Khi đến hiện trường để phỏng vấn về việc thi công hai dự án đại lộ Đông Tây và cải thiện môi trường nước ở TP HCM, nhóm làm phim NDN đã đều bị các nhà thầu Nhật từ chối tiếp. Họ đành tạm bằng lòng với vài cảnh quay việc thi công ở cả hai công trường này.
Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng Việt Nam, hiện đã có đủ chứng cứ để đưa nguyên Giám đốc dự án Đông Tây và Môi trường nước TP HCM ra lại vành móng ngựa vì tội nhận hối lộ hơn 200 ngàn USD từ các cựu quan chức Công ty tư vấn Pacific Consultancy International (PCI). Dư luận đang hồi hộp chờ đợi sự khởi đầu muộn màng của vụ tham nhũng ầm ĩ này sẽ tiến triển tới đâu, bởi theo những thông tin được đăng tải trên báo chí Nhật Bản, tổng số tiền ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã nhận có thể lên tới 800 ngàn USD, và thậm chí còn gấp ba lần con số đó.
Tờ báo có công đầu trong việc đưa vụ này ra công luận là Yomiuri Shimbun, với một lọat các bài viết kể từ cuối tháng 6.2008. Tuy nhiên, nguồn tư liệu chính của Yomiuri Shimbun là những lời khai của các cựu quan chức PCI, sau khi họ bị Viện Công tố Tokyo thẩm vấn. Nhưng hãng truyền thông Nhật Bản đầu tiên có một điều tra độc lập về hoạt động của PCI tại Việt Nam lại là NDN trước đó gần một năm. Mặc dù, mục đích đầu tiên của họ là thực hiện một phóng sự điều tra về hiệu quả của ODA Nhật Bản tại Việt Nam.
Từ PMU 18 đến PMU Đại lộ Đông Tây
Vụ tham nhũng tại PMU 18 được coi là sự kiện đình đám hàng đầu trong năm 2006. Và không chỉ ở Việt Nam.
Ngày 5.4.2006, tại Ủy ban Quyết toán ngân sách của Thượng viện Nhật, một nghị sĩ Đảng Dân chủ Nhật Bản, lúc đó là đảng đối lập lớn nhất trên chính trường Nhật Bản, đã đưa vấn đề PMU 18 (phần có liên quan đến vốn ODA của Nhật Bản) ra chất vấn Thủ tướng Koizumi, và yêu cầu Bộ Ngoại giao phải cử ngay đoàn sang Việt Nam điều tra về hiệu quả sử dụng ODA tại Việt Nam.
Tháng 8.2006, hãng NDN đã quyết định làm một phóng sự điều tra riêng về các công trình có vốn ODA của Nhật tại Việt Nam. Trần Huy Công, đại diện NDN tại Việt Nam, đã kể rằng mục đích của phóng sự này là trả lời hai câu hỏi: “Vốn ODA có hiệu quả không đối với việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân Việt Nam? Nếu không, tại sao như vậy?”.
Khi đến hiện trường để phỏng vấn về việc thi công hai dự án đại lộ Đông Tây và cải thiện môi trường nước ở TP HCM, nhóm làm phim NDN đã đều bị các nhà thầu Nhật từ chối tiếp. Họ đành tạm bằng lòng với vài cảnh quay việc thi công ở cả hai công trường này.
Nhưng những thông tin và hình ảnh được đăng tải dày đặc trên báo chí Việt Nam về hàng ngàn cọc bê tông trong dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở Bình Chánh đổ xiêu đổ vẹo, và dự án đại lộ Đông Tây bị chậm tiến độ đến mấy năm, đã được họ sử dụng như những tư liệu phụ trợ. Và, ở cả hai dự án này, họ đã tìm ra một manh mối mới – Công ty tư vấn PCI được giao cả hai nhiệm vụ tư vấn thiết kế và giám sát thi công.
NDN không lạ gì PCI. Công ty này đã từng bị JICA cấm tham gia đấu thầu tư vấn các dự án ODA trong 18 tháng kể từ đầu tháng 9 năm 2004, do đã biển thủ 140 triệu yen bằng cách khai khống hóa đơn và gian lận…, kể từ năm tài khóa 2000 đến thời điểm đó. Kết quả, PCI đã phải hoàn lại cho JICA 171 triệu yen và JBIC 5,7 triệu yen.
Nhóm làm phim NDN lại tiếp tục lần đến Cục Thuế TP HCM. Theo thông tin họ thu thập được trên báo chí Việt Nam, trước đó, Cục Thuế thành phố đã cho biết rằng PCI kê khai mức thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của các chuyên gia nước ngoài làm việc tại dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP HCM thấp hơn nhiều so với hợp đồng đã ký với Ban quản lý dự án. Theo đó, trong năm 2005, 11 chuyên gia của PCI đã kê khai thu nhập thấp hơn so với hợp đồng với tổng số tiền là 34 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, gấp năm lần số đó còn không chịu khai thuế thu nhập.
Họ đặt ra hai câu hỏi với lãnh đạo Cục Thuế: Có hay không việc trốn thuế thu nhập, và, nếu có, sẽ bị truy thu thế nào? Câu trả lời họ nhận được là “vấn đề này quá tế nhị, nên Cục không thể trả lời”.
“Tất cả những sự từ chối quanh co đó khiến chúng tôi tin rằng ở những dự án này chắc chắn có vấn đề, rất có vấn đề”, Trần Huy Công nhấn mạnh.
Cây cầu và con đập
Để có những hình ảnh cần thiết, nhóm làm phim phải đi tìm những dự án hoặc với quy mô nhỏ hơn, hoặc sự tham gia của người Nhật chỉ là gián tiếp.
Họ mò xuống Tiền Giang quay cây cầu Long Bình – một dự án được thực hiện với tiền viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật. “Đập vào mắt chúng tôi là một cây cầu dài tới 100m, bắc qua một con rạch chỉ rộng khoảng 8m”, Trần Huy Công nhớ lại.
Theo tìm hiểu của NDN, lúc đầu Sở Giao thông công chính tỉnh chỉ xin 1,4 tỉ đồng làm một cây cầu dài khoảng 30m, tĩnh không lưu thuyền 2,5m, nhưng chẳng hiểu sao Bộ Giao thông Vận tải và sau đó là PMU 18 đã hào phóng kéo dài thành 55 mét (khoảng hơn 13 tỉ đồng), rồi xấp xỉ 100 mét, với độ tĩnh không lưu thuyền lên 3,5m.
“Họ giải thích rằng nâng cao như vậy để tiện cho tàu nhỏ có thể đi qua gầm cầu. Nhưng con rạch này chảy qua gầm cầu chỉ mấy trăm mét nữa là cụt”, Trần Huy Công bật cười.
Ông kể rằng chỉ trong non một giờ đồng hồ nhóm làm phim đã quay được những cảnh hết sức nực cười. “Vì cầu quá dốc nên các bà già đi chợ vẫn vượt rạch bằng ghe. Học sinh đi học về đến chân cầu là phải nhảy xuống khỏi xe đạp, đứa dắt đứa đẩy, hổn hển qua cầu. Nhộn nhất là đường xuống ở một bên cầu phải nắn vòng, vì không thể giải tỏa trụ sở công an xã giống như nhà dân, nên chốc chốc lại có một chiếc xe máy từ trên cầu lao thẳng vào mấy anh công an trong đó”, Trần Huy Công nói.
Còn tại thủy điện A Vương – dự án mà phía Nhật chỉ cấp ODA để mua máy phát điện, còn tiền xây đập là của Việt Nam – nhóm NDN đã quay được cảnh dòng sông chết, kéo theo sự thay đổi của toàn bộ thảm thực vật và thủy sản – nguồn sống của người dân ở đó. “Vì con sông chạy theo hình cánh cung, mà chủ đầu tư (EVN) lại cố cắt theo đường đường thẳng, vì hiệu quả sản xuất điện, nên phía dưới con đập cả một đoạn sông hình cánh cung bị cạn khô”, Trần Huy Công giải thích.
Nhóm NDN cũng tìm lên Phố Núi – nơi tái định cư của đồng bào dân tộc. “Vừa đến nơi, chúng tôi thấy ngay cảnh cả người lớn và trẻ em chui hết xuống dưới sàn nhà bê tông – nơi vốn dành cho gia súc, gia cầm và chứa củi. Bởi trong căn nhà lợp mái tôn quá nóng bức”, Trần Huy Công nhớ lại.
Những người dân tái định cư ở đó nói với nhóm làm phim rằng họ chỉ cần non nửa số tiền mà ban quản lý dự án này bỏ ra là đủ làm được một ngôi nhà đúng theo ý muốn của họ.
“Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện ra rằng, khi con đập này đã được xây xong, báo cáo đánh giá tác động môi trường vẫn chưa được phê duyệt”, Trần Huy Công nói.
Kết thúc chuyến đi, nhóm làm phim NDN tìm đến trụ sở của PCI tại Hà Nội, cũng với hai câu hỏi: “Ý nghĩa của công việc tư vấn thiết kế và giám sát thi công đối với các dự án ODA?” và “PCI đã tư vấn và giám sát như thế nào để ODA đã không được sử dụng có hiệu quả, nếu không nói là đi ngược lại mục đích của ODA?”
Viên Trưởng đại diện Hà Nội của PCI – người đã tháp tùng cựu quan chức PCI vào Sài Gòn đưa tiền hối lộ – đã cho sập cửa ngay trước mũi họ, sau một câu trả lời gọn lỏn: “Bận”.
NDN hỏi – Viện Công tố trả lời
Phóng sự này được phát lại hai lần sau đó vài tháng trên kênh TBS News 23, với hàng loạt câu hỏi chưa có lời đáp.
“Khó có thể nói là chính phóng sự do NDN thực hiện và phát trên TBS đã khiến Viện Công tố Tokyo quyết định tiến hành điều tra PCI để tìm những câu trả lời. Nhưng chắc chắn rằng những hình ảnh trong phóng sự này đã gây một sự bất bình lớn trong dân chúng Nhật – những người đóng thuế để có tiền cho Việt Nam vay. Và có thể sự bất bình này đã tác động đến những người đại diện cho họ trong Quốc hội, và các vị nghị sĩ đã làm tiếp phần việc của mình, như họ đã từng làm trước đó”, Trần Huy Công kết luận.
HP
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-24-ndn-va-vu-xi-cang-dan-pci