Tưởng niệm thảm sát Gạc Ma 14-3 (1988-2020)

TƯỞNG NIỆM VỤ THẢM SÁT GẠC MA (14/3/1988 – 2020), XIN THẮP NÉN NHANG LÒNG ĐỂ TRI ÂN, TƯỞNG NHỚ 64 LIỆT SĨ GẠC MA VÀ NHỮNG TỬ SĨ, ANH HÙNG VỊ QUỐC VONG THÂN TRONG CÔNG CUỘC GIỮ GÌN LÃNH THỔ, LÃNH HẢI CHO ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM HÔM NAY VÀ MAI SAU.

CLB Lê Hiếu Đằng

NHỚ LẠI VỤ THẢM SÁT GẠC MA 

Một trong những tội ác tàn bạo nhất của thế kỉ XX đã xảy ra. Cuộc thảm sát tàn bạo ấy diễn ra ở bãi đá Gạc Ma, được biết đến trên các bản đồ của phương Tây với tên gọi Johnson South Reef, thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam)”. Ông James G. Zumwalt là con trai Đô đốc Elmo Zumwalt – Tư lệnh Hải quân Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam đã viết như trên.

Ông James G. Zumwalt là cựu Trung tá thủy quân lục chiến Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và hiện là đại diện NXB Fortis, Florida (Mỹ) đã đến TP.HCM ký bản quyền tiếng Anh cuốn sách GẠC MA VÒNG TRÒN BẤT TỬ để xuất bản ở Mỹ và dự kiến phát hành toàn cầu trong năm 2018 đã viết thêm:

 “Đã có một video ghi lại toàn bộ diễn biến trận giao tranh ấy. Thật ghê rợn khi thấy những họng súng của hải quân Trung Quốc xé nát Gạc Ma trong khi những người lính Việt Nam (lính công binh đang vận chuyển vật liệu xây đảo) hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Co cụm giữa trận địa của Vòng tròn Bất tử, họ chỉ đơn giản chờ đợi một cái kết không thể tránh khỏi”.

Video ấy khiến người xem không thể tin vào mắt mình bởi những người lính Việt Nam đã bị tàn sát dã man. Người ta chỉ có thể tưởng tượng sự bất lực mà họ cảm thấy khi người Trung Quốc tàn nhẫn xuống tay.

Sáu mươi tư chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh ngày hôm đó. Chín người sống sót, tính cả Lanh, bị người Trung Quốc giam cầm 3 năm trước khi được thả.

Ngày nay, Trung Quốc đã chiếm đóng Gạc Ma, biến nó thành một hòn đảo nhân tạo có căn cứ quân sự cùng một sân bay. Ngoài ra, trên đảo còn được trang bị tên lửa đất đối đất và đất đối không.

Kể từ vụ thảm sát Gạc Ma, Trung Quốc ngày càng tăng cường sự bành trướng ở Biển Đông. Chiến lược của của họ là sử dụng sự đe dọa đến từ sức mạnh quân sự, vốn không bị thách thức bởi bất kỳ nước láng giềng khu vực nào, làm nền tảng cho việc tuyên bố chủ quyền – những tuyên bố trái với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền các khu vực khác nhau trên Biển Đông một cách bất hợp pháp để xây dựng các đảo nhân tạo, không hề đếm xỉa đến những tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác.” (James Zumwalt, theo Soha 10/7/2018)

Nhận định của Jemes Zumwalt trùng với nhận định của Chuẩn Đô đốc Hải quân Việt Nam, Nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam tại Nha Trang, Tướng Lê Kế Lâm, người từng là Sĩ quan tham mưu Hải quân Việt Nam trong những ngày chống lại Trung Quốc xâm lược nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đầu năm 1988 cho rằng: “Tôi không xem đây là hải chiến. Hải chiến là phải có bắn nhau, phải có đọ pháo. Còn ở đây, trong khi Trung Quốc trang bị nhiều vũ khí hạng nặng, tàu chiến hiện đại thì ta không hề có một tàu chiến nào, mà chỉ có tàu vận tải. Đó là cuộc thảm sát do lính Trung Quốc hung hăng gây ra”. (Trang 240, sách Gạc Ma Vòng tròn Bất tử, NXB Văn học).

NHẬN ĐỊNH

Việc Trung Quốc dùng vũ lực thảm sát công binh Việt Nam đang xây đảo Gạc Ma 14-3-1988 để chiếm Gạc Ma và các đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam chỉ là một sự kiện trong chuỗi sự kiện kế tiếp nhau để thực hiện mưu đồ bành trướng, bá quyền độc chiếm Biển Đông và các hòn đảo trong đường chữ “U” (lưỡi bò) phi pháp mà thế lực Đại Hán đã tham lam vẽ thêm vào bản đồ Trung Quốc từ năm 1947.

Năm 1949 Đảng Cộng sản Trung Quốc được Liên Xô hậu thuẫn đã cướp được chính quyền ở Trung Quốc từ tay Quốc Dân Đảng (Tưởng Giới Thạch). Nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa lại kế tục bản đồ chữ “U” (khi đó là 11 đoạn) của Trung Hoa Dân Quốc bao chiếm 75% Biển Đông của Việt Nam.

Ngày 5-9-1951 Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko trình ra bản Tu chính ở Hội nghị San Francisco (Hội nghị về việc Nhật Bản từ bỏ các lãnh thổ chiếm đóng trong Thế Chiến thứ Hai) đề nghị giao hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (vốn thuộc Việt Nam từ thời nhà Lê, Nguyễn, thời Pháp thuộc) trên biển Đông cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (khi đó ghế của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đang để trống do tranh chấp Quốc – Cộng). Nhưng yêu cầu trên của Ngoại trưởng Liên Xô đã bị Hội nghị phủ quyết với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận, một phiếu trắng tại phiên họp thứ 8 ngày 5-9-1951 tại Hội nghị San Francisco đó.

Điều trên cho thấy rằng cầm quyền Cộng sản Trung Quốc khi đó đã thông qua đồng minh cùng ý thức hệ cộng sản (XHCN) là Liên bang CHXHCN Xô Viết (Liên Xô) để đưa ra đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ vô lý của mình ở Biển Đông trên diễn đàn quốc tế là Liên Hiệp Quốc, dù mãi tới năm 1978 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Cộng) mới có ghế chính thức tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Ngày 7-9-1951 cũng tại Hội nghị San Francisco, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên hiệp Pháp) Trần Văn Hữu ra Tuyên bố đã được 46/51 nước trong Hội nghị đồng thuận, có đoạn viết: “… Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa (Spratly), Hoàng Sa (Paracels)”.

Đúng như Ông Trần Văn Hữu đã viết trong Tuyên bố tại Hội nghị San Francisco ngày 7-9-1951, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã được ghi trong sử sách Việt Nam từ thời vua Lê, khi Lê Thánh Tông (1460-1490) đi đánh Chiêm Thành đã xuất hiện “Bãi Cát Vàng” trong “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ”…; đến Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1776) đã có hai đoạn văn đề cập tới Hoàng Sa…; đến Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú  (1821) và Hoàng Việt Dư Địa Chí (1833)… đã ghi chép Nhà Nguyễn lập Đội Hoàng Sa để khai thác sản vật, báo cáo các mặt ở Hoàng Sa của các Chúa Nguyễn đến vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Tự Đức … (Trang 154-336 sách Đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông và Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tác giả Nguyễn Nhã, NXB Hội Nhà Văn).

Thời kỳ Pháp thuộc có các sử liệu có giá trị lịch sử và pháp lý như An Nam Đại Quốc Họa Đồ 1838 có Paracel (Cát Vàng- Hoàng Sa); Nghị định số 156-SC do Toàn quyền Đông Dương ký ngày 15/6/1932… (theo Nghị định Thiết lập tổ chức hành chánh quần đảo Hoàng Sa số 3282 ký ngày 5/5/1939);  Thông tri ngày 19-7-1933… Chính phủ Pháp đã sai những đơn vị hải quân chiếm cứ những đảo và tiểu đảo dưới đây: Hải đảo Trường Sa (Spratly), nằm tại 8,39 Bắc vĩ tuyến và 111,55 Kinh tuyến Tây Greenwich…; Nghị định do Thống Đốc Nam Kỳ J. Krautheimer ký ngày 21-12-1933: Điều khoản thứ 1: Đảo Trường Sa (Spratly)… sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa…Cung Lục Dụ số 10 ngày 29 tháng 2 Năm Bảo Đại thứ 13 (30-3-1933)… tháp các Cù lao Hoàng Sa vào địa hạt tỉnh Thừa Thiên… (Trang 337-350 sách Đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông và Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tác giả Nguyễn Nhã, NXB Hội Nhà Văn).

….

Thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam Việt Nam): Sắc Lệnh ngày 22-10-1956 của Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm đã sáp nhập Trường Sa (Spratly) được hiểu bao gồm cả Hoàng Sa) vào tỉnh Phước Tuy mới;

Sắc Lệnh số 174-NV ngày 13-7-1961 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm về việc chuyển Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên về tỉnh Quảng Nam, thành lập xã Định Hải gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trực thuộc quận Hòa Vang;

Nghị định số 709-BNV/HCĐP/26 ngày 21-10-1969 sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận của Tổng trưởng Nội vụ Trần Thiện Khiêm;

Nghị định số 420-BNV/HCĐP ngày 6-9-1973 về việc Sáp nhập các đảo Trường Sa (Spratly), An Bang (Amboyna Cay), Thái Bình( Itu-Aba), Song Tử Đông (Northeast Cay), Song Tử Tây (Southwest Cay), Loại Ta (Loaita), Thị Tứ (Thi Tu), Nam Ai ( Namyit), Sinh Tồn (Sin-Cowe) và các đảo phụ vào quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy…

Tuyên cáo của Bộ ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa về hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, Số 015/BNG/TTBC/TT (ngày 19-1-1974).

Tuyên cáo của Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa về Chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng Hòa ngày 14-2-1974 có đoạn viết:“Trước việc Trung Quốc trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy rằng phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rằng: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy. Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình”. (Trang 350-364) sách Đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông và Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tác giả Nguyễn Nhã, NXB Hội Nhà Văn).

Năm 1956 Trung Quốc cho hải quân chiếm đảo Phú Lâm phía Đông Hoàng Sa khi hải quân Việt Nam Cộng Hòa chưa tới kịp.

Năm 1958 Trung Quốc Tuyên bố của Tổng lý Chu Ân Lai về lãnh hải 12 hải lý với các thực thể đảo kể cả các đảo Trung Quốc mạo nhận là Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) trên Biển Đông của Việt Nam, dù nó danh chính là thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa thừa kế hợp pháp từ Quốc Gia Việt Nam (thuộc Cộng hòa Pháp) trước đó.

Ngày 19-1-1974 Hải quân Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược Hoàng Sa khi đó thuộc Việt Nam Cộng Hòa …

Năm 2009 là năm mà theo quy định của Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc UNCLOS 1982, các quốc gia ven biển phải đệ trình các báo cáo về thềm lục địa mở rộng của mình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (viết tắt là CLCS). Ngày 06/05/2009 Việt Nam và Malaysia có trình lên CLCS một Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của hai nước…

Ngày 07/05/2009, Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã gửi Công hàm phản đối đối với Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia, kèm theo bản đồ có đường “lưỡi bò” (U-line 9 đoạn, Nine-dash line, đã bỏ hai đoạn ở Vịnh Bắc Bộ, bản đồ năm năm 1949 của Trung Quốc trưng ra LHQ là chữ “U” 11 đoạn) phi pháp của Trung Quốc… Tuy nhiên, cũng như trước đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối giải thích chính thức về tính chất pháp lý đối với yêu sách biển được thể hiện trong bản đồ có “đường lưỡi bò” kèm theo Công hàm số CML/17/2009 và CML/18/2009 này của Trung Quốc.

Từ năm 2014, Sau khi công bố bản đồ đường “lưỡi bò” phi pháp năm 2009, Trung Quốc tiến hành bồi đắp các đảo cưỡng chiếm được của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa và xây dựng thành các căn cứ quân sự, có sân bay cho máy bay quân sự, có cảng cho tàu chiến, đưa các giàn tên lửa đất đối không, đối đất và nhiều trang thiết bị quân sự phục vụ hậu cần chiến tranh khác ra đảo chiếm được của Việt Nam. Trung Cộng liên tục đe dọa việc thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, xua đuổi đâm húc, phá ngư cụ và bắn giết ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống của Việt Nam. Tháng 5/2014 Trung Quốc cho giàn khoan Hải dương HD981 ngang nhiên xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam mấy tháng.

Bản đồ “lưỡi bò” phi pháp của Trung Cộng và những tuyên bố sai trái dồn dập của Tập Cận Bình tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Thủ đô Washington Mỹ tháng 10/2015, và sau đó tại Anh, tại Singapore rằng “các hòn đảo trên Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại”, cùng việc năm 2017 Trung Quốc đe dọa buộc công ty Repsol của Tây Ban Nha liên kết với Việt Nam phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ. Từ tháng 7 năm 2019 tàu thăm dò địa lý HD8 của Trung Cộng đã ngang nhiên vào thăm dò địa vật lý trên vùng EEZ và thềm lục địa của Việt, cho tàu cá vũ trang và tàu cảnh sát biển quấy nhiễu việc thăm dò khai thác của Việt Nam tại bãi Tư Chính…

Tất cả những sự kiện trên cho thấy quyết tâm nhất quán của nhà cầm quyền Trung Cộng xâm chiếm phần lớn biển Đông, trong đó Việt Nam có chủ quyền trên diện rộng.

THẾ HỆ HÔM NAY VÀ MAI SAU CÒN NHỚ GẠC MA, HOÀNG SA?

Sự kiện lịch sử Trung Quốc thảm sát 64 chiến sĩ Việt Nam ngày 14/3/1988 để chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam liên quan đến chủ quyền của Việt Nam với hơn một triệu km vuông biển đảo của Việt Nam không hề được viết một dòng nào trong bộ sách “Lịch Sử Việt Nam” dày tới 15 tập gần 10.000 trang, khoảng 290.000 dòng, của Viện Sử Học thuộc Viện KHXH Việt Nam, NXB KHXH 2017, cũng không có dòng nào trong sách giáo khoa Lịch sử của học sinh phổ thông Việt Nam ở bất kỳ cấp học nào. Chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Tại sao?

Điều trên rõ ràng là sự vô ơn, là sự xúc phạm tới công lao khai khẩn, gìn giữ biển đảo bao đời của ông cha, của tiền nhân người Việt Nam và những liệt sĩ quân đội Việt Nam đã chiến đấu hy sinh chống Trung Cộng xâm lược.

Hiện nay, nhiều người Việt Nam trưởng thành, thậm chí nhiều người là Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên các Trường Đại học cũng không biết tường tận về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trung Quốc vẽ bản đồ Trung Quốc có đường chín đoạn (còn gọi là đường chữ “U”, đường lưỡi bò) chiếm đến 75% Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc thâm độc quảng cáo nó khắp thế giới và tại Việt Nam trên sách báo, phim ảnh, văn hóa phẩm, trên ô-tô, trên phần mềm của thiết bị năng lượng mặt trời, trên phương tiện truyền thông, TV, smartphone… nhưng nhiều người Việt Nam từ quan chức đến quân nhân, an ninh, trí thức… đều bàng quan, không biết, không liên quan. Họ không biết thật hay bị Trung Cộng mua chuộc, đe dọa, hay họ bị tẩy não làm cho họ mù về địa lý đất nước và lịch sử dân tộc?

Dẫn chứng có rất nhiều, như vụ sách giáo khoa của Trường Đại học Kinh doanh, Công nghệ Hà Nội: “Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho biết thực ra cuốn giáo trình có “đường lưỡi bò” được giảng dạy mấy năm trước nhưng trường không biết” (Báo Tuổi trẻ 2/11/2019); vụ các phim “Người tuyết bé nhỏ”, phim “Điệp vụ biển đỏ”, hệ thống kiểm duyệt của đảng Cộng sản, của an ninh văn hóa đông như quân Nguyên nhưng đường chữ “U” của Trung Cộng vẫn chình ình màn hình; và… vụ người Trung Quốc mặc áo có “lưỡi bò” vô tư đi du lịch ở Nha Trang, hay tờ rơi quảng cáo in “lưỡi bò” ở hội trợ TPHCM vô tư như đang ở Trung Cộng.

Trong khi đó cuốn sách “Gạc Ma- Vòng Tròn Bất Tử” viết bằng máu của 64 Liệt sĩ Việt Nam và nhiều thương binh Gạc Ma 14-3-1988 lại bị cấm phát hành, bị thu hồi?! Áo No-U, khẩu trang No-U (để phản đối lưỡi bò phi pháp của Trung Cộng) lại bị tịch thu, người sử dụng nó bị đe dọa. Tại sao?

Có phải lũ tay sai bán nước cho Trung Cộng đã thành thế lực lũng đoạn xã hội đến mức không che giấu âm mưu phục vụ cho mưu đồ chính danh hóa “đường lưỡi bò” Trung Cộng, để hiện thực hóa âm mưu của Trung Cộng xâm lược 75% Biển Đông?

NHỮNG VIỆC LÀM THIẾT THỰC 

Tưởng niệm 64 Liệt sĩ Gạc Ma, người Việt Nam hôm nay cần làm gì thiết thực để góp phần giành lại Gạc Ma, Hoàng Sa của ông cha về lại cho Tổ quốc Việt Nam?

  1. Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam đưa ngay vào SÁCH GIÁO KHOA LỊCH SỬ sự kiện Trung Quốc thảm sát dã man 64 Liệt sĩ Gạc Ma 14-3-1988, Trung Quốc xâm chiếm Gạc Ma, và các đảo thuộc Trường Sa thuộc Việt Nam; sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974, với sự hy sinh của 74 Tử sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa của Việt Nam, cùng với các sự kiện liên quan đến bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo Việt Nam ở thế kỷ 20 chống Trung Cộng xâm lược với dung lượng thích đáng;

  2. Nhà cầm quyền Việt Nam phải ngăn chặn và trừng trị những kẻ sách nhiễu người dân Việt Nam mặc áo No-U, khẩu trang No-U, hay các sản phẩm khác có nội dung phản đối bản đồ lưỡi bò “chữ U” (U- line) sai trái do Trung Cộng vẽ ra;

  3. Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý Quốc tế về việc Trung Quốc thảm sát 64 công binh Việt Nam ngày 14-3-1988; thảm sát 9 ngư dân Thanh Hóa, Việt Nam năm 2005,… và các vụ việc xâm phạm lợi ích, chủ quyền đất đai, biển đảo của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Đồng thời Việt Nam cần hoan nghênh, ủng hộ Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc Tế La Hay (PCA) ở Hà Lan ngày 12-7-2016 rằng, “đường chín đoạn, chữ “U” trong bản đồ Trung Quốc không có giá trị pháp lý, và Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trong đường chữ “U” đó ở Biển Đông” trong vụ kiện Philippines kiện Trung Quốc năm 2014 lên Tòa PCA và tố cáo Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển UNCLOS 1982;

  4. Việt Nam cần đẩy mạnh việc thương thảo hòa bình để phân định vùng Đặc quyền kinh tế EEZ và vùng Thềm lục địa chồng lấn trong nội bộ các Quốc gia Đông Nam Á – ASEAN (10 nước Đông Nam Á) theo Công ước Quốc tế về Luật biển 1982 có sự quan sát của Úc, Ấn, Nhật, Mỹ. Với tinh thần ASEAN như là một khối các nước “tương quan vận mệnh”, cùng chung lợi ích chiến lược, cùng có mối hiểm họa từ âm mưu chia rẽ của thế lực bành trướng, bá quyền phương Bắc mà các nước ĐNA đều có thể là nạn nhân;

  5. Để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, cần xây dựng quốc gia Việt Nam thành nước văn minh, thịnh vượng. Việt Nam phải dựa vào và thực tâm áp dụng những giá trị văn minh phổ quát mà loài người đã phải vắt óc suy tư hàng vạn năm, phải trả giá bằng núi xương, sông máu để lựa chọn, chắt lọc mới có được. Đó là các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Tòa án Công lý Quốc tế (PCA), WB, IMF… Đó là những Công ước Quốc tế văn minh như Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và các Công ước Quốc tế về Nhân quyền; Công ước vế Quyền Dân sự và Chính trị; Công ước về Quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội; Công ước Quốc tế về Luật biển, Công ước Quốc tế về Bảo vệ Môi trường; Công ước Quốc tế Chống tra tấn và đối xử vô nhân đạo; Công ước Quốc tế Chống tham nhũng…

Sài Gòn ngày 13/3/2020

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

CLB LHĐ gửi BVN

This entry was posted in Gạc Ma, Hoàng Sa. Bookmark the permalink.