Trang “Việt Nam Thời Báo” có làm tốt vai trò phản biện xã hội?

Thái Sinh

Có ý kiến bài vở trên trang Việt Nam Thời Báo, đa phần là ‘phản động’ hơn ‘phản biện’…

Nhận xét trên dường như là cảm tính, qua việc căn cứ rằng trang web Việt Nam Thời Báo đã không được thành lập theo trình tự của bộ thủ tục hành chính liên quan về báo chí điện tử.

Phản biện xã hội là nhiệm vụ mà Đảng đặt ra với báo chí

Một nhà báo đảng viên nhìn nhận phải đến Đại hội Đảng lần thứ XI, năm 2011, Đảng mới chính thức giao cho báo chí nhiệm vụ phản biện xã hội: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước…” (1).

Và cũng theo đó, chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí bấy giờ mới chính thức được thừa nhận một cách nghiêm túc. Sở dĩ nói “chính thức được thừa nhận”, vì thực sự là báo chí từ xưa đến nay, ngay trong cội rễ, đã luôn mang trong mình chức năng giám sát và phản biện xã hội. Nghĩa là có thừa nhận hay không thừa nhận thì chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí vẫn đã, đang và sẽ tồn tại.

Trong rất nhiều sách giáo khoa về báo chí và gần đây nhất, trong cuốn “Cơ sở lý luận báo chí” của nhà xuất bản Lao động, 2013, tác giả – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững khẳng định báo chí có các chức năng: Chức năng thông tin – giao tiếp; Chức năng tư tưởng; Chức năng khai sang – giải trí; Chức năng quản lý – giám sát – phản biện xã hội; Chức năng kinh tế – dịch vụ.

Như vậy, vấn đề đầu tiên đặt ra ở đây không phải là có hay không có chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí, mà là chức năng này phải được hiểu như thế nào, vì thực tế đã có khá nhiều cách hiểu chưa thống nhất.

Giám sát xã hội là quyền công dân

Trong rất nhiều định nghĩa thì cách hiểu gần nhất với vấn đề đang bàn ở đây nhân vụ án Hội Nhà báo ĐộclLập Việt Nam sẽ được đưa ra xét xử phiên hình sự sơ thẩm ngày 5/1/2021, là: Giám sát xã hội là theo dõi và kiểm tra, đánh giá một vấn đề nào đó của đời sống xã hội, xem có thực hiện đúng những điều đã quy định hay không.

Có hai bộ phận tham gia giám sát xã hội là bộ máy nhà nước và công dân. Trên thực tế thì các thiết chế nhà nước vốn đã được hình thành và hoạt động theo cơ chế tự giám sát và giám sát công dân. Tuy nhiên, một xã hội dân chủ là xã hội cần phải coi trọng sự giám sát của công dân đối với nhà nước. Đồng thời điều này cũng thể hiện trình độ phát triển, ý thức tự giác và thái độ, trách nhiệm của người dân.

Còn phản biện xã hội, hay là sự phản biện mang tính xã hội, tức là sự biện luận, thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án xã hội… liên quan đến quyền lợi và đời sống của các thành viên trong xã hội.

Như vậy, phản biện xã hội như các bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo, đó là tiếng nói nhận thức của xã hội, của các lực lượng xã hội. Đó là những lập luận có chứng cứ khoa học, thực tiễn nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ, phủ định một chủ trương, chính sách hay đề án xã hội được công bố hay đang hình thành.

Và như vậy, theo người viết bài này, thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí – kể cả báo chí chưa được thành lập theo đúng quy định của bộ thủ tục hành chính, thì có thể nói thực chất là thực hiện chức năng phản ánh nhiều chiều, có chính kiến, có cơ sở khoa học của cơ quan báo chí và nhà báo, nhằm khẳng định sự đúng, sai về một vấn đề nào đó của hiện thực cuộc sống.

Hãy vững tin Đảng đã nói được, ắt sẽ làm được.

Cơ chế “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” mà Ban Bí thư Trung ương Đảng đề ra năm 1984 trong công tác dân vận, về nguyên tắc, đã mở đường cho việc giám sát và phản biện xã hội của người dân. Tôn trọng cơ chế này là tôn trọng tính dân chủ.

Người dân có quyền được biết, được thảo luận, bàn bạc, đánh giá, phê bình, biểu thị thái độ về những vấn đề mà họ quan tâm, từ những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ, cho đến những vấn đề trọng đại của đất nước, nhân loại. Báo chí – trong đó có trang Việt Nam Thời Báo chính là diễn đàn thể hiện tiếng nói đó của người dân.

Xin mượn lời của nhà báo Trần Đăng Tuấn, tác giả cuốn sách “Câu hỏi đặt ra từ cuộc sống: Phản biện xã hội”, làm lời kết cho bài viết này: “Ở vị trí quyền lực, coi trọng phản biện sẽ có được phản biện xã hội có tổ chức, giúp ích lớn cho ổn định và phát triển; ngược lại, tránh né phản biện xã hội, kết quả là nhận được phản biện xã hội tự phát – mảnh đất thuận lợi để hình thành tâm thế phản kháng xã hội” (2).

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật. Hà Nội 2011, trang 225.

(2) Trần Đăng Tuấn, “Câu hỏi đặt ra từ cuộc sống: Phản biện xã hội”. Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2006.

T.S.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Phản biện của báo chí. Bookmark the permalink.