Dạo này các vụ tai tiếng chính trị tầm cỡ quốc gia xảy ra không phải hàng tuần mà hằng bữa, trong khi người dân đang hao tâm tổn sức bù đầu bù cổ lo về chuyện giá cả ngoài chợ tăng không ngừng, lo bị cúp điện nước vô tội vạ…; và lo chán vạn chuyện khác, nên không còn tâm trí hay thời gian rảnh rỗi để “bức xúc” cho nó xả ấm ức trong lòng!
Nhưng bây giờ đến “xì-căng-đan” quan Châu tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô sau khi chơi bời lại thích nằm tênh hênh “nguyên củ” để em út chụp hình, thì quả thật là sự kiện chính trị trong năm 2010 đáng để VN được ghi vào “Sổ kỷ lục Guiness”.
Phải nói đấy là “trong họa có phúc” ấy chứ, nhất là sau khi cái “bánh dày nhồi xốp và chai rượu dỏm” to nhất thế giới trong Giỗ Tổ Vua Hùng năm nay đã không được Ban giám khảo Guiness đoái hoài vinh danh!
À, sao không thấy ngài “nguyên” Chủ tịch UBND Hà Giang, theo mốt thời thượng của các quan lớn, lên một kênh truyền hình cầu nối nào đó khóc lóc xin lỗi “nhân dân cả nước” về sự hớ hênh của mình trong khi vi hành về Thủ đô thăm hỏi “các em” nhỉ?
Biết đâu sau khi tự phê bình một cách rất “biện chứng mác xít” như thế ngài lại chẳng được biểu dương là biết “thành thật hối lỗi” và lại “trúng” ngay trong đợt bầu cử khóa tới? Có thể lắm, vì Chính phủ ta vốn “rứt chi là nhân ái”, đã phát ngôn đĩnh đạc trên diễn đàn QH là “cứ cách hết đi thì ai làm?”
GSTS Nguyễn Thu
“Chuyện này quá bình thường, câu chuyện mại dâm có từ thời kỳ ‘chiếm hữu nô lệ’, nó cũng là một nhu cầu của con người như ăn, ngủ, đ… thôi… Thử hỏi Trương Duy Nhất và bạn bè có dám thẳng thắn với lương tâm mình là chưa một lần ‘vui vẻ với khoản nớ’? Đúng là ‘dậu đổ bìm leo’…”.
Đó là bình luận của bạn đọc Lê Quốc Châu về bài “Chủ tịch cởi truồng” của nhà báo Trương Duy Nhất đăng trên blog của anh ngày 05/7/2010 với những tình tiết khá đầy đủ và cụ thể về việc ông Nguyễn Trường Tô, Chủ tịch tỉnh Hà Giang mua dâm – những tình tiết mà theo bình luận của một bạn đọc thì “các báo trung ương, kể cả các báo trong ngành công an cũng không thể có đủ và sớm như vậy được”.
Quan điểm giống như của bạn Châu không phải là ít. Chẳng hạn như khi nói về chuyện tham nhũng của các ông quan, rất nhiều người chép miệng rằng ông nào mà chẳng “ăn”, có gì mà ầm ĩ lên, chỉ cần các ông “ăn” bao nhiêu thì ăn, miễn là làm được chút gì để cho dân cũng có cái mà ăn là tốt lắm rồi.
Tôi lại nghĩ khác.
Tôi không biết ông Trương Duy Nhất có “dám thẳng thắn” như bạn Châu đề nghị hay không, nhưng trộm nghĩ rằng giả sử bạn Châu có thẳng thắn nhận mình đã có lần “vui vẻ với khoản nớ” thì cũng chẳng cháy nhà chết người gì, vì bạn Châu chỉ là bạn Lê Quốc Châu chưa ai biết đến. Bạn không phải là ông Bí thư Châu hay ông Chủ tịch Châu, nên nếu bạn có “thẳng thắn” nhận hay bị phát hiện đang khỏa thân cùng gái làng chơi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới.
Còn bác Tô thì khác. Hành vi của bác ảnh hưởng đến danh dự của cả một tỉnh, nơi bác đứng đầu, ảnh hưởng đến tổ chức mà bác là một thành viên cao cấp. Đó là câu chuyện không thể “bình thường” được.
Bác Tô đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN đề nghị “cách hết mọi chức vụ” do “lối sống buông thả”. Giả sử sau khi bị cách hết tất cả các chức vụ rồi thì bác Tô có tiếp tục cởi truồng ở đâu thì cũng mặc bác vì chẳng [còn] ảnh hưởng gì đến ai.
Cũng giống như bạn Châu có thể ăn thịt chó thoải mái. Nhưng nếu bạn không phải là Lê Quốc Châu mà là Thích Quốc Châu đang ở trong chùa và ăn thịt chó thì bạn sẽ bị đuổi ra khỏi chùa ngay lập tức. Muốn ngủ với gái điếm thoải mái không bị ai soi (chỉ coi chừng vợ bắt được) thì tốt nhất là đừng làm quan. Cũng như muốn ăn thịt chó thì đừng làm sư nữa. Còn nếu đã làm quan mà vẫn muốn “chơi” kiểu đó, tức đã có gan dám chơi trong “tổ chức” thì phải dám có gan chịu sự bêu riếu của dư luận nếu chẳng may bị lộ. Đơn giản thế thôi.
Ông trời không cho ai tất cả mọi thứ. Cái gì cũng muốn thì phải trả giá. Vừa muốn “chơi” những trò hạ cấp lại vừa muốn được làm ông quan oai phong ngày ngày lên các diễn đàn chém gió dạy bảo đạo đức cho dân thì cái sự tham lam ấy đã đạt đến cấp độ vô liêm sỉ.
Không phủ nhận là còn có rất nhiều những ông quan “Thích Đủ Thứ” giống như bác Tô Chủ tịch nhưng chưa bị lộ, làm quan không vì mục đích vì dân vì nước mà chỉ lợi dụng để kiếm tiền bất chính, để được ăn chơi nhiều hơn. Đấy thực sự đang là một quốc nạn nhưng vẫn còn chưa hết cơ may cứu vãn nếu người ta còn biết ngượng, biết sợ để mà “khiêm tốn” không dám “thẳng thắn” khoe khoang cái sự ăn chơi ấy.
Đành rằng cái sự ăn chơi thường không gắn với dân nghèo mà chỉ hay mắc phải bởi các quan tham, nhưng nếu cứ theo ý bạn Châu mà bình thường hóa hay “chính danh” hóa cái sự ăn chơi kiểu ấy của các ông quan để các ông ấy dám “thẳng thắn” công khai, chơi bài ngửa rằng “ừ thì tao chơi đấy, chuỵện ấy là bình thường, ai mà chẳng chơi, có khác gì chúng tao”, hoặc nếu tất cả mọi công dân của một nước nào đó đều cho rằng những ông quan đang lãnh đạo mình có quyền “chơi” những thứ gọi là “bình thường” ấy, rằng cứ là quan thì nghiễm nhiên có cái quyền ăn chơi trên đầu trên cổ nhân dân thì đúng là hết thuốc chữa, thì đất nước ấy đúng là đến thời mạt vận.
HH
Nguồn: talawas.org, 07-7-2010
Phụ lục:
Cách chức Chủ tịch tỉnh Hà Giang: Xử lý còn nhẹ và chưa nghiêm
“Xử lý như Ủy ban Kiểm tra Trung ương là tốt nhưng còn nhẹ, theo tôi là chưa nghiêm. Cần phải nghiêm hơn nữa vì để lại trong Đảng loại người thoái hóa như thế làm gì? Chỉ làm cho nhân dân buồn phiền, mất tín nhiệm”.
Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó Ban Tổ chức TƯ Đảng) trao đổi như vậy với VTC News xung quanh nội dung Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) vừa đề nghị cách chức các chức vụ Đảng cũng như bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang của ông Nguyễn Trường Tô. Nguyên nhân là từ năm 2005 đến nay, ông Tô đã thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh, vi phạm nghiêm trọng tư cách cấp ủy viên, đảng viên, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, gây dư luận bất bình trong Đảng và xã hội.
– Thưa ông, một trong những nội dung được đông đảo dư luận hết sức quan tâm tại kỳ họp thứ 32 của UBKT TƯ vừa rồi là việc UBKT TƯ đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Nguyễn Trường Tô bằng hình thức cách các chức vụ trong Đảng và đề nghị cấp có thẩm quyền bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Ông nghĩ như thế nào về thông tin này?
Sự việc này tôi có xem trên tivi, đọc báo và trao đổi với các anh bên UBKT TƯ. Qua đó, thứ nhất tôi hoan nghênh UBKT TƯ nghiêm túc, khách quan và công khai đưa thông tin này lên báo như thế là tốt. Thứ 2, việc làm của UBKT trước thềm ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 11 sắp tới là rất tốt, có tác động rất tích cực.
– Là một đảng viên, là người đứng đầu chính quyền Hà Giang nhưng ông Nguyễn Trường Tô lại có những hành vi thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh… theo ông cách xử lý như UBKT TƯ đề nghị với ông Tô đã thỏa đáng chưa, đã nghiêm chưa?
Theo tôi, ông này (Nguyễn Trường Tô) không đủ tư cách là một Đảng viên nữa – chứ không phải chỉ là cách các chức vụ Đảng, Chủ tịch UBND, bãi nhiệm đại biểu HĐND.
Ông này là một Đảng viên thoái hóa, một cán bộ thoái hóa. Tội của ông này lớn là mang danh Đảng viên, mang danh một cán bộ của Đảng mà lại làm ô uế thanh danh của Đảng.
Một bài học kinh nghiệm nữa từ vụ việc này là sự nể nang, tránh né, nuông chiều nhau khi mà cả Thường vụ tỉnh ủy biết chuyện ông Tô mà không ai dám nói. Ngoài bài học tránh né, nể nang, xoa dịu cho nhau thì còn bài học về sự mất dân chủ, rõ ràng bên dưới họ biết hết nhưng nói thì người ta lại sợ.
Tôi thấy người này (Nguyễn Trường Tô) không để lại trong Đảng làm gì? Sự việc không chỉ là trách nhiệm nữa – mà là một Đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất rồi – chưa nói đến ông này với tư cách một người Chủ tịch, một người đứng đầu địa phương.
– UBKT TƯ còn nêu rõ, các vị lãnh đạo gồm Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang đã biết những sai phạm của ông Tô từ năm 2005 nhưng không báo cáo tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét giải quyết. Qua đây ông thấy công tác cán bộ ở Hà Giang thế nào, những hành vi như thế liệu có thành phổ biến không?
Rõ ràng là tránh né nhau. Đây cũng là hiện tượng khá phổ biến, nơi nào sự đấu tranh trong Đảng được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch… cái này không diễn ra. Nơi nào mà mất dân chủ, không công khai, không minh bạch thì những vấn đề, những con sâu mọt này còn trốn tránh được.
– Vậy, ngoài ông Tô, trách nhiệm của những người “dung túng” cho sai phạm của ông Tô thế nào, theo ông?
Cả Thường vụ tỉnh ủy phải có trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm trước sai lầm của cán bộ chủ chốt. Việc này để bây giờ mới xử lý tôi cho là quá muộn.
Theo tôi phải khai trừ ông Chủ tịch UBND Hà Giang Nguyễn Trường Tô ra hỏi Đảng, ông này không còn xứng đáng là Đảng viên nữa.
Xử lý như UBKT TƯ là tốt nhưng còn nhẹ, theo tôi là chưa nghiêm, cần phải nghiêm hơn nữa vì để lại trong Đảng loại người thoái hóa như thế làm gì? Chỉ làm cho nhân dân buồn phiền, mất tín nhiệm.
– Trong phiên họp 32 vừa rồi, UBKT TƯ cũng xem xét, kết luận giải quyết tố cáo đối với 12 cá nhân, gồm các Tổng giám đốc, Giám đốc, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty… mà qua giải quyết thư tố cáo, ở mức độ khác nhau, cán bộ nào cũng có khuyết điểm, có cán bộ phải làm quy trình xử lý kỷ luật. Theo ông, những người bị kiểm điểm như thế thì nếu tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới có đủ uy tín không? Những người chưa là Ủy viên trung ương Đảng thì có đủ tư cách ứng cử không?
Tôi cho là những người đã bị kỷ luật rồi thì thôi.
– Xin cảm ơn ông!
Việt báo (Theo VTC)
Nguồn: http://vietbao.vn