24h đêm 30/6 bất chấp cái nóng oi ả, hàng trăm phụ huynh vẫn nằm, ngồi la liệt trước cổng trường mầm non Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) để chờ đến sáng hôm sau mua hồ sơ xin học cho con.
Để có thể trụ được tới sáng, nhiều người đã mang theo ghế nhựa, áo mưa, nước, bánh mỳ, sữa… Thậm chí, có người còn mang theo cả máy tính để tranh thủ làm việc. Không ít trong số này là các ông lão, bà lão ra ngồi xí chỗ để đến nửa đêm con trai, con gái ra “chiến đấu tới sáng”.
Theo nhiều phụ huynh, năm nay Trường mầm non Tràng An cạnh đó đóng cửa để sửa chữa nên tất cả các bé ở phường đều phải dồn về mầm non Thanh Xuân Bắc. Chính áp lực thiếu chỗ học đã khiến nhiều phụ huynh đứng trước cổng trường từ trưa 30/6 để chờ đến sáng 1/7 mua hồ sơ xin cho con.
“Trường thông báo năm nay chỉ tuyển 135 cháu sinh từ năm 2007 nhưng đến chiều đã đủ 135 phụ huynh ghi danh sách nộp vào cho bảo vệ. Đến tối, khi mọi người ghi thêm, danh sách này đã lên tới hơn 170 cháu”, anh Phạm Ngọc Thúy, một trong những người xếp hàng từ trưa trước cổng trường ngao ngán cho biết.
Năm nay, để xin cho con 3 tuổi học mẫu giáo, vợ chồng anh phải thay phiên nhau ngồi xếp hàng. Với kinh nghiệm từng xếp hàng xin học cho đứa con lớn, vị phụ huynh này cho biết, đã xin phép cơ quan nghỉ làm một ngày để quyết tìm chỗ học cho con.
“Con chúng tôi học đúng tuyến, đúng trường mà vẫn phải xếp hàng. Tâm lý của tất cả mọi người ở đây đều không biết là con có được học hay không”, anh Thúy lắc đầu nói.
Sau khi xếp hàng thâu đêm, hàng trăm phụ huynh đã chen lấn xô đẩy trước và trong khuôn viên Trường mầm non Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để có được suất mua hồ sơ xin học cho con.
Do số lượng người tập trung quá đông, nhà trường đã không thể mở cửa đúng giờ quy định. Đến 8h30, cổng trường được mở, chen lấn trong dòng người ùa vào bên trong, nhiều phụ huynh đã bỏ cả dép, áo mưa, túi nilon, chạy cật lực. Chiếc ghế đá giữa sân trường cũng bị hất đổ.
Sáng nay, trao đổi với VnExpress.net, bà Thành Thị Thu Hà, Phó phòng Giáo dục quận Thanh Xuân cho hay, hiện trên địa bàn phường Thanh Xuân Bắc có 2 trường công lập, đáp ứng hơn 1.100 trẻ, một trường tư thục dành cho 200 học sinh và 12 lớp tư thục, với 570 trẻ theo học.
“So với tổng học sinh trên địa bàn, khả năng đáp ứng này đã vượt quá chỉ tiêu được thành phố giao. Phụ huynh lo lắng con không có chỗ học nên mới phải xếp hàng”, bà Hà nói.
Cũng theo bà Hà, do Trường mầm non Tràng An sửa chữa nên phòng đã tăng thêm cho mầm non Thanh Xuân Bắc 4 lớp, nhằm đáp ứng nhu cầu học của các cháu. Việc Trường Tràng An sửa chữa không ảnh hưởng đến việc học của trẻ trên địa bàn.
Theo ghi nhận của VnExpress.net, tình trạng xếp hàng từ đêm xin học vào mầm non còn diễn ra ở nhiều trường khác ở Thủ đô như mầm non Chu Văn An, mầm non Bình Minh (quận Tây Hồ).
Hà Nội hiện có gần 800 trường mầm non, trong đó hơn 650 trường công lập ở 29 quận, huyện, thị xã nhưng số trường lớp vẫn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí, còn 6 phường ở nội thành chưa có trường mầm non công lập. Với số trẻ ra lớp hiện nay, cấp học mầm non Hà Nội vẫn thiếu khoảng 700.000 m2 đất. Tình trạng quá tải này đã khiến ở nhiều nơi, 65-70 trẻ phải học chung một lớp, trong khi theo quy định chỉ là 35 cháu.
Theo đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015” (tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng), Hà Nội sẽ chi 650 tỷ đồng xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 360 tỷ đồng xây mới trường mầm non, hơn 1.000 tỷ đồng xóa phòng học tạm và phòng học cấp 4… |
TD – HH
Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2010/07/3BA1D8C9/
Clip Video Hàng trăm phụ huynh xếp hàng trắng đêm xin cho con vào học trường mầm non
Bấm vào đường dẫn dưới đây để xem clip video tại trang vnexpress.net:
http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2010/07/3BA1D8C9/Page_2.asp
Ý kiến người dân
Phải chăng lãnh đạo bất lực
Dậy từ 3h sáng, hai vợ chồng lập cập đến trước cổng Trường Kim Liên xếp hàng nhập học cho cu Bi. Ra đến nơi mới thấy có một người đứng đó. Hai vợ chồng khấp khởi mừng thầm, chắc các cụ gia tiên phù hộ (vì trước khi hai vợ chồng đi, ở nhà bà nội cháu đã thắp hương nghi ngút – như hồi chúng tôi đi thi đại học). Thế là nhanh chân, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vui vẻ đứng vào hàng với vị trí thứ hai.
Đến 6h30, lúc này sau tôi đã có cơ man nào người với khuôn mặt lo lắng. Cổng trường đã mở, những nhân viên của trường bắt đầu bán hồ sơ. Thật kỳ lạ, người thứ nhất và tôi đều bị từ chối bán hồ sơ, với lý do năm nay trường chỉ nhận các cháu sinh năm 2005 và 2007, cu Bi nhà tôi và rất nhiều phụ huynh khác đều phải thất vọng ra về trong sự giải thích gắt gỏng của vị cán bộ kia: “Trường chỉ tuyển sinh như thế, các vị muốn con mình đi học thì xin sang trường tư thục mà học”.
Thực sự tôi không hiểu được ý kiến chỉ đạo của Phòng Giáo dục quận Đống Đa ra sao nữa. Con chúng tôi có quyền được đi học. Cháu sinh ra và lớn lên trên địa bàn quản lý của họ thế mà phải chầu chực xin xỏ để được đi học. Phải chăng lãnh đạo Phòng Giáo dục bất lực trong cách quản lý cũng như phân chỉ tiêu cho các trường như hiện nay?
(Nguyễn Thanh)
Nhà trường tuyển sinh sai quy chế
Tôi xếp hàng suốt cả đêm, cũng mong được một suất cho con vào học, nhưng kết cục thì sao? Có ai biết không? Có thể chỉ có những người cùng cảnh như chúng tôi mới hiểu được sự đắng cay sau khi tuyển sinh. Bao nhiêu người không xin học được cho con như tôi, đã có người khóc và chửi bới ầm ĩ ở trường vì sự bất hợp lý trong tuyển sinh đó. Chỉ tiêu là lớp nhà trẻ 120 cháu và mẫu giáo 135 cháu. Sáng 8h cô giáo ra cầm một bảng danh sách đã ghi họ tên và thông báo chúng tôi đọc những ai có trong danh sách này thì vào làm thủ tục.
Trong khi trên tay tôi cũng có một danh sách mà chúng tôi lập ra từ 19h tối qua và ngồi đó điểm danh suốt đêm dưới sự chứng kiến của hàng trăm con người thì không được công nhận. Khi không mở cổng chúng tôi đã kịch liệt phản đối cái danh sách mà cô giáo đã có và đang đọc tên. Rồi trường bắt buộc phải mở cổng cho chúng tôi vào và bảo là sẽ xếp hàng theo thứ tự để bán đơn, nhưng khi đã vào thì lại tiếp tục đọc danh sách đó mặc cho chúng tôi kịch liệt phản đối.
Nhưng rồi những người được đọc tên vào số thứ tự là 112 vào tới bàn làm thủ tục thì lại được thông báo rằng đã hết đơn. Thế thì chỉ tiêu lù lù ra đó mà được đọc đến số thứ tự như vậy cũng nào có mua được đơn. Vậy những cái đơn đó đã đi đâu? Không cánh mà bay à? Chúng tôi đã vào hỏi Ban giám hiệu và yêu cầu giải quyết chuyện đó cho hợp lý nhưng rồi những người có trách nhiệm đã dần dần bỏ đi hết mặc cho dân đứng đấy để bàn tán và nói với nhau.
Giờ đây chúng tôi có con hộ khẩu ở Thanh Xuân Bắc mà cũng không được đi học, thế bây giờ học ở đâu? Lại tư thục hay chạy trái tuyến để mất thêm tiền? Chúng tôi là những công nhân viên chức lấy đâu ra tiền để chạy mỗi tháng gần 2 triệu để học tư thục.
(NHH)
Cuộc cách mạng trường lớp
Vấn đề nêu trên ở các thành phố lớn đã xảy ra từ nhiều năm nay và không chỉ ngành mẫu giáo mà cả tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Theo tôi, lỗi không phải riêng của ngành giáo dục mà do chính sách hoạch định chung về giáo dục của của Chính phủ và của thành phố. Giải pháp cụ thể là:
1. Thành phố cần chỉ đạo rà soát con số cụ thể về số dân trên địa bàn quận, huyện để biết chính xác có bao nhiêu bé ở độ tuổi mẫu giáo, tuổi tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông qua đó đánh giá nhu cầu về số lượng trường, lớp và nhu cầu về giáo viên/đầu học sinh. Nếu quận, huyện nào chưa đủ phải bổ sung trường lớp. Như vậy các bộ phận ban ngành liên quan thuộc quận, huyện phải làm cuộc khảo sát để trình dự án lên trên và có kinh phí cải tạo xây dựng trường lớp.
2. Tránh hiện tượng học trái tuyến gây rối ren về quản lý.
3. Hàng năm các cơ sở giáo dục quận, huyện nên có giải trình báo cáo về thực trạng trường lớp và các nhu cầu cải tạo nâng cấp… tùy theo nhu cầu.
Căn cứ vào đó, Chính phủ lên kế hoạch ngân sách cụ thể đầu tư về giáo dục thì mới mong giải quyết được nhu cầu của học sinh.
Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai! Ai cũng có con em phải qua cửa này, mong các bậc lãnh đạo quan tâm!
(Nguyen Nang Tan)
Nhiều trường đều có tình trạng này
Tôi ở Mai Động, quận Hoàng Mai, và cũng gần trường mầm non Mai Động. Cũng tình trạng ngồi la liệt từ chiều hôm trước, theo thông báo có 40 chỉ tiêu, nhưng một số người “đi cửa” kêu có hơn chục suất rồi, còn lại là gần 30 suất. Nhưng số người ngồi kia lớn hơn nhiều 28 suất, vậy thử hỏi số còn lại sau gần 28 suất đi đâu, chúng ta luôn luôn lớn tiếng nói phổ cập giáo dục tiểu học vậy tại sao mà mầm non còn phải khổ sở xếp hàng để được suất gửi trẻ.
Cứ mỗi độ thu về lại thấy nhắc khẩu hiệu: trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ xây dựng đất nước giàu mạnh, tạo điều kiện cho trẻ em được học hành, được đến trường, rồi xây khu đô thị mới này kia cũng có không gian, trường học cho trẻ em… Nhưng tất cả chỉ là khẩu hiệu mà thôi, nghĩ mà thấy thương cho các cháu.
(Kuang)
Thiếu tháng và thừa tháng đều không được học?
Con tôi sinh tháng 12/2007. Năm 2009 xếp hàng từ sáng sớm xin vào trường Việt Bun, đến lượt thì nhà trường nói: “Cháu nhỏ thiếu tháng, không nhận”. Năm nay lại dậy từ 5h sáng xếp hàng, đến lượt nhà trường lại bảo: “Chỉ nhận các cháu sinh từ ngày 1/1/2008 đến 31/8/2008. Con mình lại thừa vài ngày cũng không nhận. Hiệu trưởng bảo sẽ giải quyết “sau”. Chắc phải đi cửa sau mới xin được…
(Thái Hà)
Người Việt Nam cũng có văn hóa xếp hàng đấy chứ!
Những bất cập thì bài báo cũng đã nêu ra và nhiều comment cũng đã chỉ ra rồi. Nhưng nhìn nhận một cách tích cực, thì đây là một trong không nhiều ví dụ cho thấy người Việt Nam cũng có văn hóa xếp hàng tốt đấy chứ!
(anonymous)
Thực trạng này chỉ tiếp tay cho tệ nạn tiêu cực
Nghe tin trường mẫu giáo Thanh Xuân Bắc tuyển sinh, mẹ tôi và vợ tôi đã vội vàng đi xếp hàng từ 18h tối hôm trước và không dám về nhà ngủ. Thức qua đêm và ngồi xếp hàng tại cổng trường, hy vọng sẽ mua được đơn để nhập học cho cháu.
Tôi thiết nghĩ, không biết trước khi tuyển sinh sao nhà trường có làm việc trước với phường để nắm bắt số lượng trẻ trong độ tuổi tuyển sinh không mà đưa ra số lượng tuyển sinh rất hạn chế, 310 cháu cho 2 độ tuổi 2 và 3. Tình hình chỉ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Gia đình có hộ khẩu đúng tuyến nhưng không chen lấn xếp hàng được sẽ không mua được hồ sơ nhập học cho con.
(Trần Đình Lợi)
Chỉ lo việc ‘lớn’ quên việc ‘nhỏ’
Tôi thấy các lãnh đạo Thủ đô chỉ biết lo việc “lớn” như cổng chào, làm đẹp mặt tiền tuyến phố, lát vỉa hè bằng loại đá đắt tiền… mà quên việc “nhỏ” của cuộc sống người dân: điện, nước, bệnh viện, trường học…
(Lê Tuấn Anh)
Cần có cái nhìn và những việc làm cho hiện tại
Thời gian qua, có rất nhiều các dự án nhằm phục vụ cho tương lai như cổng chào Hà Nội, lát lại vỉa hè… với số tiền không hề nhỏ. Bản thân tôi rất vui vì điều đó, một cái nhìn cho tương lai. Còn hiện tại thì sao, nhiều bất cập quá. Như bài báo trên, việc chạy cho con học lớp mẫu giáo tại Hà Nội mà ghê gớm vậy sao? Ở Thủ đô kia mà, thấy kỳ quá! Mong các vị quan tâm nhiều hơn. Tôi luôn mong tình trạng sớm được khắc phục. Như xây chiếc cầu Poko vậy. Tôi thật sự vui và hân hoan!
(TranMinhNgoc)
Không thể tưởng tượng nổi
Các bậc tiền nhân chắc cũng chẳng vui vẻ gì khi mà đến mốc 1.000 năm, Hà Nội có thể có hình ảnh đỡ nhem nhuốc hơn nhưng cũng không đành lòng để con cháu mình kiếm chỗ đi học khổ sở đến như vậy. Những người giàu trí tưởng tượng cũng khó có thể hình dung ra được những cảnh như vậy ngay giữa Thủ đô Hà Nội.
(Pham Thanh)
Quên chung cư cao cấp, tập trung xây trường học
Việc quan tâm tới giáo dục của ta không thể chỉ đổ cho ngành giáo dục, thực tế lãnh đạo giáo dục cũng chẳng quyết được tiền, mà thường lép vế hơn các ngành khác. Trông vào quy hoạch Thủ đô thì chẳng thấy giáo dục ở đâu, sân vận động ở đâu, bao nhiêu cái, toàn là tập trung vào sinh thái, siêu thị, chung cư cao cấp.
Nếu mạnh dạn hãy quên những thứ đó đi tập trung lấy đất xây trường cho con cháu ta học, đào tạo thầy giỏi cho chất lượng nâng lên rồi con cháu ta giỏi khắc kiếm ra tiền ở toàn thế giới chứ không phải loay hoay mở rộng thế này thế nọ. Quốc gia cũng như một gia đình, bố mẹ ăn chơi mua sắm, xây cất nhiều mà không quan tâm đến học hành của con cái thì cũng chẳng giữ được tài sản lâu dài, ngược lại nếu bố mẹ chịu khổ, chắt chiu cho con ăn học thì sẽ có tương lai.
Các vị lãnh đạo nên suy xét kỹ.
(Tien hong)
Lỗi của những người quy hoạch
Một thành phố, khu đô thị khi phát triển phải có sự cân đối hài hòa: Về mật độ dân số; Về các tiện ích đi kèm: điện nước, điện thoại, công viên cây xanh…; An sinh xã hội: trường học, bệnh viện, giao thông…
Hiện nay khi những dự án được duyệt quy hoạch, những người duyệt dự án có thể vì “một lý do nào đó” đã cố tình quên đi những vấn đề đi kèm để phục vụ cho lượng dân cư.
(donjan)
Không có ai chịu trách nhiệm?
Các dự án của Hà Nội thì nhiều và dự án nào cũng to như cổng chào, thay lát vỉa hè và được duyệt chi rất nhanh. Vỉa hè chưa hỏng đã được thay vỉa hè mới. Trường học từ mẫu giáo đến phổ thông trong nội thành được xây dựng để đáp ứng cho lượng dân cư Hà Nội từ cách đây nhiều năm, giờ dân số phát triển nhanh không ngừng, nhưng trường học lại tăng không đáng kể.
Năm nào người dân cũng vất vả xin học cho con, trước đây có quy định sĩ số của lớp tiểu học không vượt quá 35 cháu. Giờ lớp 1 như con tôi học đã lên tới 60 cháu mà vẫn nhiều cháu đúng tuyến không xin được đi học.
Theo tôi, ngành Giáo dục và cả UBND TP Hà Nội hình như là chẳng biết đến nỗi khổ của người dân thì phải. Cứ như thế này thì vài năm nữa thôi có khi Hà Nội lại lo đi xóa mù vì không được đi học vào các trường công lập, các gia đình nghèo đành để cho con mù chữ.
(Vu Thi Thanh Hang)
Mầm non và điện thoại Apple
Chọn trường cho con mà còn hơn cả người Mỹ xếp hàng mua điện thoại Apple. Cái này Steve Jobs cần phải học hỏi nhiều.
(Công Thiệu)
Nên dành tiền đón đại lễ 1000 năm Thăng Long để xây trường
Để nâng cấp vẻ đẹp bề ngoài, thành phố cho xây cổng chào, cậy vỉa hè còn tốt thay bằng cái mới (chưa chắc tốt hơn) với số lượng tiền đầu tư quá lớn, quá lãng phí. Tại sao không dùng số tiền đó để cải tạo, xây mới bệnh viện, trường học, các công trình phúc lợi xã hội để dân được nhờ? Áo đẹp mà không chống được rét, bụng không no thử hỏi có cần áo đẹp không?
(Nguyễn Hồng Quân)
Quên việc xây dựng trường học
Tôi không hiểu Hà Nội có quy hoạch số lượng trường học theo sự phát triển của dân số hay không nữa. Lãng phí cho việc xây dựng hình ảnh kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long mà quên đi việc xây dựng trường học cho thế hệ con cháu sau này.
(Hang Nguyen)
Thật là buồn cho giáo dục nước nhà
Lúc nào chúng ta cũng giương cao khẩu hiệu “vì tương lai con em chúng ta”. Vậy mà năm nào cứ đến kỳ tuyển sinh mầm non cũng xảy ra các trường hợp như thế này. Cứ tưởng vấn đề này sẽ được giải quyết, song cứ năm này qua năm khác giáo dục mầm non không thể thay đổi được.
(BBQ)
Mâu thuẫn
Nhân dân thì cần trường học, bệnh viện, lãnh đạo thì cần kỷ niệm 1.000 năm. Hai nhu cầu này liệu có cùng giải pháp để đạt được không?
(Đàm Quang Thái)
Hà Nội nên bớt tiền làm cổng chào để lo cho giáo dục
Tôi nghĩ Hà Nội nên bớt một số công trình như cổng chào, lát đá hồ Gươm để có tiền lo cho những búp măng non đất nước sau này.
(Vinh)
Thấy thương xót cho các em nhỏ
Nhìn cảnh phụ huynh phải xếp hàng vất vả để hy vọng có một vị trí cho trẻ vào mầm non, vừa thấy thương cho các bậc phụ huynh vừa xót xa cho các em nhỏ. Bên cạnh đó, còn phải nghĩ đến các vấn đề khác như chất lượng dạy và học có tốt hay không khi số lượng trẻ quá đông. Có thể các vị đứng đầu ngành giáo dục không nghĩ đến vấn đề này bởi vì con em họ luôn luôn có một chỗ rất tốt khi họ cần. Hãy nhìn ra các nước phát triển mà xem, họ ưu tiên cả chính sách và ngân sách để nuôi dưỡng và đào tạo cho thế hệ tương lai của nước nhà như thế nào.
(Tri Tinh Nguyen)
Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2010/07/3BA1D8C9/Page_2.asp