1. Tập Cận Bình bị kêu gọi từ chức vì xử lý tệ hại khủng hoảng corona
Thụy My
Quyền uy Tập Cận Bình bao trùm Trung Quốc, nhưng nay người dân phẫn nộ vì đại dịch ở Vũ Hán đã dám lên tiếng phản đối. Ảnh mang tính minh họa.
Đài truyền hình Sun TV tại Hồng Kông cho biết các «thái tử đỏ» đề nghị lập ra một «nhóm lãnh đạo khẩn cấp» do Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan 王岐山)hoặc Uông Dương (Wang Yang 汪洋), Ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.
Theo tác giả Jayadeva Ranade, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc trên tờ The Tribune*, ông Tập Cận Bình đang bị những người chỉ trích đòi hỏi từ chức, do đã xử lý một cách tệ hại đại dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán.
Những biểu hiện bất mãn, vốn hiếm thấy ở Trung Quốc vì nguy cơ bị trừng phạt, đang ngày càng tăng lên, gây áp lực lớn đối với chủ tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Sự phẫn nộ lan rộng trong công dân Trung Quốc trước tình trạng thiếu minh bạch, giấu diếm thông tin khi nạn dịch virus corona nổ ra, đã thổi bùng sự bất mãn ngấm ngầm lâu nay khi Tập Cận Bình xóa bỏ giới hạn không được tại vị quá hai nhiệm kỳ, trong Đại hội Đảng thứ 19 vào tháng 10/2017.
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang 李文亮), bệnh viện Vũ Hán, càng làm người dân thêm giận dữ. Một số nhân vật nổi tiếng, kể cả các quan chức đảng hoặc đảng viên bình thường, và có ít nhất là một cựu thành viên trong số 350 ủy viên trung ương đầy quyền lực, đã thẳng thừng đả kích Tập Cận Bình và chính sách của hoàng đế đỏ.
Các chỉ trích nhắm vào việc đảng ngày càng tăng cường kiểm soát và tập trung quyền lực. Việc siết chặt giám sát thể hiện qua ngân sách an ninh hàng năm đều tăng lên kể từ năm 2013, trùng hợp với thời điểm Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch nước. Bên cạnh đó việc theo dõi người dân trở nên phổ biến thông qua hệ thống camera giám sát, công nghệ nhận diện và trí tuệ nhân tạo.
Sự vắng mặt khó hiểu của Tập Cận Bình từ ngày 29/1 đến 10/2/2020, lúc dịch bệnh hoành hành, trong khi lâu nay ông luôn xuất hiện trên trang nhất các báo và đài truyền hình Nhà nước, cũng gây ra luồng ý kiến bất lợi cho ông Tập.
Vào ngày 02/03/ và trước đó vào ngày 23/2, ông Triệu Sĩ Lâm (Zhao Shilin 赵士林), Giáo sư về hưu của trường đại học Dân tộc Trung ương (Minzu), Ủy viên trung ương đảng, đã gởi hai lá thư cho ông Tập Cận Bình, cả hai đều mang giọng điệu đả kích kịch liệt.
Trong thư đề ngày 23/2, Triệu Sĩ Lâm khẳng định Trung Quốc đã bỏ lỡ «thời gian vàng» vào dịp Tết, khiến cho «nạn dịch lan tràn vô cùng dữ dội». Ông nhận định cái giá phải trả là «khủng khiếp» và «đau thương không kể xiết». Nhắc lại lời của Tập Cận Bình, cuộc chiến chống virus corona là «thử nghiệm lớn lao về khả năng của hệ thống điều hành đất nước», vị Giáo sư thẳng thừng tuyên bố : «Rất tiếc là tôi phải nói rằng tỉ số của đồng chí đến nay bằng 0!».
Giáo sư Triệu chỉ ra năm yếu tố, trong đó có việc siết chặt an ninh, bảo đảm hình ảnh ưu việt của đảng, tập trung mọi quyền hành vào tay một người. Tình trạng này ngăn trở các cán bộ đảng và viên chức thực hiện phần việc của mình, phát huy sáng kiến. Tuyên bố « những người trong và ngoài hệ thống đều kêu gọi cải cách chính trị », ông Triệu Sĩ Lâm nhấn mạnh cần bao gồm việc áp dụng « những giá trị xã hội cốt lõi: tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền », bảo đảm các quyền chính trị của công dân như tự do ngôn luận.
Trong lá thư thứ hai ngày 2/3, ông tái khẳng định : « Trong một xã hội lành mạnh, cần phải có nhiều hơn là một tiếng nói để đòi hỏi tự do ngôn luận ».(1)
Nhiều người khác cũng đã đăng những bài viết chỉ trích, khiến một số có nguy cơ bị đàn áp.
Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong 許志永), cựu Giáo sư Trường đại học Bưu điện và Viễn thông Bắc Kinh, kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức vì «không có khả năng xử lý những cuộc khủng hoảng lớn». Giáo sư gọi tư tưởng chính trị của Tập Cận Bình là «rối rắm», mô hình cai trị «lỗi thời», tuyên bố ông Tập đã làm Trung Quốc suy sụp với «những biện pháp quá lố nhằm duy trì ổn định xã hội» của ông ta. Hứa Chí Vĩnh kết luận: «Tôi không nghĩ rằng ông là một người độc ác, ông chỉ không mấy thông minh thôi. Vì lợi ích cộng đồng, một lần nữa tôi yêu cầu ông: hãy từ chức đi, ông Tập Cận Bình!».(2)
Tiểu luận của Giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun 許章潤), Trường đại học Thanh Hoa (Tsinghua) mang tên «Những người phẫn nộ không còn sợ hãi nữa» được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc. Nhà nghiên cứu cáo buộc các nhà lãnh đạo, và đặc biệt là Tập Cận Bình, đã xa rời nhu cầu của người dân, muốn duy trì vĩnh viễn sự cai trị của «một nhóm nhỏ lãnh đạo» và lao vào «chủ nghĩa khủng bố dữ liệu». Giáo sư tố cáo việc «bóp nghẹt các tranh luận công khai và truyền thông xã hội, cơ chế cảnh báo sớm đã tồn tại ban đầu», đổ lỗi cho chính quyền Hồ Bắc. Bài viết đánh giá Tập Cận Bình là «bạo chúa chính trị», và khẳng định «cuối cùng vầng thái dương cũng sẽ đến trên mảnh đất tự do này».
Cơn phẫn nộ của cư dân Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và là tâm dịch đương nhiên nổ ra khi dịch bệnh hoành hành. Khi Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan 孫春蘭) đến Vũ Hán hôm 14/2, họ đã phản đối việc «chính quyền cộng sản hủy bỏ tự do ngôn luận và giấu diếm thông tin». Cư dân hô lớn «Đừng tin họ», «Họ toàn nói láo »…
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra những chỉ trích liên tục này. Để xoa dịu cơn giận của người dân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (do Tập Cận Bình làm Chủ tịch) điều tra về vụ trấn áp bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang 李文亮) – người đã đưa ra lời cảnh báo và bị công an bắt giữ, sau đó chết vì virus corona – hôm 19/3 báo cáo rằng công an và an ninh Vũ Hán đã rút lại biện pháp trừng phạt, xin lỗi gia đình vị Bác sĩ trẻ và kỷ luật hai công an viên.
Dấu hiệu cho thấy quy mô bất bình trong dân chúng hiện rõ vào tuần trước, với thông tin các «thái tử đỏ» kêu gọi họp khẩn để thảo luận về việc thay thế ông Tập Cận Bình. Đài truyền hình Sun TV có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên tập trung vào giới tinh hoa Trung Quốc và cộng đồng người Hoa, cho biết các «thái tử đỏ» đề nghị lập ra một «nhóm lãnh đạo khẩn cấp» do Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan 王岐山) hoặc Uông Dương (Wang Yang 汪洋), Ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.
* The Tribune là tờ báo tiếng Anh độc lập được đọc nhiều nhất ở bắc Ấn Độ.
Nguồn: RFI tiếng Việt 31/03/2020
Những chữ Hán trong bài là do BVN thêm
Chú thích thêm của BVN
(1) Xin xem: 庚子上书 Canh tí thượng thư
(2) Xin xem: 中国维权人士许志永发文劝习近平退位 Trung Quốc duy quyền nhân sĩ Hứa Chí Vĩnh phát văn khuyến Tập Cận Bình thoái vị
2. Dữ liệu hỏa thiêu cho thấy tử vong vì corona ở Vũ Hán có thể là hàng chục ngàn
Những người tình nguyện mặc quần áo bảo hộ khử trùng một thương xá tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc ngày 31/3/2020.
Những hũ tro cốt chất đống tại nhà quàn ở Vũ Hán, tỉ lệ hoả thiêu chính thức của thành phố, và các báo cáo về hệ thống chăm sóc y tế quá tải đã gây nên những suy đoán là con số người chết thực sự vì COVID-19 ở Vũ Hán có thể lên đến hàng chục ngàn người – dù rằng Chính phủ Trung Quốc cho biết chỉ có 2.535 người chết trong số hơn 50.000 ca lây nhiễm virus corona.
Virus corona bùng phát được ghi nhận lần đầu tiên tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, vào tháng 12 năm 2019, trước khi lây lan trên toàn cầu, giết chết hơn 33.000 người tính đến ngày 29/3. Những biện pháp chế ngự tích cực của Trung Quốc đã làm chậm đà lây lan của virus trong nước, với số ca nhiễm hạ giảm trong vài tuần qua. Cho đến nay Bắc Kinh xác nhận gần 81.000 ca nhiễm và 3.300 người chết, hầu hết tại Vũ Hán, trung tâm bùng phát của virus. Tuy nhiên nhiều người, kể cả các chính trị gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc hạ thấp số người chết vì virus corona.
Những nghi ngờ của họ phát sinh từ những nỗ lực che giấu sự nghiêm trọng của dịch bệnh từ ban đầu—trước khi bệnh này lây lan rộng rãi ra nước ngoài—và từ nhiều lần Trung Quốc duyệt xét lại cách thức đếm những ca trong nước.
Hệ thống y tế Vũ Hán quá tải trong thời kỳ dịch bệnh lên đến cao điểm tại Trung Quốc gây thêm những nghi vấn nữa về con số tử vong được chính thức báo cáo là 2.535 người.
Trong quý 4 năm 2019, Vũ Hán cũng chứng kiến 56.007 vụ hỏa thiêu, cao hơn 1.583 vụ so với quý 4 năm 2018, và hơn 2.231 vụ so với quý 4 năm 2017, theo dữ liệu do cơ quan dân sự vụ Vũ Hán công bố. Vào năm 2019, dân số Vũ Hán tăng chỉ có 1,1% so với năm 2018, theo ước tính của Liên hiệp quốc. Những con số này có thể cho thấy là virus xuất hiện vào tháng 12 làm cho con số người chết gia tăng—một khuynh hướng chắc là kéo sang quý một năm nay.
Các hình ảnh được loan truyền trên truyền thông xã hội Trung Quốc trong tuần này cho thấy những hũ tro cốt gửi về tâm dịch, sau khi các gia đình mất người thân vì virus corona được chỉ thị thu nhặt tro cốt tại một trong những nhà quàn địa phương trong thành phố. Những hình ảnh này gây nên những nghi ngờ mới về con số tử vong thực sự vì virus corona tại Trung Quốc. Người dân trong nước và những chỉ trích quốc tế dựa vào số lượng các hũ tro cốt để cáo buộc Chính phủ Trung Quốc gian dối về thống kê.
Newsweek liên lạc bằng email với văn phòng Đại sứ Trung Quốc ở Mỹ Thôi Thiên Khải để yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao cũng được tiếp xúc để yêu cầu đưa ra nhận xét, nhưng cho tới giờ báo phát hành vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Các xe tải giao khoảng 2.500 hũ tro cốt trong hai ngày 25 và 26/3 tại một trong tám nhà quàn địa phương, một tài xế nói với hãng tin Trung Quốc Caixin. Hãng tin này cũng công bố một ảnh khác cho thấy 3.500 hũ tro cốt khác chất đống trong cơ sở này. Con số các hũ tro cốt đưa về riêng một nhà quàn này thôi đã cao hơn nhiều so với tổng số tử vong vì COVID-19 do thành phố đưa ra.
Có tin nói số tử vong không tính đến những người chết trước khi được xét nghiệm về virus. Nhân viên y tế được phỏng vấn cũng cho biết nhiều người không được xét nghiệm vì bệnh viện Vũ Hán quá tải.
Một số cư dân Vũ Hán ước lượng là tổng số người chết có thể là 26.000 người căn cứ vào số lượng các hũ tro cốt được chuyển giao và phân phối trên toàn tỉnh.
Những người sử dụng truyền thông xã hội Trung Quốc nói 7 nhà quàn Vũ Hán đã phân phối trung bình 3.500 hũ tro cốt mỗi ngày từ ngày 23/3 đến 4/4 là lễ Thanh minh tảo mộ truyền thống. Với ước lượng này, 42.000 hũ tro cốt sẽ được giao trong thời gian 12 ngày.
Bằng cách hạ giảm con số tử vong tại Vũ Hán vào khoảng 16.000 người, căn cứ trên tỉ lệ tử vong hàng năm của Trung Quốc trong hai tháng rưỡi, họ ước đoán là các hũ tro cốt cho thấy là virus corona có thể gây ra khoảng 26.000 ca tử vong. Tuy nhiên hiện chưa rõ có cả thảy bao nhiêu hũ tro cốt được sử dụng.
Phép tính căn cứ trên các hũ tro cốt, giả thuyết và truyền thông xã hội không phải là chính xác tuyệt đối. Nhưng nó cho phép ước lượng số người chết thực sự và củng cố thêm hoài nghi của một số người về tính chính xác của các báo cáo chính thức từ chính phủ Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton ngày 29/3 nhắc đến việc chuyển giao những hũ tro cốt để cáo buộc Trung Quốc không trung thực về tác động của virus. “Chỉ riêng một nhà quàn tại Vũ Hán thôi được báo cáo đặt mua số hũ tro cốt trong hai ngày đã nhiều hơn con số Đảng Cộng sản Trung Quốc báo cáo về tử vong trên toàn quốc,” ông viết trên Twitter. “Tôi chắc chắn là bạn bị sốc trước bằng chứng về sự gian dối của Trung Quốc.”
(SCMP/ Newsweek)
Nguồn: VOA tiếng Việt 01/04/2020