Nhân loại sẽ lụi tàn trong khoảng 100 năm tới?

Giáo sư Frank Fenner trên bục nhận giải thường khoa học của Thủ tướng Úc năm 2002

Giáo sư Frank Fenner trên bục nhận giải thường khoa học của Thủ tướng Úc năm 2002

Làm cách nào để cứu loài người khỏi họa diệt vong trong khoảng một thế kỷ tới đây? Câu trả lời của nhà khoa học Úc Frank Fenner trên báo The Australian hôm 21/06/2010 là «vô kế khả thi». Dù có làm gì đi nữa thì cũng quá trể . Loài động vật thượng đẳng sẽ biến mất khỏi trái đất này trong một thế kỷ tới. Vì những nguyên nhân nào mà tương lai nhân loại bi thảm đến vậy sao? Có thể tin vào dự đoán của một cụ già 95 tuổi?

Báo The Australian cho chúng ta biết là cụ già gần đất xa trời này không phải là một nhà khoa học háo danh. Ông nguyên là Giáo sư Vi sinh vật học tại Đại học Quốc gia Úc lừng danh. Thành viên của Hàn lâm viện khoa học Úc và của Hiệp hội Hoàng gia. Giáo sư Frank Fenner là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu và nhận được nhiều giải thưởng cao quý. Khoảng 20 dự phóng khoa học của ông đã được thực tế chứng minh.

Ở tuổi «tri thiên mệnh» (?) nhà khoa học Úc rất ít khi trả lời phỏng vấn. Trong lãnh vực «tiến hóa» thì Giáo sư Fenner là một chuyên gia toàn diện. Ông nghiên cứu hiện tượng này từ mức độ vô cùng nhỏ đến vô cùng lớn, từ phân tử đến hệ thống sinh thái và vũ trụ. Nhận định bi quan của ông dựa trên cơ sở nào?

Theo Giáo sư Fenner thì chúng ta bị diệt vong vì chúng ta đông quá. Nói cách khác thì chính tình trạng tăng dân số địa cầu là mối đe dọa cho dân địa cầu. Đây là nguyên nhân thứ nhất. Nguyên nhân dân số còn đi đôi với một xu hướng mà ông gọi là nạn «tiêu dùng hoang phí» sẽ đưa đến sự diệt vong.

Hậu quả đầu tiên của tình trạng đông dân là nạn đói. Khi dân số địa cầu lên đến 7,8 hay 9 tỷ người thì chiến tranh thực phẩm sẽ gia tăng. Một hậu quả nữa là làm hâm nóng bầu khí quyển. Hiệu ứng nhà kính hiện nay chỉ là bước đầu nhưng chúng ta đã thấy tác động đầu tiên. Ông thẩm định thêm là ngoài con người, nhiều loài sinh vật khác cũng bị diệt vong và hiện tượng này «không thể đảo ngược».

Nhận định của Giáo sư Fenner được nhiều nhà khoa học chia sẻ. Bão tố xảy ra thường xuyên hơn, lũ lụt dữ dội hơn, hiện tượng tan băng, đồng bằng bị xâm mặn, thời tiết oi bức hơn cộng với tình trạng ô nhiễm là những hiện tượng mà chúng ta đang thấy. Tình trạng thủy triều đen ở vịnh Mêhico là một thí dụ điển hình minh họa cho thái độ chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả cho con người.

Một nhà sinh thái bạn thân của Giáo sư Fenner tỏ ra lạc quan hơn. Giáo sư Boyden nói rằng: Frank có thể có lý nhưng một số đồng nghiệp của chúng tôi vẫn ôm hy vọng là nhân loại sẽ ý thức được tình trạng nguy ngập này và sẽ thay đổi lối sống đễ tồn tại lâu dài.

Từ đỉnh cao của tuổi thọ trời cho, vị Giáo sư Úc này dành một chút suy tư cho các thế hệ mai sau: Cháu chắt của những thế hệ hiện nay sẽ phải đương đầu với một thế giới khó khăn hơn.

TA

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20100623-nhan-loai-se-lui-tan-trong-khoang-100-nam-toi

This entry was posted in Khoa Học. Bookmark the permalink.