Niềm vui bất ngờ, Hy vọng manh nha, Nỗi lo canh cánh

Kính gửi: GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, GSTS Nguyễn Thế Hùng

Kính thưa GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, GSTS Nguyễn Thế Hùng, từ khi trang mạng boxitvn.net ra đời, nó đã trở thành món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu đối với bản thân tôi – một công dân đất Việt tuy bận rộn vì công việc sinh tồn hàng ngày, song vẫn quan tâm đến những vấn đề hôm nay và tương lai của đất nước.

Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn Giáo sư và các cộng sự đã không hành xử theo thói thường “mũ ni che tai”, mà đã dành thời gian, tâm trí, sức lực của mình thiết lập, điều hành, duy trì một trang mạng rất thiết thực, phản ánh tiếng nói trí tuệ, tâm huyết và đầy tinh thần công dân của giới trí thức Việt nói riêng, và của đông đảo con dân đất Việt nói chung hiện đang sống trong & ngoài nước.

Việc Quốc hội bác bỏ DA ĐSCT hôm 19.6 vừa rồi là một niềm vui bất ngờ đối với tôi và nhiều người quanh tôi. Niềm vui, vì 208 vị đại biều Quốc hội đã tỉnh táo, trí tuệ, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, dũng cảm và kiên định để bác bỏ DA ĐSCT – một DA có vốn đầu tư cực lớn 56 tỷ USD, hơn 50% GDP hiện tại của cả nước, song lại được chuẩn bị vội vàng, nhiều số liệu bị làm đẹp theo ý muốn của những người lập & trình DA, không có hiệu quả kinh tế… như nhiều nhà chuyên môn đã vạch ra.

Niềm vui, vì việc bác bỏ DA ĐSCT đã giải tỏa tâm trạng lo lắng, bất an trong chúng tôi về nguy cơ nợ nần quốc gia và tương lai bếp bênh của con em đất Việt chúng ta khi DA ĐSCT được thông qua và triển khai thực hiện. Không lo lắng, không bất an sao được khi hầu như các DA đầu tư bằng tiền ngân sách – tiền thuế đóng góp của nhân dân – có hiệu quả kinh tế rất thấp, thậm chí nhiều DA rất phi lý về mặt kinh tế nhưng vẫn được làm, dẫn đến thua lỗ không thu hồi được vốn đầu tư. Không lo lắng, không bất an sao được khi dân ta còn rất nghèo, 80-90% dân ta còn lo chạy ăn hàng ngày, thu nhập bình quân mới 1.000 USD/ người/ năm, GDP cả nước mới 100 tỷ USD, còn bao nhiêu việc cần kíp hơn phải lo phải ưu tiên dành vốn đầu tư như Giáo dục, Khoa học Công nghệ, Văn hóa, Giao thông đô thị Hà Nội & TP HCM, Giao thông đường bộ & đường sắt thông thường khổ 1,4 m…, mà ta lại mang ít nhất là 56 tỷ USD làm một DA đang tù mù về hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường.

Bất ngờ, vì từ khi để tâm đến các việc đại sự quốc gia đến ngày 18.6.2010, tôi chưa thấy Quốc hội ta bác bỏ các việc, các DA do Chính phủ trình ra bao giờ. Thậm chí, có nhiều việc khi Chính phủ trình ra Quốc hội, trong quá trình tranh luận tại Quốc hội đã có nhiều đại biểu QH, có khi phần lớn các đại biểu QH phản đối, song khi biểu quyết cuối cùng thì lại được thông qua với trên 90% số phiếu tán thành: như việc xây dựng Nhà máy lọc dầu tại Dung Quất, việc phá bỏ Nhà Quốc hội cũ tại Ba Đình, việc mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội, DA khai thác bôxit Tây Nguyên…, nên tôi nghĩ, rồi lần này Quốc hội cũng lại biểu quyết thông qua thôi, theo kiểu “vũ như cẩn” ấy mà. Vậy mà, lần này Quốc hội ta đã bác bỏ…

Việc Quốc hội bác bỏ DA ĐSCT hôm 19.6 vừa rồi cũng đã dấy lên trong lòng tôi, và có lẽ trong lòng nhiều người Việt một niềm Hy vọng. Hy vọng mới khởi. Hy vọng manh nha. Hy vọng manh nha trong lòng tôi về những điều gì? Trong thời gian ngắn ngủi dăm ba ngày, tôi chưa thật rõ ràng về những điều mà tôi đang bắt đầu hy vọng. Có lẽ là, tôi bắt đầu hy vọng về: Một Quốc hội thật sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam; các đại biểu Quốc hội thực sự là đại diện cho quyền lợi tâm tư nguyện vọng của nhân dân, là những người có lý trí, có lương tri, có bản lĩnh, biết nói không với thói viển vông mơ mộng hão huyền & với cái phi lý; các nhà quản lý xã hội – chính khách biết lắng nghe ý kiến phản biện xã hội để phát huy sức mạnh trí tuệ toàn dân tộc, xây dựng được những bước đi tối ưu cho dân tộc trong từng giai đoạn phát triển;…

Tôi vui…, và tôi hy vọng…, song, trong lòng tôi vẫn còn đó một Nỗi lo canh cánh. Có lẽ, những điều làm tôi lo lắng trong lòng cũng giống những điều lo lắng chung của nhiều người con đất Việt chúng ta. Tôi chỉ nêu ra một số điều: Hiệu quả đầu tư công của nước ta rất thấp, hệ số ICOR đã lên cao tới 8-9, trong lúc các nước đầu tư hiệu quả có hệ số ICOR chỉ 2-4; Các tập đoàn công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, và đang được quản lý giám sát lỏng lẻo, không xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân; Những con người có thể làm tấm gương cho xã hội rất ít, người mà ai cũng thấy nhiều khi không là tấm gương để xã hội lành mạnh noi theo, song người mà xứng đáng là tấm gương sáng thì hầu như không có cơ để xuất hiện; rồi chuyện Nền giáo dục bất cập; Tôn ti trật tự trong xã hội không có nề nếp, thiếu khuôn phép; Nạn tàn phá rừng tàn phá môi trường gây ô nhiễm, lũ lụt thiên tai; Thói “ăn xổi ở thì” khai thác tài nguyên khoáng sản một cách vô lối để bán; v.v… Đây là những cản trở rất lớn, kìm hãm nặng nề sự cố gắng vươn lên của dân tộc Việt chúng ta. Và, điều hệ trọng là tôi chưa thấy bằng cách nào dân tộc ta khắc phục/ xóa bỏ được những điều bất cập/ kém cỏi này?

Kính chúc Giáo sư và các cộng sự mạnh khỏe, có nhiều đóng góp cho dân tộc trên con đường đi lên còn nhiều gian nan.

Hà Nội, ngày 22.6.2010

Hà Trí Anh

This entry was posted in quốc hội, Thư bạn đọc, xây dựng. Bookmark the permalink.