk ào ào như sôi xông vào bắt Tiến sĩ Quý khi Tiến sĩ Quý đang cùng vợ đi ăn tối.
Chỉ riêng thói cậy quyền uy, cậy sức mạnh bạo lực nhà nước có trong tay, ra lệnh miệng bắt người của ông Bí thư Cường đã xếp ông Cường vào loại lục lâm thảo khấu, cướp đường, cướp chợ chứ không còn là con người lương thiện biết hành xử theo pháp luật. Hung hãn, cuống cuồng bịt miệng nhà khoa học chính danh tố cáo hợp pháp bằng bạo lực nhà nước phi pháp đã bộc lộ đầy đủ bản chất của ông Bí thư Cường. Ngoài con người bất lương, côn đồ không xứng là một công dân lương thiện bình thường, sự việc còn cho thấy luận văn tiến sĩ của ông Cường là thực sự có vấn đề, thực sự có khuất tất, gian dối.
Nếu là luận văn khoa học xứng đáng, đàng hoàng, chính trực thì càng được thẩm định, càng được săm soi, giá trị luận văn càng được khẳng định, việc gì phải cuống cuồng lo sợ rồi cầu cứu cơ quan Đảng là Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương, nơi không có chức năng thẩm định văn bản khoa học, cũng không phải cơ quan thanh tra có chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nơi chỉ dựa vào hồ sơ, lí lịch chính trị Uỷ viên Trung ương Đảng Bùi Văn Cường rồi sốt sắng bao che cho ông Cấp uỷ Trung ương: “đồng chí Bùi Văn Cường không có hành vi đạo văn”. Tưởng là làm đúng chức năng bảo vệ Đảng nhưng Ban bảo vệ chính trị nội bộ Đảng đã bôi nhọ lên sự nghiêm minh của một đảng cầm quyền. Cơ quan Đảng đã làm thay cả cơ quan pháp luật nhà nước để bảo vệ một quan đảng đã hiện nguyên hình là côn đồ, bất lương, là lục lâm thảo khấu, đại ca xã hội đen.
Một công dân tồi tệ, một nhân cách nhem nhuốc, khuyết tật như ông Cường vẫn yên vị, đàng hoàng là một phần của cái nền, là điểm tựa của Bộ Cai Trị, có quyền quyết định vận mệnh của dân của nước sẽ lại tạo thêm nhiều Cung oán cho dân cho nước. Và thực sự ông Đảng uỷ Trung ương Bùi Văn Cường đã tạo ra hai Cung oán khi không có văn bản bắt giam được cơ quan có trách nhiệm phê duyệt, chỉ bằng quyền uy Bí thư Tỉnh uỷ, ông Cường lệnh miệng cho công an tỉnh bắt và tống giam phi pháp hai nhà khoa học chân chính từ tháng 9. 2020 đến nay.
Đơn tố ông cấp uỷ Đảng Trung ương Bùi Văn Cường có hành vi đánh cắp trong khoa học là dịp tốt để tổ chức Đảng kiểm tra lại phẩm chất đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng. Cán bộ Đảng cấp nào trước hết cũng phải là công dân. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chỉ cơ quan pháp luật nhà nước mới có thẩm quyền phán xét hành vi tư pháp của công dân. Hai Tiến sĩ khoa học Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn tố cáo chính danh và hợp pháp ông Cấp uỷ Trung ương Bùi Văn Cường ăn cắp trong khoa học phải được cơ quan chức năng nhà nước xem xét minh bạch, công bằng. Sự xem xét đó cũng là căn cứ xác đáng nhất xác định tài đức ông Cường.
Hai nhà khoa học chân chính tố cáo chính danh và hợp pháp hành vi đánh cắp khoa học của ông Cường vẫn âm thầm trong ngục tối trên mảnh đất do ông Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Cường trị nhậm. Pháp luật chưa xem xét hành vi ăn cắp trong khoa học của Đảng uỷ viên Trung ương Bùi Văn Cường nhưng con người côn đồ, lục lâm thảo khấu, đại ca xã hội đen của ông Cường đã lồ lộ và là sự xúc phạm, sỉ nhục nghiêm trọng, nặng nề thanh danh, uy tín đảng cầm quyền nhưng ông Cường vẫn được cơ cấu, lèo lái để có đủ phiếu lọt vào Đảng uỷ Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền.
Con người nắm quyền lực hành xử côn đồ, lục lâm thảo khấu với dân vẫn có suất trong Ban Có Hưởng buộc người dân phải nghĩ đến sự khuất tất, mờ ám, nghĩ đến những lối mòn chạy chức chạy quyền giúp ông Cường lấp liếm được sự tồi tệ, bệnh hoạn trong nhân cách, chen chân vào được Ban Có Hưởng Trung ương. Có nhiều nẻo đường phải chạy. Chỉ xin nêu bóng ông Cường thấp thoáng trên một nẻo vắng. Nếu ông Cường không chạy thì Tiểu ban Bảo vệ chính trị Trung ương Đảng, nơi chẳng liên quan gì đến thẩm định và kết luận về tai tiếng trong luận văn Tiến sĩ của ông Cường bỗng hăng hái và kịp thời mang tổ chức Đảng ra xí xoá tai tiếng trong luận văn Tiến sĩ bị tố cáo của ông Cường.
3. Biển ngàn đời của tổ tiên người Việt để lại bị giặc “Bốn tốt, Mười sáu chữ vàng” kéo tàu lớn súng to đến diễn tập hết trận này đến trận khác, hết năm này sang năm khác, chúng coi biển của tổ tiên người Việt là biển của chúng. Ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng vẫn ngậm tăm.
Dân mất nhà cửa, mất mạng sống bởi lũ quét do thuỷ điện tàn sát rừng gây ra. Cả gia đình dân, cả một thê đội lính, có cả cấp tướng, cấp tá chết thảm trong đất vùi do núi lở, mưa rừng. Ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng vẫn vô cảm lặng tinh.
Cả năm trời người dân cả nước gồng mình chống chọi dịch bệnh Covid. Sản xuất đình đốn. Hàng triệu lao động mất việc làm. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế giảm sút. Trong gian nan vật vã của dân của nước, ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng mất tăm tích, không một lời chia sẻ lo toan với dân với nước.
Nhưng báo chí của Đảng hàng ngày vẫn dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng nói về nhân sự đảng của ông. Là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng 13, ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng luôn ra rả, luôn thống thiết nói về chống chạy chức chạy quyền trong lựa chọn nhân sự Đại hội 13. Ông luôn khẳng định, luôn đinh ninh ý nguyện không để người suy thoái đạo đức, xa dân, mất lòng dân lọt vào cơ quan quyền lực của Đảng. Thì ra ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng chỉ lo việc đảng của ông. Ông chỉ biết có Đảng.
Nhưng nhìn những khuôn mặt được Đại hội 13 trao quyền lực, những khuôn mặt được Trưởng Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Phú Trọng lên danh sách tiến cử và giải thích bảo vệ sự tiến cử đó để có được sự tập trung phiếu bầu thì thấy rõ sự lựa chọn nhân sự của ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, của Đại hội 13 là không căn cứ vào đức độ con người và năng lực làm việc mà căn cứ vào thế lực chính trị bảo lãnh cho nhân sự đó. Vì vậy mới có Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hoà Bình trong Bộ Cai Trị. Mới có cả ông Bùi Văn Cường mang quyền lực Đảng ra hành xử côn đồ, xã hội đen với dân.
P.Đ.T.
Tác giả gửi BVN