Nguyễn Việt & Anh Thảo
Virus Vũ Hán đẩy thế giới vào đại khủng hoảng. Trong không khí ảm đạm bao trùm, một số nước nổi lên như ốc đảo tương đối bình an. Việt Nam là một trong số đó (1). Sau 3 tháng liên tục không người mắc mới, tin về 3 ca dương tính với virus đầu tiên, ngày 25 và 26/7/2020, vang lên như một tiếng sét, báo hiệu giai đoạn bình yên chấm dứt. Việt Nam chọn chiến lược nào để đối phó với đợt dịch mới?
Không bàn về các biện pháp phòng dịch cụ thể, mục tiêu của bài viết là chỉ ra một số điểm méo mó nghiêm trọng trong HÌNH ẢNH về DỊCH BỆNH, có thể là cơ sở cho những QUYẾT SÁCH CỰC ĐOAN của chính quyền trong thời gian tới, cũng như làm gia tăng SỰ THỤ ĐỘNG về phía người dân.
a) Vì sao lại ưu tiên nói đến các hình ảnh về dịch bệnh?
Trước hết cần lưu ý là việc giãn cách xã hội (hạn chế tiếp xúc đông người, giữ khoảng cách), cùng các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang… chắc chắn luôn luôn có tác dụng đáng kể đối với việc ngăn ngừa đà lây lan của virus. Nỗ lực minh bạch thông tin về dịch bệnh, về quá trình đối phó với dịch của chính quyền Việt Nam trong thời gian qua là điều đáng được ghi nhận. Các biện pháp này cần được tiếp tục.
Về chiến lược đối phó với COVID-19, ngay từ đầu, chính quyền Việt Nam đã tỏ ra có nhiều cố gắng khác thường. Nhà báo Anne Jones trên BBC có lý khi bình luận như sau: ”Việt Nam đã tung ra cấp kỳ các biện pháp đối phó với dịch mà đối với các nước khác có lẽ phải mất hàng tháng mới có thể khởi động kịp, như hạn chế đi lại, giám sát biên giới với Trung Quốc chặt chẽ rồi tiến tới đóng cửa biên giới và tăng cường kiểm tra sức khỏe ở các cửa khẩu và các vùng có nguy cơ khác… Ngay từ giai đoạn đầu, các tin nhắn thường xuyên được gửi đến tất cả các số điện thoại, thông báo mọi người cách phòng ngừa. Việt Nam đã tận dụng bộ máy tuyên truyền sẵn có để vận hành một chiến dịch mạnh mẽ vận động toàn dân, dựng lên cảnh tượng của một cuộc chiến tranh, vận động sự đoàn kết của công chúng để chiến đấu chống lại một kẻ thù chung. Bác sĩ Todd Pollack cho biết, chúng ta có thể hình dung cảnh ‘toàn xã hội sát cánh để đập tan kẻ thù’ ” (2).
Tuy nhiên rất cần làm rõ một số hình ảnh méo mó về bệnh COVID-19 khiến chính quyền, trong khi lựa chọn quyết sách, dễ ngả sang các giải pháp thô bạo, quá đà, vừa không hiệu quả về mặt phòng dịch, vừa bất lợi cho đời sống kinh tế, chưa kể do quá tập trung cho COVID-19, khiến việc điều trị các bệnh tật khác bị ảnh hưởng. Hình ảnh sai lạc, thiên lệch về dịch bệnh cũng dễ khiến người dân ảo tưởng vào khả năng của bộ máy chính quyền, vô hình chung giảm phần chủ động của mỗi người, giảm ý thức giám sát các hành động của chính quyền, cụ thể trong lĩnh vực phòng chống dịch.
Theo nhiều chuyên gia về Việt Nam, uy tín của chính quyền đã liên tục bị thách thức trong những năm gần đây, liên quan đến sự minh bạch (3), dịch COVID-19 vừa xuất hiện như một đe dọa, nhưng dường như cũng là một cơ hội tốt để chính quyền chứng tỏ khả năng điều hành đất nước, minh bạch trước nhân dân, lấy lại uy tín. Cho đến nay, chính quyền dường như đã thu hoạch được thành công mong đợi: về mặt chính thức, đông đảo dân chúng tỏ ra rất tin tưởng (4). Có thể nói chính quyền đang có một hình ảnh rất tích cực trong con mắt dân chúng. Thế nhưng, đối với những người ai quan tâm sâu hơn đến cách xử lý dịch bệnh của chính quyền, trong HÌNH ẢNH về DỊCH BỆNH, mà chính quyền muốn phổ biến như quan điểm chính thống trong xã hội, có một số điểm bất thường cần được xem xét.
Nói một các toàn diện, thì HÌNH ẢNH về DỊCH BỆNH mà chính quyền xây dựng, chắc chắn có nhiều điểm phù hợp với thực tế, phù hợp với các hiểu biết y học tiên tiến về bệnh dịch, nhưng song hành với những điểm tích cực đó, là một số khía cạnh hoặc bị bóp méo, hoặc bị coi nhẹ. Tính chất đan xen này khiến việc nhận định, đánh giá rành mạch quả không dễ. Đây chính là điều chúng tôi muốn bóc tách, để bàn cho rõ.
b) Những hình ảnh méo mó nào?
Có ba điểm méo mó đáng chú ý:
Thứ nhất là thổi phồng quá mức tầm nguy hiểm của bệnh Covid-19. Một ví dụ tiêu biểu là phát biểu của ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, ngày 23/03, trong một cuộc họp chống COVID tại Hà Nội, ”theo CDC các nước, bệnh này phải được phát hiện, phải được chữa trị, nếu không chữa là sẽ tử vong” (5). Nhân dịp phát hiện một số ca dương tính mới tại Đà Nẵng, có báo nhắc đến việc đây là chủng virus mới từ nước ngoài, ai bị virus xâm nhập đều phải thở máy. Trên thực tế, hai nhận định nói trên đều trái ngược với hiểu biết chung về dịch bệnh COVID-19. Tùy theo từng quốc gia, từng thời điểm, theo một số thống kê, tỉ lệ người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng và ở thể lành tính, di động từ dưới 50% cho đến hơn 80% tổng số người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sai lầm này về cơ bản là đến từ những người không thuộc ngành y tế. Bản thân họ cũng có thể tự điều chỉnh sau đó. Ông Chủ tịch Hà Nội ít hôm sau, trong một phát biểu khác, nêu ra con số ”65% người nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện bên ngoài” (6).
Thứ hai, sai lầm này đáng lo ngại hơn, vì xuất phát từ quan niệm chính thức của ngành y tế. Theo quan điểm của Bộ Y tế Việt Nam, tất cả các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 (thủ phạm gây bệnh COVID-19) đều phải được đưa vào bệnh viện và đều cần được điều trị. Việc tất cả người dương tính với virus phải vào bệnh viện, để cách ly (không cho virus lây lan) và để các y bác sĩ trực tiếp theo dõi diễn biến thể trạng thì có thể là đúng và đây là sự lựa chọn của chính quyền Việt Nam (tuy không phải nước nào cũng chọn giải pháp này). Tuy nhiên, khẳng định 100% ca nhiễm virus đều cần điều trị thì hoàn toàn đi ngược lại với tình hình chung của bệnh dịch COVID-19 trên thế giới, khi rất đông người nhiễm virus không có triệu chứng bệnh, hoặc phát bệnh ở dạng nhẹ và tự khỏi.
Vấn đề là Bộ Y tế Việt Nam không công nhận các trường hợp tự khỏi (7). Như vậy hoặc quan điểm trên của Việt Nam sai, và thế giới là đúng; hoặc ngược lại, ở Việt Nam, bệnh COVID-19 không giống với thế giới. Có nghĩa là, ở Việt Nam, bất cứ ai nhiễm virus SARS-CoV-2 đều phát bệnh, và đều cần được điều trị. Nếu đúng như vậy, giới y khoa thế giới sẽ phải rất chú ý nghiên cứu tình trạng bệnh COVID-19 độc nhất vô nhị chỉ có ở Việt Nam (khả năng này rất khó là hiện thực, nếu không phải là không thể).
Thứ ba, sai lầm thứ hai liên quan đến sai lầm thứ ba. Chắc chắn là khá đông người, kể từ ngày 16/4/2020 (cho đến ngày 25/7/2020, khi phát hiện bệnh nhân thứ 416 dương tính với virus), đã tin tưởng coi như không có hoặc gần như không có người nhiễm virus ngoài cộng đồng. Niềm tin này xuất phát từ thông báo của chính quyền, ”Tại Việt Nam, đã X ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng” nào (8). Việc không thừa nhận các ca tự khỏi tại bệnh viện (sai lầm thứ hai) cũng dễ dẫn đến tâm lý không thừa nhận các ca tự khỏi ngoài cộng đồng, cũng như các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, không được phát hiện, hoặc không có triệu chứng, tự khỏi, nhưng lại có thể lây sang người khác… Cả một mảng dịch bệnh rất lớn như vậy rất có thể đã bị bỏ sót.
Trên thực tế, đối với giới y khoa thế giới, nhìn chung số ca nhiễm virus được phát hiện qua xét nghiệm chỉ là một phần trên tổng số ca nhiễm trên thực tế, thậm chí nhiều người cho rằng chỉ là ”phần nổi của tảng băng”. Số lượng ca dương tính nhiều hay ít còn tùy theo khả năng tiến hành xét nghiệm, số lượng test xét nghiệm và địa điểm, môi trường lựa chọn để xét nghiệm.
c) Vì sao các sai lầm nói trên đã gần như không bị phản biện tại Việt Nam?
Có thể nêu lên năm lý do chính, dẫn đến việc phản biện về vấn đề này là gần như không có.
1 – Thứ nhất là tính chất khó lường đoán của căn bệnh (xét nghiệm khó phát hiện, triệu chứng không dễ phát hiện, diễn biến rất đa dạng …). Trong mấy tháng vừa qua, không ít lần giới y khoa thế giới đã phải bất ngờ trước sự khó lường của virus corona: từ chỗ phủ nhận virus có thể ”bay” trong không khí đến chỗ thừa nhận, từ chỗ tin tưởng người nhiễm virus khỏi bệnh sẽ có đủ kháng thể để được miễn dịch đến chỗ nhận ra khả năng này là không chắc chắn…);
2 – Thứ hai là mức độ tổn thất lớn, ở khắp nơi, đặc biệt là ở nhiều quốc gia phát triển, có nền y tế được coi là tiên tiến nhất thế giới, khiến giới y tế các nước này khó có khả năng đưa ra một phán xét mang tính phê phán về trường hợp Việt Nam, được coi là một quốc gia có thành tích chống dịch, mà không bị coi là có mang định kiến, có hậu ý tiêu cực. Chưa kể có thể có một số nhà nghiên cứu muốn dùng ”bài học” Việt Nam để cảnh tỉnh một số xã hội phương Tây;
3 – Thứ ba là bản thân giới chuyên gia, các tổ chức y tế lớn của thế giới cũng bận tâm chủ yếu vào việc đối phó với dịch bệnh trên quy mô toàn cầu, và tại những điểm được coi là nóng nhất, hoặc có nguy cơ cao;
4 – Nguyên nhân thứ tư là việc phản biện với chính quyền ở Việt Nam dường như thường đi vào các vấn đề cụ thể, kết quả cụ thể, hơn là phản biện một cách nhìn, một cách quan niệm. Xây dựng các hình ảnh là thuộc về quan niệm, nên có lẽ ít được chú ý hơn;
5 – Nguyên nhân thứ năm là ”thành tích” chống dịch của chính quyền Việt Nam có thể khiến nhiều người cho rằng nên bỏ qua một số điểm bất cập, thậm chí sai trái, vì chỉ là tiểu tiết.
d) Các sai lầm, méo mó như trên có hệ quả gì với tâm lý xã hội?
Việc cho rằng bệnh COVID-19 là nguy hiểm hơn nhiều so với thực tế (sai lầm thứ nhất) có thể mang lại một tác động tâm lý tích cực nhất định, khi khiến cho người dân cảnh giác hơn, chú ý nhiều hơn đến việc phòng dịch. Nỗi sợ được duy trì ở mức độ vừa phải là tích cực. Thế nhưng, việc phóng đại quá mức có thể dẫn đến không khí kỳ thị tăng mạnh trong xã hội, dẫn đến tâm lý co cụm phổ biến quá mức cần thiết. Một ví dụ tiêu biểu là vào tháng 4, trong bối cảnh cả nước thực hiện ”giãn cách xã hội”, nhiều tỉnh thành đua nhau đặt ra các hàng rào tự phong toả, ngăn cản giao thông, gây không khí hỗn loạn, trong lúc không có dấu hiệu cho thấy dịch bệnh thực sự bùng lên (9). Nhìn chung, việc thổi phồng ý nghĩa của các ca bệnh nặng, và rất nặng, có thể dẫn đến tâm lý xã hội lo sợ quá mức, tạo bối cảnh cho các quyết sách cực đoan.
Sai lầm thứ hai và thứ ba, xuất phát từ quan điểm của Bộ Y tế (khẳng định các trường hợp hết bệnh đều là do bệnh viện điều trị khỏi, bỏ qua các trường hợp tự khỏi, và đồng nhất số ca nhiễm được ghi nhận với ca nhiễm có thực trên toàn xã hội), khiến nhiều người dân có xu hướng gần như đồng nhất diễn biến của dịch với các ca nhiễm virus được chính quyền phát hiện và ”được chữa khỏi” tại bệnh viện (không chú ý đến các trường hợp tự khỏi tại bệnh viện, hay các ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chính quyền không phát hiện được).
Hệ quả của hai sai lầm hết sức méo mó này là hai tâm lý tương phản. Lạc quan quá mức, tự hào quá mức, và, ngược lại, bi quan quá mức. Lạc quan quá mức, khi thấy không có ca nhiễm mới, không có trường hợp tử vong nào, và đột ngột bi quan khi thấy xuất hiện một hoặc một vài ca virus mới (trong lúc bên ngoài xã hội, theo quan điểm của chính quyền, về nguyên tắc, coi như không có ai nhiễm virus).
đ) Việc coi nhẹ số lượng người bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19, có thể lớn nhưng chưa được phát hiện, dẫn đến hệ quả y tế – xã hội nào?
Đây là vấn đề của sai lầm thứ ba. Nếu coi nhẹ số lượng người nhiễm nhưng không bị phát hiện (có thể là rất lớn), chúng ta sẽ không chú ý đủ mức để phát hiện sự lây lan diễn ra một cách tự nhiên bằng nhiều con đường khác nhau, bất chấp các biện pháp được coi là mạnh mẽ và quyết liệt của chính quyền (cách ly hàng chục nghìn người nhập cảnh tại các trung tâm, phong tỏa một xã, một khu phố, truy tìm những người tiếp xúc với những người mang virus…).
Quá tập trung vào số lượng những người xét nghiệm dương tính với virus, tuyệt đối hoá giá trị của một số đợt xét nghiệm chính thức (mặc nhiên coi như bức tranh phản ảnh trung thành thực trạng dịch bệnh), các điều tra dịch tễ học cộng đồng khác (do chính quyền tiến hành hoặc do các cơ sở nghiên cứu độc lập tiến hành) sẽ bị coi nhẹ dẫn đến thiếu hụt thông tin về diễn biến dịch bệnh thực sự trong xã hội bên ngoài. Hệ quả là thiếu chuẩn bị trước những ổ dịch (cluster), có thể đang âm thầm hình thành trong cộng đồng khiến dễ bị bất ngờ dẫn đến thụ động – thụ động dẫn đến các biện pháp cực đoan, buộc phải đưa ra, để khẩn cấp ngăn ngừa khủng hoảng có nguy cơ vượt quá tầm kiểm soát.
Dịch bệnh Covid-19 phức tạp, cũng cần để cánh cửa cho những cách hiểu khác về bệnh, về tính khó khăn của việc chẩn đoán, triệu chứng bệnh viêm phổi cấp COVID-19 có nhiều biểu hiện giống một số căn bệnh khác (chú thích 10), cũng như cơ chế tự miễn dịch, miễn dịch chéo với virus ở Việt Nam (hiện đang trong quá trình nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực tìm kiếm vắc-xin (xem chú thích 11)…
e) Hình ảnh đẹp về chính quyền hiện nay, trong đại dịch Covid, phải chăng dựa một phần vào một số hình ảnh méo mó về dịch bệnh? Và đây chính là điều khiến cho việc tự gột bỏ chúng là điều không hề dễ dàng?
Việc thổi phồng vai trò của bệnh viện trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 (không thừa nhận một số lượng chắc chắc là khá lớn số người tự khỏi), việc quá đề cao những xét nghiệm quy mô đã làm, với tỉ lệ người nhiễm rất thấp so với số lượng xét nghiệm (nhưng kết quả không chắc chắn, xem chú thích 12), có thể trước mắt mang lại hình ảnh đẹp nói chung cho chính quyền (về số lượng ca ”chữa khỏi”, về tình trạng virus được coi như vắng bóng trong cộng đồng),
nhưng trên thực tế, hình ảnh đẹp kể trên đang chứa đựng trong lòng nó nhiều hình ảnh sai lầm, méo mó về dịch bệnh. Việc dung dưỡng một số hình ảnh sai về dịch bệnh trước mắt có thể có lợi cho việc duy trì hình ảnh đẹp về chính quyền trước công chúng. Đó là lý do khiến nhiều người lãnh đạo chính quyền đã muốn dung dưỡng một số hình ảnh méo mó, sai lầm, cho dù ắt hẳn không ít người trong bộ máy hiểu là chúng hoàn toàn trái với sự thực (trong dư luận, có lưu truyền một nhận xét đầy tính mỉa mai: ở Việt Nam, nhiễm COVID sẽ không có ai chết, tất cả những người chết đều không phải do COVID, để chế giễu lối bóp méo thông tin, xây dựng một hình ảnh đẹp, nhưng giả tạo.
Tuy nhiên, khi hiểu ra rằng dung dưỡng các hình ảnh méo mó này có thể dẫn đến các hệ quả y tế – xã hội khôn lường, thì có thể nhiều người trong bộ máy chính quyền, bộ máy y tế sẽ chấp nhận thay đổi, gột bỏ các hình ảnh méo mó, mở đường cho các nỗ lực nhận diện dịch bệnh thực sự, về dài hạn, có lợi cho việc đối phó với dịch bệnh.
Về phía xã hội, việc nhận diện các sai lầm trong quan điểm chính thức về dịch bệnh, được chính quyền dung dưỡng, là cơ hội cho thái độ cảnh giác hơn đối với diễn biến dịch bệnh, để không bị các tuyên truyền sai với sự thực từ phía chính quyền làm mê hoặc (13).
TÓM LẠI, việc loại bỏ các hình ảnh méo mó về dịch bệnh nêu trên cũng có nghĩa là góp phần tạo điều kiện trả lại đúng vị trí cho khâu điều trị tại bệnh viện (không thổi phồng), để giảm bớt các hành động can thiệp cấp thời chống dịch mang tính hành chính (không biến chuyện bất thường thành việc làm thường xuyên), để gia tăng các điều tra dịch tễ học bài bản và minh bạch, thông tin đa dạng về diễn biến dịch bệnh, kể cả từ các nguồn ngoài chính quyền. Đây là các cơ sở giúp cho chính quyền có thể có được các giải pháp phù hợp hơn, kịp thời hơn, uyển chuyển hơn, có trọng điểm hơn, và công luận có đủ thông tin hơn, thông tin chuẩn xác hơn, để có cơ sở đóng góp, giám sát và phản biện tốt hơn với chính quyền.
Cập nhật:
Phản ứng của chính quyền trong trường hợp cách ly Đà Nẵng do dịch đang diễn ra sẽ cung cấp các chỉ báo mới cho thấy ảnh hưởng của các hình ảnh méo mó nêu trên về dịch bệnh tác động như thế nào đến các quyết sách của chính quyền, và ngược lại khả năng tự điều chỉnh của chính quyền để hóa giải hậu quả của các hình ảnh méo mó này.
Chú thích
(1) Theo xếp hạng của viện tư vấn đầu tư Deep Knowledge Group (có trụ sở tại Hongkong), Việt Nam đứng thứ 20, trong số các quốc gia được coi là an toàn nhất, qua hai cuộc điều tra, tháng 5 và tháng 7/2020 https://www.dkv.global/covid-safety-assessment-200-regions
(2) Bài Coronavirus: How ”overreaction” made Vietnam a virus success (COVID-19: Bằng cách nào mà các ”hành động quá mức” giúp Việt Nam thành công trong công tác kiểm soát dịch), Anna Jones, BBC News, ngày 15/5/2020.
(3) Nhiều cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc phản đối chính quyền đã diễn ra trong những năm gần đây: Bất bình trong dân chúng do sự không minh bạch của chính quyền về quan hệ Việt – Trung trong vụ giàn khoan thăm dò dầu khí của Trung Quốc vào hoạt động ở sát bờ biển Việt Nam năm 2014, về thảm họa ô nhiễm biển miền Trung do công ty Formosa của người Hoa gây ra hè năm 2016, về dự luật mở cửa ba đặc khu cho người Trung Quốc thuê, năm 2018 (Vietnam’s repressive politics have opened up to handle the crisis. Will it last?, David Hutt, tạp chí Foreign Policy, ngày 15/4/2020).
(4) Trong cuộc điều tra về cảm nhận của người dân với hành xử của chính quyền trong dịch Covid-19 (điều tra YouGov do Đại học Anh Imperial College London tiến hành, từ tháng 3 đến ngày 13/7), tỉ lệ người tin tưởng vào chính quyền ở Việt Nam đứng ở mức cao nhất so với 21 quốc gia trong bảng xếp hạng https://yougov.co.uk/topics/international/articles-reports/2020/03/17/perception-government-handling-covid-19
(5) Bài Thông tin thanh niên tự khỏi Covid-19 là không đúng, Vietnamnet, ngày 24/3/2020.
(6) Bài Phải tích cực cách ly, vì cả Hà Nội chỉ có 300 máy thở, Thanh Niên, ngày 2/4/2020, https://thanhnien.vn/thoi-su/phai-tich-cuc-cach-ly-vi-ca-ha-noi-chi-co-300-may-tho-1204887.html
(7) Bài Việt Nam đã chữa khỏi 357 ca mắc COVID-19, chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính, trang web Bộ Y tế ngày 18/07/2020.
Một số phát ngôn khác: ”Qua số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) những nước có dịch, Chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng, thông tin thanh niên tự khỏi COVID-19 là không đúng”, bài Thông tin thanh niên tự khỏi COVID-19 là không đúng, Vietnamnet, ngày 24/3/2020.
Bài Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các cơ quan truyền thông dẫn lời ông về việc ”người nhiễm COVID-19 có thể tự khỏi sau 7-10 ngày” là chưa chính xác, bài Thực hư thông tin ”người nhiễm COVID-19 có thể tự khỏi sau 7-10 ngày”, báo Dân Trí, ngày 16/2/2020.
Cần nói rõ là các ca dương tính được công bố ”hết bệnh”, về nguyên tắc, bao gồm hai nhóm: nhóm người bệnh được điều trị và khỏi bệnh, và nhóm tự khỏi (nhiễm virus có triệu chứng bệnh ở thể rất nhẹ, hoặc nhiễm virus không có triệu chứng).
(8) Bản tin COVID-19 của Bộ Y tế (ngày 24/7/2020):”Tại Việt Nam, đã 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng”. Đúng ra phải là đã 99 ngày không phát hiện ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Ngày 24/7 là hôm trước ngày Bộ Y Tế chính thức xác nhận ca nhiễm virus thứ 416.
Trên thực tế, Ban Chỉ đạo quốc gia về COVID-19 hoàn toàn không hề ngây thơ. Bộ Y tế cho biết đã chuẩn bị sẵn ”phương án xét nghiệm cho… ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú và chuẩn bị phương án xét nghiệm cho trường hợp bệnh lây lan rộng trong cộng đồng” (trong bài ”Chiến lược” phòng chống COVID-19 thời gian tới trước sức ép lớn, trang của Bộ Y tế, ngày 3/7/2020). Tuy nhiên, việc để cho các thông tin theo kiểu như thông tin ngày 24/7 tồn tại trên trang mạng chính thức tạo ra một hình ảnh méo mó về dịch bệnh, gây cảm giác an toàn giả.
(9) Tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược đầu tháng 4/2020, sau khi thủ tướng ra Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội phòng COVID-19. Một số địa phương ban hành luật ngăn cản giao thông bất chấp chỉ thị của chính phủ.
Bài Hải Phòng cách ly tất cả người đến từ vùng dịch: Một nửa ô tô quay đầu, báo Thành phố Hải Phòng, ngày 5/4/2020, https://thanhphohaiphong.gov.vn/hai-phong-cach-ly-tat-ca-nguoi-den-tu-vung-dich-mot-nua-o-to-quay-dau.html Hay bài Cách ly xã hội: Ai cho phép họ rào đường, cấm xe?, báo Thanh Niên, ngày 2/4/2020.
(10) Bài Dịch sốt xuất huyết có thể gây khó cho việc xác định người mắc COVID-19, Tin tức Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày 12/3/2020.
(11) Trên con đường tìm kiếm vắc-xin và nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, một nhóm khoa học gia Singapore vừa công bố một nghiên cứu về hiện tượng miễn dịch chéo với virus SARS-CoV-2, do ”quá trình tiếp xúc với một số chủng virus corona khác”. Theo giáo sư Antonio Bertoletti (thuộc Trường Y khoa Duke- NUS, đồng thời là tác giả của nghiên cứu), ”điều này là quan trọng để giải thích vì sao một số cá nhân có khả năng đề kháng tốt hơn với virus corona chủng mới (gây bệnh COVID-19)”. Việt Nam ắt hẳn không xa lạ với nhiều chủng virus corona, trong đó có chủng SARS (từ Hongkong) từng gây dịch tại Việt Nam năm 2003. Scientists uncover SARS-CoV-2-specific T cell immunity in recovered COVID-19 and SARS patients, Sciencedaily, ngày 16/7/2020 https://www.sciencedaily.com/releases/2020/07/200716101536.htm.
(12) Không kể các xét nghiệm đối với những người thuộc diện cách ly của Bộ Y tế, đầu tháng 4/2020, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết đã tiến hành xét nghiệm nhanh 15.400 mẫu trong cộng đồng, xung quanh ổ dịch Bạch Mai, bao gồm hơn 1.100 nhân viên y tế và 14.000 bệnh nhân, người liên quan và những người bên ngoài (Hơn 15.000 mẫu xét nghiệm liên quan bệnh viện Bạch Mai âm tính, Báo Đấu thầu, https://baodauthau.vn/hon-15-000-mau-xet-nghiem-lien-quan-benh-vien-bach-mai-am-tinh-post87595.html)
Theo CDC Hà Nội, kết quả là 100% âm tính. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia ngành y, kết quả nghiên cứu này không có gì hơn là những gì đã được công bố trên báo chí, có nghĩa là hết sức sơ sài, và không đủ tiêu chuẩn của một cuộc điều tra khoa học. Cuối tháng 4/2020, giám đốc CDC Hà Nội và nhiều nhân viên bị truy tố trong vụ án nâng giá khống máy xét nghiệm virus gây bệnh COVID-19 (Realtime PCR). Liệu kết quả nghiên cứu của CDC Hà Nội có đáng tin cậy?
Nhìn chung, theo ghi nhận của một số chuyên gia y tế, dường như cho đến nay các kết quả xét nghiệm Covid-19 đã không được Bộ Y tế minh bạch hóa đầy đủ, trước hết cho phép giới chuyên môn, có khả năng tiếp cận sử dụng để tiến hành các nghiên cứu phối kiểm và đánh giá độc lập (Đại dịch Covid-19 ở Việt Nam trước giờ G ”15/4”: Động thái của Bộ Y tế cho thấy gì?, Trần Tuấn, mạng facebook ngày 12/04/2020, https://www.facebook.com/1083156626/posts/10217679910444543/?d=n)
(13) Nếu giới trí thức trong xã hội dân sự quan tâm đến vấn đề này không phân tích rốt ráo cách hành xử của chính quyền trong đại dịch COVID-19 (vừa ghi nhận những mặt tốt, nhưng cũng vừa chỉ ra những hành động thao túng, bóp méo thông tin, nhào nặn hình ảnh như trên), sẽ là gián tiếp góp phần dung dưỡng cho phương cách cai trị đứng trên đầu, trên cổ nhân dân, một khi gặp cơ hội tốt sẽ quay mạnh trở lại, sau một thời gian mà tình hình dịch bệnh buộc chính quyền phải hợp tác mật thiết với nhân dân, trở lại với thế thượng phong hơn, do được coi là đã lãnh đạo thành công toàn dân chống dịch (”Trước sự đe dọa sống còn của đại dịch khiến toàn đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam LẠI ĐOÀN KẾT chung sức, chung lòng ngăn chặn hiệu quả loại virus hiểm nguy, làm thế giới phải ngạc nhiên, khen ngợi. Trước đây đã nhiều lần như vậy nhưng sau chiến thắng rồi, những người lãnh đạo lại ‘ngạo nghễ’, tưởng mình ‘đỉnh cao trí tuệ’ để mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác. Lại đặt đảng trên dân, trên nước; Lại không thèm nghe những lời chính trực; Lại phân loại người dân, chia rẽ xã hội; Lại ‘phản động’ nếu yêu nước, thương dân mà không yêu đảng; Lại nhìn đâu cũng thấy ‘thế lực thù địch’ và thẳng tay gây tội ác với đồng bào mình… Lần này liệu có tỉnh ngộ, khá hơn không, hay đâu vẫn đấy?” (bài Suy ngẫm trong những ngày đại dịch COVID-19, Mạc Văn Trang, Facebook ngày 18/4/2020, https://www.facebook.com/100013518285955/posts/945844459209488/?d=n).
N.V- A.T.
Các tác giả gửi BVN