Nhân đọc bài “Bằng cấp dỏm […]” của Kim Dung do Tuần Việt Nam đăng ngày 6/27/10, một câu hỏi đặt ra cho chúng ta suy nghĩ: “Làm thế nào để các cơ quan công quyền nhà nước tuyển chọn và sử dụng được một đội ngũ cán bộ cốt cán có đủ năng lực và phẩm chất tương xứng với vị trí và vai trò” làm việc cho xã hội? Tôi có một vài ý kiến phân tích như sau:
Trước tiên phải phân định rằng một văn bằng (diploma, hay degree) Cử nhân (Bachelor of Science, Bachelor of Art), Cao học (Master of science, Master of Art, Master of Business Administration), hoặc Tiến sỹ (PhD of…) là một học vị, chứng nhận một cá nhân đạt được trình độ tiêu chuẩn học vấn, học thuật nhất định do một học viện, trường đại học hay cơ sở giáo dục mà xã hội chấp nhận. Còn Bác sĩ, Kỹ sư, Giám đốc, Y sĩ, Y tá, Luật sư, Kế toán, Giáo sư, Giáo viên kể cả làm thợ điện, thợ ống nước, thợ móng tay, thợ cắt tóc… là những chức danh (Title) nghề nghiêp trong xã hội mà một cá nhân đang hành nghề với kinh nghiệm mà xã hội, hoặc đối tượng của xã hội là người tiêu dùng chấp nhận. Như vậy, một cá nhân sở hữu một văn bằng Cử nhân trong ngành xây dựng, ví dụ Cử nhân trong ngành xây dựng (Bachelor of science in Civil Engineering) thì mới chỉ là có điều kiện kiến thức cần thiết để trở thành Kỹ sư chứ chưa thể gọi là Kỹ sư cho đến khi anh được hành nghề và có một sự chứng nhận của xã hội. Ví dụ: nơi tôi đang làm việc là Văn phòng thiết kế cầu của bộ Giao thông tiểu bang California, không phải văn bằng Cử nhân (BS), Cao học (Master), Tiến sỹ (PhD.), mà là giấy hành nghề Kỹ sư chuyên nghiệp, kinh nghiệm lâu năm, cùng với đóng góp tài năng vào công trình thực tế mới là tiêu chuẩn để định ngạch lương, chức vụ. Không riêng gì những ngành đòi hỏi chuyên môn mà tất cả ngành nghề cao thấp, chuyên môn hay không chuyên môn đều phải có giấy phép hành nghề và qua thi khảo hạch hoặc thực hành. Chính giấy phép hành nghề sẽ đảm bảo cho xã hội sử dụng người làm việc đúng chức năng, bảo vệ tài sản của người tiêu dùng và xã hội, đảm bảo được công bằng trong hành nghề và lương bổng, tránh được tình trạng chạy chức, chạy quyền, tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” (malpractice) không có chuyên môn mà vẫn cứ làm, v.v.
Tình trạng ở VN, xã hội trọng về bằng cấp nhưng lại thiếu cái nhìn nghề nghiệp lương thiện một cách thực tế của tất cả ngành nghề dù cao hay thấp, dẫn đến tệ nạn sính bằng cấp, học vị. Hơn nữa, lại có nhầm lẫn giữa văn bằng với chức danh nghề nghiệp như đã nói ở trên, nên chi cứ học xong ra trường ngày trước, ngày sau được gọi ngay là Bác sĩ, Kỹ sư, Kế toán truởng hoặc là ông này bà nọ mặc dầu có thể chưa trải qua chuyên môn làm nghề đó. Như vậy ai, tổ chức nào sẽ cấp giấy phép chứng nhận một nghề nghiệp thực thụ của cá nhân? Hẳn nhiên không phải là văn phòng đào tạo của một trường đại học, hoặc một học viện nào đó cấp, vì những đơn vị này thuộc về giáo dục chỉ đủ pháp lý để chứng nhận cho một cá nhân về kiến thức, trình độ hiểu biết trong lĩnh vực đã học mà thôi. Vì vậy phải có một cơ quan chuyên môn của Chính phủ đề ra những tiêu chuẩn đòi hỏi, để đánh giá văn bằng, cấp giấy phép nghề nghiệp và điều hành lãnh vực nghề nghiệp trong xã hội. Ví dụ: Tiểu bang California có một Bộ nôm na dịch là Bộ Bảo vệ những việc dân sự cho người tiêu dùng (Department of Consumer Affairs), là cái bộ đề ra tiêu chuẩn cho tất cả nghề nghiệp, ra đề thi và cấp giấy phép chuyên nghiệp cho Bác sĩ, Kỹ sư, Luật sư, Kế toán, Phóng viên báo chí, Hướng dẫn viên du lịch,… cho đến giới không chuyên nghiệp thợ thuyền, v.v. Ví dụ, một cá nhân muốn trở thành Kỹ sư chuyên nghiệp về xây dựng (điều kiện đủ để trở thành Kỹ sư xây dựng) là trải qua kỳ thi khảo hạch (tại California thi khảo hạch hai ngày) để có giấp phép hành nghề (Professional License in Civil Engineering) do Board of Profesional civil Engineers and Land Surveyors, trực thuộc Bộ Bảo vệ những việc dân sự cho người tiêu dùng, cấp. Điều kiện để được nộp đơn thi lấy bằng Kỹ sư thì cá nhân đó phải có văn bằng Cử nhân (BS) của ngành muốn thi và hai năm thực tập (Junior Engineer) hoặc là có văn bằng Cao học (MS) hoặc Tiến sỹ (PhD.) thì chỉ cần một năm thực tập, và đòi hỏi phải có 4 chữ ký chứng nhận và lời giới thiệu của bốn Kỹ sư chuyên nghiệp mà cá nhân đang làm việc với họ thì mới đủ tiêu chuẩn nộp đơn thi.
Để có được một một cơ quan như vậy, cái yếu tố đầu tiên là nó phải hoàn toàn độc lập về mặt chuyên môn với cơ quan Chính phủ, thì mới có thể hoạt động một cách hợp lý và công bằng được. Nói cái đòi hỏi này ra, hẳn các bạn cũng thấy rõ, nếu đem màu sắc chính trị, đảng phái để điều hành cơ quan này thì làm sao tránh được cửa quyền, tay trong lót tay ngoài, bằng giả xen lẫn với bằng thật, học một nói mười, v.v., và như vậy thật là khó quá cho xã hội Việt Nam hiện nay. Nếu có được một cơ quan chính phủ vì dân thì “vàng không thể lẫn lộn với thau”, có ai đó bỏ ra vài ngàn đô, hoặc vài chục ngàn đô mua vài cái bằng Tiến sỹ dỏm cũng cứ kệ họ, mắc gì mà xã hội và người dân phải lo cho mệt? Vì đó là cái nhục cái dại của họ mà thôi.
NN
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập