9 ‘bất cập’ lâu nay về quyền giám sát của tổ chức Mặt trận Tổ quốc

Minh Hội

Đang ‘tồn tại’ ít nhất 9 ‘bất cập’ về quyền lực giám sát của Mặt trận Tổ quốc, và các tổ chức chính trị – xã hội trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

“Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Phần ở trên là trích điều 1, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều 1 của luật này còn nói rằng, “Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Thế nhưng, xin được đi thẳng vấn đề theo đúng ngôn từ quen thuộc của tuyên giáo, đó là đang ‘tồn tại’ ít nhất chín ‘bất cập’ về quyền lực giám sát của Mặt trận Tổ quốc, và các tổ chức chính trị – xã hội trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Một là, chưa có sự phối hợp giữa giám sát của nhân dân đại diện là Mặt trận Tổ quốc với giám sát của cơ quan mang tính quyền lực nhà nước.

Các chủ thể trong tiến hành giám sát còn rời rạc, thiếu đồng bộ, hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc cũng như của hệ thống giám sát chưa cao. Việc phối hợp giải quyết kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, các Bộ, ngành nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân; vẫn còn tình trạng một số kiến nghị giám sát giải quyết kéo dài, không dứt điểm, có sự đùn đẩy, né tránh của các cơ quan chức năng.

Tương tự, trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước trong việc xử lý các yêu cầu có từ hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc, và các tổ chức chính trị – xã hội chưa xác định cụ thể, rõ ràng.

Bên cạnh đó, “việc theo dõi sau giám sát còn buông lỏng, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động giám sát và uy tín của các đoàn giám sát” (1).

Hai là, mô hình hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội chưa độc lập với các cơ quan nhà nước. Các thiết chế này vẫn lệ thuộc vào chính đối tượng bị giám sát, phản biện về ngân sách, biên chế.

Về cơ bản, nguồn kinh phí để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát chưa có nguồn độc lập, “cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước đối với MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội còn bất cập; một số quy định về tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý tài chính, tài sản đối với tổ chức công đoàn chưa phù hợp” (2).

Trên thực tế, kinh phí, cơ sở vật chất để phục vụ hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội đối với các cơ quan nhà nước, chủ yếu phụ thuộc vào cơ quan nhà nước và chủ doanh nghiệp cho nên tính độc lập khách quan trong kiểm tra, giám sát còn hạn chế.

Trên thực tế, Mặt trận Tổ quốc các cấp mới chỉ đóng vai trò là cơ quan phối hợp, là cơ quan tham gia thực hiện giám sát chứ chưa thể hiện được hết vai trò giám sát của mình một cách chủ động với các chủ thể kiểm soát quyền lực nhà nước khác.

Ba là, pháp luật chưa tạo ra cơ chế công khai cung cấp thông tin trong hoạt động giám sát, chưa xác định rõ trình tự, thủ tục và trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tiếp nhận giải quyết kiến nghị giám sát.

Do vậy, một số kiến nghị, phản ánh về kết quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc gửi đến cơ quan nhà nước chưa kịp thời xử lý, hoặc chưa được giải quyết thấu đáo. Trên thực tế, việc giải quyết, trả lời ý kiến của một số bộ, ngành, các cơ quan chức năng còn hình thức.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc các cấp sử dụng các hình thức giám sát đối với các đối tượng giám sát chưa đa dạng và đồng bộ.

Pháp luật quy định bốn hình thức giám sát cơ bản của Mặt trận Tổ quốc là: (1) nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; (2) tổ chức đoàn giám sát; (3) thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; (4) tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tuy nhiên ở các cấp, Mặt trận Tổ quốc địa phương và kể cả Trung ương mới chỉ chú trọng vào hình thức giám sát tổ chức đoàn giám sát mà chưa quan tâm thích đáng các hình thức giám sát khác.

Trong đó, sử dụng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản, giám sát văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân chưa được quan tâm đúng mức.

Như vậy, việc sử dụng hình thức giám sát nào đối với từng nội dung giám chưa được Mặt trận Tổ quốc tính toán hiệu quả. Trên thực tế, sử dụng hình thức giám sát như tổ chức các đoàn giám sát lại gặp không ít khó khăn như: việc tổ chức phức tạp, đòi hỏi nhiều nhân sự tham gia; tốn kém về kinh phí, phương tiện, việc bố trí thời gian….

Vai trò giám sát của các tổ chức thành viên của Mặt trận đối với bộ máy nhà nước rất mờ nhạt, chủ yếu là một số quy định về trách nhiệm của các tổ chức này trong việc động viên đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia giám sát một số lĩnh vực quản lý hành chính liên quan đến chức năng của tổ chức đó.

Năm là, giám sát của Mặt trận Tổ quốc phần nhiều mới được thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát, chưa có những phương thức giám sát đúng nghĩa và giám sát hầu như mới chủ yếu ở cấp cơ sở.

Nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận chưa được cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết và trả lời, mặc dù một số lĩnh vực đã có quy định của pháp luật.

Ở nhiều địa phương, Mặt trận Tổ quốc chưa tiến hành thường xuyên các hoạt động giám sát theo chuyên đề; việc tổ chức giám sát còn dựa nhiều vào báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát. Ở một số nơi, việc theo dõi sau giám sát của Mặt trận Tổ quốc còn bị buông lỏng, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị.

Công tác giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh ít được quan tâm; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Mặt trận Tổ quốc hiệu quả chưa cao.

Sáu là, Mặt trận Tổ quốc sử dụng hình thức giám sát thông qua hoạt động Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng vẫn còn hạn chế.

Pháp luật quy định Ban Thanh tra nhân dân là một thiết chế bán chuyên trách thực hiện giám sát mang tính xã hội. Tuy nhiên, địa vị pháp lý cũng như thiết kế mô hình hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân lại cùng một đạo luật với  Thanh tra Nhà nước – Luật Thanh tra năm 2010. Điều đó cho thấy đang có sự lúng túng, khó khăn trong việc tìm kiếm mô hình phù hợp bảo đảm hiệu quả hoạt động giám sát của thiết chế này.

Thêm vào đó, tuy là cùng được quy định trong một văn bản luật nhưng không hề có sự liên hệ, hỗ trợ nhau giữa Thanh tra Nhà nước và Thanh tra nhân dân ở cấp chính quyền cơ sở và các cơ quan nhà nước trong việc xử lý kết quả giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.

Bảy là, hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội còn nhiều bất cập và chưa đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, nội dung giám sát của công đoàn rộng, thiếu cụ thể hóa những nhiệm vụ giám sát theo chức năng của công đoàn. Trong khi đó chưa có chế tài trong thi hành kết luận giám sát nên hiệu quả giám sát đang bị hạn chế. Công tác kiểm tra, tham gia, giám sát của công đoàn ở một số nơi còn hình thức (3).

Tương tự, Hội Nông dân thực hiện nhiệm vụ giám sát đối với các cơ quan nhà nước còn bất cập. Đó là, “một số nơi công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên; nội dung kiểm tra, giám sát còn sơ sài, thiếu cụ thể; việc triển khai thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị còn chậm” (4).

Đoàn Thanh niên cộng sản triển khai thực hiện Hướng dẫn 47 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn (Hướng dẫn số 47 HD/TWĐTN-BKT về hướng dẫn thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội) ở cơ sở còn hạn chế, thụ động (5).

Trong khi đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ ở một số địa phương thực hiện nhiệm vụ giám sát còn “lúng túng, chưa tích cực thúc đẩy việc thực hiện các chủ trương chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Việc mở rộng tính liên hiệp của tổ chức Hội còn hạn chế” (6).

Hoạt động của Hội Cựu chiến binh trong giám sát còn thiếu chiều sâu; việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên khi bị vi phạm chưa mạnh; việc phát hiện, đề xuất xử lý vi phạm các chính sách, pháp luật sau chiến tranh mji8 thương binh giả, bệnh binh giả, hưởng chế độ khác không đúng… của các tổ chức, cá nhân còn chưa kịp thời (7).

Tám là, việc giải quyết, trả lời ý kiến của một số bộ, ngành, các cơ quan chức năng còn hình thức trong khi chưa có cơ chế áp dụng biện pháp chế tài thích hợp đối với các cơ quan nhà nước, và người có thẩm quyền trong việc không hoặc chậm tiếp nhận và xử lý kết quả giám sát do Mặt trận Tổ quốc kiến nghị.

Chín là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội các cấp, chủ yếu cử đại diện tham gia các đoàn giám sát do các cơ quan nhà nước tổ chức, chưa chủ trì tổ chức được nhiều các hoạt động giám sát độc lập (8).

Nhiều lĩnh vực hoạt động giám sát tuy có cơ chế đầy đủ, rõ ràng, hoặc pháp luật quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện, nhưng việc xem xét, xử lý của cơ quan chủ quản không thực hiện đúng các quy định về thời hiệu giải quyết vụ việc, làm cho hoạt động giám sát trong nhiều trường hợp không được giải quyết kịp thời và dứt điểm, gây bức xúc cho công dân và khó khăn cho cán bộ Mặt trận thực thi công việc giám sát (9).

Bên cạnh đó, các thông tin về chính sách đầu tư của Nhà nước hầu như chưa được công khai, minh bạch để nhân dân thấy được lợi ích và trách nhiệm của mình, cũng là trở ngại lớn cho hoạt động giám sát của Mặt trận và dễ phát sinh các “điểm nóng” về khiếu kiện.

Thay lời kết

Sở dĩ bài viết này viện dẫn nhiều nguồn từ báo chí nhà nước, vì thấy rằng trong kết luận điều tra vụ án liên quan đến 3 thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, đã đề cập đến việc ‘giám định tư tưởng’ của các bài viết, qua đó quy kết cho vi phạm pháp luật hình sự.

Chuyện giám định tư tưởng qua bài báo như ở vụ án này, cho thấy rất có thể trong vài trường hợp nào đó, ‘giám định viên’ chưa ‘cập nhật’ được các nội dung phản biện trên hệ thống báo chí nhà nước, dẫn tới quy chụp mang tính định kiến trong một vụ án liên quan báo chí.

________________

Chú thích:

(1) http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/35255702-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-thiet-thuc-voi-cuoc-song-nhan-dan.html

(2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(3) Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (2013), Báo cáo tóm tắt của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa X.

(4) Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2014 phương hướng, nhiệm vụ năm 2015. Hà Nội.

(5) Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS HCM (2017), Số: 17 – BC/UBKTTWĐ Về công tác kiểm tra, giám sát nửa đầu nhiệm kỳ và trọng tâm công tác kiểm tra, giám sát từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội Đoàn X (2012 – 2017).

(6) Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam Khóa XI (2017), Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Hội LHPN Việt Nam.

(7) Trần Ngọc Đường (2014), Báo cáo Khoa học Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quản lý nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở nước ta”.

(8) http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Binh-luan/2018/51088/Mat-tran-To-quoc-Viet-Nam-cac-cap-tang-cuong-thuc-hien.aspx

(9) http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/phat-huy-vai-tro-cua-mat-tran-trong-viec-giam-sat-cac-chuong-trinh-du-an-dau-tu-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-11021.html

This entry was posted in Cánh tay nối dài của đảng, Dân chủ ở Việt Nam. Bookmark the permalink.