Việt Nam sẽ điểm mặt những công ty Trung Quốc tham gia “cải tạo Biển Đông”?

Nguyễn Nam

Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ ngày 26-8 đã công bố lệnh trừng phạt 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan hoạt động cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông.

Liệu Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương của Việt Nam cũng sẽ sớm công bố những công ty Trung Quốc có liên quan đến việc tham gia “cải tạo Biển Đông”?

Danh sách 24 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt: Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC), Cục Kỹ thuật Điều hướng thuộc CCCC và các công ty con của CCCC ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thiên Tân; 4 công ty con của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Group Corporation); Công ty Kỹ thuật Cáp Đại dương Thượng Hải; Viện nghiên cứu 722 thuộc Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc; Công ty viễn thông Beijing Huanjia; Công ty Phát triển Công nghệ Chongxin Bada; Công ty Thiết bị liên lạc Guangzhou Guangyou; Tập đoàn Guangzhou Haige; Công ty Phát triển Guilin Changhai; Công ty Công nghệ Liên lạc Hubei Guangxing; Công ty Công nghệ Điện tử Shaanxi Changling; Công ty Công nghệ Điện tử Telixin; Công ty Thiết bị Phát sóng Thiên Tân; Công ty Công nghệ Hàng không Thiên Tân 764; Công ty Công nghệ Điều hướng và Liên lạc Thiên Tân 764; Công ty Liên lạc Wuhan Mailite.

Nếu có một kịch bản tương tự được Việt Nam học tập Mỹ trong chuyện lập bảng danh sách này, thì liệu có bao nhiêu chân rết liên quan về cái gọi là “doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm dự án nhạy cảm tại Việt Nam”?

Trong lĩnh vực năng lượng, có thể kể đến dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) với công suất 1.240 MW, tổng mức đầu tư 1,755 tỉ USD. Dự án này hiện đã thuộc sở hữu của Công ty lưới điện Phương Nam Trung Quốc (chiếm 55% vốn), Công ty điện lực quốc tế Trung Quốc (CPIH) 40%, trong khi Tổng công ty điện lực (Vinacomin) chỉ nắm giữ có 5%.

Tại Hà Tĩnh, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 có tổng mức đầu tư 2,187 tỉ USD, công suất 1.200 MW, cũng đã rơi vào tay Công ty One Energy Asia (Trung Quốc), sau khi công ty này thâu tóm lại cổ phần của Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty cổ phần Cơ Điện lạnh (REE) 23%. Chưa dừng lại ở đó, tại dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận), Công ty One Energy cũng rót 55% vốn để kiểm soát, còn EVN nắm 29% và Tập đoàn Thái Bình Dương nắm 16% vốn.

Thị trường thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến trở thành “huyết mạch” bán lẻ, tài chính của nhiều quốc gia. Nắm được xu hướng, các đại gia Trung Quốc như Alibaba, Tencent… ồ ạt nhảy vào Việt Nam. Như trường hợp của Tiki – sàn thương mại điện tử nằm trong tốp 10 tại Đông Nam Á. VNG hiện là cổ đông lớn nhất chiếm 24,25% vốn, tuy nhiên Tiki còn huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài như JD.Com International (22,2%), Ubiquitous Traders (8,82%)… Trong đó, JD.Com International được biết với tên Jingdong có trụ sở tại Bắc Kinh, một trong hai nhà bán lẻ B2C khổng lồ ở Trung Quốc. Ngoài Tiki, Shopee có sự hậu thuẫn lớn của Tencent với mức đầu tư 2.500 tỉ đồng trong năm 2019. Lazada có sự góp mặt của Alibaba với mức đầu tư hơn 4 tỉ USD trong giai đoạn 2016 – 2019 cho Lazada Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam).

Còn nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) khác có giá trị lớn do công ty Trung Quốc tiến hành dưới dạng mua cổ phần chi phối, như Tập đoàn China Investment nhận chuyển nhượng 19% cổ phần (96,9 triệu USD) từ một tập đoàn Việt Nam để đồng sở hữu liên doanh Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng Ninh. Thương vụ đình đám nhất trong lĩnh vực nông nghiệp là vụ thâu tóm công ty C.P Việt Nam. Công ty mẹ CPG ở Thái Lan đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nắm giữ ở C.P Việt Nam (71%) sang cho công ty con – Công ty Pokphand (CPP) trụ sở ở Trung Quốc. Khi đó, C.P Việt Nam đang nắm thị phần chủ yếu lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Dự án điện gió Biển Cổ Thạch có vốn đầu tư lên tới 4,4 tỉ USD ngoài khơi cảng Vĩnh Tân, Bình Thuận được Công ty cổ phần đầu tư HLP (HLP Invest) làm chủ đầu tư. Tổng giám đốc HLP là cổ đông sáng lập Công ty cổ phần điện mặt trời VSP Bình Thuận II. Vị tổng giám đốc này cùng nhóm các cổ đông của VSP Bình Thuận II, sau đó đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH đầu tư Vina Solar (99%) và 2 cá nhân Trung Quốc là Wang Zhao Feng (0,5%) và Yang Yong Zhi (0,5%). Vina Solar và nhóm nhà đầu tư Trung Quốc này đã vào Việt Nam và đặt trụ sở tại Bắc Giang, hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu thiết bị, linh kiện năng lượng mặt trời.

Công ty TNHH đầu tư Vina Solar thuộc Tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) đang xây dựng một nhà máy 280 triệu USD (hơn 6.000 tỉ đồng) tại Bắc Giang…

Có lẽ giờ đây bỏ công tra lại toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp, biết đâu chừng không ít các doanh nghiệp Trung Quốc kể tên ở trên đang làm ăn tại Việt Nam, lại là những ‘anh – chị – em’ với ai đó trong danh sách 24 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt, vì “liên quan xây đảo nhân tạo trên Biển Đông”.

N.N.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Biển Đông, Mỹ - Trung. Bookmark the permalink.