Quốc Phương
Việt Nam là một trong các quốc gia có nền kinh tế năng động hiện nay trong khối Asean và ở khu vực
Ngày 01/12/2020, Asean và EU đã chính thức nâng cấp quan hệ đối tác lên cấp chiến lược, sự kiện được truyền thông quốc tế, khu vực và Việt Nam công bố, vào thời điểm Việt Nam vẫn trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của khối các quốc gia ở Đông Nam Á.
Hôm 03/12, một số nhà quan sát thời sự và chính trị chia sẻ với BBC News Tiếng Việt bình luận của mình về khía cạnh thực chất của sự kiện liên quan tới những gì mà Việt Nam, với tư cách thành viên của Asean, có thể thụ hưởng từ quan hệ đối tác mới được nâng cấp này giữa hai khối.
Từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online, cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều đặc biệt trên khía cạnh thị trường, xuất khẩu, kể cả xuất khẩu lao động:
“Tôi nghĩ rằng thứ nhất, về quan hệ kinh tế vừa rồi Việt Nam cũng đã ký được hiệp định thương mại tự do với châu Âu và thêm cái này nữa thì tôi nghĩ rằng thị trường của Việt Nam với gần 100 triệu dân và dân số trẻ, năng động, có thể nói người Việt cũng là người chăm chỉ…, thì đó theo tôi là một nền kinh tế năng động và có thể trong tương lai cùng với hiệp định tự do thương mại nói trên và quan hệ đối tác chiến lược nâng cấp này, xuất khẩu của Việt Nam vào EU cũng sẽ tăng lên.
“Rồi thị trường lao động, tôi nghĩ rằng Việt Nam trong những năm vừa qua xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc, đi Nhật Bản, rồi tới các nước Ả-rập ví dụ như là Qutar hay là Saudi Arabia có rất nhiều tới hàng chục nghìn lao động Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thế, Hàn Quốc thậm chí có đến cả trăm nghìn, nhưng trong khi đó khi chúng ta nhìn vào thị trường của châu Âu hiện nay, thì lao động Việt Nam mà đi sang bằng con đường chính ngạch không có nhiều.
“Thí dụ như Ba Lan mới mở cửa được hai năm nay, tôi nghĩ rằng con số mới được vài trăm người, có lẽ là chưa được đến một nghìn là lao động Việt Nam sang làm việc, hay là ở Cộng hòa Czech có một số, nhưng mà cũng không phải là nhiều, ở Đức có một số lao động Việt Nam sang làm điều dưỡng viên, nhưng mà cũng không nhiều.
“Tôi nghĩ rằng châu Âu có thể là một thị trường mà tới đây Việt Nam có thể cử sang hàng chục nghìn lao động, chẳng hạn như thế, bên cạnh việc phát triển về xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu lao động.
“Ngoài ra, tác động ngược trở lại của Liên minh châu Âu với Việt Nam mà với tư cách là một người quan sát cho dân chủ, tôi cũng hy vọng rằng nó sẽ cải tiến pháp luật, cũng như hành xử của chính quyền Việt Nam đối với dân chúng và đối với người bất đồng chính kiến nói riêng,” bà Mạc Việt Hồng nói với chương trình hội luận Bàn tròn thứ Năm của BBC.
“Hưởng lợi từ an ninh, tới nhân quyền và pháp quyền”
Ông Heiko Maas, ngoại trưởng của nước Đức, quốc gia đang là chủ tịch luân phiên của khối EU, thông báo về phiên họp qua mạng giữa các Bộ trưởng Ngoại giao EU-ASEAN hôm 01/12/2020
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas Yusof-Ishak, Singapore) nói với BBC:
“Việt Nam nằm ở trong khối Asean, nhưng Asean lại có mối quan hệ đối tác chiến lược với 9 nước và 9 khối, thì đương nhiên Việt Nam được hưởng những lợi ích trong khuôn khổ của Asean, ngoài ra, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước trong Asean.
“Những lợi ích mà Việt Nam được hưởng, thông qua việc Asean có quan hệ đối tác chiến lược với các khối khác và các nước khác, trực tiếp hơn ở các mặt như về chính trị, kinh tế, an ninh – an ninh ở đây là nói đến trực tiếp Biển Đông, và về một số mặt khác nữa như phát triển thị trường để phục vụ phát triển kinh tế.
“Rồi đến những vấn đề vô cùng quan trọng là phát triển về pháp quyền, về quyền con người, về tiếp tục phát triển và nâng cao nhận thức cũng như về các thực hành dân chủ.
“Về tất cả những mặt ấy, có một điều chắc chắn là Việt Nam, cũng như các nước trong Asean khác, sẽ được hưởng, vì trong khối Asean mỗi nước có một thể chế chính trị và cách tổ chức nhà nước và chính phủ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung, là hướng tới tất cả những điểm mà tôi vừa mới nói ra.
“Là vì Asean mang tính chất không phải là một khối mà là một diễn đàn, nhưng nó cũng dẫn đến một quy định về mặt đồng thuận cũng như về mặt lấy Asean làm trung tâm để xử lý trong nội bộ Asean và các vấn đề của khu vực, đặc biệt là các vấn đề về phát triển kinh tế và an ninh.
“Và trong an ninh, nó chỉ có hai vấn đề lớn là Biển Đông là một và thứ hai là bây giờ nảy sinh vấn đề nữa là vùng Mekong, thì lợi ích mà Việt Nam có thể được hưởng nằm ở chỗ đó,” ông Hà Hoàng Hợp nói với hội luận BBC.
“Cam kết tăng cường quan hệ mạnh mẽ”
Trong năm 2020, Việt Nam được cho là đã góp phần tích cực trong nhiều hoạt động đa phương ở khu vực Asean trong các hợp tác kinh tế, thương mại quan trọng của khối này giữa nội khối và các đối tác
Hôm 02/12, báo Thế giới & Việt Nam đưa tin về việc Asean và EU nâng cấp đối tác lên mức chiến lược:
“ASEAN-EU cam kết mạnh mẽ tăng cường phối hợp và thúc đẩy hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”
Tờ báo thuộc thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm:
“Hai bên đã đưa ra quyết định quan trọng chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên Đối tác chiến lược sau quyết định về nguyên tắc được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 22 vào tháng 1/2019.
“ASEAN và EU tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ “đối tác trong liên kết” giữa hai tổ chức khu vực được đánh giá là thành công nhất, cam kết mạnh mẽ tăng cường phối hợp và thúc đẩy hợp tác đa phương khu vực và quốc tế, trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích chung về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
“ASEAN đánh giá cao EU là đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN. EU hiện là Đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng thương mại hai chiều năm 2019 đạt 280 tỉ USD và là nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của ASEAN với tổng FDI năm 2019 đạt 16,2 tỉ USD. EU tiếp tục khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, nhấn mạnh coi ASEAN là đối tác quan trọng của EU ở khu vực, chia sẻ nhiều lợi ích, tiềm năng và thế mạnh hợp tác.”
Từ Berlin, thủ đô Cộng hòa Liên bang Đức, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng chia sẻ góc nhìn của mình và nhấn mạnh qua sự kiện này tín hiệu quan trọng gì đáng chú ý đã được đưa ra.
“Tôi cho rằng việc nâng cấp quan hệ chiến lược giữa EU và Asean thời điểm hiện nay là một sự kiện rất đặc biệt và nó là một sự chờ đợi từ lâu của cả hai phía EU và Asean…
“Theo dõi những tín hiệu giữa hai bên như là giữa Việt Nam và CHLB Đức hay là giữa Asean và EU đưa ra trong những thăm tháng vừa qua, cá nhân tôi thấy rằng hai bên muốn ráp vào nhau nhanh nhất có thể.
“Và đặc biệt trong thời kỳ Tổng thống Donald Trump vừa rồi, những thay đổi về đối ngoại của Mỹ gây rất nhiều bối rối cho Đức và EU, qua đó người ta thấy sự phụ thuộc vào một cực là điều rất nguy hiểm.
“Điều thứ hai là đại dịch Covid-19 xảy ra, người ta khám phá ra một điều là EU và Đức phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống cung ứng của Trung Quốc, thành ra sự phụ thuộc đơn phương như thế rất nguy hiểm.
“Thành ra tôi thấy tín hiệu mà EU đưa ra và nhất là phía CHLB Đức đưa ra và nó rất trùng hợp với Việt Nam là cả bên đều có ý tưởng là muốn có một trật tự kinh tế mới theo hướng đa phương, không còn là đơn cực, lưỡng cực nữa mà là đa cực để cho những nước đơn lẻ, hay một khối… tới đây có nhiều sự lựa chọn và có nhiều cái để đưa lên bàn cân để đàm phán với những nền kinh tế mạnh,” ông Lê Mạnh Hùng nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 03/12 từ nước Đức.
Q.P.
Nguồn: BBC Tiếng Việt