Nhiều người chỉ trích các vụ tranh tụng sau ngày bầu cử, và nhiều người cũng tán thưởng, tiếp tục góp tiền vào quỹ tranh cử của Tổng thống Trump. Các cuộc vận động này, dầu với kết quả thế nào cũng cho thấy thể chế dân chủ ở nước Mỹ rất vững chắc. Nền tảng của thể chế đó là những “anh hùng vô danh” cặm cụi làm việc trong cả tháng qua. Họ làm việc nghiêm chỉnh, quang minh, bền bỉ, giữa cơn bão tố! Dân chúng Mỹ vốn tánh lạc quan, họ sẽ vững tin vào thể chế chính trị của nước họ. Cuối cùng, tất cả phải tôn trọng lá phiếu của người dân. Đây cũng là một cơ hội cho cả thế giới thấy chế độ tự do dân chủ là có thật. Mọi quốc gia đều có thể học hỏi bài học tự do dân chủ ở nước Mỹ.
Biểu tình ủng hộ TT Trump ở Washington sau ngày bầu cử 3 tháng 11.
Những người tranh đấu chống độc tài, đòi xây dựng chế độ dân chủ, là những chiến sĩ. Như Trần Huỳnh Duy Thức hoặc Phạm Đoan Trang ở Việt Nam, Juan Guaidò ở Venezuella, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) ở Hồng Kông, Alexei Navalny ở Nga, vân vân. Họ hy sinh cuộc sống bình an của mình để tranh đấu cho tất cả mọi người dân có quyền lựa chọn những người cai trị bằng việc bỏ phiếu tự do. Họ là những anh hùng thời loạn.
Sau khi chế độ dân chủ đã thiết lập, được thi hành qua nhiều thế hệ, đã thành tập tục, thành thói quen, thì xã hội không cần những chiến sĩ đấu tranh như vậy nữa. Nhưng chế độ dân chủ vẫn cần được gìn giữ. Vẫn cần những chiến sĩ bảo vệ nền tảng dân chủ của một nước. Đó là những người bình thường, làm các công việc bình thường của họ trong các cuộc bầu cử. Họ kiên trì làm việc theo đúng các thể thức, luật lệ, để bảo vệ quyền lựa chọn tự do của người dân. Họ là những anh hùng trong thời bình.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11 ở Mỹ, Ban tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực đòi đếm lại phiếu ở nhiều nơi, thưa kiện ra tòa đòi hủy bỏ kết quả vì gian lận, vân vân. Cho đến nay, kết quả cuộc bầu cử chưa thay đổi.
Có lẽ lời tố cáo gian lận nặng nề nhất là nhắm vào hệ thống bỏ phiếu và kiểm phiếu bằng máy vi tính do Công ty Dominion Voting Systems cung cấp cho nhiều tiểu bang. Ông Rudy Giuliani, luật sư của Tổng thống tuyên bố rằng máy móc của Công ty Dominion đã đổi các phiếu bầu cho ông Trump thành ra cho ông Biden. Một bà luật sư phụ tá của ông, nay đã bị cho nghỉ, còn tố rằng Công ty Dominion liên hệ đến những thù địch của nước Mỹ như Iran, Trung Cộng và lãnh tụ Hugo Chávez đã chết của Venezuella.
Điều ít người biết là chính giới lãnh đạo tại tiểu bang Georgia, tất cả thuộc đảng Cộng hòa, đã ký hợp đồng thuê công ty Dominion cho hệ thống kiểm phiếu từ năm 2018, và lúc đó họ bị các đại biểu đảng Dân chủ phản đối kịch liệt.
Ông John Poulos, Chủ tịch Dominion, trụ sở ở Denver cho biết tất cả hệ thống kiểm phiếu của Công ty đã được thử đi thử lại nhiều lần, ở cấp liên bang cũng như các tiểu bang thuê mướn họ. Bài trần tình của ông Poulos được đăng trên nhật báo Wall Street Journal, ngày 30, tháng 11 năm 2020. Đó là một tờ báo bảo thủ thường bênh vực các chính sách của đảng Cộng hòa.
Ông Poulos cho biết chỉ có 28 tiểu bang ở Mỹ sử dụng hệ thống bầu và kiểm phiếu của Dominion, mỗi nơi đều có ủy ban bầu cử với đại diện của cả hai đảng xem xét, thử nghiệm cả hệ thống trước và sau ngày bỏ phiếu.
Nhưng mỗi quận trong các tiểu bang có quyền lựa chọn riêng. Riêng tại Tiểu bang Pennsylvania, chỉ có 14 quận sử dụng hệ thống của Dominion. Và trong 14 đơn vị đó, Tổng thống Trump chiếm đa số 52.2 phần trăm. Hai quận bị thưa kiện đòi đếm lại gay go nhất là Philadelphia và Allegheny (Pittsburgh), cả hai nơi này đều không dùng đến máy móc của Dominion.
Công ty Dominion bị áp lực với những lời tố cáo mạnh nhất, đến nỗi nhiều nhân viên của công ty đã bị dọa giết, phải trốn tránh. Nhiều công chức và viên chức chính quyền các tiểu bang cũng bị đe dọa đến tính mạng, sau khi có những lời tố cáo đưa lên mạng xã hội.
Mặc dù chịu bao nhiêu áp lực chính trị cũng như pháp lý, các viên chức chính quyền khắp các tiểu bang, gồm các vị dân cử, các chuyên gia bên ngoài, hoặc là các công chức đã kiểm soát lại cả hệ thống kiểm phiếu, tìm đủ cách giữ đạo công bằng, không bỏ qua những điều khiếu nại. Các tiểu bang Arizona, Pennsylvania, Wisconsin đếm lại phiếu ở nhiều đơn vị. Tiểu bang Georgia đã đã đếm lại toàn thể hơn 5 triệu lá phiếu, đếm lại bằng tay rồi làm thêm bằng máy lần nữa, tất cả được đếm đi đếm lại ba lần.
Các vị thẩm phán đã thụ lý những đơn kiện về gian lận bầu cử, đòi coi những chứng cớ, và phán quyết. Khi ba vị quan tòa cùng thuộc đảng Cộng hòa bác bỏ đơn kiện của ông Rudy Giuliani vì không thấy đưa ra chứng cớ bầu cử gian lận, họ cho thấy nền tư pháp vẫn hoàn toàn độc lập với ảnh hưởng chính trị đảng phái.
Tòa Bạch Ốc còn vận động các Thống đốc và Nghị viện tiểu bang để yêu cầu họ chọn những thành viên cử tri đoàn (electoral college) ủng hộ ông Tổng thống Cộng hòa, thay vì theo kết quả đếm phiếu mà chọn những người thuộc đảng Dân chủ ủng hộ ông Joe Biden. Ông Biden đang dẫn trước 150 ngàn phiếu ở Michigan. Hai vị lãnh đạo Nghị viện tiểu bang Michigan, Mike Shirkey và Lee Chatfield, được mời đi gặp Tổng thống Trump tại Tòa Bạch Ốc ngày 20 tháng 11. Nhiều người đoán rằng các đại biểu này có thể được đề nghị hãy chọn cử tri đoàn ủng hộ ông Tổng thống cùng thuộc đảng Cộng hòa. Hiến pháp trao quyền đó cho Nghị viện các tiểu bang làm việc đó. Nhưng sau cuộc gặp gỡ, hai ông đưa ra bản tuyên bố nói rằng họ không được cung cấp thông tin nào mới, và kết quả cuộc bỏ phiếu ở tiểu bang không thay đổi.
Các vị Thống đốc tiểu bang cũng hành động nghiêm chỉnh và chính đáng. Ông Doug Ducey, Thống đốc Arizona thuộc đảng Cộng hòa, đã công nhận kết quả ông Biden thắng ở đó, trong lúc ông Rudy Giuliani tập họp nhiều người trong khách sạn Hyatt tiếp tục tố cáo kết quả cuộc kiểm phiếu là do “gian lận vĩ đại.” Tại Georgia, ông Thống đốc Brian Kemp, Bộ trưởng Nội vụ Brad Raffensperger, và ông Gabriel Sterling, Trưởng ban tổ chức bầu cử của tiểu bang, đều thuộc đảng Cộng hòa. Nhưng họ đều xác nhận kết quả ông Biden thắng hơn 12 ngàn lá phiếu, sau ba lần đếm.
Không có chứng cớ nào để đổ tội cho Công ty Dominion. Bởi vì máy vi tính của Công ty này chỉ ghi nhận và đếm. Nó không lập danh sách cử tri; không lo kiểm soát người bỏ phiếu có đúng là người có nhân dạng đó hay không; không kiểm soát các lá phiếu gửi bằng thư, trước khi được mở ra, coi có hợp lệ hay không.
Máy móc không một mình lo việc kiểm phiếu. Tất cả mọi việc đều do các nhân viên, các công chức hay người tình nguyện phụ trách, dưới sự giám sát của đại diện cả hai đảng. Khi một người dùng máy để bỏ phiếu, họ phải được các nhân viên phòng phiếu kiểm soát trước. Họ coi tên ứng cử viên trên màn hình, dùng cái “bút” đặc biệt đánh dấu người mình chọn. Sau đó, máy sẽ in ra một tấm phiếu bằng giấy theo lựa chọn của cử tri. Người bỏ phiếu sẽ kiểm soát lại để thấy những lựa chọn của mình. Rồi bỏ lá phiếu bằng giấy đó vào thùng phiếu.
Những lá phiếu giấy được niêm phong, bảo vệ. Tại Georgia, hàng ngàn nhân viên lo bảo vệ các hộp phiếu trong 2,656 đơn vị bầu cử. Người ta có thể đếm lại các lá phiếu này, nhưng máy vi tính cũng đã đếm ngay khi cử tri đứng trước màn hình để đánh dấu mình chọn ai. Khi cử tri để lá phiếu giấy lên cho máy hút vào trong thùng, miệng cái thùng cũng có bộ phận chiếu (scan), đọc và đếm lại lần nữa.
Cuộc bỏ phiếu và kiểm phiếu coi như đã hoàn tất. Ngày 1 tháng 12, ông Bộ trưởng William Barr đã xác nhận Bộ Tư pháp không thấy có chứng cớ gian lận bầu cử nào đáng kể.
Ủy ban tranh cử của Tổng thống Donald Trump tiếp tục khiếu nại, và chắc còn kéo dài cho đến ngày 14 tháng 12, nếu ông Joe Biden được cử tri đoàn xác nhận thắng cử.
Nhiều người chỉ trích các vụ tranh tụng sau ngày bầu cử, và nhiều người cũng tán thưởng, tiếp tục góp tiền vào quỹ tranh cử của Tổng thống Trump. Các cuộc vận động này, với kết quả thế nào cũng cho thấy thể chế dân chủ ở nước Mỹ rất vững chắc. Nền tảng của thể chế đó là những “anh hùng vô danh” cặm cụi làm việc trong cả tháng qua. Họ làm việc nghiêm chỉnh, quang minh, bền bỉ, giữa cơn bão tố! Dân chúng Mỹ vốn tánh lạc quan, họ sẽ vững tin vào thể chế chính trị của nước họ. Cuối cùng, tất cả phải tôn trọng lá phiếu của người dân. Đây cũng là một cơ hội cho cả thế giới thấy chế độ tự do dân chủ là có thật. Mọi quốc gia đều có thể học hỏi bài học tự do dân chủ ở nước Mỹ.
N.N.D.
Nguồn: VOA Tiếng Việt