Giải mã lịch sử bằng bản đồ cổ Việt Nam

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu một trong những bản đồ cổ của quốc tế vẽ về Việt Nam. Ảnh: Ngọc Nguyễn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu giới thiệu một trong những bản đồ cổ của quốc tế vẽ về Việt Nam. Ảnh: Ngọc Nguyễn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chia sẻ rằng, hiện tại, có khoảng 3.000 bản đồ về Việt Nam đã được ông dày công sưu tập trong vài chục năm qua và 150 bản đồ cổ được trưng bày tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM ngày 23/6 gần như là toàn bộ số bản đồ cổ về thềm lục địa, biển Đông và hải đảo Việt Nam mà ông có được.

Lần đầu tiên, 150 bản đồ cổ về thềm lục địa, biển Đông và hải đảo Việt Nam sẽ được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chính thức giới thiệu tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM ngày 23/6 với khá nhiều công bố mới trong công trình nghiên cứu về Việt Nam qua bản đồ cổ của ông.

Cũng đã có người đánh tiếng, mong ông chuyển nhượng lại quyền sở hữu số bản đồ này nhưng trò chuyện với chúng tôi, nhà nghiên cứu đã ở tuổi 90 này vẫn không khỏi băn khoăn: đây chỉ là một phần rất nhỏ trong các công trình đã, đang và cần được tiếp tục nghiên cứu của ông.

150 bản đồ cổ và câu chuyện bị hiểu lầm nhiều thế kỷ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chia sẻ rằng, hiện tại, có khoảng 3.000 bản đồ về Việt Nam đã được ông dày công sưu tập trong vài chục năm qua và 150 bản đồ cổ được trưng bày lần này gần như là toàn bộ số bản đồ cổ về thềm lục địa, biển Đông và hải đảo Việt Nam mà ông có được.

Trong số đó có đến 50 tấm bản đồ hoặc mẩu bản đồ mô tả đất nước Việt Nam với thềm lục địa và biển Đông, trích lục từ các bản đồ thế giới hay khu vực Á Đông do Tây phương ấn hành suốt từ năm 1525 đến năm 1886.

Tấm bản đồ có “tuổi đời” cao nhất được vẽ vào năm 1525 của Diogo Ribeiro: Bờ biển Việt Nam và biển Đông. Một số bản đồ khác cũng triển lãm đợt này được vẽ vào thời các Chúa Nguyễn (từ 1600 đến 1777), triều Nguyễn (từ 1802 đến 1862) nhưng thể hiện đầy đủ nhất phải kể đến An Nam đại quốc họa đồ (1838) và Đại Nam nhất thống toàn đồ (1840). Cùng với bộ sưu tập bản đồ cổ, công trình “Tìm hiểu thềm lục địa – biển Đông, hải đảo Việt Nam” với nhiều công bố mới được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chính thức giới thiệu rộng rãi.

Chia sẻ về công trình này, ông cho biết: Đồ cổ nói chung, bản đồ cổ nói riêng chứa đựng rất nhiều điều thú vị về lịch sử, văn hóa, dân tộc mà mỗi nhà nghiên cứu, người am hiểu về hiện vật có được những kiến thức khác nhau, tùy theo trình độ kiến thức của từng người. Riêng ông, sau vài chục năm gắn bó với chúng, nghiên cứu qua 200 bản đồ cổ mà quốc tế vẽ về Việt Nam, ông phát hiện ra rằng chưa có bản đồ nào nói Trường Sa, Hoàng Sa không phải của Việt Nam.

Chờ đợi… bạn tri âm

Tuy nhiên, cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, những câu chuyện nhiều bất ngờ thú vị đến từ những tấm bản đồ cổ còn rất nhiều. Chỉ nhìn vào một tấm bản đồ có thể “đọc” được rất nhiều thứ. Ví dụ, với một tấm bản đồ người Pháp vẽ đầu thế kỷ XVII, phần vẽ đồng bằng sông Hồng bị khuyết, không được thể hiện rõ ràng, chứng tỏ người vẽ đi từ phía Nam lên phía Bắc nhưng chưa “đi đến nơi về đến chốn”.

Với bản đồ vẽ Việt Nam của Alexandre De Rhodes năm 1650, ông thấy việc thể hiện khoa học, hiện đại, vẽ theo kinh tuyến, vĩ tuyến nhưng lại thấy khá quen. Sau khi đọc đi đọc lại hàng trăm lần, so sánh với bản đồ “An Nam quốc” của Việt Nam, vẽ năm 1490 thời Hồng Đức thì rất giống, chứng tỏ khi vẽ Alexandre De Rhodes đã tham khảo rất kỹ “An Nam quốc”… Những thông tin bất ngờ như thế có lẽ còn rất nhiều nhưng đọc được không dễ. Ngay bản thân ông cũng mất rất nhiều năm tháng, đọc hàng trăm tập sách sử trong và ngoài nước mới giải mã được.

Được biết, hiện tại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã viết khoảng 75 cuốn sách, trong đó có 30 cuốn viết độc lập, 45 cuốn viết chung, có rất nhiều đầu sách có giá trị về lịch sử TP HCM, Nam Bộ, lịch sử phát triển miền Nam… Cùng với quá trình nghiên cứu, những sưu tập về đồ cổ nói chung, bản đồ cổ nói riêng ngày càng nhiều hơn, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học lâu dài.

Gần đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường ngỏ ý muốn ông nhượng lại bộ sưu tập bản đồ cổ cho Nhà nước nhưng nhà nghiên cứu lão thành vẫn còn do dự. Ông bảo rằng, việc chuyển nhượng bản đồ cổ, kể “cả đám đồ cổ” cũng như các công trình của ông cho Nhà nước là việc dễ dàng nhất ông có thể làm được, nhưng công trình nghiên cứu về thềm lục địa, biển Đông, hải đảo Việt Nam của ông chỉ là một phần bé nhỏ.

Hiện tại, vẫn còn nhiều công trình khác còn dang dở. Làm thế nào để có người tiếp tục theo đuổi những công trình này, làm thế nào để có thêm nhiều người mới với nhiều công trình nghiên cứu mới và phát huy được hiệu quả của các hiện vật trong công tác khoa học mới là điều ông trăn trở nhất. Riêng với cuộc triển lãm ngày 23/6, ông hy vọng sẽ “có ai đó” chú ý và những tấm bản đồ cổ này sẽ ít nhiều giúp ích được những người nghiên cứu khoa học khác
NN


Nguồn: http://www.baomoi.com/Home/KhoaHoc-TuNhien/cand.com.vn/Giai-ma-lich-su-bang-ban-do-co-Viet-Nam/4449461.epi

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Liệu. Bookmark the permalink.