Bảo Duy
TTO – Văn phòng tình báo quốc gia Úc đã nhiều lần cảnh báo chính phủ nước này về các tờ báo tiếng Hoa. Một số tờ trong số này đã bị mua đứt, bị cài cắm người hoặc là bình phong chịu kiểm soát của chính quyền Trung Quốc.
Giao diện trang Southeast Net Australia. Trên trang web này có các đường link dẫn tới trang web của các cơ quan Chính phủ Trung Quốc như Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc – Ảnh chụp màn hình
Các tiết lộ được công bố trên tờ Sydney Morning Herald (SMH) ngày 3-12, trong bối cảnh quan hệ Úc – Trung tiếp tục trượt dốc. Phần lớn các nguồn tin của SMH đều đề nghị được giấu tên vì không được phép nói chuyện với truyền thông.
Theo các vị này, chiến dịch truy quét các ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc đã bắt đầu cách đây ít nhất 20 tháng. Một cơ quan thuộc Văn phòng tình báo quốc gia Úc (ONI) đã theo dõi, phân tích nội dung của 14 trang tin tức trực tuyến tiếng Hoa và 10 trang WeChat tiếng Hoa có nhiều người theo dõi nhất.
Từ các trang web này, nhóm điều tra phản gián Úc tiếp tục lần theo các manh mối, xem xét tổ chức quản lý để biết ai mới thực sự là người sở hữu và vận hành. Những phân tích này dẫn tới kết luận đáng lo ngại khiến cơ quan tình báo Úc phải bí mật cảnh báo chính phủ.
Chẳng hạn, tờ Southeast Net Australia bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn và gần như công khai. Ảnh hưởng của Bắc Kinh tại các tờ báo khác được che giấu tinh vi hơn nhưng không qua mắt được tình báo Úc.
Các nhà điều tra cũng phát hiện 2/3 các trang tin tức tiếng Hoa bị theo dõi có nhân sự cấp cao dính líu tới những tổ chức thúc đẩy ảnh hưởng của Trung Quốc.
Một số biên tập viên và chủ các trang này nằm trong các tổ chức nhỏ thuộc Ban công tác mặt trận thống nhất Trung Quốc (UFW). Cơ quan này thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu của Trung Quốc.
ONI kết luận hầu hết các tờ báo/cổng thông tin tiếng Hoa tại nước này đều có quan điểm ủng hộ Trung Quốc và ít nhiều liên quan tới China News Service. Đây là hãng thông tấn lớn thứ hai của Trung Quốc và chịu sự quản lý trực tiếp của UFW.
Cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (phải) xuất hiện trong một sự kiện ở Sydney cùng với tỉ phú Trung Quốc Huang Xiangmo năm 2016. Ông Turnbull sau đó được khuyên không nên tham gia các sự kiện gây quỹ có mặt Huang. Tỉ phú Huang bị nghi là một người tìm cách gây ảnh hưởng và thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh ở Úc. Ông này sau đó bị cấm nhập cảnh Úc vì lý do an ninh – Ảnh chụp màn hình SMH
Ngoài báo chí, Trung Quốc cũng mở rộng ảnh hưởng bằng WeChat. Pacific Media, công ty có trụ sở ở thành phố Melbourne và Nanhai Group ở Sydney, bị cáo buộc là bình phong của UFW.
Cả hai công ty trên quản lý các tài khoản WeChat có nhiều người theo dõi tại Úc. Đơn cử như tài khoản “WeSydney” thuộc quản lý của Nanhai Group có 400.000 lượt theo dõi và là tài khoản WeChat lớn thứ 3 tại Úc.
Nanhai Group cũng xuất bản ấn bản tiếng Trung của tạp chí Qantas và tổ chức một sự kiện cộng đồng hàng năm ở Sydney. Nhiều chính trị gia cấp cao của Úc, bao gồm cả các cựu thủ tướng Malcolm Turnbull và Tony Abbott, đều đã xuất hiện tại các sự kiện này.
Một chuyên gia về Trung Quốc, ông John Fitzgerald, nhận định với báo SMH rằng các thông tin của ONI là “báo cáo mở rộng đầu tiên về ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với truyền thông Hoa ngữ tại Úc”.
Ông kêu gọi đã tới lúc chính quyền Úc thảo luận khẩn cấp để tài trợ và hỗ trợ tốt hơn cho các tờ báo độc lập có bản tiếng Hoa, ví dụ như đài truyền hình ABC và SBS .
“Các chính phủ nước ngoài thường không tài trợ trực tiếp và can thiệp vào các phương tiện truyền thông cộng đồng ở Úc. Trung Quốc là một trường hợp nổi bật”, ông Fitzgerald nhận xét.
B.D.
Nguồn: tuoitre.vn