Diệp Chi
An ninh quốc gia nước nào lại để xảy ra như Việt Nam?
An ninh quốc gia nước nào lại để xảy ra như Việt Nam, khi người bên Trung Quốc – quê hương sản sinh con virus cúm Tàu, đường hoàng vượt qua biên giới mà không cần giấy tờ hành chính gì hết ở cửa khẩu, để rồi thản nhiên lên xe từ Bắc vào Nam, đến Đà Nẵng, Quảng Nam sinh hoạt bình thường ngay trong đại dịch Covid-19?
Không còn như ngày xưa, muốn đọc một tin tức gì, phải chờ đến việc tìm mua tờ báo lúc sáng sớm mới biết. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển theo thời gian, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh (hoặc máy tính, laptop…) cùng với sóng 3G, 4G hoặc wifi, rất dễ dàng để nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời. Chính vì lẽ đó, không khó khăn lắm cho việc tìm kiếm một thông tin nếu biết cách thức.
Thời gian gần đây, nhất là từ khi phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sau 99 ngày yên ắng, hàng loạt báo chí đưa tin khá dày về việc bắt giữ những trường hợp nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc sang Việt Nam. Câu hỏi đặt ra, sao mà chỉ có Trung Quốc? Còn các nước bạn láng giềng cận kề khác như Lào, Campuchia xem ra có vẻ lơ là ‘vượt biên’ qua Việt Nam?.
Dĩ nhiên, nếu không nói đến các bản tin như bắt buôn lậu, vận chuyển ma túy hay trốn sang biên giới Campuchia trái phép để làm thuê như báo Công an đã đưa tin, thì việc đưa người trái phép từ Campuchia về Việt Nam và bị bắt lại trong mùa dịch Covid-19 là có. Song, nếu so sánh giữa hai nước, quả thật là số người từ Campuchia sang Việt Nam hoàn toàn không bằng số lẻ so với Trung Quốc.
Ông Vũ, một cựu cư dân Đà Nẵng, đang sinh sống ở Hoa Kỳ chia sẻ: “Tôi nghĩ chắc là do người Trung Quốc đã có nhà ở Việt Nam rồi nên họ chỉ cần sang được Việt Nam là có chỗ ở. Như Đà Nẵng đó, người Trung Quốc có gì lạ đối với dân Việt Nam mình đâu.
Tôi nhớ những năm 2015, rộ lên đủ thứ tin về người Trung Quốc ở Đà Nẵng. Những sòng bài, những dự án xây dựng ở bờ biển. Thời điểm đó, phóng viên đi chụp hình ở một khu đất được rào lại, đang xây dựng bên trong, lưu ý là không có bảng cấm quay phim, chụp hình; cũng không phải là cơ sở hành chính, ủy ban… gì hết. Một người Trung Quốc đi lơn tơn đâu đó thấy, báo lại với bảo vệ là người Việt Nam. Rồi ông bảo vệ đó dí chính đồng bào của mình”.
Nếu như ở Quảng Ninh, theo báo chí đưa tin, bắt được một nhóm người đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với 4.000 nhân dân tệ (tương đương 1.3 triệu đồng) cho một người thì ở An Giang, cái giá đó rẻ hơn, chỉ tầm 250.000 – 300.000 một người. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây là ở biên giới miền Tây lại đưa người Việt Nam sang Campuchia. Dân gian lan truyền một câu “đồng tiền có lúc bự bằng bánh xe bò”. Trong trường hợp này liệu có đúng?
Những cá nhân hoặc nhóm là những người thiếu tiền đến mức chấp nhận “làm liều” để có được tiền? Họ có biết đây là những hành vi phạm tội? Nếu như không biết, vậy họ có biết đang trong mùa dịch Covid-19, Trung Quốc có nơi bùng dịch trở lại hay không? Hay do gia đình có chuyện gì mà chấp nhận làm như vậy?
Dù có bất kỳ lý do nào đi chăng nữa, cũng không thể nào chấp nhận những hành động trái phép đó. Nhất là trong thời điểm không chỉ dịch Covid-19 chưa chấm dứt mà còn đó là sự căng thẳng Mỹ – Trung. Ngay cả chính phủ lớn như Hoa Kỳ còn đóng cửa lãnh sự quán. Đằng này nhiều người vì một số tiền lại rước nguy cơ mầm bệnh về cho đồng bào.
Còn đối với việc trốn biên giới sang Campuchia. Thật sự nhà cầm quyền nên coi lại. Những người dân miền Tây họ biết ở Campuchia cũng có ca nhiễm Covid-19 không? Họ biết Việt Nam mình phòng dịch tốt không? Không nói tất cả, nhưng thực tế là có. Biết nguy hiểm vậy họ vẫn chấp nhận sang đó, vì lý do gì? Có phải chăng vì cuộc sống vốn dĩ đã cực nay còn cực hơn? Lúa, nông sản không xuất khẩu được. Gói hỗ trợ, thì chỉ nghe phát trên đài và thấy trên truyền hình. Họa chăng, nhận được, cũng là những người thương binh, những gia đình diện ‘chính sách có công với cách mạng’?
Có thể nói, không cần Việt Nam phải đề nghị mở chuyến bay lại với Trung Quốc, tốn tiền mua vé rồi tốn thời gian cách ly hay đợi Trung Quốc gật đầu chấp thuận mở lại đường bay, chỉ cần tốn một ít tiền là những công dân Trung Quốc hoàn toàn có thể sang Việt Nam. Câu hỏi đặt ra, nếu không xảy ra trường hợp ca nhiễm người đàn ông 57 tuổi ở Đà Nẵng, liệu sẽ có mạnh tay hơn trong việc ‘bắt bớ’ những người nhập cảnh trái phép?
Dường như đáp án vẫn còn là một ẩn số.
D.C.
VNTB gửi BVN