Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – Bức tượng đài của lòng yêu nước

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

Mấy chục năm qua của lịch sử đương đại, mỗi người dân Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại nhắc đến tên tuổi tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đều dâng trào một niềm cảm xúc kính trọng và cả biết ơn. Ông tướng già có tuổi đời hơn một thế kỷ này đã thổi vào tâm hồn người Việt Nam đang phập phồng lo lắng, đau đớn về vận nước ở thế hiểm nghèo, khi mà kẻ thù là bá quyền Trung Quốc đã và đang xâm chiếm biển đảo của tổ quốc, đưa giàn khoan ngang nhiên vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam thăm dò, ra vào như đi chợ, chúng còn trắng trợn tuyên bố Việt Nam đang xâm phạm “vùng biển truyền thống” của chúng, vậy mà: chính quyền – người được xem là đại diện cho quốc gia Việt Nam – lại không dám mở mồm gọi đích danh tên kẻ thù của Việt Nam là Trung Quốc.

Tướng Vĩnh đã liên tục trong nhiều năm, kiên trì, đanh thép vạch trần, lên án những thủ đoạn đó của Trung Quốc. Như người khát nước, dân chúng Việt Nam uống từng dòng nước mát từ những lời thống thiết của Tướng Vĩnh. Mặt khác, thái độ “uy vũ bất năng khuất” của Tướng Vĩnh đã bác bỏ những “luận điệu” của nhiều tướng lĩnh, sỹ quan, trí thức mày râu ở nước ta tự “bào chữa” rằng, mình về hưu rồi, già rồi, “lực bất tòng tâm” nên mũ ni che tai, mọi việc đã có “Đảng và nhà nước lo”, yên tâm đi khiêu vũ…

Hãy nghe Cụ làm thơ lúc 95 tuổi:

“Còn hơi còn sức còn lên tiếng

Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sinh năm 1916 trong một gia đình nông dân ở Thanh Hóa. Ông mồ côi mẹ từ năm 1 tuổi. Tuổi thơ của ông vô cùng cực khổ, nhưng được bố cho đi học đến hết bậc tiểu học (primaire) thời Pháp. Ông tham gia cách mạng sớm, năm 1945 đã là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên. Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, năm 1958 ông là chính ủy Quân khu 4, năm 1959 đã được thăng quân hàm thiếu tướng. Từ năm 1960 đến 1976 ông là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Khóa 3, năm 1961 là Phó ban Tổ chức Trung ương, từ 1961 đến 1964 là bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, sau đó được cử sang Lào làm cố vấn cho chính phủ Lào. Từ 1974 đến 1987 là đại sứ đặc mệnh của Việt Nam tại Trung Quốc, kiêm nhiệm đại sứ đặc mệnh tại Pakistan. Năm 1990 ông nghỉ hưu và tham gia Hội Cựu Chiến binh Việt Nam với cương vị Phó Chủ tịch Hội.

Cuộc đời của tướng Vĩnh từ lúc mồ côi mẹ năm 1 tuổi đến lúc ngoài trăm tuổi như một pho tiểu thuyết hoành tráng có không gian mênh mông, thời gian thăm thẳm với biết bao thăng trầm đầy biến động!

Là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại Trung Quốc suốt 13 năm, lúc Trung Quốc đánh Việt Nam (1979) ông đã đấu tranh quyết liệt trên mặt trận ngoại giao, ông thấu hiểu, nhìn rõ tâm địa bá quyền của Trung Quốc. Vì thế, ông chống sự lũng đoạn của Bắc Kinh vào hậu trường chính trị ở Việt Nam sau này. Ông lên tiếng thường xuyên về những vấn đề chính trị xã hội của đất nước. Chống dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, chống cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Văn Giang… Hãy nghe những lời của ông nói về những vụ cướp đất và đặt câu hỏi: “Vô đạo đức, tàn ác dã man này không còn tính người nữa hay sao?”.

Ông cũng là đảng viên đề nghị phải thành lập Ban giám sát Đảng Cộng sản Việt Nam độc lập với Ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Một điều ít người biết, Tướng Vĩnh là người đọc tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” bằng tiếng Pháp. Ông tự học và thông thạo tiếng Anh, ông tự học và nói chuyện được với Hoàng thân Souphanuvong bằng tiếng Lào, ông tự học và nói chuyện được với người Trung Quốc bằng tiếng Hoa… Ông là người suốt đời tự học, và với nền tảng tri thức đó, ông hiểu rằng chỉ có dân chủ mới canh tân được đất nước. Đảng cầm quyền chỉ có cải cách chính trị mới thoát khỏi “sai lầm và thất bại của đường lối xây dựng CNXH theo chủ nghĩa Mác Lênin”. Đó là nguyên văn lời lẽ trong các kiến nghị mà ông cùng nhiều đảng viên và trí thức tên tuổi đã ký trong các văn bản ngày 28 tháng 7 năm 2014 và ngày 9 tháng 12 năm 2015 gửi cho nhà cầm quyền.

Gần 100 triệu người Việt trong và ngoài nước nghiêng mình kính cẩn trước anh linh Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh – Vị tướng tài ba, can đảm mà từng nhịp đập trái tim, từng hơi thở, từng ngày sống, đều hiến dâng cho tổ quốc Việt Nam suốt chiều dài thế kỷ. Ông là con người sống cho đến phút chết, không chịu chết khi đang còn sống!

Vĩnh biệt Tướng Vĩnh, chúng tôi thề sẵn sàng đương đầu với mọi kẻ thù xâm lược, cho dù chúng là siêu cường hay siêu cuồng.

CLB L.H.Đ. gửi BVN

This entry was posted in Nguyễn Trọng Vĩnh. Bookmark the permalink.