Tương Lai
Đang bệnh, phải nằm viện, rồi về nằm nhà đã mấy tháng, không mở được máy tính thường xuyên, chỉ tuần đôi ba lượt mở ghi vài dòng để khỏi quên về một bài viết nhân những ngày nằm bệnh, sau đó cố gắng cập nhật một số thông tin do bạn bè trong ngoài nước gửi cho. Sáng nay mới nhận được tin anh Phan Ngọc đã mất. Lặng đi trong bùi ngùi thương nhớ. Lặng đi trong tâm trạng hối hả của tuổi 85 với cái hạn “năm Tuổi” khi chợt đọc tin nhà văn hóa Nhữ Thành, người bạn vong niên mà tôi đối xử như một người thầy, đã không còn nữa rồi!
Thế là cả ba người bạn quý mến mà tôi hết lòng kính trọng, Phan Ngọc là người cuối cùng trong “cổ học tam kiệt” [Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đình Hượu và Phan Ngọc] đã bước vào cõi vĩnh hằng.
Họ đã là người “muôn năm cũ” mà Vũ Đình Liên từng viết đầu thế kỷ 20. “Cổ học tam kiệt” cũng là theo một cách riêng là “sản phẩm một thời” để lại dấu ấn lịch sử khó quên của cánh sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội buổi ấy ngưỡng mộ tài năng của thầy mình, từ truyền miệng đến thành văn, thành danh ngôn về “tam kiệt”, về “tứ trụ”! Theo riêng cảm nghĩ của tôi, có lẽ đó cũng còn là cách mà lớp trí thức trẻ phản ứng lại với cách nhìn nhận tài năng của người trí thức qua cái gọi là “lập trường tư tưởng” là “tính đảng” cực kỳ hàm hồ áp đặt, mang tính cực quyền hết sức thô bạo.
Những nhà khoa học có truyền thống gia đình là trí thức, giàu lòng tự trọng như Phan Ngọc đương nhiên không thể không cưỡng lại sự áp đặt thô bạo, động chạm đến nhân cách của người trí thức.
Phan Ngọc với bút danh Nhữ Thành đã nối dài với những tác phẩm lừng danh Đông Tây. Những tác phẩm này thật ra đã hoàn thành nhiều năm trước nhưng vẫn phải chất trong tủ, nằm trong ngăn kéo. Nhờ đôi mắt xanh cùng với tấm lòng nhân hậu và bản lĩnh của anh Lý Hải Châu, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, những bản dịch công phu với bao tâm huyết của Phan Ngọc mới được xuất bản, được bày trên kệ sách và đến được độc giả.
Từ “Sử Ký” của Tư Mã Thiên đến “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần mà ông là đồng dịch giả. Là chủ biên, dịch và giới thiệu Shakespeare, đến tham gia với ba người bạn cùng dịch “Chiến tranh và Hòa bình” của L.Tolstoi và bao nhiêu tác phẩm có giá trị khai sáng khác.
Khi một mình dịch “Hàn Phi Tử” ông có dụng ý rất rõ ràng.Vào những năm 80 ấy, ông nói với tôi: “Rồi ông sẽ đọc cuốn sách viết cách nay 2300 năm để giật mình về tính hiện đại của nó”. Và tôi mở “Hàn Phi Tử” của ông vừa dịch. Mấy ngày nghiền ngẫm, gấp sách lại, đúng là tôi đã bàng hoàng về bản dịch của nhà văn hóa Phan Ngọc làm lay động ngững suy tư, dằn vặt của tôi về thời cuộc. Sau một tuần nghiền ngẫm lại tác phẩm, tôi ngỏ ý mời anh đến Viện tôi trình bày cho đông đảo cán bộ nghiên cứu cùng nghe. Đây là một buổi sinh hoạt học thuật hấp dẫn và cuốn hút, để lại trong người nghe những cảm nhận sâu lắng. Đương nhiên vào buổi ấy, tổ chức cho Phan Ngọc giới thiệu về Hàn Phi Tử, Trần Đình Hượu giới thiệu về “Theo con đường Phương Đông đi lên Chủ nghĩa xã hội” không phải là không có những điều gọi là “nhạy cảm” và ông Nguyễn Duy Quý phải cho thư ký về theo dõi! Không phải theo dõi về nội dung mà theo dõi trước hết là người tổ chức.
Phan Ngọc có nhiều tác phẩm nghiên cứu có giá trị, có cuốn mang ý nghĩa mở đường cho một hướng tìm tòi như “Thức nhận về Văn hóa Việt Nam”, “Giải thích văn học bằng ngôn ngữ học” và nhiều tác phẩm có giá trị khác như “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều”, “Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới”, “Bản sắc Văn hóa Việt Nam”, “Văn hóa Việt Nam tiếp xúc với Pháp”, “Thi Thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ”… Đấy là chưa nói ông còn dành thời gian biên soạn bộ “Thần thoại Hy Lạp”, “Từ điển Anh – Việt” (1994).
Thế nhưng nhắc đến ông, người ta hay nhắc các tác phẩm dịch. Phải chăng là do những tác phẩm mà ông chọn dịch là những tác phẩm quá nổi tiếng trong kho tàng văn hóa của nhân loại mà không một quốc gia nào lại có thể tự cho phép đất nước mình thiếu vắng sự hiểu biết và phổ biến rộng rãi trong công chúng của họ.
“Pháp luật không hùa theo người sang… Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không tránh kẻ thất phu… Cho nên bậc vua sáng khiến pháp luật chọn người chứ không tự mình tiến cử, khiến cho pháp luật đo lường công lao chứ không tự mình tính toán”. Câu nói ấy gieo một ấn tượng mạnh trong đám thính giả trẻ. Tùy theo cung bậc của cảm xúc và nhận thức, mỗi người nghe đều nhìn vào những gì đang diễn ra trước mắt và tự ngẫm.
Phan Ngọc rất bận. Cả một núi bản thảo đang chờ duyệt lại. Nhiều tác phẩm đang được đề nghị chọn để dịch hoặc cùng dịch với những người bạn tâm đắc đang xếp một góc. Đấy là chưa nói đến những công trình nghiên cứu đang được cẩn trọng duyệt lại để công bố. Ấy thế nhưng khi tôi ngỏ ý dành thêm cho một số buổi để đến trình bày với cán bộ nghiên cứu của Viện tôi, anh vẫn vui vẻ nhận lời. Anh hiểu rõ trách nhiệm trao lại cho thế hệ cán bộ nghiên cứu khoa học sau anh tiếp tục một cách nghiêm cẩn con đường mà anh đã đi qua với bao chông gai, thử thách.
Nhiều buổi tâm sự với anh, nhất là thời kỳ anh được Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện Đông Nam Á vời về Viện làm việc. Có thể nói đây là thời kỳ Phan Ngọc có một thời gian thoải mái, dễ thở, thoát khỏi những đôi mắt soi mói, ganh tỵ hèn hạ của một số “cốt cán” được trao “nhiệm vụ đặc biệt”, hoặc có khi cũng chẳng có ai “trao” mà là do nhân cách xu thời, tự biết mình thua kém trong cái môi trường mà “cổ học tam kiệt” phải chịu đựng. Anh Trần Đình Hượu với nụ cười hiền hòa và thâm trầm nói với tôi: “Kiệt gì, kiết thì có! Chẳng qua là cách người ta phản ứng lại sự dốt nát và hài hước đấy thôi”. Ông bạn tôi, Phạm Đức Dương, vốn tính tình cởi mở và hiểu khá rõ về Phan Ngọc, ông bạn đồng hương uyên bác và say mê nghiên cứu, đã tạo cho Phan Ngọc một chế độ làm việc phù hợp với một học giả.
Tôi hỏi ông: “Anh lấy đâu ra thời gian và sức khỏe để giải quyết cả núi công việc nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật hở anh Ngọc?”. Ông cười: “Mình có một đam mê không dứt ra được. Đang triển khai đề tài này đã nghĩ đến một đề tài khác đang cuốn hút sẽ phải làm”. Cao Xuân Hạo, người bạn cùng nghiên cứu và dịch thuật với Phan Ngọc, có lần nói với tôi: “Phan Ngọc có một sức làm việc dẻo dai và bao quát đến khủng khiếp. Đương nhiên điều này không phải là hoàn toàn tốt đâu, nhất là với một nhà khoa học, mặc dù đồng ý với nhận xét ấy nhưng tôi biết ông ấy không sửa đâu”. Phan Ngọc cười: “Đã quen mất nết đi rồi”, còn Cao Xuân Hạo thì ngâm nga câu thơ: “Hết ngày dài lại đến đêm thâu…”.
Viện tôi với viện của Dương gần nhau nên chúng tôi có nhiều dịp ngồi với nhau, khi thì ở phòng làm việc của Dương, khi thì ở phòng của tôi bên chén trà để cùng trao đổi với nhau, không chỉ về chuyên môn mà còn về thời cuộc.
Có lần anh Phan Ngọc nhân nhắc lại câu chuyện anh vừa trình bày với Viện Xã hội học chúng tôi, đã hào hứng gợi lại hình ảnh “Tần Thủy Hoàng đọc cuốn sách của Hàn Phi đã nói ‘Ta được làm bạn với con người này thì có chết cũng không uổng!’”. Hàn Phi là người nước Hàn, được nhà vua phái sang Tần để thuyết phục vua Tần đừng đánh nước Hàn. Nhưng, Phan Ngọc viết: “Phi sang Tần không phải để sống mà để chết”. Dẫn giải về nhà trí thức vĩ đại này, Phan Ngọc đưa ra bài “Nỗi phẫn uất của con ngưởi cô độc”. Tôi rất hiểu tâm trạng của “những người cô độc” như Phan Ngọc.
Sang Tần, Hàn Phi thuyết phục được vua Tần với bài nghị luận có sức thu hút mãnh liệt: “Lần đầu yết kiến vua Tần”. Tuy thuyết phục được vua nhưng Hàn Phi lại phải chết bởi bàn tay của Thừa tướng Lý Tư, người bạn học cũ từng biết rõ tài năng của Hàn Phi vượt xa mình, nếu Phi sống sẽ là mối đe dọa cho quyền lực của y. Nhà văn Nga Goncharov thế kỷ 19 từng viết tác phẩm nổi tiếng “Nỗi khổ vì có trí tuệ” diễn đạt một ý tưởng thâm trầm con người là “nạn nhân bởi trí tuệ của chính mình”.
Thế nhưng, hơn 2000 năm trước, Hàn Phi chính là một điển hình của nạn nhân ấy. Với ông, chỉ có hai con đường. Một là vứt bỏ trí tuệ và tài năng, hùa theo với lũ nịnh thần. Hai là sống như ông muốn sống, và như thế cũng có nghĩa là rồi phải chấp nhận cái chết không sao tránh khỏi!
Hôm ấy, anh Phạm Đức Dương thúc tôi tháo bã chè, thay ấm mới vì câu chuyện đang hồi hào hứng. Nhữ Thành say sưa nói về thân phận của những nhân vật lớn trong các tác phẩm mà anh đã dịch như Tư Mã Thiên, những người tự nhận mình là người “bất cơ”! Bất cơ tức là không chịu trói buộc mình theo tập tục, vượt ra ngoài mọi lề thói.
Dưới ngòi bút dịch thuật của mình, Phan Ngọc đã làm sống động hàng ngàn nhân vật điển hình trong tác phẩm của Tư Mã Thiên. Cả một nhân loại mênh mông – như Phan Ngọc miêu tả – hiện ra trước mắt chúng ta. Đủ các tầng lớp, đủ các nghề nghiệp. đủ các thành phần… Nông dân, hiệp khách, những triết gia cao đàm khoát luận giữa chốn thư phòng và anh hàng thịt luận bàn bên phản thịt giữa chợ… Những hình ảnh ấy đã du nhập vào kho tàng văn học, làm thành nhân vật của những truyện ký, thoại bản, hý khúc, kịch, thơ cực kỳ sống động. Điều cần đặc biệt lưu ý là đời sau có thể tô điểm, thêm bớt nhưng tuyệt đối khó mà bằng năng lực hư cấu của mình để tạo nên một Kinh Kha, một Hàn Tín hay một Hạng Vũ khác hẳn hình tượng mà hơn 2000 năm trước Tư Mã Thiên đã khắc họa nên. Không tài nào có thể cũng sinh động được như ngòi bút của nhà văn cổ đại đã từng khắc họa. Có thể nói những hình tượng Tư Mã Thiên tạo ra đã được nhân dân tiếp nhận toàn vẹn. Điều đó không phải là một hiện tượng thường thấy trong văn học.
Nếu ta xét những nhân vật lịch sử châu Âu thì ta thấy họ được biểu hiện một cách khác nhau ở từng nhà văn. Hiện tượng Catilina của sử gia La Mã Sallust rất khác hình tượng Catilina của Ben Johnson. Hình tượng Catilina của Ibsen lại càng khác hẳn. Tư Mã Thiên đã làm thế nào để nhân vật của mình sống mãnh liệt đến nỗi họ tồn tại khách quan ở ngoài nhà văn, và dân chúng khó lòng chấp nhận sự thay đổi! Trong khi khắc họa hình nhân vật, với Tư Mã Thiên, nhân vật vĩ đại đến đâu trước hết cũng là người bình thường. Trong khi miêu tả, ông không chạy theo sự kiện mà dõi theo cái quyết định hình thành tính cách nhân vật.
Ông nhìn ra những tình tiết nhỏ nhất. Nhân vật Trương Thang lúc nhỏ giữ nhà bị chuột ăn mất thịt, bị cha đánh đòn. Thang bắt đuợc chuột, bèn làm một bản án kết tội chuột. Người cha thất kinh, xem thấy lời văn đã phát hiện ra con mình đích thị là một tên quan coi ngục sành sỏi và đủ mưu mẹo cũng như sự tàn ác!
Câu nói bất hủ của Hàn Tín: “Nhà vua muốn lấy thiên hạ sao lại giết tráng sĩ?” biểu lộ một chí khí phi thường và là người sẽ lập nên đại nghiệp và rồi sẽ thất bại! Con người từ bé đã học kiếm chẳng thành lại chỉ muốn học cái đánh lại vạn người. Chính con người muốn học cái “đánh lại được vạn người ấy’ đã dám chịu nhẫn nhục chui qua háng người giữa chợ. Còn Lý Tư, người buộc Hàn Phi phải uống thuốc độc chết trong ngục khi biết vua Tần đã được Hàn Phi thuyết phục. Tư Mã Thiên đặt câu nói điển hình vào miệng Lý Tư để phơi bày gan ruột độc ác và nham hiểm của người bạn học cũ của Hàn Phi thời theo học Tuân Tử: “Người ta ở đời hiền hay bất tiếu cũng như con chuột, chẳng qua do hoàn cảnh mà ra ra cả đấy thôi”. Những câu nói, những tình tiết để đời ấy có cả trăm cả vạn trong những tác phẩm của Tư Mã Thiên, Hàn Phi Tử, trong “Chuyện Làng Nho”…
Mà đâu chỉ với các tác phẩm Phương Đông. Hãy chỉ lấy một William Shakespeare, một trong số những những nhà văn hóa vĩ đại của nhân loại. Từ lâu, sáng tác của Shakespeare đã vượt ra ngoài phạm vi nước Anh. Có thể nói từ 1594 trở đi, suốt mười mấy năm liền, các vở kịch của Shakespeare đã tuyệt đối làm bá chủ kịch trường Anh.
Cứ mỗi năm Shakespeare viết hai vở kịch. Không chỉ thế, nhà viết kịch lại còn làm diễn viên, đạo diễn, lãnh đạo đoàn kịch của mình ở rạp hát Globus lớn nhất London. Tổng cộng lại, ông đã hoàn thành sự nghiệp vĩ đại nhất về kịch trong lịch sử nhân loại: 37 vở kịch! Shakespeare làm được như vậy vì ông tâm niệm được rằng “Sự ngu dốt là lời nguyền rủa của Chúa trời; tri thức là đôi cánh đưa ta bay tới thiên đường”.
Và Nhữ Thành của chúng ta cùng với những dịch giả hàng đầu đã cố gắng đưa những thành tựu vĩ đại của nền văn hóa thế giới, chọc thủng màn đêm của một thời kỳ đen tối của sự dốt nát, định kiến, thời kỳ của các tài năng lớn, các văn nghệ sĩ lớn bị đày đọa, bị giam cầm, bị hành hạ trong một chế độ toàn trị phản dân chủ. Đó là thời kỳ của người mang “Những nỗi khổ vì có trí tuệ” kéo dài lê thê! Sự lê thê đó còn tiếp và và làm trầm trọng thêm cho đến tận hôm nay.
Cứ ngỡ như những gì Hàn Phi viết cách nay hơn 2000 năm về chuyện Quan Long Bàng thuyết phục Kiệt, Tỷ Can ngăn cản Trụ, Ngũ Tử Tư can gián Phù Sai… Họ đều không tránh được mối lo bị chết. Đó là mối lo nhà vua không thích những lời của người hiền mà chỉ muốn nghe theo bọn ngu và hư hỏng, nịnh bợ. Có ngẫm sâu về điều đó mới hiểu tại sao Phan Ngọc hối hả vùi mình trong bản thảo của những tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật. Anh thấy mình được sống với cuộc sống của chính mình.
Cuộc sống ấy gói gọn trong bút danh của nhà văn hóa lớn, một học giả đã để lại cho đời những công trình nghiên cứu có giá trị, những tác phẩm dịch thuật tiêu biểu mà sức một người hiếm thực hiện nổi, trừ phi có mộ bộ óc say mê quá cỡ và một sức đam mê quên mình. Một học giả tự nhận cho mình bút danh Nhữ Thành. Bút danh ấy nói về một nhân cách mà “nghèo khó, lo lắng sẽ mãi giũa ta thành viên ngọc” (bần tiện ưu thích, dung ngọc nhữ ư thành dã 貧賤憂戚 庸玉汝於成也). (Đây là một câu lấy từ sách Tây Minh của Trương Hoành Cừ đời Tống mà thân phụ của nhà văn, cụ lão nho Phan Võ, gợi ý cho con trai đặt bút danh).* Viên ngọc ấy sáng mãi!
T.L.
Tác giả gửi BVN