Vì sao Bộ Công thương phải ‘la làng’ về cạn kiệt dầu?

Thường Sơn

Trong hai năm trở lại đây, “deadline” mới đã được thiết lập: trữ lượng dầu chỉ còn đủ để khai thác trong 4 -5 năm.

Trong kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2019, báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy trong 10 tháng đầu của năm 2019, sản lượng khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 8,6 tỷ m3, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng khai thác dầu thô ước chỉ đạt 11,1 triệu tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2018. Hoạt động khai thác dầu ở các mỏ chủ lực trong năm 2019 đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh, các mỏ mới phát hiện đều khá nhỏ, cận biên, điều kiện phát triển, vận hành phức tạp, chi phí cao…

Vậy thực trạng nguồn trữ lượng mới thì sao?

Ngay trước mắt là một mất cân đối quá lớn đối với ‘khoa học khai thác dầu khí’: năm 2017, sản lượng khai thác quy dầu của PVN lên tới 25 triệu tấn, nhưng phần tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng chỉ là 4 triệu tấn, tức trữ lượng mới chỉ chiếm 1/6 sản lượng đang khai thác. Nếu tình trạng mất cân đối giữa tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và khai thác vẫn tiếp diễn như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, sản lượng khai thác dầu khí của PVN sẽ chỉ còn 1/3 sản lượng so với hiện thời.

Vào đầu năm 2017, một báo cáo của PVN đã thừa nhận rằng gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2017 đạt thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đề ra: mục tiêu đề ra trong nước là 20-30 triệu tấn/năm và ở nước ngoài là 8-12 triệu tấn/năm (tổng cộng là 28-42 triệu tấn/năm) nhưng trong hai năm 2016 và 2017 PVN đều không hoàn thành khi đạt thấp hơn nhiều (năm 2016 đạt 16,66 triệu tấn quy dầu và năm 2017 đạt 4,0 triệu tấn quy dầu). Hầu hết các mỏ đều đã khai thác trong thời gian dài và đang trong giai đoạn cuối dẫn tới suy giảm sản lượng tự nhiên hàng năm từ 15% tới trên 30%.

2017 cũng là năm gia tăng trữ lượng dầu khí thấp nhất từ trước đến nay, chỉ đạt 4 triệu tấn dầu, thấp nhất lịch sử. Một quan chức của PVN là Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn phải thừa nhận: “trước đây hàng năm, PVN khoan 30-40 giếng thăm dò, chi phí tốn từ 2-2,5 tỷ USD, gia tăng được 35-40 triệu tấn quy dầu. Thế nhưng, từ 2015 trở lại đây, đầu tư của ta và nước ngoài chỉ đâu đó 400-500 triệu USD cho tìm kiếm thăm dò, giảm 5 lần so với trước”.

Với tình trạng trữ lượng dầu cạn kiệt nhanh trong khi quá khó để tìm ra nguồn trữ lượng mới, có thể hình dung là vào năm 2021, ngân sách chế độ sẽ mất hẳn số thu hàng trăm ngàn tỷ đồng từ PVN mà do đó sẽ ‘kiến tạo’ một lỗ thủng toang hoác không lấy gì bù trám được.

Hiện thực cùng tương lai cạn dầu hết tiền trên cũng khiến phá sản luôn “tầm nhìn đến năm 2030” của ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt dưới thời ‘đồng chí ba X’ – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Còn bây giờ thì trừ đảng, chẳng còn ai nói đến ‘năm 2030’ nữa. Thậm chí ‘năm 2025’ cũng chỉ là một ước đoán có phần lạc quan tếu.

Trong hai năm trở lại đây, “deadline” mới đã được thiết lập: trữ lượng dầu chỉ còn đủ để khai thác trong 4 -5 năm.

Nhưng “deadline” trên cũng chỉ mang ý nghĩa hết sức tương đối. 3 năm khai thác tối đa là khoảng thời gian có thể dễ hình dung hơn. Tức PVN chỉ còn có thể khai thác tương đối thoải mái trong ba năm 2019, 2020 và ‘chào mừng đại hội đảng 13’ vào năm 2021, nếu quả thực còn có đại hội này.

Nhưng sau đó, không có gì bảo đảm cho ‘nguồn thu dầu khí bền vững’ đối với ngân sách đảng.

Tương lai đen tối trên đang hiển hiện trong bối cảnh hiện thời các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và cả nguồn kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017 và 2018 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,5 tỷ USD vào năm 2015…

Cùng với ba tử huyệt nợ công quốc gia, nợ xấu ngân hàng và thâm thủng ngân sách đang lộ ra ngày càng rõ, triển vọng trữ lượng dầu khí cạn kiệt chỉ trong ít năm nữa hoàn toàn xứng đáng bồi thêm một điểm chết nữa mà có thể rút ngắn đáng kể tuổi thọ của chế độ cầm quyền tại Việt Nam trước thời điểm năm 2025.

T.S.

VNTB gửi BVN 

This entry was posted in thực trạng đất nước. Bookmark the permalink.