Yêu cầu dừng phiên toà để thực nghiệm hiện trường!

Mạc Văn Trang

Phiên toà xét xử vụ án Đồng Tâm diễn ra từ ngày 7/9/2020, bộc lộ quá nhiều khuất tất. Vậy yêu cầu dừng phiên toà để điều tra thu thập các chứng cứ khách quan và thực nghiệm hiện trường để đảm bảo đúng nguyên tắc “Trọng chứng hơn trọng cung".

Trong vụ án Đồng Tâm đêm ngày 8 rạng ngày 9/1/2020 có 4 người bị chết: đảng viên Lão thành Lê Đình Kình 56 tuổi đảng, 84 tuổi đời và 3 sĩ quan công an (SQCA). Cái chết của 4 người này đều cần được điều tra, thu thập đầy đủ các chứng cứ khách quan và thực nghiệm hiện trường mới có thể đủ cơ sở để xét xử, luận tội, kết án.

Trong bài viết này tôi chỉ đề cập điều tra, thực nghiệm hiện trường về cái chết của 3 SQCA. Mặc dù 3 sĩ quan đã được tổ chức lễ tang rất long trọng và được “Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thăng cấp bậc hàm vượt cấp cho 03 đồng chí. (Thăng cấp bậc hàm vượt cấp từ Thượng tá lên Đại tá cho liệt sĩ Nguyễn Huy Thịnh; từ Thượng úy lên Đại úy cho liệt sĩ Phạm Công Huy; từ Trung úy lên Thượng úy cho liệt sĩ Dương Đức Hoàng Quân)”… nhưng cái chết của 3 sĩ quan vẫn rất cần được làm sáng tỏ.

Tôi viết những dòng sau đây không hề dám xúc phạm đến vong linh 3 sĩ quan đã mất cũng như không hề dám đụng chạm đến tình cảm của thân nhân 3 sĩ quan đã qua đời. Tôi chỉ muốn yêu cầu các cơ quan điều tra độc lập, khách quan làm rõ sự thật để có thể minh oan cho những người dân vô tội, cũng như để biết rõ đâu là thủ phạm thực sự của vụ án. Có như vậy vong linh 3 sĩ quan mới được an ủi và siêu thoát…

Là một công dân có trách nhiệm, tôi khẩn thiết yêu cầu:

1. Phải điều tra, nghiên cứu, thu thập các chứng từ cái hố kỹ thuật (giếng trời) bên cửa sổ nhà ông Hợi sang sân nhà anh Chức, nơi bản cáo trạng cho rằng 3 SQCA cùng “ngã xuống hố” như thế nào?

Tôi xin hỏi: Những người ra lệnh vụ tấn công 9/1, những người chỉ đạo phiên toà 7/9 cũng như Thiếu tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn của Bộ Công an về vụ án và các vị quan toà đã ai đến nghiên cứu hiện trường nơi 3 sĩ quan công an chết chưa?

Tôi và nhiều người dân đã đến tận nơi quan sát rất kỹ nơi được cho là 3 SQCA chết và đều không thể tin được như cáo trạng đã nêu.

1. Trên thực tế, cửa sổ từ nhà ông Hợi sang sân nhà anh Chức rộng chưa đến 80 cm. Vì vậy, ba công an không thể chui lọt qua cửa sổ cùng một lúc, để cùng rơi xuống hố kỹ thuật. Nếu người đi đầu chui qua cửa bị rơi xuống hố, thì người sau phải biết dừng lại; nếu bị các “đối tượng" dùng dao đâm, thì 2 SQCA đi sau, tại sao không nổ súng tiêu diệt “đối tượng"? Sao 2 người đi sau lại ngoan ngoãn cho “đối tượng" đâm bị thương và cùng rơi xuống hố? Hành vi này ông Tô Ân Xô có thể chỉ huy 3 công an diễn lại dễ dàng.

Ngày 6/92020, ông Xô lại nói: “… khi thấy 3 đồng chí Công an bị NGÃ TỪ MÁI NHÀ trong quá trình tiếp cận nhà Kình”… Vậy hãy diễn lại xem 3 SQCA ngã từ “mái nhà" xuống hố thế nào?

2. Cái hố kỹ thuật này sâu 4m, đáy 60 cm x 120 cm. Thiếu tướng Xô nói: “… khi thấy 3 đồng chí Công an bị ngã từ mái nhà trong quá trình tiếp cận nhà Kình, Lê Đình Doanh châm lửa vào chậu xăng đẩy xuống nơi 3 đồng chí Công an bị ngã xuống, tiếp đó Lê Đình Chức liên tiếp đổ 3 – 5 chậu xăng xuống, dẫn đến 3 chiến sĩ Công an hy sinh”….(http://baochinhphu.vn/).

Tôi đề nghị cho 3 con heo (lợn) mỗi con 70kg xuống hố và ông Xô “châm lửa vào chậu xăng đẩy xuống” nơi 3 con heo nằm dưới hố, rồi “liên tiếp đổ 3 – 5 chậu xăng xuống” tiếp… xem 2 con heo có cháy thành “than hoá" và một con còn nhận dạng được hay không? Từ đó mới có cơ sở để luận tội đối với Lê Đình Doanh và Lê Đình Chức như ông Xô nói. Quá trình thực nghiệm hiện trường được ghi hình chiếu lên cho mọi người “tâm phục, khẩu phục"!

3. Còn nhiều yếu tố khác nữa (chưa nêu ở đây) mà chỉ bằng thực nghiệm hiện trường như đã nêu ở trên mới chứng minh được bản cáo trạng và lời nhận tội của các bị cáo là có cơ sở khách quan.

Không thể theo lời khai mà “suy đoán có tội" rồi kết án để rồi lại dẫn đến những sai lầm như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn hay nhiều vụ khác. Vậy nên chỉ có điều tra lại với đầy đủ chứng cứ khách quan và nhất là thực nghiệm hiện trường vụ án mới đánh tan được những “luận điệu xấu xuyên tạc” vụ án, đem lại niềm tin vào tính ưu việt của ngành tư pháp xã hội chủ nghĩa của Việt Nam ta.

9/9/2020

M.V.T.

Nguồn: Baotiengdan

This entry was posted in Vụ án Đồng Tâm. Bookmark the permalink.