Hàng rong (street vendor) là một đặc sản của nền kinh tế cá thể và hộ gia đình. Di động và uyển chuyển, hàng rong là nguồn sống của một bộ phận không nhỏ các gia đình Việt Nam. Nhưng đi cùng đó là những tranh cãi gay gắt về vai trò xã hội, tiêu cực cảnh quan và đối thoại giàu nghèo.
Cần hạn chế cái nhìn tiêu cực về hàng rong
Một trong những sai lầm dễ gặp nhất khi bàn về các gánh hàng rong là sự ghét bỏ nặng lời của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam.
“Cứ viện cái nghèo ra để vi phạm pháp luật” – họ thường nói.
Quan điểm này không sai. Đúng là chúng ta không thể viện dẫn hiện trạng kinh tế của một cá nhân để giải oan cho mọi hành vi mà người này thực hiện. Mọi việc nghe thật dễ dàng. Cứ ai bán hàng rong là xử lý, bắt gọn. Cảnh quan đô thị chẳng mấy chốc mà được bảo toàn.
Hiện thực không đơn giản như vậy. Nhìn từ góc độ quản lý vĩ mô, bất kỳ chính quyền nào cũng không thể phủ nhận vai trò kinh tế mà các gánh hàng rong mang lại.
Tại Việt Nam, chỉ mới vào năm 2017 đây thôi, các gánh hàng rong lộn xộn, manh mún nói trên đóng góp đến hơn 10% tổng nền kinh tế Việt Nam. Đúng vậy, bạn đọc không sai, những chuyến xe đẩy, những gánh hàng “bạ đâu đậu đấy” chiếm 1/10 giá trị của nền kinh tế vài trăm tỷ Mỹ kim của Việt Nam.
Không chỉ vậy, đối mặt với làn sóng nhập cư hàng triệu người mỗi năm tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… hàng rong tiếp tục là một trong những “ngành” tuyển dụng nhiều lao động nhất. Điều này càng dễ hiểu hơn khi cân nhắc trình độ học vấn và năng lực tài chính của đại đa số người nhập cư.
Không phải không có nguyên do mà Chính phủ Việt Nam khuyến khích mạnh mẽ xuất khẩu lao động. Tương lai công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam vẫn còn rất xa vời. Vì vậy, năng lực tạo việc làm công nghiệp đại trà của nền kinh tế Việt Nam rất thấp. Và khi mà nền kinh tế hàng rong còn giúp cung cấp hàng trăm ngàn việc làm tạm thời với nguồn thu nhập đủ để một bộ phận dân cư thoát khỏi đói nghèo, một nước đi sai trong “chính sách vỉa hè” của chính quyền đồng nghĩa với việc tổn hại cả một chuỗi sinh nhai phụ thuộc lẫn nhau của hàng triệu người lao động tự do.
Đây cũng không phải bí mật khoa học gì mới được phát hiện. Theo Giáo sư Dorothy Solinger, Đại học California, phân tích: những chính quyền cộng sản châu Á từ trước đến nay luôn xem kinh tế đường phố là một biện pháp đối phó cầm chừng khả dĩ nhất với tình trạng thất nghiệp của quá trình đô thị hóa.
Muốn loại trừ kinh tế vỉa hè, hệ quả của nó vượt khỏi mọi tưởng tượng của loại diễn ngôn “trật tự pháp luật” hay “cảnh quan đô thị”. Đến cuối cùng, có trời mới biết xã hội sẽ thế nào khi vài triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp. Và khi ấy, những nhân viên văn phòng và các nhà chính trị “salon” lên gân nắn cổ nền kinh tế vỉa hè sẽ có nhiều thứ để lo hơn là “trật tự” và “cảnh quan”.
Chính trị của đường phố
Những lập luận trên kỳ vọng rằng bạn đọc chấp nhận tầm quan trọng khách quan của nền kinh tế hàng rong. Song mục tiêu chính không phải để ủng hộ các hoạt động mua bán thiếu tổ chức và lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Sự trong lành và thoáng đãng của đường phố có vai trò văn hóa riêng của nó. Không chỉ là bộ mặt của một quốc gia, một thành phố, nó còn phản ánh lý tưởng, khát vọng và tầm nhìn của chủ nghĩa đô thị hiện đại (modern urbanism). Nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến tinh thần và quan điểm của công dân về quốc gia, về không gian sống và an sinh xã hội.
Vỉa hè, qua một góc nhìn mới, trở thành không gian công cộng của nhân quyền, là không gian sản sinh các thói quen mới, giá trị mới, cách tư duy mới và thái độ mới cho công dân. Nếu chúng ta để mặc hiện trạng tư nhân hóa không gian chung (mà cụ thể ở đây là các hộ kinh doanh hàng rong), bất kể vì lý do gì, chúng chắn chắn cản trở sự phát triển về tinh thần của một cộng đồng, một quốc gia.
Đối nghịch giữa “cơm ăn áo mặc” trước mắt và những giá trị trừu tượng vô hình là bài toán khó mà Tiến sĩ Asef Bayat thuộc Đại học Illinois (Hoa Kỳ) gọi là “chính trị của đường phố” (politics of the street). Trong bài viết ngắn ấn tượng từ năm 1997 có tên Un-civil society: The politics of the “informal people”, ông khẳng định nỗ lực tái lập trật tự không gian công cộng của chính quyền và sự bám víu đường phố vì miếng cơm của các nhóm yếu thế tại các quốc gia đang phát triển tạo nên một đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Nơi đó, các hàng quán di động nhận được lòng khoan dung vừa phải từ cộng đồng dân cư; đối mặt với một hệ thống pháp luật có phần hình thức, thiếu chiều sâu; cùng quá trình kiểm soát và tái lập trật tự theo kiểu chương, hồi “chiến dịch” qua loa của các lãnh đạo địa phương. Nhưng bất kỳ tác động thiếu tính toán nào mong muốn thay đổi thực trạng sẽ vấp phải những phản ứng chính trị không thể ngờ tới, kể cả khả năng xung đột bạo lực.
Về con đường đúng đến văn minh đô thị
“Hà Nội ngày nay, New York thế kỷ 18 và Trung Quốc thập niên 80…”, nghiên cứu Street Politics: Street Vendors and Urban Governance in China của Giáo sư Amy Hanser, trường Đại học British Columbia, đưa ra một so sánh thú vị về thực trạng của nền kinh tế hàng rong khắp nơi trên thế giới. “Hàng rong” không phải là một thứ văn hóa ăn sâu bám rễ đặc trưng của bất kỳ nền văn minh nào. Đông hay Tây, ở đâu cũng có thể có.
Nói cho vuông, hàng rong là kết quả đương nhiên của quá trình tập trung dân cư tại các đô thị, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, và tình trạng thất nghiệp ở một bộ phận công dân. Kiểm soát chúng, do đó, không nằm ngoài mục tiêu chung là tối đa hóa lợi ích của toàn xã hội.
Trung Quốc cũng đã trải qua một thời kỳ tương tự. Kinh nghiệm của quốc gia châu Á này có thể có ích cho Việt Nam.
Sau khi giành được toàn bộ Trung Quốc đại lục vào năm 1949, chiến dịch dẹp loạn kinh tế đường phố bằng vũ lực được chính quyền tiến hành. Điều này hiển nhiên rất dễ thi hành vào thập niên 1950. Khi đó, các gánh hàng rong bị các nhà Marxist Trung Quốc gọi là “những cái đuôi của chủ nghĩa tư bản” (tails of capitalism), và nghiễm nhiên trở thành kẻ thù giai cấp.
Đến thập niên 1980, nền kinh tế Trung Quốc cởi mở hơn và kinh tế hàng rong bùng nổ. Đi kèm đó là nhu cầu quản lý và chỉnh đốn cảnh quan đô thị.
Họ đã từng kỳ vọng diệt gọn kinh tế hàng rong.
Đầu những năm 1990, các nhóm “quản thành” (城管 – chengguan) được thành lập. Họ quần thảo kẽ ngách các con đường, các khu phố của những đô thị Trung Quốc, bắt người, tịch thu tài sản và thậm chí là nhận “bảo kê” từ những người bán hàng rong. Không mất quá nhiều thời gian để người dân lẫn các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhận thấy trao quyền sinh sát trên đường phố cho các nhóm “quản thành” không khác gì với việc tạo nên một băng đảng mafia đời mới mang danh nghĩa nhà nước. Tư duy hiện tại của Việt Nam với các “tổ, đội quản lý trật tự đô thị” có vẻ không khác mấy với Trung Quốc cách đây vài thập kỷ; dù người viết không đủ dữ liệu để bình luận khách quan về các tiêu cực quản lý đô thị tại Việt Nam đương đại.
Khoảng những năm 2005, chính quyền trung ương lẫn địa phương tại Trung Quốc bắt đầu thử vận may với những biện pháp mềm khác.
Điều trước tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc làm là cho phép môi trường thảo luận về hàng rong và kinh tế hàng rong được thoải mái hơn. Năm 2005 chỉ có 27 bài viết, bài nghiên cứu về hàng rong, đến năm 2011 đã có đến 800 bài.
Một số chính sách thực tiễn cũng bắt đầu được thử nghiệm.
Tại Trung Quốc thời điểm này (cũng như Việt Nam hiện nay), nhiều người ủng hộ việc xây dựng những khu hàng quán, quà vặt phức hợp và tập trung. Nhưng tham vọng này nhanh chóng dẫn đến những kết quả không mong muốn. Các khu tập trung mới không phải cái nào cũng thuận tiện cho việc lưu thông và bán hàng. Cùng lúc đó, do nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch đất đai và chi phí mặt bằng, các khu phức hợp cũng thường bị đẩy ra vùng ven, với diện tích di chuyển và mua bán rất hạn chế, gây khó khăn cho người mua.
Đến nay, chính quyền nhiều địa phương Trung Quốc tạm hài lòng với việc phân cấp các khu vực vỉa hè để quản lý.
Một số vùng được xếp vào nhóm cấm tuyệt đối (zero-tolerance). Tại những nơi quan trọng, có ý nghĩa lịch sử hay là khu vực thương mại chuyên nghiệp, hay những nơi thể hiện bộ mặt của thành phố… mọi hình thức mua bán hàng rong bị cấm triệt để.
Một số vùng khác, nơi vị trí bán hàng được sắp đặt sao cho không gây ảnh hưởng đến người đi bộ hay việc di chuyển của các phương tiện giao thông, việc mua bán hàng rong được chấp nhận. Hiển nhiên, đi kèm theo đó là các yêu cầu về vệ sinh và bảo vệ sự đồng nhất của cảnh quan.
***
Những thông tin và lập luận trên chỉ là một phần rất nhỏ của các nghiên cứu đang sẵn có về quản lý kinh tế vỉa hè và không gian đô thị.
Nhưng chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng nền kinh tế không chính thức (informal economy) tại Việt Nam có vai trò quan trọng hơn rất nhiều những gì người ta tưởng tượng. Và quản lý kinh tế đường phố cần bằng chứng khoa học, thống kê và trên hết là sự kiểm điểm lại về quy hoạch của chính các cấp chính quyền. Tiếp tục “ra quân” với những “chiến dịch” dọn dẹp lòng đường, vỉa hè từ ngày này qua tháng khác cũng giống như có vết thương lở loét mà chỉ uống thuốc giảm đau cầm chừng. Xung đột giữa chính quyền địa phương và những cư dân sinh nhai bằng nền kinh tế không chính thức đo đó sẽ không bao giờ chấm dứt.
N.Q.T.T.
Nguồn: Luật khoa tạp chí
Từ câu vọng cổ của anh chàng bưng hủ tiếu
Vũ Kim Hạnh
Hôm tôi đi tặng quà nhu yếu phẩm cho các gia đình nghèo ở thị trấn Cần Thạnh, Cần Giờ, có câu chuyện nhỏ zui zui. Khi đứng chờ ở đầu con hẽm nhỏ, đợi mở cốp xe lấy quà, tôi núp vào hiên một tiệm hủ tiếu tránh nắng. Bỗng có em trai chừng 15, 16 tuổi đẩy cái xe đạp ra, một tay nâng cao cái mâm nhỏ có 2 tô hủ tiếu, tay kia cầm ghi đông, bắt đầu đạp xe, em cất tiếng ca một câu vọng cổ:
– Cô Vi ơi, nhờ cô mà tui cò thêm nghề đạp xe giao hủ tiếu, tôi chúc cô mạnh khỏe ở lại lâu… dài. Tèn tèn tèn… (đàn miệng luôn).
Chị chủ quán hủ tiếu liếc tôi, cười cười phân trần: Thằng quỉ nhỏ này, ngày thường nó rửa chén, bữa nay ít khách tôi giao nó bưng hủ tiếu tận nhà khách. Nó mong Cô Vi ở lại, vài tháng nữa thì cám cũng không có mà ăn chứ nói gì hủ tiếu?
Nhìn dáng cậu đạp xe dưới cái nắng khét da miền biển, tôi quá thích cái lạc quan hài hước của cậu, thầm nghĩ sẽ viết vài câu vọng cổ nhịp 32, tặng cậu bé. Rồi tôi quên. Cho tới khi nhìn thấy mấy bức ảnh khu chợ giãn cách đẹp tuyệt dưới nắng ở Myanmar.
Xoay xở chạy ăn từng bữa, miễn lương thiện
Và tôi cứ nghĩ mãi về họ với chữ nghèo. Trong mấy tuần đi giúp người nghèo mùa cách ly, tôi học được điều này: Có một lớp người nghèo, hàng triệu người (khắp các thành phố) đang chạy ăn từng bửa, tay ngưng làm là hàm ngưng nhai, là con nít người già của gia đình họ bị đói. Họ nghèo nhưng không hèn, họ vẫn siêng năng chạy gạo mỗi ngày. Chỉ khi có lệnh: ”Hãy ở yên trong nhà” vì cần giãn cách xã hội, giảm tối đa các giao tiếp xã hội thì họ mất việc, nghỉ ăn và đói. Chứ nhịp sống cứ chảy bình thường, họ đâu cần và đâu muốn nhận cứu trợ?
Có điều, nhà quản trị hãy bớt lý sự mà hãy đi đến thực tế, nơi họ sống và kiếm ăn hàng ngày mới tính được chuyện sắp xếp sao cho họ có cách làm ăn tốt nhất, họ kiếm sống được, có ích cho mọi người, đảm bảo trật tự, và cũng đóng góp (đâu có nhỏ) cho nền kinh tế.
Tôi nhó tới bài toán nhỏ của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói từ nhiều năm trước, nếu vận vào tình hình hiện nay thì: Chúng ta có một đội ngũ khoảng 2 triệu người bán hàng rong. Hàng ngày, với số vốn 200.000 – 300.000 đồng, họ có thể kiếm được khoảng 50.000 đến 100.000 đồng. Nhân lên thành tổng số doanh thu của họ, là con số lớn lắm, mà nuôi được mấy triệu gia đình, đáp ứng nhu cầu của vô số gia đình khác là khách hàng của họ. Tiền lãi họ kiếm được lại quay vòng vào thị trường. 365 vòng, phân phối tắp lự hàng hóa đến tay người tiêu dùng”.
Mà không cần thành lập một Bộ nào để quản họ cả.
Dẹp hàng rong? Thế giới dẹp hoài, hãy xem họ làm gì?
Hiện nay, nhiều nước đã có giải pháp “dep” hàng rong sống bám vĩa hè. Đó là: Xây nhiều trung tâm bán hàng rong, sắp xếp trật tự và vệ sinh sau khi lắng nghe chính người bán hàng rong đề nghị giải pháp.
Như kinh nghiệm của Indonesia và Singapore.
Ở Indonesia, cơ quan Quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ (KUKMP) thực hiện kế hoạch xây thêm 20 trung tâm và 2 chợ cho người bán hàng rong tập trung buôn bán, dùng ngân sách nhà nước và quỹ trách nhiệm xã hội do các doanh nghiệp đóng góp, theo tờ The Jakarta Post. Và mỗi người bán hàng rong phải đăng ký để được cấp thẻ đa chức năng, vừa là thẻ ATM vừa là thẻ nhận diện bao gồm họ tên, sản phẩm và địa điểm buôn bán.
Còn ở Singapore, khởi đầu của chính sách này, nhà nước định dẹp sạch hàng rong khỏi vỉa hè, nhưng đa số người dân “thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người bán hàng rong”. Từ đó, CP Singapore thay đổi quan điểm và đưa ra nhiều chính sách đảm bảo quyền lợi cho người bán hàng rong: bắt đầu xây dựng nhiều chợ, trung tâm bán hàng rong rải rác khắp nơi “càng nhiều càng tốt”. Chính quyền sẵn sàng giao đất cho các nhà đầu tư với điều kiện phải lập ra trung tâm bán hàng rong ngay trong mảnh đất đó và phải ưu tiên tái bố trí người bán hàng rong về khu vực gần với điểm buôn bán trước đây của họ, giúp giải tỏa tâm lý lo sợ mất khách hàng thân thiết
Và khu chợ Myanmar thời Covid quá ấn tượng
Thử nhìn bức ảnh chợ Myanmar chật cứng ngày thường, giờ được sắp xếp lại vậy, ôi là đẹp. Mà đẹp hơn nữa, đáng quí, đáng cảm phục hơn nữa, là cái tình, cái tâm của người nghĩ ra, thiết kế ra kiểu họp chợ ngoài trời, có chéo góc giãn cách.
Cái TÂM. Sẽ dắt người ta đi đến những sáng kiến. Dù nhỏ xíu, dù rất thực dụng, dù bị coi là tầm thường. Nhưng xã hội đang quá thiếu những nghĩ ngợi vị dân sinh đó. Và nảy sinh bao chuyện xấu xí. Cảnh công an, dân phòng phường rượt bắt hàng rong, bẻ tay, kẹp cổ, giật gióng gánh ném lên xe cây thật phản cảm. Bao năm mà vẫn cảnh ấy, còn bonus thêm kiểu gọi người bán hàng rong thằng này con kia?
Lắng nghe họ, bằng cái tâm người làm quản lý (đừng nhắc câu “đầy tớ nhân dân” nghe phản cảm thấu trời) và chịu khó học tập một ngàn giải pháp đã có sẵn, với cái tử tế của ngưới nghèo bình thường. đâu cần gì những chỉ thị, nghị quyết dài ngoằng “nổ banh nhà lồng” mà cực kỳ nhàm chán, vô ích?
Ảnh:
Khu chợ mới ngoài trời mùa giãn cách ở Myanmar.
Chợ Myanmar vài tháng trước.
Chỉ bán mang về, mua cách ly.
Một khu bán thực phẩm thường thấy ở Singapore.
Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh