Hơn 31 triệu lao động phi chính thức ở Việt Nam “đã thực sự rất khó khăn”

Nguyễn Sơn

Sáu tháng đầu năm, trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tái bùng phát tại Việt Nam, thu nhập của lao động chính thức đã giảm 4,7%, còn thu nhập của người lao động phi chính thức bị giảm tới 8,4% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ có những số liệu thống kê và dự báo nói chung được đưa ra, song tất cả đều có cái nhìn bi quan đối với tình hình của người lao động khi dư chấn tổn thất từ đợt dịch lần 1 chưa hết lại cộng với đợt dịch lần 2.

Ảnh minh họa: Bmphotographer/Shutterstock)

Trước khi dịch tái bùng phát, khoảng 60.000 việc làm đã bị mất mỗi tháng

Hôm 26/8, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trước thời điểm dịch COVID-19, mỗi tháng có 80.000 – 90.000 người tham gia vào thị trường lao động, chưa kể 11.000 người/tháng có việc làm thông qua đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuy nhiên, từ thời điểm tháng 4-5/2020, thị trường lao động mất khoảng 60.000 việc làm mỗi tháng, do doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được, từ đó dẫn đến tình trạng lao động bị ngưng việc, giãn việc, mất việc. (1)

Ông Dung nhận định đợt dịch lần 2 này sẽ tác động mạnh hơn đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa đóng băng. Hiện các mặt hàng trong nước sản xuất ra không xuất khẩu được. Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 7, số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 41,5% so với cùng kỳ.

Đây là giai đoạn thất nghiệp thực sự. Số lao động thất nghiệp sẽ còn tăng nếu từ giờ đến cuối năm không kiểm soát tốt tình hình dịch”, ông Dung nói. (2)

56% lực lượng lao động đang khó “trụ”

Đáng lưu ý, trong cuộc họp hôm 26/8, tình trạng của lao động phi chính thức được nói rõ hơn. Ông Dung cho biết thách thức đặt ra hiện nay chính là lực lượng lao động phi chính thức. Đây là nhóm lao động quan trọng nhưng lại chịu nhiều tổn thương, rủi ro nhất, cũng ít được thụ hưởng chính sách nhất.

Theo thống kê đưa ra, nhóm này đang chiếm khoảng 56% trong tổng 55,4 triệu người lao động (tương đương khoảng hơn 31 triệu người).

Với tình hình trước mắt, ông Dung nhận định ở chừng mực nào đó, nhóm người lao động thuộc khu vực chính thức, như công nhân viên chức, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhà nước có thể “trụ được” trong một thời gian nữa, nhưng với những lao động phi chính thức đã thực sự rất khó khăn. Nếu không lo tốt cho lực lượng lao động phi chính thức thì nhiều tác động bất lợi có thể xảy ra.

Do gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng – được đưa ra vào cuối tháng 4/2020 nhằm hỗ trợ cho những đối tượng yếu thế, lao động tự do bị mất việc, giãn việc, giảm sâu thu nhập do COVID-19 – tính đến ngày 31/7 mới chỉ giải ngân được gần 12.000 tỷ đồng với 18,8 triệu người được duyệt nhận, ông Dung cho biết đã đề xuất Chính phủ gói hỗ trợ an sinh lần 2, trong đó chú trọng tới nhóm lao động phi chính thức.

Tới cuối năm, thêm ít nhất 3,5 triệu người có thể bị mất việc

Đầu tháng 8/2020, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết “lượng lớn lao động có thể thất nghiệp vào cuối năm” (2). Điều này xảy ra trong tình trạng vắc xin phòng COVID-19 chưa có, Quý 3/2020, dự báo xuất khẩu sẽ bị hạn chế bởi tình trạng dịch tại các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, còn nguyên nhiên liệu cần cho sản xuất thì cạn kiệt dần, theo ông Thanh.

Kịch bản xấu nhất do Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đưa ra, ông Thanh cho hay, là số lao động mất việc sắp tới có thể tăng khoảng 60.000-70.000 mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo… Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5-5 triệu người.

Hiện theo con số công bố, qua nửa đầu năm 2020, nhóm lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm tại Việt Nam đã giảm 2,6 triệu người, từ 54,4 triệu giảm xuống còn 51,8 triệu người.

Một kết quả điều tra do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam kết hợp Tổng cục thống kê đưa ra vào đầu tháng 7/2020 cho biết năm 2020 là lần đầu tiên trong 5 năm qua, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong Quý 2 giảm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động ở mức 5,2 triệu đồng, giảm 5,1%. Khi tính riêng, thu nhập của lao động chính thức giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019, còn thu nhập của người lao động phi chính thức bị giảm tới 8,4%.

Mức giảm thu nhập trở nên rõ rệt hơn khi tính theo ngành. Thu nhập bình quân tháng của lao động trong ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí giảm tới 19,2%, thứ đến là ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 18,3%; ngành vận tải kho bãi giảm 12,8%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 9,1%.

Quý 2/2020 cũng chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua, ở mức 2,73%, với kết quả tương đồng khi tỷ lệ thất nghiệp cao nhất rơi vào nhóm lao động có trình độ thấp (sơ cấp), theo ILO.

Dư chấn suy thoái có thể kéo dài vài năm

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong vòng 7 tháng, 17.670 tỷ đồng ngân sách đã được chi cho việc điều trị, phòng dịch COVID-19. Tổng thu ngân sách của TP.HCM năm 2019 là 409.923 tỷ đồng, so ra, mức chi trên đã chiếm gần 1/4 của nguồn thu ngân sách lớn nhất nước trong năm qua, chưa kể những tổn thất do sản xuất, kinh doanh đình trệ.

Đồng quan điểm do TS Nguyễn Xuân Thành đưa ra hôm 25/8, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ xác định tăng trưởng GDP năm 2020 loanh quanh chỉ ở ngưỡng 2% (giảm khoảng 5 điểm phần trăm so với mức tăng 7% năm ngoái). Theo ông Cung, mức tăng này là còn nhờ dư địa trong nông nghiệp nhiều, khu vực phi chính thức còn lớn và người dân phải tìm mọi cách để sống. Dư chấn tác động sẽ còn kéo sang năm 2021, 2022, thậm chí là 2023. (4)

“Bộ Tài chính dự kiến bội chi ngân sách năm nay là 3,44% GDP trong điều kiện chưa có dịch COVID-19. Giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục cập nhật kịch bản bội chi ngân sách lần lượt là 4,5% và 5,02% tương ứng tăng trưởng GDP lần lượt là 4,5% và 3,6%. Như vậy, ngay cả trong trường hợp chưa thực hiện gói hỗ trợ lần 1 thì bội chi ngân sách cũng đã lớn. Trường hợp thực hiện gói hỗ trợ thứ 2 thì bội chi ngân sách chắc sẽ cao hơn rất nhiều”, theo ông Cung.

Chú thích:

  1. https://baodautu.vn/bo-truong-dao-ngoc-dung-thi-truong-lao-dong-mat-khoang-60000-viec-lam-moi-thang-d128508.html

  2. http://baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-chinh-sach-can-quan-tam-dac-biet-den-nhom-lao-dong-phi-chinh-thuc-7fbee6f1.aspx

  3. https://vnexpress.net/pho-thu-tuong-khong-de-gian-cach-xa-hoi-toan-quoc-nhu-truoc-4141325.html

  4. https://cafef.vn/ts-nguyen-dinh-cung-nam-nay-tang-truong-duong-cung-dung-noi-la-nhat-the-gioi-hay-khu-vuc-20200828134648356.chn

  N.S.

   Nguồn: trithucvn.net

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.