10 vấn đề tôn giáo năm 2020 mà chính quyền không muốn bạn biết

Trần Phương

Không có bước tiến nào cho quyền tự do tôn giáo đang bị trói chặt ở Việt
Nam.

Ảnh minh họa: Luật Khoa 

Việt Nam là một trong những nước có tôn giáo đa dạng nhất
thế giới nhưng cũng là một trong những nước đàn áp tự do tôn giáo nặng nề nhất.

Năm 2020, từ những người Thượng ở Tây Nguyên, các tín đồ
Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài độc lập cho đến các tín đồ theo các tôn giáo mới ở
Tây Bắc đều phải trả giá khi thực hành quyền tự do tôn giáo của họ.

1. Không có chỗ cho các tôn giáo mới 

Việt Nam là đất nước có tôn giáo rất đa dạng, nhưng chính
quyền lại vô cùng khắc nghiệt đối với các tôn giáo mới.

Một người phụ nữ gần đây đã giới thiệu với tôi về “Pháp
Môn Diệu Âm”. Bà dặn tôi ăn chay và liên lạc với một số điện thoại để được
“truyền tâm ấn”.

Pháp Môn Diệu Âm là một tôn giáo mới. Chính quyền Việt
Nam đã cấm truyền bá tôn giáo này.

Chính quyền lo sợ các tôn giáo mới sẽ gây bất ổn về an
ninh và hoạt động chống chính quyền. Tất cả các tôn giáo mới đều được gọi chung
là “tà đạo”.

Khu vực Tây Bắc, đặc biệt là tỉnh Điện Biên, gần đây nổi
lên hai tôn giáo mới là đạo Giê Sùa và đạo Bà Cô Dợ.

Tỉnh Điện Biên đã khởi tố ba người với tội danh “hoạt động nhằm
lật đổ chính quyền nhân dân” và “che giấu tội phạm” liên quan đến đạo Giê Sùa.

Công an Điện Biên cũng thừa nhận rằng họ đã ép người dân
viết đơn từ bỏ các tôn giáo mới.

“Chúng tôi đến từng nhà phân tích cho bà con hiểu, đồng
thời yêu cầu bà con ký cam kết từ bỏ tà đạo Giê Sùa, không nghe, không tin luận
điệu tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”. […] Đến nay, Đồn Biên phòng Na
Cô Sa đã tuyên truyền được 55 hộ/325 khẩu ký cam kết từ bỏ tà đạo”, trung tá Vũ
Văn Hạnh trả lời báo Điện Biên Phủ
vào tháng 2/2020.

Dù vậy, các tôn giáo mới khác vẫn đang âm thầm hoạt động
trên cả nước, bất chấp sự đe dọa của chính quyền.

Ban Tôn giáo Chính Phủ cho biết năm 2015 có khoảng 60 các hiện tượng
tôn giáo mới.

Đâu đó, bạn có thể nghe thấy tên của các tôn giáo lạ lẫm
như Pháp Môn Diệu Âm, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Giê Sùa, Bà Cô Dợ, Hoàng Thiên
Long, Pháp môn Di Lặc, Bửu Tòa Tam giáo, Hội Thánh Đức Chúa Trời mẹ,…

2. Người Thượng sống dưới chính sách tôn giáo khắc nghiệt

Hai trong ba người Ba-na theo đạo Hà Mòn bị

bắt vào ngày 19/3/2020. Ảnh: Trần Hiếu 

Sau năm 1975, người Thượng đã sống dưới sự truy bức chưa
từng có trong lịch sử của họ.

Khi chính quyền ép họ từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, nhiều
người đã cải sang đạo Công giáo và Tin Lành nhưng vẫn không tránh được sự sách
nhiễu của chính quyền.

Những người Thượng cho biết chính quyền không cho phép họ
tự được tự do tổ chức việc sinh hoạt tôn giáo của mình.

Các hoạt động dân sự ôn hòa như hội họp, biểu tình đều bị
cho là cấu kết với các tà đạo.

Tin Lành Đề Ga, Hà Mòn hay Hội thánh Tin Lành Đấng Christ
bị xem là những tà đạo lôi kéo đông đảo người dân.

Tháng 3/2020, ba người Ba-na theo đạo Hà Mòn lẩn trốn 7
năm trong rừng đã bị bắt vì tình nghi tuyên truyền chống nhà nước. Đến tháng 6,
ba người này không bị khởi tố, họ chỉ bị đưa ra kiểm điểm trước dân.

Vào tháng 7, một người Thượng khác bị đưa ra kiểm điểm trước dân vì nhiều lần vượt biên sang
Campuchia, tuyên truyền “tà đạo” và xuyên tạc chính sách nhà nước.

Những người Thượng tị nạn ở Thái Lan cho biết hàng tháng
đều có người Thượng từ Tây Nguyên vượt biên sang. Hiện nay, có khoảng hơn 500
người Thượng đang tị nạn tại Thái Lan.

3. Can thiệp nội bộ các tổ chức tôn giáo

Bàn tay nhà nước vẫn lún sâu vào các hoạt động nội bộ của
các tôn giáo.

Tháng 6/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chỉ đạo Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên “xây dựng
quy chế chức sắc hữu công, hàm phong; quy chế giải quyết đơn thư khiếu kiện;
công cử chức sắc…”, vốn là công việc nội bộ của một tổ chức tôn giáo.

Tại tỉnh Phú Yên, chính quyền địa phương đã đi cùng tổ chức
Cao Đài lớn nhất là Hội thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đến tiếp quản thánh thất
Cao Đài Phú Lâm vào tháng 6/2020.

Trong hội nghị về 25 năm quản lý nhà nước đối với đạo Cao
Đài, “giáo hội của các giáo hội” Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết sẽ tăng cường nghiên cứu để quản lý đạo
Cao Đài chặt chẽ hơn để ngăn chặn các hoạt động ly khai và mâu thuẫn nội bộ
trong các hội thánh.

Tháng 6/2020, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh quyết định cho
một linh mục nổi tiếng với các hoạt động dân sự – Đặng Hữu Nam – nghỉ mục vụ.
Sau quyết định này, báo Nhân Dân và nhiều trang ẩn danh ủng hộ chính
quyền cho rằng linh mục Nam xứng đáng nghỉ mục vụ vì những hoạt động chống đối
chính quyền của ông.

4. Bắt giữ học viên Pháp Luân Công 

Tính đến tháng 10/2020, ít nhất 66 học viên Pháp Luân
Công đã bị bắt giữ và bị phạt hành chính chỉ vì giữ hay phát tờ rơi về bộ môn
này.

Chính bạn cũng có thể thấy số người tập luyện Pháp Luân
Công tại các không gian công cộng đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc phát tờ rơi và cùng tập luyện Pháp Luân
Công tại nhà lại bị cho là vi phạm pháp luật.

Tại Quảng Trị, một hiệu trưởng trường trung học phổ thông
đã bị kỷ luật nặng nề vì rủ nhiều người tập Pháp Luân Công
tại nhà mình.

Vào tháng 7/2020, công an đã bắt 28 người cùng nghe giảng về Pháp Luân Công tại
một ngôi nhà ở tỉnh Hà Tĩnh.

Chính quyền các địa phương cho rằng phổ biến Pháp Luân Công là vi phạm
pháp luật vì tôn giáo này chưa được công nhận tại Việt Nam.

Nhưng những học viên Pháp Luân Công không đồng ý như vậy.

“Sự liên kết của chúng tôi rất là lỏng lẻo. Chúng tôi
không có các hình thức tổ chức như hội đoàn hay giống như Thiên Chúa giáo hay
Phật giáo”, một học viên Pháp Luân Công trả lời phỏng vấn của Luật Khoa.

LIV, cơ quan chủ quản của Luật Khoa tạp chí, đã tiến hành
lưu trữ thông tin về các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ. Danh sách này nằm
trong cùng cơ sở dữ liệu về tự do tôn giáo tại Việt Nam, công bố tại địa chỉ: https://www.liv.ngo/data/.

Độc giả cũng có thể đọc thêm một số bài viết trên Luật
Khoa về Pháp Luân Công: Tập Pháp Luân Công có hợp
pháp hay không?
…, các
Bản tin Tôn giáo tháng 5, tháng 6, tháng 9.

5. Kiểm soát xuất bản

Các học viên Pháp Luân Công bị bắt đã bị phạt hành chính
dựa trên một nghị định về xuất bản. Cụ thể, họ bị phạt vì hành vi phát tờ
rơi chưa được chính quyền cấp phép.

Từ năm 2012, chính quyền đã quy định rằng kể cả những ấn phẩm cho mượn hay tặng
giữa người dân thì cũng phải được chính quyền cấp phép trước.

Chính sách kiểm soát xuất bản đặc biệt khắc nghiệt trong
lĩnh vực tôn giáo và chính trị.

Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan quản lý Nhà xuất bản
Tôn giáo, và là đầu mối kiểm duyệt các ấn phẩm tôn giáo.

Kiểm soát xuất bản chắc chắn ảnh hưởng nặng nề đến sự
phát triển của các tôn giáo.

Không thể không nghi ngờ rằng chính quyền cố tính duy trì
sự khắc nghiệt trong kiểm duyệt xuất bản để hạn chế các tôn giáo phát triển.

6. Trừng phạt các cá nhân

Tháng 2/2020, nhà sư bị cầm tù và giam lỏng lâu nhất ở Việt
Nam hòa thượng Thích Quảng Độ qua đời.

Trước năm 1975, hòa thượng Quảng Độ là người đã tích cực
hoạt động cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Sau năm 1975, ông tiếp tục
lãnh đạo tăng đoàn này dưới sự đàn áp khốc liệt của chính quyền cho đến lúc cuối
đời.

Nhiều chức sắc tôn giáo khác cũng đang sống dưới sự kiểm
soát và trừng phạt của chính quyền.

Tháng 1/2020, quản xứ của giáo xứ Song Ngọc linh mục Nguyễn
Đình Thục nói ông bị cấm dâng lễ từ tháng 8/2019. Linh mục Thục được
công chúng biết đến qua nhiều hoạt động dân sự với các ngư dân miền Trung sau
thảm họa Formosa. Năm 2017 và 2019, chính quyền từ chối cho ông xuất cảnh đi nước
ngoài.

Tháng 2/2020, một nhà sư người Khmer tên Seun Ty bị tịch thu hộ chiếu trong hai tuần và đe dọa ông rằng ông
đã vi phạm Luật An ninh mạng của Việt Nam.

Tháng 5/2020, chính quyền từ chối cấp hộ chiếu cho một một linh mục thường xuyên chỉ
trích công khai chính quyền tên Nguyễn Văn Toản.

Sau các khiếu nại về việc phân biệt đối xử, bao gồm cả
tình trạng tra tấn, gia đình của một số nhà hoạt động tôn giáo đang bị giam giữ
cho biết họ đã mất liên lạc với người thân
trong trại giam.

Chính quyền cũng không thích các nhà hoạt động tôn giáo tự
tiện tiếp xúc với các phái đoàn ngoại giao.

Bốn nhà hoạt động tôn giáo ở Tây Nguyên là các ông mục sư
Nguyễn Ngọc Khánh, ông Y Kuan Ê Ban, ông Y Quý Bdap, và mục sư Y Khen Bđap đã bị
chính quyền ép “làm việc” sau khi họ gặp gỡ phái đoàn Hoa Kỳ về
tự do tôn giáo.

7. Cản trở tự do hiệp hội

Năm 2020, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Giáo
hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tiếp tục hoạt động không có tư cách pháp nhân.

Các thành viên của Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy
năm 2020 cũng như những năm trước đó đã bị công an ngăn chặn đến trụ sở làm lễ
vào tháng 3tháng 7/2020.

Một số thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất cho rằng tang lễ của hòa thượng Thích Quảng Độ vào tháng 2/2020 đã bị can thiệp. Các thành viên của giáo hội này bị
tước mất quyền điều hành tang lễ.

Vụ việc tiếp quản thánh thất Cao Đài Phú Lâm cũng cho thấy
chính quyền không chấp nhận các tín đồ ở thánh thất này được hoạt động độc lập
với các hội thánh.

8. Chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản

Từ chiếm dụng các cơ sở tôn giáo sau năm 1975, chính quyền
chuyển sang “chiếm đoạt” những cơ sở này.

Năm 2020, Giáo xứ Thị Nghè tại Tp. Hồ Chí Minh và Hội
dòng Đa Minh Tam Hiệp tại tỉnh Đồng Nai cho biết hai ngôi trường mà chính quyền
mượn của họ đã bị chuyển quyền sử dụng cho các đơn vị của nhà nước trong âm thầm.

Các chính sách từ năm
2003
liên quan đến
nhà đất của các tổ chức tôn giáo đã giúp chính quyền các địa phương có được quyền
sở hữu những cơ sở tôn giáo mà họ đang mượn.

Hiện nay, các tổ chức tôn giáo sẽ không có cơ hội đòi lại
tài sản nếu chính quyền không chịu trả.

Những tổ chức tôn giáo sở hữu đất đai rộng lớn cũng có thể
trở thành mục tiêu sách nhiễu.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đan viện Thiên An và chính quyền
tỉnh này không thống nhất về đất đai và tài sản của đan viện. Khu đất 107 hecta
của đan viện bị chính quyền cắt xén dần dần từ năm 1975 đến nay mà đan viện
không hề được thông báo hay bồi thường.

Tháng 6/2020, khu rừng cây của Đan viện Thiên An có người
chặt phá, cưa sâu vào gốc của nhiều cây thông.

Ngày 13/8/2020, một hộ dân trong khu vực đã huy động nhiều
người đàn ông đến đóng cọc, giăng dây thép gai lên một khu vực đất của đan viện
Thiên An.

Các tổ chức tôn giáo vẫn không được mua bán đất đai mà phải
đợi chính quyền cấp đất.

Tại tỉnh Ninh Bình, các giáo dân của Giáo xứ Đồng Đinh đã
rất tức giận khi chính quyền địa phương không chịu
giao đất của họ cho nhà thờ. Sau khi giáo dân bàn giao đất cho chính quyền để
chính quyền giao cho nhà thờ theo luật định, các cán bộ xã đã tuyên bố sẽ không
giao đất cho nhà thờ và sẽ xây một con đê ngăn lũ ở giữa khu vực nhà thờ hiện tại
và khu đất của các giáo dân đã bàn giao.

9. Tổ chức tôn giáo bị trả đũa

Giấy mời làm việc của công an đối với các
thành viên thánh thất Phú Lâm. Ảnh: Cao Đài Bảo tồn Chánh Pháp
 

Tháng 8/2020, một đám đông, bao gồm người dân và cán bộ
xã, đã biểu tình trong hai ngày tại khu vực tranh chấp giữa đan viện
Thiên An, các hộ dân và chính quyền. Đám đông căng băng-rôn, la hét qua loa
phóng thanh để lên án các đan sĩ chiếm đất của họ.

Tại tỉnh Phú Yên, sau khi hỗ trợ tiếp quản thánh thất Phú
Lâm không thành, chính quyền tỉnh này đã mời năm thành viên của thánh thất Phú
Lâm làm việc. Những thành viên này đã bị chính quyền đe dọa rằng họ phải chấp nhận lệnh “tiếp quản”
thánh thất.

Năm 2020, công an các tỉnh Tây Nguyên đã cáo buộc các hoạt động tôn giáo của Hội thánh
Tin Lành Đấng Christ là lôi kéo người dân ly khai và chống chính quyền. Nhiều
thành viên của hội thánh này đã bị bắt để thẩm vấn.

10. Kiểm soát báo chí

Trong các vấn đề tôn giáo, báo chí trong nước đều đưa tin
theo định hướng của chính quyền.

Vào tháng 2/2020, báo Tuổi Trẻ đã phải gỡ một bài viết về sự nghiệp của hòa thượng Thích Quảng Độ.

Tháng 6/2020, đồng loạt các tờ báo đã cùng lúc để phản bác các cáo buộc trong báo cáo quốc tế về tôn giáo năm
2019 của Hoa Kỳ.

Vào tháng 8/2020, các đan sĩ đan viện Thiên An đã phản bác một phóng sự của Đài Phát thanh –
Truyền hình Thừa Thiên – Huế. Đan viện cho rằng phóng sự này là sai sự thật nhằm
bôi nhọ đan viện.

Trong năm qua, tất cả các tờ báo chính thống ở Việt Nam
đã chỉ trích về tính sai trái của Pháp Luân Công. Nhưng các tờ báo này chỉ dẫn
lời chính quyền mà không dẫn ý kiến của các học viên.

Chính quyền vẫn duy trì môi trường độc quyền cho báo chí
chính thống.

Hai trang tin Công giáo là Tin Mừng Cho Người Nghèo và
VietCatholic vẫn bị chặn ở Việt Nam. Nhiều tổ chức báo chí khác lên tiếng cho
quyền tự do tôn giáo cũng bị chặn truy cập từ Việt Nam như VOA, RFA, BBC, RFI,
Luật Khoa Tạp chí,…

Cũng không có đài truyền hình hay phát
thanh tư nhân được hoạt động tự do tại Việt Nam.

T.P.

Nguồn:
Luật Khoa tạp chí

This entry was posted in Tôn giáo. Bookmark the permalink.