Thục-Quyên
Ngày 15/04/2020, chỉ hai tuần sau khi cột mốc một triệu ca nhiễm trùng được ghi nhận, số lượng các trường hợp COVID-19 được báo cáo trên toàn thế giới đã vượt quá hai triệu, theo dữ liệu được tổng hợp bởi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Johns Hopkins tại Baltimore, Maryland/USA.
Hoa Kỳ có nhiều trường hợp nhất – hơn 600.000 – tiếp theo là Tây Ban Nha và Ý.
Số người chết vì căn bệnh này cũng đã vượt qua 128.000 người trên toàn thế giới. Khoảng 24.000 người đã chết ở Mỹ, trong khi hơn 20.000 người đã chết ở Ý.
Đại dịch đã lan rộng đến hầu hết mọi nơi trên thế giới, chỉ có khoảng một chục quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa báo cáo các trường hợp. Phần lớn trong số này là các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.
I/ Đúng việc, đúng lúc cho TT Trump
Cũng cùng ngày này, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump ra quyết định tạm ngưng tài trợ cho WHO với lý do tổ chức này đã thất bại trong nhiệm vụ cơ bản khi đối phó với virus corona, đã quản lý sai lầm nghiêm trọng và đã chịu ảnh hưởng Trung Quốc, che đậy sự lây lan của dịch COVID-19.
Những lời buộc tội này thật ra chính bản thân TT Trump đang phải đối đầu trong quốc gia của ông, và ông đang tìm đủ mọi cách để chống chế khi tình hình COVID-19 bi đát tại Hoa Kỳ chỉ rõ ông đã thiếu kế hoạch và quản lý yếu kém khi đối đầu đại dịch: cách giải quyết của TT Trump là đưa WHO ra làm con dê tế thần, một tổ chức dễ bắt nạt hơn là Trung Hoa, có thể thẳng tay bóp chẹt để có dịp biểu dương sức mạnh của ông trước mắt cử tri bằng số tiền vài trăm triệu Mỹ kim tạm giữ lại không chịu đóng góp, dù đó là sự cam kết của Hoa Kỳ như mọi thành viên của WHO.
Thật ra ông Trump là Tổng thống một nước đầy uy quyền, không cần phụ thuộc vào WHO để biết tin tức về COVID-19, và ông đã liên lạc trực tiếp bàn tình hình với Chủ tịch Tập cận Bình, đã tuần tự đưa tin trong Twitter để chứng tỏ mình luôn luôn nắm vững tình hình:
Donald J. Trump@realDonaldTrump
Trung Quốc đã làm việc rất chăm chỉ để ngăn chặn coronavirus. Hoa Kỳ đánh giá rất cao những nỗ lực và minh bạch của họ. Tất cả sẽ kết thúc tốt. Đặc biệt, thay mặt nhân dân Mỹ, tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình!
10:18 tối · 24 tháng 1 năm 2020
Donald J. Trump@realDonaldTrump
Hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc và những nước khác về sự bùng phát của coronavirus. Chỉ có 5 người ở Hoa Kỳ (bị nhiễm), tất cả đều hồi phục tốt.
11:04 tối · 30 tháng 1 năm 2020
Donald J. Trump@realDonaldTrump
Vừa có một cuộc trò chuyện dài và rất tốt qua điện thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông ta mạnh mẽ, sắc sảo và tập trung sức lực vào việc lãnh đạo cuộc phản công coronavirus. Ông ta cảm thấy họ đang làm rất tốt, thậm chí xây dựng bệnh viện chỉ trong vài ngày. Không có gì là dễ dàng, nhưng …
11:31 sáng · 7 tháng 2 năm 2020
Donald J. Trump@realDonaldTrump
…. ông ta sẽ thành công, đặc biệt là khi thời tiết bắt đầu ấm lên và virus hy vọng sẽ trở nên yếu hơn, và sau đó biến mất. Kỷ luật tuyệt vời đang diễn ra ở Trung Quốc, trong khi Chủ tịch Tập mạnh mẽ lãnh đạo những gì sẽ đưa tới thành công. Chúng ta đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để giúp đỡ!
Ngày 7 tháng 2 Trả lời@realDonaldTrump
Donald J. Trump@realDonaldTrump
Vừa kết thúc một cuộc trò chuyện rất tốt với Chủ tịch Tập Cận Bình. Đã thảo luận rất chi tiết về CoronaVirus đang tàn phá một phần lớn trên Hành tinh của chúng ta. Trung Quốc đã trải qua nhiều (khó khăn) và đã phát triển sự hiểu biết sâu rộng về Virus. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với nhau. Rất kính trọng!
6:19 sáng · 27 tháng 3 năm 2020
Donald J. Trump@realDonaldTrump
China has been working very hard to contain the Coronavirus. The United States greatly appreciates their efforts and transparency. It will all work out well. In particular, on behalf of the American People, I want to thank President Xi!
10:18 PM · Jan 24, 2020
Donald J. Trump@realDonaldTrump
Working closely with China and others on Coronavirus outbreak. Only 5 people in U.S., all in good recovery.
11:04 PM · Jan 30, 2020
Donald J. Trump@realDonaldTrump
Just had a long and very good conversation by phone with President Xi of China. He is strong, sharp and powerfully focused on leading the counterattack on the Coronavirus. He feels they are doing very well, even building hospitals in a matter of only days. Nothing is easy, but…
11:31 AM · Feb 7, 2020·
Donald J. Trump@realDonaldTrump
Feb 7 Replying to @realDonaldTrump
….he will be successful, especially as the weather starts to warm & the virus hopefully becomes weaker, and then gone. Great discipline is taking place in China, as President Xi strongly leads what will be a very successful operation. We are working closely with China to help!
Donald J. Trump@realDonaldTrump
Just finished a very good conversation with President Xi of China. Discussed in great detail the CoronaVirus that is ravaging large parts of our Planet. China has been through much & has developed a strong understanding of the Virus. We are working closely together. Much respect!
6:19 AM · Mar 27, 2020
TT Trump thực tình đã bàn tính, thương lượng những gì với chủ tịch Tập Cận Bình?
Khó hiểu là ngày 7 tháng 2, WHO đã cảnh báo về lượng thiết bị y khoa bảo hộ cá nhân (PPE) đang lâm vào cảnh thiếu hụt trên toàn thế giới thì cùng ngày hôm đó, chính quyền Trump tuyên bố gửi 17.8 tấn khẩu trang, áo choàng, máy trợ thở v.v… cho Trung Quốc.
Bên cạnh những tuyên bố nẩy lửa chống Trung Quốc cho cử tri Mỹ nghe,TT Trump không giấu giếm rất thán phục Chủ tịch Tập Cận Bình trong những tweet của mình. Sau cái tweet ngày 27/03 của Tổng thống thì chuyến bay đầu tiên của dự án “Cầu hàng không” cất cánh từ Shangai đã hạ cánh tại sân bay JFKennedy ngày 29/03, mang theo 130.000 khẩu trang N95, gần 1,8 triệu khẩu trang y tế và đồ bảo hộ, hơn 10,3 triệu găng tay cùng hơn 70.000 nhiệt kế.
Nhà Trắng thông tin sẽ có khoảng 20 chuyến bay tương tự như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Hoa Kỳ là một nước dân chủ. TT Trump có thể đuổi nhân viên chính phủ khi họ lên tiếng nhắc nhở hay phê bình những hành động sai trái của ông có hại cho đất nước; ông có thể mắng đảng đối lập là loan tin lừa đảo (hoax) khi họ chỉ trích ông không nghe lời các chuyên gia cảnh báo tình trạng nguy ngập của dịch bệnh, nhưng Tổng thống không thể ngăn cấm những chuyên gia Mỹ giữ vững đạo đức nghề nghiệp lên tiếng nói sự thật (như chế độ độc tài Tập cận Bình từng ngăn cấm BS Lý Văn Lượng) :
Chủ tịch Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ, BS Patrice Harris, đã lên tiếng phê bình: Trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất của thế kỷ, việc tạm dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới là một bước nguy hiểm trong chiều hướng sai lầm và sẽ không làm cho việc đánh bại Covid-19 dễ dàng hơn.
https://thehill.com/policy/healthcare/492828-ama-trump-reconsider-dangerous-halting-who-funding
BS Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, đã tuyên bố: Tổ chức WHO đã là một đối tác lâu dài và vẫn là một đối tác tuyệt vời. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc bên nhau để đạt tới khả năng cao nhất hạn chế sự lây lan của bệnh tật và bảo vệ người dân Hoa Kỳ.
II/ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có làm đúng việc, đúng lúc?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có trụ sở đặt tại Geneva, được thành lập vào ngày 7 tháng 4 năm 1948 và hiện nay có 194 quốc gia thành viên.
Công việc chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là giúp các nước nghèo chống lại bệnh tật. Và để có khả năng làm được công việc này, WHO cần sự đóng góp của tất cả các quốc gia thành viên.(1)
Trận đại dịch COVID-19 còn đang hoành hành trên khắp thế giới chưa biết bao giờ mới tìm ra cách chống hữu hiệu, một số người đã lên tiếng phê bình WHO tắc trách, không ứng phó với cuộc khủng hoảng kịp thời. Họ cho rằng trong một thời gian quá lâu tổ chức này đã chấp nhận và loan tải những tin tức do Trung Quốc phát tán dù những tin này không phản ảnh đúng tầm mức nghiêm trọng của đại dịch, và WHO đã có những tuyên bố không rõ ràng cũng như hành động do dự.
Lẽ dĩ nhiên gần như không ai còn chút nghi ngờ nào về thái độ vô trách nhiệm cố gắng che đậy dịch bệnh của Trung Quốc, nhất là trong những tuần đầu tiên, tuy nhiên, WHO có chủ đích tham gia vào hành vi này hay không sẽ còn cần phải điều tra sau khi dịch bệnh đã ngưng.
Dù sao, tuy về bản chất, tất cả những thiếu sót của WHO được nêu đã ít nhiều có xảy ra, nhưng từ đó để buộc tội WHO làm thế giới mất cơ hội chặn đứng nạn dịch vì “đã chịu ảnh hưởng Trung Quốc, che đậy sự lây lan của dịch COVID-19” là điều không trung thực. Nó cho thấy một sự hiểu biết hoàn toàn sai lầm về vai trò và quyền lực của tổ chức liên chính phủ này, cũng như sự không nhìn nhận những khiếm khuyết xử thế của từng quốc gia.
WHO chủ yếu là một cơ quan và không phải là một dịch vụ y tế khẩn cấp.
Hoạt động của WHO có thể được so sánh với một hoạt động của lực lượng Mũ Nồi Xanh của Liên Hiệp Quốc. Đó là một tập hợp sự có mặt của các quốc gia thành viên và trên hết, WHO phụ thuộc vào ý chí, kỹ năng và phương tiện của các quốc gia này để thực hiện các dự án chung của họ trên toàn thế giới.
Những tổ chức liên quốc gia thường phải ngoại giao rất mềm mỏng và cẩn trọng với các quốc gia thành viên của họ, và người ta khó có thể mong đợi những tổ chức này ra mặt chỉ trích mạnh mẽ các chính sách thông tin và y tế của một quốc gia. Việc này là nhiệm vụ của các tổ chức viện trợ độc lập, của giới vận động hành lang và tất nhiên là báo chí.
Chiếu theo nội qui, WHO phải định hướng theo các cơ quan y tế của các quốc gia thành viên chứ không thể dựa trên những dư luận rất khác biệt trong các xã hội tự do. Tất nhiên, điều này làm việc quyết định hơi chậm chạp, nhưng đó là do bản chất hệ thống của Liên Hiệp Quốc. Không thể bắt lỗi WHO về mặt này.
Hành động “hất luôn cả đứa bé cùng với nước tắm” là sai lầm và vô trách nhiệm, vì WHO cần được duy trì và củng cố để làm rất nhiều công việc quan trọng.
Ít hơn một đô la mỗi năm
Khoản đóng góp bắt buộc của các thành viên WHO chỉ bao gồm được một phần năm (1/5) ngân sách khiêm tốn của tổ chức là dưới năm tỷ đô la – thậm chí không tới một đô la một năm cho mỗi người trên trái đất. Năm tỷ đô la là số tiền tương đương với chi phí một nhà thương cấp đại học ở một thành phố lớn trong thế giới công nghiệp.
Phần ngân sách còn lại (4/5) của WHO là do tài trợ tư nhân và của các chính phủ. Phần này bị ràng buộc bởi những dự án có mục tiêu dài hạn đã được xác định rõ ràng:
Đây có thể là các chiến dịch chủng ngừa ở các nước nghèo nhất thế giới, một đầu tư rất nhỏ mà đem lại kết quả lớn. Trong những trường hợp tai họa cơ bản nhưng thực sự rất dễ tránh, WHO có thể rất hiệu quả nếu được giúp đỡ phương tiện để làm việc. Thí dụ như bệnh sởi năm ngoái với 20 triệu người mắc bệnh và 140.000 người tử vong. Hoặc những chiến dịch chống bệnh sốt rét, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, v.v…
Nhưng ngay cả WHO cũng không toàn năng.
Tất nhiên, WHO cũng phải theo dõi các bệnh mới xuất hiện như SARS-CoV-2. Trong việc trao đổi thông tin, WHO là một giao diện toàn cầu quan trọng giữa các chính phủ, các học giả tại các trường đại học, các viện nghiên cứu quốc gia và các công ty nghiên cứu dược phẩm.
WHO không thể làm được tất cả. Công việc thực tế trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh mới xuất hiện, phải và chỉ có thể được thực hiện bởi hệ thống y tế của các quốc gia, các tổ chức nghiên cứu và ngành công nghiệp.
Mặc dù mang cái tên Tổ chức Y tế Thế giới nghe có vẻ oai phong, WHO không có khả năng bù đắp cho những thiếu sót trong phạm vi chăm sóc sức khỏe hoặc những biến động của thị trường thuốc và chất khử trùng.
Trong thực tế, WHO nằm ở cấp bậc cuối của bực thang quyết định trong hệ thống quốc tế.
Thêm vào đó, thế nào là ứng xử đúng khi đối mặt với một đại dịch?
Trong một đại dịch như COVID-19, WHO tất nhiên luôn phải đối mặt với vấn đề tìm sự cân bằng giữa cảnh báo cần thiết và không gây hoảng loạn. Điều này rất, rất khó, bởi vì một đại dịch luôn liên quan đến một mầm bệnh mới, và với tất cả các chuyên gia của mình, WHO vẫn không thể nói chính xác nó sẽ phát triển như thế nào.
Hiện nay mối quan tâm của WHO lên tới tối đa vì Sars-CoV-2 đã len lỏi vào những túp lều của người tỵ nạn, đã xâm nhập vào những vùng có chiến tranh như Kurdistan của Iraq, và các nước nghèo nhất thế giới tại lục địa Phi châu.
Ngày 14/04/2020 trong khi TT Trump tuyên bố tạm ngưng đóng tiền trợ cấp thì WHO một mặt báo động dịch Ebola, bùng nổ tại Congo, đã bước vào tình trạng khẩn cấp quốc tế, mặt khác bắt đầu gửi một “chuyến bay đoàn kết” (Solidarity flight) từ Addis Ababa, Ethiopa, mang trang thiết bị Y tế tới những nước bên Phi châu. Ngày 19/04 một chuyến khác tới vùng Kurdistan của Iraq.
Chương trình sẽ trợ giúp tổng cộng 95 quốc gia.
Lời tuyên bố của Ngoại trưởng Đức, Heiko Maas, nói lên ý kiến của đại đa số chính quyền các quốc gia trên thế giới: “Tôi không cho rằng WHO làm đúng tất cả, nhưng trong giai đoạn hiện nay, điều tra WHO hoặc cắt giảm nguồn tài trợ của tổ chức này giống như đuổi phi công ra khỏi một chiếc máy bay đang bay.”
Cùng với ông Maas, 24 ngoại trưởng các nước Argentina, Bỉ, Canada, Chile, Costa Rica, Cộng hòa Dominican, Estonia, Ethiopia, Phần Lan, Pháp, Ireland, Indonesia, Ý, Jordan, Mexico, Hà Lan, Na Uy, Peru, Singapore, Nam Phi, Thụy Điển và Tây Ban Nha, đã đồng ký một bản tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lãnh đạo việc đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu này, cũng như những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc, nhóm Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế và khu vực, để phối hợp, giải quyết có hệ thống các tác động kinh tế xã hội rộng lớn do COVID-19 gây ra.
__________________________________________________________________
T.Q.
Tác giả gửi BVN