Vụ án Huệ Như: Ngăn bị cáo tiếp cận kiến thức pháp luật và quyền tiếp cận hồ sơ của luật sư

Hiếu Bá Linh

Cô Đặng Huệ Như là người phụ nữ đầu tiên bị bắt giam vì chống BOT bẩn. Cô bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng” và được LS Lê Đình Việt nhận lời bào chữa.

Hôm 8/3/2020, LS Việt cho biết, thân chủ của ông bị công an Sóc Sơn gây khó khăn, tìm cách ngăn trở, không cho nhận những quyển sách luật và hiến pháp. Trên Facebook của mình, Ls Lê Đình Việt viết: “Trong những lần tiếp xúc với Huệ Như tại Trại tạm giam số 1 – Công an TP Hà Nội (làm việc riêng hoặc làm việc cùng với Cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát), Huệ [Như] luôn đề nghị tôi gửi cho những văn bản pháp luật cơ bản để tìm hiểu nhằm bổ sung, nâng cao kiến thức, đồng thời để có cơ sở bào chữa cho chính mình.

Do yêu cầu của Huệ Như là chính đáng và phù hợp với quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, nên tôi đã chuẩn bị 04 cuốn sách (Hiến pháp, Bộ Luật Hình Sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự và Luật Tố tụng Hành chính) để gửi cho Huệ”.

LS Việt đã đề xuất trực tiếp bằng văn bản với Điều tra viên và Kiểm sát viên, nhưng họ nói phải gửi đơn cho lãnh đạo của họ để quyết định.

Ngày 19/2/2020 LS Việt gửi đơn cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn. Hơn 2 tuần sau, ngày 6/3/2020, ông mới nhận được văn bản trả lời, nói rằng phải liên hệ với Viện Kiểm sát để giải quyết, vì hồ sơ vụ án đã được chuyển cho Viện Kiểm sát (Xem Hình 1 và 2 dưới, chụp lá đơn và thư trả lời):

LS Việt không hiểu tại sao họ đã không tôn trọng quyền của người bị tạm giam, được pháp luật quy định, và vạch rõ lý do nêu trên là không đúng:

Theo giấy báo phát, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đã nhận được đơn của tôi vào ngày 20/2/2020. Theo thông báo tại Văn bản số 424/CQCSĐT-ĐTTH thì ngày 28/2/2020 Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn mới ra Bản kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ cho VKSND huyện Sóc Sơn. Như vậy, họ có đến 09 ngày để giải quyết đơn của tôi”.

LS Việt cho biết, ông đã lường trước được tình huống “đá quả bóng đi nơi khác”, nên trước đó ngày 27/2/2020 ông cũng có đơn gửi đến Viện Kiểm sát nhưng đến nay chưa có trả lời.

Nghiêm trọng hơn là cho đến nay, mặc dù cuộc điều tra đã kết thúc và đã có bản Cáo trạng, nhưng LS Lê Đình Việt vẫn chưa được tiếp cận với hồ sơ vụ án. LS Việt cho biết:

Ngày 31/01/2020, tôi có đơn xin sao chụp hồ sơ vụ án, tuy nhiên Kiểm sát viên được phân công đã trả lời tôi vì hồ sơ đã chuyển lại cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung, khi nào VKS nhận lại hồ sơ sẽ hồi âm cho tôi để sao chụp theo quy định. Ngày 06/3/2020, tôi nhận được Cáo trạng của VKSND huyện Sóc Sơn nhưng chưa nhận được thông báo đến sao chụp tài liệu”.

Trước những “sự cố” trên, LS Lê Đình Việt không khỏi nảy sinh nghi ngờ rằng, họ “sợ” nên mới toan tính tìm cách làm ra như vậy. Tuy nhiên, ông mong rằng những nghi ngờ của mình là không đúng. Ông viết:

Tôi hy vọng những người tiến hành tố tụng được phân công giải quyết vụ án có đủ kiến thức pháp luật, lý luận sắc bén và đạo đức nghề nghiệp để tự tin tranh luận ‘sòng phẳng’ với bị cáo và các luật sư bào chữa chứ không phải đến nỗi dùng cách tước hết vũ khí kiến thức pháp luật của bị cáo và quyền tiếp cận hồ sơ vụ án của luật sư”.

Hình 1: Đơn của Luật sư Lê Đình Việt 

Hình 2: Thư trả lời của công an Sóc Sơn – Nội Bài, gửi cho LS Việt

H.B.L.

Nguồn: https://baotiengdan.com/2020/03/09/vu-an-hue-nhu-ngan-bi-cao-tiep-can-kien-thuc-phap-luat-va-quyen-tiep-can-ho-so-cua-luat-su/

This entry was posted in Pháp Luật, Pháp luật Việt Nam. Bookmark the permalink.