Một nghiên cứu sinh tại Úc góp ý bài trả lời phỏng vấn của GS Nguyễn Xuân Hãn

Kính chào bác Huệ Chi,

Cháu đang làm nghiên cứu sinh tại Úc, chuyên ngành kinh tế. Đọc bài trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ trẻ của GS TSKH Nguyễn Xuân Hãn được đăng lại trên BVN (“Câu chuyện giáo dục: bịt lỗ hổng để không có Tiến sĩ rởm”, 05/7/2010), thú thật cháu hơi hoảng, vì không biết vị GSTSKH này phát biểu có dựa trên một cơ sở khoa học nào hay không? Hay chủ yếu đây là những đề xuất theo quan điểm của riêng ông?

Cháu xin đưa ra đây một số điểm chưa chính xác của bài viết:

1. “Theo tiêu chuẩn quốc tế, một luận án Tiến sĩ đạt chuẩn, phải có ít nhất là hai công trình đăng ở tạp chí chuyên ngành được quốc tế thừa nhận”. Cháu không biết tiêu chuẩn này GS lấy ra từ đâu? Việc đăng công trình trên tạp chí khoa học có thể là yêu cầu đối với một số trường hay một số ngành học, song không phải trường nào và ngành học nào cũng bắt buộc điều này. Theo cháu được biết, luận án TS có hai loại, một loại là kết hợp hệ thống hóa 2 hay nhiều bài báo khoa học cùng chủ đề đã được đăng trên tạp chí thành một luận án rồi nộp. Loại thứ hai chỉ yêu cầu thuần túy làm luận án (nếu có kết hợp viết thêm bài đăng báo thì luận án càng dễ được chấp nhận nhưng không có cũng không sao).

2. “Anh học Cử nhân tại chức sẽ không được làm nghiên cứu sinh!” Hình như khái niệm “Cử nhân tại chức” chỉ có ở các nước vốn trước đây thuộc phe XHCN? Các nước khác, theo thể chế dân chủ xã hội hay quân chủ lập hiến cũng vậy, cháu không hề tìm thấy cái khái niệm “tại chức” này.

3. “Một luận án mà không có công trình được đăng, thì văn bằng không đạt chuẩn. Nói một cách hình ảnh, một nhà văn mà không có tác phẩm được công nhận thì không được gọi là nhà văn”. Điều này hoàn toàn không đúng trong hệ thống giáo dục của Pháp, Úc, Canada.

4. “Xin lưu ý, Tiến sĩ ở nước ta được hưởng thụ cả đời, còn ở các nước tiên tiến, tấm bằng Tiến sĩ có giá trị 2 năm. Cụ thể là với người có bằng Tiến sĩ, năm nào cũng phải công bố công trình khoa học, nếu sau 2 năm không có công trình khoa học nào được công bố, tấm bằng Tiến sĩ của anh không bị thu hồi, nhưng không còn giá trị với giới học thuật”. Cũng như trên, ý kiến này cũng không đúng. Một người đã nhận được học vị Tiến sĩ thì dù về sau người ta có vấn đề về tâm thần đi nữa người ta vẫn cứ là Tiến sĩ. Không biết GS Hãn có nhầm lẫn học vị TS với chức danh GS?

V.v.

Việc GS TSKH Nguyễn Xuân Hãn nêu lên những lời cảnh báo đối với người Việt Nam theo học nghiên cứu sinh, nhằm giúp cho hệ đào tạo nghiên cứu sinh của nước ta đi vào nề nếp, được thực hiện một cách nghiêm túc là điều cần thiết và cháu xin ghi nhận. Tuy nhiên, không thể vì thế mà sử dụng những thông tin không đúng sự thật, nói cách khác là không khoa học, để phản bác những người làm luận án dỏm, vì e rằng làm như thế sẽ gây tác dụng ngược.

Mấy điều mạo muội dựa trên những gì mà cháu thấy và biết, hết sức chân thành góp lại với GS Hãn.

Kính chúc các bác sức khỏe.

Cháu

Doan Phi Anh

Phản hồi của Bauxite Việt Nam

Bạn Doan Phi Anh thân mến,

Rất cám ơn bạn đã đọc bài trên BVN và nhiệt tình gửi ý kiến phản hồi.  Theo chúng tôi, ý kiến bạn nêu trong thư góp ý cho GS TSKH Nguyễn Xuân Hãn có những điểm đáng để chúng ta cùng tham khảo, song cũng có một số điểm không hoàn toàn chính xác, hoặc cách lý giải chưa thật sáng rõ. Vì thế xin trao đổi lại với bạn mấy ý dưới đây.

1- Trong điểm đầu tiên, bạn nói có hai loại Tiến sĩ, một loại cần có bài báo và một loại không nhất thiết có bài báo mà chỉ cần viết luận án. Điều này bạn trình bày quá giản lược nên không hết nghĩa. Vì bạn đang làm PhD tại Úc, chúng tôi xin lấy các thông tin dựa vào hệ thống đào tạo của Úc để tiện cho bạn.

Đúng là tại Úc có có hai loại Tiến sĩ: Doctor of Philosophy (PhD) và Doctor of Science (DSc).

Loại Tiến sĩ DSc là loại thứ nhất mà bạn đề cập, có thể gom các công trình nghiên cứu lại với nhau thành luận án. Tuy nhiên, loại Tiến sĩ này không phải là Tiến sĩ qua quy trình đào tạo bài bản mà là một hình thức ghi nhận công lao. Hay nói cách khác là một dạng “Tiến sĩ danh dự” cũng không sai mấy. Do đó, loại này chỉ dành cho những người có thâm niên trong nghề, đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên ngành có giá trị, là người có tiếng tăm, có uy tín trong ngành khoa học của mình ở phạm vi quốc gia và quốc tế. Và vì thế, kể cả người đã có PhD cũng có thể có DSc. Tương đương ở Việt Nam trước đây chúng tôi thấy có dạng Tiến sĩ đặc cách (bảo vệ công trình vào khoảng năm 1992 sau đó không thấy lặp lại, dành cho một thế hệ rất ít các nhà nghiên cứu đã có cống hiến nổi bật và có thâm niên ba, bốn mươi năm trong nghề, cốt có chuẩn học vị để phong Giáo sư), cũng có thể được coi là DSc vậy.

Loại hình PhD là Tiến sĩ được thông qua quy trình đào tạo chính quy. Đầu vào của PhD đối với công dân Úc phải là tốt nghiệp đại học vào hạng danh dự (Honor) hoặc là Master by Research (còn loại Master by Coursework thì không được). Đối với một số trường có uy tín hoặc viện nghiên cứu lớn, họ còn đòi hỏi sinh viên đó phải có công trình nghiên cứu khoa học đã đăng tải rồi mới nhận. Sau một thời gian đào tạo từ 3 đến 4 năm, sinh viên phải trình luận án lên một Hội đồng, và căn cứ vào kết quả chấm của Hội đồng này mới được cấp bằng. Cũng như thế, các trường lớn và viện nghiên cứu lớn, họ đều đòi hỏi sinh viên PhD phải có công trình nghiên cứu đăng tải (publication) trong thời gian làm nghiên cứu sinh, thì mới được nộp luận án tốt nghiệp cho Khoa sau đại học để trình lên Hội đồng chấm duyệt. Hoặc tối thiểu nghiên cứu sinh cũng phải có báo cáo tại hội thảo khoa học (meeting abstracts) trước khi nộp luận án. Tuy nhiên, việc này không nhất thiết đặt ra đối với một số trường nhỏ hoặc bộ môn nhỏ, đặc biệt là đối với sinh viên quốc tế (có thể do áp lực về tuyển mộ sinh viên, vì vấn đề làm ăn kinh tế?).

Mới gần đây, một số trường lớn ở Úc, chuyển đổi theo cách làm việc của Bắc Âu và Mỹ, là có thể cho phép sinh viên PhD tập hợp các publications (bài báo công bố trên các tạp chí khoa học), được đăng trong quá trình làm nghiên cứu sinh, thành một tập, viết thêm phần mở đầu và kết luận cũng như phần gợi ý phương hướng nghiên cứu trong tương lai, coi như là luận án thay vì phải viết hoàn toàn luận án từ đầu, như cách truyền thống. Nhưng hình thức này chưa thành phổ biến ở Úc.

Do vậy PhD ở Úc hay các nước tân tiến khác cũng có chất lượng khác nhau, tùy thuộc vào đẳng cấp của trường.

2- Điểm thứ hai bạn nêu chúng tôi đã có một phần giải thích ở điểm 1. Bạn băn khoăn về khái niệm “Cử nhân tại chức”, hệ này nước ngoài quả không có, đúng như bạn nói. Nhưng nếu chiếu theo chuẩn mực đại học tại Úc thì như đã nêu, tốt nghiệp Cử nhân chính quy cũng chưa hẳn đủ tiêu chuẩn để nhận vào làm nghiên cứu sinh. Phải là Cử nhân hạng danh dự mới được làm, nói gì đến Cử nhân không chính quy. Bởi vậy nếu nới rộng cách hiểu ra, thiết tưởng ý của GS Nguyễn Xuân Hãn cũng không có gì sai.

3- Điểm thứ 3 có thể xảy ra ở các nước Tây Âu, như bạn đề cập: có không ít trường hợp có PhD mà không có công trình nghiên cứu. Nghĩa là trên thực tế, PhD cũng có “năm bảy đường”, giống như bằng tốt nghiệp phổ thông vậy. Trình độ học vấn là Tiến sĩ, song không phải Tiến sĩ nào cũng có trình độ chuyên môn ngang nhau. Tất nhiên, những người có PhD mà không hề có một publication nào thì trước hết phải tự chất vấn mình, liệu mình có xứng đáng để mang danh xưng ấy không, chứ cần gì phải đợi đến xã hội chất vấn! Ý GS Hãn ở đây là nhằm khu biệt cho rõ mục tiêu của việc học Tiến sĩ không phải để làm quan, một thói tệ lưu cữu ở nước ta đến nay vẫn không dứt, mà để đóng góp vào sự phát triển khoa học của đất nước.

4- Và điểm cuối cùng, nó cũng là một hệ lụy kéo theo. Bạn có lý đấy. Không ai truất bỏ được bằng Tiến sĩ đối với người đã nhận nó cả. Nhưng rõ ràng, với một học vị Tiến sĩ đang tại chức trong môi trường nghiên cứu mà sau 2 năm không có công trình nào nữa thì sự nghiệp chắc chắn phải bị ảnh hưởng, nếu không nói là sẽ bị sa thải.  Còn về danh hiệu, nếu bạn nói “Một người có học vị Tiến sĩ, thí dụ sau này người ta có vấn đề về tâm thần thì vẫn là TS” thì cách nói của GS Nguyễn Xuân Hãn, “Cụ thể là với người có bằng Tiến sĩ, năm nào cũng phải công bố công trình khoa học, nếu sau 2 năm không có công trình khoa học nào được công bố, tấm bằng Tiến sĩ của anh không bị thu hồi”, cũng đâu có gì khác?

Chúc bạn học tập giành nhiều kết quả xuất sắc.

Bauxite Việt Nam

This entry was posted in Giáo dục, Thư bạn đọc and tagged . Bookmark the permalink.