Biên giới Việt – Trung: Thời điểm ký kết bất lợi hay không và hệ lụy?

BBC

Hai mươi năm sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký kết hiệp ước về phân định Biên giới trên đất liền Việt – Trung, một số nhà quan sát thời sự Việt Nam từ trong nước và hải ngoại cùng nhìn lại và bình luận về tính thời điểm mà Việt Nam đã lựa chọn khi đàm phán.

Tiến sỹ Trần Công Trục

Ông Trần Công Trục (nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam): Theo tôi, thời điểm, cách thức đàm phán và quá trình ký kết Hiệp ước là không có gì bất lợi cả.

Về thời điểm, sau khi khôi phục quan hệ ngoai giao, hai bên bắt tay ngay việc đàm phán giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Thực ra là tiếp tục nối lại các cuộc đàm phàn về vấn đề này đã từng diễn ra vào thập niên 70 của thế kỷ trước.

Về cách thức và quá trình ký kết, hai bên đã triển khai loại việc này theo đúng tiến trình và thủ tục pháp lý hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc của Luật pháp và thông lệ quốc tế, với các giai đoạn cụ thể như sau:

Thứ nhất, ký kết thỏa thuận nguyên tắc pháp lý, nghĩa là hai bên thống nhât dựa vào một nguyên tắc pháp lý mà hai bên đánh giá là căn cứ pháp lý duy nhất để tiến hành đàm phán; theo đó hai bên thống nhất cơ chế và tổ chức các cấp đàm phán….

Thứ hai, hoạch định biên giới: Dựa vào nguyên tắc đã thỏa thuận, hai bên tiến hành tổ chức đàm phán để thống nhất viêc mô tả hướng đi của đường biên giới và thể hiện hướng đi đó trên bộ bản đồ địa hình mà hai bên đã thống nhất lựa chọn.

Tất nhiên là viêc thống nhất mô tả hướng đi của đường biên giới phải được thực hiên sau khi hai bên đã giải quyết xong các khu vực có nhận thức khác nhau. Toàn bộ nội dung này chính là nội dung của Hiệp ước Hoạch định Biên giới, gọi tắt là Hiệp ước Biên giới, do nhóm chuyên gia pháp lý của hai bên lập ra để biên soạn các điều khoản của Hiệp ước này theo đúng nội dung hoạch định đã được thông qua tại vòng đàm phán cấp chính phủ của hai nước. Sau khi nội dung Hiệp ước đã được biên soạn và được thông qua, hai bên tổ chức ký kết và phê chuẩn theo đúng thủ tục pháp lý hiện hành.

Thứ ba, phân giới căm mốc: Căn cứ vào hướng đi của đường biên giới được mô tả và thể hiên trên bộ bản đồ kèm theo của Hiệp ước biên giới đã được ký kết và phê chuẩn nói trên, hai bên triển khai quá trình phân giới cắm mốc. Nghĩa là sử dụng kỹ thuật đo đạc, tính toán bản đồ để chuyển hướng đi của đường biên giới từ trong Hiệp ước ra thực địa, rồi cố định hướng đi đó bằng hệ thống mốc quốc giới chính quy hiện đại, bền vững. Kết quả của quá trình phân giới cắm mốc được ghi nhận trong Nghị định thư về phân giới cắm mốc, kèm theo là toàn bộ hồ sơ, sơ đồ của từng vị trí mốc cụ thể và chi tiết;

Và cuối cùng, thứ tư, giai đoạn cuối cùng là ký kết các văn bản hợp tác quản lý biên giới mốc giới. Đó là những Hiệp định về quản lý biên giới mốc giới, Hiệp định về mở các cửa khẩu biên giới và quản lý các cửa khẩu biên giới và Hiệp định về việc sử dụng nguồn nước, tàu thuyền đi lại trên sông suối biên giới và hợp tác khai thác tài nguyên du lịch cảnh quan khu vực biên giới.

Ông Trương Nhân Tuấn: Thời điểm ký kết hai hiệp ước ta thấy ngay là Hiệp ước biên giới trên đất liền ký ngày 30 tháng 12 năm 1999 là ngày cuối cùng của năm. Hiệp ước về Vịnh Bắc Việt ký ngày 25 tháng 12 năm 2000, cũng nhằm ngày cuối năm, ngày lễ Giáng sinh.

Công cuộc phân giới và cắm mốc tính chẵn là 10 năm, từ cuối năm 1999 đến tháng 11 năm 2009. Ở các điểm mà hiệp ước biên giới ghi là "đường biên giới theo đường đỏ" là những địa điểm hay vùng có tranh chấp.

Kết quả sau khi so sánh bộ bản đồ mới theo Nghị định thư tháng 11 năm 2010 với bộ bản đồ do Pháp phát hành trước kia, Việt Nam thiệt hại mọi nơi trên đường biên giới, tuy không nhiều, trung bình một hai cây số vuông cho mỗi nơi.

Sẵn dịp này tôi muốn trở lại để soi sáng những điểm mờ còn tồn đọng, đặc biệt những nơi lãnh đạo Việt Nam nhiều lần giải thích nhưng không thuyết phục. Đó là hai địa danh Nam Quan và Bản Giốc.

Theo biên bản phân giới Pháp-Thanh thì ở Nam Quan cột mốc biên giới mang số 18, có tên là Trấn Nam quan ngoại, nằm bên lề con đường từ Nam Quan về Đồng Đăng, cách cổng Nam Quan 100 mét về phía nam.

Vật đổi sao dời, từ năm 1885 bắt đầu phân giới đến Thế chiến thứ II, cổng Nam Quan đã bị giật sập hai lần do chiến tranh Trung Pháp và Trung Nhật.

Cổng được xây lại sau này không nằm trên nền cũ mà dời về phía nam. Nếu xét bản đồ cũng như xét lại các nền dấu cũ, ước lượng cổng dời khoảng từ 500 mét đến 1 cây số lấn về phía Việt Nam. Trong khi con đường cũ từ Nam quan về Đồng đăng cũng không còn. Con đường này xưa gọi là "quan lộ" dành cho sứ thần Việt Nam đi qua Trung Quốc. Con đường không còn dấu vết và được thay thế bằng quốc lộ 1 và quốc lộ 1A. Cột mốc số 18 cũng không thấy dấu vết. Cột mốc hiện tại trùng hợp với vị trí cây số zero của quốc lộ 1, cách cổng Nam Quan khoảng 300 mét.

Tức là, nếu chiếu theo các biên bản thời Pháp-Thanh, cột mốc ở Nam Quan có thể dời về phía Việt Nam khoảng 1 cây số.

Còn ở thác Bản Giốc, theo biên bản phân giới Pháp Thanh, cột mốc ở đây mang số 53, cũng nằm bên lề một con đường, ở cuối khu rừng nhỏ. Từ mốc số 53 đến mốc 52 biên giới là trung tuyến sông Quây Sơn. Theo các viên chức Việt Nam về phân giới, cột mốc cắm ở giữa sông, trên cồn Pò Thong. Điều này hiển nhiên không đúng. Việc di dời cột mốc hiển nhiên làm cho Việt Nam bị thiệt hại và Trung Quốc đặt tên cho thác này là "Đức thiên bộc bố".

Bà Song Chi: Về thời điểm là bất lợi. Năm 1974, 1978 và 1979 – 1980, hai nước đã tiến hành 3 cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ cấp Thứ trưởng Ngoại giao nhưng không đạt được kết quả.

Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, ta đã xúc tiến các cuộc đàm phán song phương nhằm đi đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước, từ 1993 đến 1999 thì xong.

Bao nhiêu năm đàm phán không được, tại sao lại đàm phán nhanh như vậy? Thời điểm đó Việt Nam nối lại quan hệ bình thường với Trung Quốc trong một tâm thế theo tôi rất là ở thế dưới.

‘Cần công khai ngay trước dân hồ sơ đàm phán’

Ông Hoàng Ngọc Giao: Cần công khai ngay hồ sơ đàm phán và ký kết Hiệp ước Biên giới Việt Nam – Trung Quốc cho nhân dân được biết và có những giải thích rõ ràng về những thắc mắc của nhân dân liên quan tới Mục/Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, v.v…

Còn với những cam kết đã ‘chót’ chấp nhận theo Hiệp ước biên giới hiện nay, chính quyền Việt Nam nên thực thi pháp luật thật nghiêm tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, không để xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư vào phía trong lãnh thổ Việt Nam, không để hiện tượng di dân trái phép người Hoa từ Trung Quốc, người Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam, không để hàng hóa độc hại, vi phạm chuẩn mực thương mại quốc tế lọt vào lãnh thổ Việt nam qua các đường tiểu ngạch, đường mòn, v.v…

Ông Trần Công Trục: Trong buổi lễ kỷ niêm 20 năm ký kết Hiệp ước Biên giới được tổ chức trang trọng tại Móng Cái hôm 23/8 vừa qua, mọi người đều rất ấn tượng với hình ảnh Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã chăm chú tô lại những từng chữ khắc trên cộc mốc biên giới mà thời gian đã làm phôi phai phần nào.

Có lẽ hình ảnh đó đã truyền đi một thông điệp rằng: Hãy bảo vệ và gìn giữ từng cột mốc biên giới đã được dày công xây dựng trên đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ người Việt Nam; đừng để cho thời gian, môi trường thiên nhiên hay bất kỳ kẻ nào cố tình làm biến đổi, mất mát.

Đây là thành quả mang tầm lịch sử, có ý nghĩa chính trị và có giá trị pháp lý quốc tế. Đặc biệt, đó cũng là bài học kinh nghiệm để chúng ta tiếp tục giải quyết các tranh chấp đang diễn ra rất phức tạp trên Biển Đông…

Ông Trương Nhân Tuấn: Biên giới trên đất liền và ngay cả trong Vịnh Bắc Việt đã được phân định, cho dầu phía thua thiệt là Việt Nam, bù lại Việt Nam có được một đường biên giới qui ước, hiện đại. Câu hỏi là đường biên giới này có bảo vệ cho Việt Nam về an ninh hay về kinh tế, y tế, xã hội… hay không thì hậu xét.

Khó khăn trong tương lai của Việt Nam là phân định ranh giới biển với Trung Quốc, khu vực Hoàng Sa và Trường Sa.

Về khu vực Trường Sa, theo tôi thấy đến nay Việt Nam đã lợi dụng và khai thác khá thành công những công cụ pháp lý để bảo vệ lợi ích của mình. Việt Nam không bắt chước mô hình Philippines kiện Trung Quốc ra tòa Trọng tài thường trực như đề nghị của nhiều người. Theo nhận xét của tôi thì Việt Nam hiện nay vận động để phán quyết của tòa 12-7-2016 có hiệu lực ràng buộc chung cho các nước tranh chấp. Cuộc vận động hiện nay đang xảy ra tại Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ, mang nội hàm của nguyên tắc luật "actio popularis". Việt Nam và các quốc gia liên quan có thể tiến xa hơn, mở rộng cuộc vận động nhằm bảo vệ lợi ích chung (actio popularis) đưa vấn đề ra một trọng tài quốc tế, mục đích sao cho Phán quyết 12-7-2016 của tòa PCA trở thành "Luật", bắt buộc cho các bên liên quan (erga omnes).

Lịch sử Việt Nam (và thế giới) không thiếu những trường hợp "cắt đất" để đổi lấy "kinh tế" hay để được "hòa bình". Nhưng đó là những việc chỉ xảy ra dưới thời phong kiến. Vua chúa thời đó nắm "chủ quyền" về lãnh thổ. Do đó vua có thẩm quyền cắt đất hay trao đổi đất đai như để của hồi môn hay để lấy lợi ích kinh tế. Nhưng dưới chế độ cộng hòa, chủ quyền lãnh thổ thuộc về nhân dân. Không có quan chức nào ở Việt Nam hiện nay, ngay cả tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ thẩm quyền nhượng Hoàng Sa cho Trung Quốc để đổi lấy hòa bình.

Vì vậy ý kiến "nhượng" Hoàng Sa cho Trung Quốc để lấy cái này cái kia là điều không tưởng.

Bà Song Chi: Cần phải thấy tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông là không thay đổi.

Ngay trong những ngày đại dịch vừa qua Trung Cộng cũng không ngừng những hoạt động xâm lấn, bành trướng của họ trên biển.

Trung Cộng còn lợi dụng thời cơ kết thúc sớm quyền tự trị, tự do dân chủ của Hong Kong sớm hơn 27 năm, đụng độ biên giới với Ấn Độ, leo thang với Hoa Kỳ, liên tục tập trận trên Biển Đông…

Trước thực tế đó, Việt Nam, theo tôi, phải tập trung phát triển, kinh tế giàu mạnh, quốc phòng, kết bạn với các nước, không cần chỉ tập trung vào Hoa Kỳ mà Ấn độ, Nhật Bản… Chuẩn bị một nền quốc phòng mạnh là vô cùng quan trọng, như câu tục ngữ La tinh "Si vis pacem, para bellum" có thể dịch như là "nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh".

Thứ hai, nhà nước đừng làm nhụt chí khí, lòng yêu nước, thái độ quan tâm đến vận mệnh đất nước của người dân.

Hãy thử so sánh những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của Việt Nam trước kia, sau khi bị đàn áp dữ dội trong những năm qua. bây giờ thì Trung Cộng có làm gì cũng hầu như chả có cuộc biểu tình nào.

Cần phải rút bài học từ thái độ yếu đuối trước Trung Cộng suốt một thời gian dài, từ những cuộc đàm phán lãnh thổ lãnh hải đó là chủ quyền lãnh thổ luôn luôn thiêng liêng, quyền lợi quốc gia cần được giữ vững.

Ông Hoàng Ngọc Giao: Biên giới là hàng rào/phên dậu phân định không gian sinh tồn của một Dân tộc.

Biên giới – là ranh giới chủ quyền chính trị, chủ quyền kinh tế, chủ quyền dân sinh của một Quốc gia.

Do vậy, trách nhiệm của Chính quyền Việt Nam trước hết phải kiên quyết bảo vệ tối đa chủ quyền lãnh thổ của Dân tộc phù hợp với Pháp luật quốc tế ngay trong quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Biên giới với Trung Quốc. Nếu Hiệp ước Biên giới với Trung Quốc có nội dung bất bình đẳng, thì cần thiết phải xem xét lại, đàm phán lại.

Với không gian sinh tồn tại các vùng trên Biển Đông, Chính quyền Việt Nam phải có trách nhiệm mà Nhân dân ủy thác, phải kiên quyết, không khoan nhượng bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo phù hợp với Pháp luật quốc tế.

Trước những hành vi bành trướng, hung hăng của Trung Quốc hiện nay, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên đất liền, Chính quyền Việt Nam, theo tôi, cần phải có những hành động cụ thể với những chính sách như sau:

Dựa vào sức mạnh của nhân dân để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Không cấm đoán, đàn áp người dân khi họ thực hiện quyền biểu tình, hội họp phản đối các hành động Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên đất liền và trên biển. Không hạn chế và khuyến khích giới trí thức trong và ngoài nước nghiên cứu, tổ chức các cuộc sinh hoạt khoa học về biên giới lãnh thổ quốc gia, về biển Đông (tự do học thuật). Không hạn chế các cơ quan truyền thông đưa tin, bài bình luận về các vấn đề, sự kiện liên quan tới chủ quyền lãnh thổ quốc gia, về tình hình Biển Đông v.v…

Xử lý triệt để thực trạng hơn 6.300 ha đất mà người Trung Quốc đã thâu tóm thông qua các dự án, hoặc ‘núp bóng’ người dân tại những vùng ven biên giới, ven biển và những điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng. Công bố kết quả xử lý việc này cho toàn dân yên tâm.

Không nên chấp nhận việc lưu thông đồng tiền Nhân dân tệ của Trung Quốc trên đất Việt Nam.

Không hợp pháp hóa để người và phương tiện Trung Quốc được vào sâu lãnh thổ Việt Nam.

Kiểm soát chặt chẽ và không cho phép lao động phổ thông của Trung Quốc vào Việt nam theo các dự án đầu tư, và bằng con đường du lịch.

Kiểm soát và chấm dứt tình trạng các loại khoáng sản bị xuất khẩu lậu sang Trung Quốc qua các đường tiểu ngạch biên giới, qua đường biển v.v…

Sự chuẩn bị thật tốt về năng lực quốc phòng, trang thiết bị vũ khí hiện đại, để có thể đối phó với Trung Quốc, khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông, gây chiến tranh xâm lược Việt Nam trên bộ, là một chính sách mang tính chiến lược sống còn mà Chính quyền Việt Nam cần tập trung ở mức độ cao nhất để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và chủ quyền vùng trời của Việt Nam.

BBC

Nguồn: bbc.com/vietnamese

This entry was posted in Biên giới Việt Trung. Bookmark the permalink.