Nguyên Ngọc
… chỉ cần qua hai ngày xử, đã có thể thấy con đường họ muốn dẫn dắt phiên tòa giết người này (chữ của Phạm Đoan Trang) là như sau: buộc tội cho kỳ được những người dân Đồng Tâm đã thiêu chết ba công an, mà việc đó là do chủ trương của cụ Kình. Vì thế họ phải tiêu diệt cụ Kình. Cho nên chỉ có phiên tòa “giết chết ba công an’’, mà không hề có phiên tòa giết cụ Kình.
Theo tôi, giết cụ Lê Đình Kình là một vụ ám sát tàn bạo, mà không có bất cứ cơ sở pháp lý nào hết. Thủ phạm là công an. Phải mở một phiên tòa nghiêm chỉnh về vụ giết người này và đưa thủ phạm đích thực ra trước công lý.
Nhân dân Đồng Tâm và gia đình cụ Kình tuyệt đối không dính dáng đến cái chết của ba công an. Đem kết hai vụ này lại với nhau, để biện minh cho việc giết rồi phanh thây cụ Kình, là một âm mưu cực kỳ đen tối và độc ác.
Giáo sư Hoàng Xuân Phú đã có một cuộc điều tra độc lập, cực kỳ khách quan, khoa học, tỉ mỉ, chặt chẽ về sự kiện Đồng Tâm 9/1/2020. Tôi cho rằng nhiệm vụ của Viện Kiểm sát và Tòa án không phải là loanh quanh với các kết luận điều tra của cơ quan công an (tự mình gây sự, rồi tự mình điều tra về chính mình và ra kết luận, không thể buồn cười hơn). Ngược lại, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát và Tòa án là nghiêm túc nghiên cứu hai bài “Tội ác Đồng Tâm” và “Viết thêm về Tội ác Đồng Tâm” của GS Hoàng Xuân Phú, và nếu vẫn muốn kết tội những người dân Đồng Tâm, thì hãy tìm cách bác bỏ cho kỳ được những luận điểm được nêu ra trong hai bài viết ấy.
Thua trong cuộc chiến pháp lý và lương tâm này là nỗi nhục còn đến muôn đời của cả chế độ và là uất ức muôn đời của mỗi người Việt Nam.
Nguyên Ngọc
***
Nhà thơ Ngọc Anh ra đi từ Tổ văn học Dân gian của Viện Văn học, phòng làm việc của anh ở sát ngay cạnh phòng tôi. Anh cũng như tôi có thói quen ngồi rốn lại sau giờ làm việc, vì thế trở thành thân nhau, ít nhất là trong khoảng thời gian từ 1961 đến 1964. Anh anh ra đi lặng lẽ như một cái bóng, đến nỗi một thời gian rất lâu chúng tôi mới nghe phong thanh anh đang ở Tây Nguyên. Cái chết của anh cũng rất bất ngờ, dội về Bắc, và hình như cũng chỉ hằn nếp nhăn lên khuôn mặt người vợ trẻ mà lúc bấy giờ đã ở nơi sơ tán, chúng tôi không thể đến chia buồn với chị. Và thế là từ đó đến nay không ai còn nhắc đến anh. Cảm ơn nhà văn Nguyên Ngọc đã làm sống dậy những tình cảm thân quen xa xưa trong lòng tôi, nhất là những nỗi xúc động này lại có khả năng soi chiếu cho một vụ án mà hơn tám tháng nay đang trở thành một bóng tang đen sầm trong trái tim mọi người.
Nguyễn Huệ Chi
Tôi chắc ai cũng biết bài hát nổi tiếng “Bóng cây Kơ-nia”, nhưng hình như người ta biết nhiều về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, là người đã phổ nhạc bài thơ ấy, rất ít ai nhắc và biết đến tác giả địch thực: nhà thơ Ngọc Anh. Đã có lần tôi nói với anh Phan Huỳnh Điểu: cám ơn anh đã phổ nhạc bài thơ, nhưng theo tôi bài thơ đó đã tự nó hát lên rồi…
Nhưng hôm nay nhắc tới Ngọc Anh không phải để nói chuyện xưa, mà để bàn về các kịch bản kỳ quái do mấy tướng công an tung ra về cái chết của ba người công an trong vụ án Đồng Tâm đang xử.
Ngọc Anh là bạn thân của tôi. Chúng tôi cùng lên Tây Nguyên một lần từ thời kháng chiến chống Pháp. Đến thời chiến tranh chống Mỹ, Ngọc Anh trở vào chiến trường cuối năm 1964, hoạt động ở vùng Kontum, và hy sinh ngày 5-10-1965, vì một tai nạn nghề nghiệp bất ngờ. Cụ thể là thể này: Ngọc Anh phụ trách một nhóm văn nghệ, chuyên đi biểu diễn, tuyên truyền cổ vũ kháng chiến ở các làng, chủ yếu thuộc hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, trên hai sườn của núi Ngọc Linh cao nhất Tây Nguyên. Để tạo ánh sáng ở sân làng cho hằng trăm người xem, họ dùng một cách rất thô sơ: khoét một cái lỗ, lót mấy lớp lá không thấm nước, đổ dầu lửa xuống đấy, che phía trên chỉ chừa lại một khoảng trống nhỏ, rồi nhúng một cái bấc vào và đốt lên. Chỉ dầu lửa thôi nhé, lúc ấy đã làm gì có xăng. Ánh sáng cũng đủ cho các cuộc hát múa rộn rã… Đến khi ánh sáng đã hơi yếu do dầu cạn, lẽ ra phải chờ lửa tắt hẳn thì mới được đổ thêm dầu, rồi đốt lại. Nhưng Ngọc Anh đã vội vã và bất cẩn, bưng cả thùng dầu lửa còn lại rót thẳng vào ngọn lửa đang cháy. Dù chỉ còn le lói, lửa cũng bắt được dầu, bỗng cháy bùng lên, lập tức lan ngược theo dòng dầu đang rót xuống, và phủ cháy cả người cầm thùng dầu. Vậy là Ngọc Anh bị bỏng toàn thân. Người ra sức chạy chữa cho Ngọc Anh lúc bấy giờ, mà vẫn không cứu được, là một y sĩ người Jörai tên là Kösor Kron, còn có tên là Nguyễn Văn Sĩ, cũng được đào tạo từ miền Bắc vào. Sau này có thời gian dài Kösor Kron làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Anh chính là người dẫn con trai Ngọc Anh mấy mươi năm sau đi tìm mộ cha trong rừng rậm Tu Mơ Rông, và cũng chính anh đã kể cho tôi nghe toàn bộ câu chuyện về cái chết bi thảm của Ngọc Anh, bạn tôi…
Hôm nay tôi nhắc lại kỷ niệm buồn này, trong những ngày rất căng thẳng và rất đáng buồn của vụ án Đồng Tâm, là để liên hệ với cái kịch bản mà hai ông tướng công an (Thứ trưởng Lương Tam Quang và Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an Tô Ân Xô) tung ra. Theo đó, các con trai cụ Lê Đình Kình đã đứng trên cao, lấy cây nhọn chọc cho ba người công an cùng rơi gọn trơn xuống cái hố kỹ thuật, rồi các “thủ phạm” liên tiếp hết đợt này đến đợt khác rót xăng xuống – xăng chứ không phải dầu lửa như Ngọc Anh ngày nào. Trong kịch bản được tung ra trước phiên tòa còn bổ sung thêm chi tiết con cháu cụ Kình thay nhau dùng chậu múc xăng, cứ thế mà liên tục tạt xuống hố… Vậy mà không ai bị xăng bắt theo, cháy ngược lên, chắc chắn còn nhanh và dữ hơn dầu lửa nhiều, thiêu họ chẳng thua gì các chiến sĩ công an dưới hố. Cho tôi nói thật nhé: kịch bản của mấy vị tướng công an, dù đã cố chỉnh sửa mỗi lần phát ngôn, đều quá tồi, quá trẻ con, đến mức không phỉnh được trẻ con. Không biết ở trường đào tạo công an có khoa dạy sáng tác kịch bản không? Nếu có thì cái khoa ấy quá kém, phải cấp tốc chấn chỉnh ngay đi. Để không còn cái cảnh trớ trêu mà tôi thấy mấy hôm nay trên các phương tiện truyền thông nhà nước: Chánh văn phòng Bộ Công an Thiếu tướng Tô Ân Xô khoái trá nhắc lại cái kịch bản con nít ấy với hơn 90 triệu người dân và với toàn thế giới, không chút xấu hổ.
Tôi đã nói dông dài như trên là bởi vì, chỉ cần qua hai ngày xử, đã có thể thấy con đường họ muốn dẫn dắt phiên tòa giết người này (chữ của Phạm Đoan Trang) là như sau: buộc tội cho kỳ được những người dân Đồng Tâm đã thiêu chết ba công an, mà việc đó là do chủ trương của cụ Kình. Vì thế họ phải tiêu diệt cụ Kình. Cho nên chỉ có phiên tòa “giết chết ba công an’’, mà không hề có phiên tòa giết cụ Kình.
Theo tôi, giết cụ Lê Đình Kình là một vụ ám sát tàn bạo, mà không có bất cứ cơ sở pháp lý nào hết. Thủ phạm là công an. Phải mở một phiên tòa nghiêm chỉnh về vụ giết người này và đưa thủ phạm đích thực ra trước công lý.
Nhân dân Đồng Tâm và gia đình cụ Kình tuyệt đối không dính dáng đến cái chết của ba công an. Đem kết hai vụ này lại với nhau, để biện minh cho việc giết rồi phanh thây cụ Kình, là một âm mưu cực kỳ đen tối và độc ác.
Giáo sư Hoàng Xuân Phú đã có một cuộc điều tra độc lập, cực kỳ khách quan, khoa học, tỉ mỉ, chặt chẽ về sự kiện Đồng Tâm 9/1/2020. Tôi cho rằng nhiệm vụ của Viện Kiểm sát và Tòa án không phải là loanh quanh với các kết luận điều tra của cơ quan công an (tự mình gây sự, rồi tự mình điều tra về chính mình và ra kết luận, không thể buồn cười hơn). Ngược lại, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát và Tòa án là nghiêm túc nghiên cứu hai bài “Tội ác Đồng Tâm” và “Viết thêm về Tội ác Đồng Tâm” của GS Hoàng Xuân Phú, và nếu vẫn muốn kết tội những người dân Đồng Tâm, thì hãy tìm cách bác bỏ cho kỳ được những luận điểm được nêu ra trong hai bài viết ấy.
Thua trong cuộc chiến pháp lý và lương tâm này là nỗi nhục còn đến muôn đời của cả chế độ và là uất ức muôn đời của mỗi người Việt Nam.
09-09-2020
N.N.
Nguồn: FB Ngân Hà Trần