Nói gì về vụ Đồng Tâm?

Ngụy Hữu Tâm

Là một cụ già 76 tuổi, ngang anh “Tổng Chủ”, xin có vài ý kiến về một vấn đề hết sức nhạy cảm. Những đã muốn ngừng viết, thế nhưng bây giờ thì không thể…

Lại phải nói, tôi bắt đầu tham gia trang mạng thế nào, ngừng ra sao, rồi bây giờ vì sao trở lại. Cũng phải giãi bày như vậy để bạn đọc hiểu cho dù đây là việc cực chẳng đã, hoàn toàn nằm ngoài ý muốn.

Tôi vốn bắt đầu tham gia trang mạng với trang basam, viết ít năm, chắc cũng có bạn này bạn khác để ý. Xin lỗi hoàn toàn không phải muốn nổi tiếng mà vì, nói cho nó trung thực, nghĩa vụ công dân mà thôi.

Thế rồi trang basam đóng cửa, tôi dĩ nhiên chẳng biết – và cũng không quan tâm lắm – nguyên nhân đích thực. Nên tất nhiên tôi không viết nữa, có viết cũng không biết gửi đi đâu, hoặc gửi đi, được đăng thì cũng chẳng có ai xem!

Thế thì viết làm gì, tôi không còn ở tuổi phải kiếm tiền, hay nổi tiếng – ở đời, danh và lợi vốn đi đôi với nhau – về việc viết lách của mình cơ mà! Tôi nhớ như in từ nhỏ, cha tôi đã dặn, gia đình ta có truyền thống xa danh lợi, ông nội tôi chỉ là một viên chức hạng dưới nên hay nhắc con cháu chỉ cố theo hai nghề trong sạch là thầy thuốc và thầy giáo  nhé, cố tránh hai lĩnh vực khó lường là doanh nghiệp và chính trị. Bên ngoại tôi cũng vậy, họ hàng trong quê Chương Mỹ chỉ làm nghề thuốc, còn ông ngoại tôi là giáo viên văn tại trường Bưởi! May quá không ai theo đuổi hai lĩnh vực trên, cả bên nội lẫn ngoại. Bây giờ lại vào cuối đời, sau khi về nhỉ hưu từ 2005 mà trước đó thuần túy làm cán bộ nghiên cứu rồi từ khi về hưu song song là hướng dẫn viên du lịch và dịch thuật nên cũng muốn nếu gọi là tham gia góp ý kiến của mình với các vấn đề xã hội, hay nói “phản biện” cho sang trọng cũng được, nhưng trên hết xuất phát điểm phải là nghĩa vụ công dân.

Thế cho nên sau đó cũng có thời gian tôi tham gia viết trên trang bauxite Việt Nam. Khi mạng này có vẻ như khó khăn và báo mạng Việt Nam Thời báo phát triển, tôi viết ở đây. Đại để như vừa nói, tôi vốn ở nước ngoài từ bé và lâu nên có thói quen độc lập suy nghĩ, lại làm nghiên cứu khoa học nữa, thì trước tiên phải có tư duy đó, và rất quan trọng là trung thực nói ý kiến của mình. Vừa rồi anh PCD bị bắt, tôi không nhận được tờ Việt Nam Thời báo nữa nên dừng viết.

Nhưng nay với vụ Đồng Tâm vừa xảy ra, tôi không thể không viết được nữa! Trách nhiệm công dân chứ chưa nói trí thức của mình ở đâu?

Đài báo nằng nặc đổ tội cho người dân và “chủ mưu” là cụ Kình. Thế mà bất cứ ai, một người dẫu bình thường nhất khi theo dõi vụ này thì thấy ngay, đây là vụ cướp đất cho Viettel mà ghê rợn nhất là sự thất hứa của chủ tịch UBNDTP Hà Nội. Mà sao lại phải lấy bằng được Đồng Tâm cho Viettel. Có người nói để làm sân Golf vì Viettel nợ ghê gớm phải lấy đất này kinh doanh. Tôi nghĩ chắc chắn vấn đề phải phức tạp hơn. Tại sao phải chọn vị trí đắc địa như thế ở gần Hà Nội. Chắc chắn nó cũng quan trọng như Tây Nguyên với vụ bauxite mà nay hầu như đã không còn ai nhắc tới nữa nhưng vẫn để lại một vết nhơ cho chính quyền.

 Còn ai hưởng lợi từ vụ này chắc chắn là khá rõ, vẫn „anh bạn vàng“ đó. Nghe nói thậm chí anh ta còn bắt đầu khuấy động ở Bãi Tư Chính nữa cơ.

Thế cho nên mới có sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến thế, đánh úp từ đêm với lực lượng đông đảo trang bị đến tận răng để cướp cho bằng được đất làng Đồng Tâm, thậm chí đến phải bắn chết một cụ già, cụ Kình 84 tuổi, vốn là…bí thư chi bộ Xã, và đánh đập nhiều người trong gia đình.

Tôi lại bỗng nhờ tới vụ Đoàn Văn Vươn, thế là cũng đã xảy ra đến cả chục năm nay rồi, tuy không chết người nhưng cũng đầy bạo lực vì nó đã đi đến gốc vấn đề là quyền sở hữu (sở hữu hoàn toàn dân, +S mà!) nên chừng nào chưa thay đổi thể chế thì nó còn tiếp tục xảy ra và mãi mãi xảy ra. Đấy là chuyện nội bộ.

Còn chuyện với hàng xóm, xin nhắc lại câu chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy mà trước khi mất, một trong số ít người Việt ưu tú Nguyễn Mạnh Tường, người sĩ phu Bắc Hà thời nay, trong câu chuyện về thành Cổ Loa có nhắc: người Việt Nam ngây thơ khờ dại bị tên hàng xóm lưu manh phương Bắc lừa gạt thế nào, hãy xin bạn đọc suy ngẫm.

Để thay cho lời kết, xin giới thiệu bạn đọc một bài báo hay mà tôi vừa đọc: Tạp cảm của một chuyến đi Nhật của tác giả Trương Văn Tân trên tờ Diễn đàn.

Xin mời bạn đọc vào xem bài trên và tự mình suy ngẫm.

Tạm thời chưa học được Âu Mỹ vì họ xa cách ta cả về địa lý lẫn văn hóa, lịch sử… đó là chưa nói trình độ khoa học kỹ thuật đã phát triển từ thế kỷ 18-19 mà Nhật Bản cũng còn thua. Thế thì xin hãy học theo tấm gương hai cụ Phan đã, hãy học Nhật Bản, nếu có đi trước chúng ta thì cũng chỉ một trăm năm là cùng, và hai anh bạn rất gần ta là Nam Hàn và Đài Loan, có hơn ta thì nhiều lắm cũng chỉ là dăm ba chục năm là cùng, và hết sức gần chúng ta về mặt văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ….

Cũng nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cái „bà lão“ (vì giống cái nếu nói theo ngôn ngữ phương Tây) hom hem nọ (Đảng +SVN), xin hãy từ bỏ cái chủ nghĩa già nua, cũ kỹ, cực kỳ lạc hậu và thậm chí không một chút nhân văn mà rất bạo lực nữa kia (đấu tranh giai cấp) để quay về với nhân dân và dân tộc. Đừng có mà mãi mãi theo đuôi cái anh bạn „vàng“, cái thằng hàng xóm khốn nạn mà vốn là kẻ thù truyền kiếp đó. Và cũng nhân ngày Tết cổ truyền ít ngày nữa, xin mãi mãi không mừng Đảng, mà Mừng Xuân Mừng Dân tộc bước vào Kỷ Nguyên Mới 4.0 …. và song hành với nó là công cuộc thay đổi thể chế, sẽ vô cùng gian nan.

N.H.T.

Những ngày giáp Tết Canh Tý

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Cái chết cụ Kình, Đồng Tâm, Lê Đình Kình. Bookmark the permalink.