Tác giả Ngô Anh Tuấn tại buổi tọa đàm. Nguồn: FB nhân vật
Hôm qua, ngày 9/11/2020, theo lời mời của Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (PLD), tôi tham dự Toạ đàm khoa học “Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII với sự nghiệp phát triển đất nước” (góp ý dự thảo văn kiện). Tham dự buổi tọa đàm này có rất nhiều nhà khoa học, những cựu quan chức lớn, những tri thức… có tinh thần dân tộc.
Những người tham dự buổi tọa đàm ai cũng ý thức được rằng, những nội dung góp ý tâm huyết của họ chưa chắc đã được lắng nghe, xem xét để sửa đổi, bổ sung vào văn kiện đại hội Đảng Cộng sản sắp tới. Tuy nhiên, họ cũng ý thức được rằng, chưa chắc đã được xem xét có nghĩa là vẫn có % có thể được xem xét, điều đó đồng nghĩa với việc rằng những nổ lực của họ có thể được ghi nhận. Như vậy, làm điều có ích, có thể được ghi nhận, cũng có thể không được ghi nhận, còn ngồi im không làm gì thì chắc chắn là không ai ghi nhận cả.
Tại buổi hội thảo này, nhiều đại biểu có cùng quan điểm rằng khó có thể thay thế vai trò “đầu tàu” của Đảng Cộng sản vào lúc này nhưng cần thiết phải có luật về Đảng Cộng sản, đó là sự “sòng phẳng” và thể hiện tính chính danh của Đảng này trong việc lãnh đạo, tổ chức bộ máy nhà nước để hiện thực hoá Điều 4, Hiến pháp 2013. Hiện tại, Đảng Cộng sản chủ yếu có quyền chứ không thấy có nghĩa vụ.
Rất nhiều nội dung góp ý rất tâm huyết khác đã được nêu lên trong buổi hội thảo này, tuy nhiên, chắc hẳn chỉ một phần trong số đó được tổng hợp để gửi đi, phần còn lại, coi như là sự sẻ chia tâm tư, nguyện vọng để giảm thiểu sự nặng nề không đáng có của nội dung góp ý khiến nó bị phản tác dụng. Trong cả ngày có mặt, tôi chỉ phát biểu khoảng 2 phút, phần còn lại ngồi chăm chú nghe và ghi chép từ đầu tới khi còn chỉ lác đác vài ba chục vị bám trụ tới khi hết chương trình.
Phải thừa nhận một sự thật khách quan rằng không có có bất cứ một lực lượng nào trong thời điểm hiện tại đủ sức thay thế Đảng Cộng sản vào lúc này. Vậy nên, phải chấp nhận sống chung dù bạn có thích hay không. Nếu bạn chấp nhận mọi thứ đã được sắp đặt sẵn thì hoặc là bạn an phận hèn kém hoặc vô trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và tương lai của con cháu mình nữa.
Không bỗng dưng mà một người xấu trở nên một người tốt, không bổng dưng từ một người có đầy đủ mọi quyền lực, quyền sinh, quyền sát nắm trong tay, lại tự nguyện san sẻ sang cho người khác, nếu người đó không phải là người ruột thịt của mình hoặc không chịu một áp lực khủng khiếp nào đó. Không bao giờ! Cũng chính vì thế nên việc các nhân sỹ, tri thức cùng tham gia góp ý vào văn kiện đại hội Đảng Cộng sản hay góp ý trong các diễn đàn khác là cách để họ tiếp thu, thay đổi dần.
Việc thay đổi không thể thấy được trong ngày một ngày hai nhưng chắc chắn sẽ có sự chuyển biến nhất định, dần dần. Đôi khi, họ tiếp thu, thay đổi rồi nhưng vì tự trọng, vì sỉ diện nên không dám nói ra mà thôi. Còn nếu như sự bảo thủ, trì trệ giữ nguyên như một thành trì khó phá vỡ thì chính những người cộng sản đang tự đem dây buộc mình và để tổ chức mình lún sâu vào khủng hoảng mà thôi.
Chế độ cộng sản là thành trì khó xâm phạm nhưng sự rệu rã từ trong nội bộ (nếu có) sẽ là điều khiến không chế độ nào chống đỡ được, không có ngoại lệ cho bất kỳ ai.
Chúng ta vẫn ngày ngày bàn luận về ông Trump, ông Biden, về nước Mỹ nhưng thường câm lặng trước các vấn đề của đất nước, điều đó là chưa đúng. Đất nước này của chúng ta, của xương máu cha ông của bạn, của tôi và là nơi ở của con cháu chúng ta mai này nữa.
Các chế độ thống trị qua các thời kỳ lịch sử xưa nay, khi còn duy trì vị thế của mình, đại đa số đều cho mình là chế độ ưu việt nhất và không quên khẳng định sự trường tồn của mình, dù cách diễn đạt có khác nhau. Tuy nhiên, sự tồn tại của chế độ dài hay ngắn phụ thuộc rất lớn vào sự thức thời của người (những người) đứng đầu.
Lịch sử thế giới cũng chứng minh, một chế độ càng dùng nhiều sự áp đặt, bạo lực để giải quyết mâu thuẫn thì chế độ đó đang đặt những viên gạch cuối cùng cho ngôi mộ của mình.
Không hy vọng nhiều về việc ý kiến góp ý của mình được xem xét nhưng những người tham dự có cùng quan điểm rằng, mình đã thể hiện sự cố gắng trong khả năng và giới hạn cho phép, phần còn lại là ngoài khả năng của họ. Điều này cũng góp phần loại trừ việc trong tương lai gần, ai đó có thể trách móc rằng “khi bảo góp ý thì im lặng, còn khi cần im lặng thì nhao nhao cả lên…”
N.A.T.
Nguồn: baotiengdan.com/2020/11/10