Nhức nhối di cư tự do: Những phận người lầm lũi

Những buôn làng của người di cư tự do từ miền núi phía Bắc vào vẫn đối mặt với nạn tảo hôn, đông con. Tư tưởng gả con để có nơi nương tựa, đẻ nhiều có người làm rẫy khiến họ bơi trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, mông muội…

Gia đình đông con ở buôn Mông, xã Ea Kiết

Trên đỉnh Ea Lang

Thôn Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) ẩn hiện trong sương núi sâu hun hút. Dẫn phóng viên Tiền Phong đến một số gia đình người Mông, ông Lò Tiến Dũng (nguyên trưởng thôn Ea Rớt), cho biết, Thôn có khoảng 254 hộ dân người Mông, Dao từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng kinh tế mới. Họ cùng sinh sống trên đỉnh Ea Lang, hay còn gọi là “cổng trời”. Hằng năm, cán bộ xã thường xuyên xuống từng cơ sở để tuyên truyền. Nhiều hủ tục của người dân đã ăn sâu trong tiềm thức nên nạn tảo hôn ở đây vẫn còn phổ biến.

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Lý Thị Sua (SN 1995) và Lào Seo Sám (SN 1993) ém mình bên sườn núi. “Ta lấy vợ năm 17, vợ ta lúc đó 15, má hồng xinh lắm. Ta qua nhà chơi, ưng cái bụng lấy về làm vợ. Thế rồi làm một lèo 4 đứa, mà chỉ có con gái chưa có con trai”- Sám chỉ tay phía cuối góc nhà, những đứa trẻ đang ngủ ngon lành bên đống quần áo được vầy lộn xộn trên giường. Sua tiếp lời chồng: “Em học hết lớp 3 nghỉ học. Đến tuổi bố mẹ bắt lấy chồng ra riêng cho đỡ khổ, bố mẹ nghèo nên không đủ nuôi… nhưng lấy chồng rồi vẫn khổ, hằng ngày phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con. Tuổi này không cưới thì ế”.

Trong căn nhà gỗ được dựng bởi những tấm ván lắp ghép chằng chịt ở cuối xã Cư Kbang (huyện Ea Súp), vợ chồng Nông Văn Thành (SN 1997) và Sùng Thị Chậu (SN 1998) đang thái măng chuẩn bị bữa cơm chiều. Chậu bẽn lẽn nói tiếng kinh chưa sõi, kể: “Em cưới chồng từ năm 17. Em học hết lớp 5 thì nghỉ, ở nhà theo mẹ hái măng, trồng ngô, sắn, làm thuê trang trải qua ngày. Mẹ em bảo, nhà mình nghèo lấy chồng may ra sướng. Nhưng nhà chồng cũng khó khăn, 7 anh, chị em và bố mẹ chỉ có 1 héc-ta lúa. Đến mùa đi làm, hết mùa ai thuê gì làm nấy”.

Ánh nắng chiếu thẳng lên những nóc nhà im ắng nằm tựa bìa rừng. Một vài cụ già ngồi lọt thỏm trong góc nhà, phía bãi đất trống những đứa trẻ đầu trần chân đất đang chơi đuổi bắt. Chị Hoàng Thị Châm cán bộ dân số xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) cho biết: Xã có khoảng 98% là đồng bào dân tộc phía Bắc di cư vào. Trong tư tưởng họ vẫn trọng con trai, có gia đình 6 – 7 đứa con gái vẫn đẻ tiếp. Mấy năm trở lại đây tình trạng tảo hôn đã giảm nhưng đông con vẫn là vấn đề nhức nhối; hơn 90% sinh con thứ 3 trở lên. Đồng bào ở đây rất khó tiếp cận, mỗi lần cán bộ xã vào tuyên truyền phải nhờ một số người Mông uy tín đi cùng. Việc tuyên truyền vận động gặp không ít khó khăn.

Rẫy ở đây, đất ở đây, đói rừng

Con đường nhựa thẳng tắp vào khu tái định cư buôn Mông (xã Ea Kiết), những ngôi nhà gỗ kiên cố, lác đác vài đứa trẻ đang chơi trò bắn bi trước sân. Theo ông Hoàng Văn Páo, trưởng buôn Mông (xã Ea Kiết), năm 1993, đồng bào Mông ở các tỉnh phía Bắc di cư vào đây sinh sống. Lúc đầu chỉ có vài hộ, mỗi năm tăng lên một ít. Bây giờ có hơn 160 hộ.

Để từng bước ổn định dân DCTD trên địa bàn, chính quyền các cấp đã quy hoạch khu tái định cư nhằm đưa những hộ người Mông đang sống ở vùng rừng sản xuất thuộc lâm phần của Cty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm về định cư, ổn định đời sống. Hiện, chính quyền mới vận động được hơn một nửa hộ gia đình người Mông tới khu tái định cư theo quy hoạch. Về đây, mỗi gia đình được cấp 600m2 đất, được làm sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, trẻ đi học gần, trường lớp khang trang, có điện thắp sáng, có ti vi…nhưng người lớn không muốn. Nhiều hộ đã có nhà và đất sản xuất trong rừng nên họ quyết bám rừng không chịu di dời về khu tái định cư.

Băng qua đoạn đường dốc nối dốc, gập ghềnh sỏi đá, phóng viên Tiền Phong đã giáp mặt với ngôi làng cũ trong rừng. Trên thân cây cao vút bên vệ đường, một đứa trẻ đang thoăn thoắt trèo cây dùng dao để lấy lan rừng. Ông Páo chia sẻ, ở đây trẻ con ai cũng leo trèo như sóc, như khỉ. Chúng lấy lan, mật ong rừng, măng rừng… để đổi hàng hóa. Trước đây những đứa trẻ học hết cấp 1 rồi theo bố mẹ lên rẫy. Bây giờ, được cán bộ vận động, tuyên truyền nên trên 50% hộ cho con đi học hết cấp 2.

Chiếc xe máy dừng trước sân, khói đen bay mịt mù, anh Sùng A Páo (buôn Mông) tiếp chuyện: “Chỗ này, đồng bào không có hộ khẩu nên thiệt thòi lắm. Bà con muốn mua xe máy cũng khó. Xe của làng này hầu hết mua lại xe cũ không giấy tờ. Muốn mua xe mới phải đi nơi khác nhờ người đứng tên giúp. Đi xa không dám vì sợ công an”. Đang mặn chuyện, chị Sùng Thị Nông hàng xóm thấy người lạ nên lân la qua xem. Tôi hỏi sao không ra khu tái định cư. Chị khó chịu ra mặt: “Cán bộ nhiều lần vận động dân làng ra khu tái định cư gần đường nhựa. Ngoài đó, chỉ có nhà để ở, sống bằng gì. Rẫy ở đây, đất ở đây, đói còn lên rừng bẫy chim, hái măng. Đi học cũng không ra khỏi cái núi này, chỉ có lúa ngô mới làm no cái bụng”.

Trong những chóp nhà lúp xúp lẩn khuất giữa những vườn cà phê, vườn điều nối tiếp nhau từ quả đồi này sang quả đồi khác. Những câu chuyện thật khó diễn tả. Kết hôn được gần 10 năm, chị Hà Thị Chang (SN 1992) và anh Vàng A Chức (SN 1989) có 4 người con đều sinh tại nhà. Chị Chang cho biết: “Tôi vẫn biết sinh ở nhà là nguy hiểm nhưng tôi dễ sinh. Chồng được bà nội truyền kinh nghiệm nên đảm đương nhiệm vụ đỡ. Ở đây, nhà nào cũng 7 – 8 người con. Nhiều phụ nữ gần đến ngày sinh vẫn lên rẫy. Chuyển dạ chỉ kịp tìm một gốc cây nhờ sự giúp đỡ người làm cùng. Những đứa trẻ ấy vẫn sống khỏe mạnh, lớn lên leo trèo giỏi như sóc rừng”.

Gần nhà chị Chang, ngôi nhà rộng chưa đầy 30m2 được ghép bởi những tấm ván cong vênh là nơi trú ngụ của 7 con người. Chị Mã Thị Si (SN 1992) vừa đi làm về, tay xách hơn 2kg cá, vui vẻ: “Cá mới bắt ở suối. Hôm nay là may, có hôm chỉ được vài con nhỏ”. Năm đứa con của chị ngồi quây trước chậu cá cười khúc khích. Chị bảo: “Đứa đầu năm nay 12 tuổi. Hằng ngày theo tôi lên rẫy, tranh thủ buổi chiều ra suối bắt cá. Mỗi sáng, tôi nấu 1 nồi cơm mang đi rẫy, phần còn lại để cho 4 đứa nhỏ ở nhà, đói lúc nào thì ăn. Vợ chồng làm tận bìa rừng tối mịt mới về”.

Nguồn: tienphong.vn

This entry was posted in Dân sinh. Bookmark the permalink.