Tưởng nhớ
nhà giáo Phạm Toàn
Trần Văn Chánh
Sáng 26.6.2019, đọc bài “Cái ôm cuối cùng” của Đoan Trang và bài “Hẹn gặp lại bác Phạm Toàn” của NS Tuấn Khanh, do một người bạn chuyển qua email cho xem, tôi mới hay tin anh Phạm Toàn qua đời. Dù biết một người ra đi ở tuổi 88 cũng đã là thượng thọ, nhưng tôi không khỏi bần thần một lúc lâu, tiếp theo là cảm giác ân hận, vì sau lần gặp nhau ngồi lai rai tâm sự với anh cùng với một người bạn trẻ nữa, ở Hà Nội cách nay hơn 6 tháng, tôi có nghĩ đến anh nhiều lần nhưng chưa lần nào gọi thăm anh một tiếng, giờ mọi sự đã lỡ hết rồi!
Nhà giáo Phạm Toàn đáng tuổi cha chú tôi, vào khoảng năm 2015, khi lần đầu có dịp gặp thăm nhau ở TP. HCM, giữa chúng tôi đã thấy ngay có tình huynh đệ, nên không cảm thấy có sự ngăn cách về tuổi tác, trước nhất do ở tính cách vui vẻ nhũn nhặn khả ái mà lại hết sức nhiệt tình của anh trong những công việc đang theo đuổi. Lần đó, anh vào TP. HCM cùng với một người nữ trợ lý trẻ là để triển khai việc dạy thử nghiệm chương trình sách giáo khoa Cánh Buồm (SGK Cánh Buồm) do anh chủ trương, tại một trường tiểu học. Sau khi xong việc, chúng tôi hẹn với nhau ngồi nhâm nhi nói chuyện tới khuya, từ đó tôi lần lần hiểu được tâm huyết / hoài bão của anh nhiều hơn, chứ thật ra không có sự quen biết trước từ lâu.
Anh mời tôi cộng tác viết bài cho SGK Cánh Buồm, tôi đồng ý với thái độ không xác định hẳn, vì chưa biết viết với những nội dung cụ thể như thế nào. Sau đó về Hà Nội, anh có lấy một bài viết khá dài của tôi đưa vào sách môn Văn lớp 7, khi ra mắt sách, lại mời tôi ra chơi Hà Nội, nhưng vì bận rộn và nhiều lý do khác, tôi không tiện hưởng ứng lời mời gọi rất chân thành của anh, một người luôn vì mục đích chung tốt đẹp, sẵn sàng bỏ công bỏ sức vất vả đi tìm “đồng chí” để hợp tác.
Lần gặp trước Tết ở Hà Nội, anh mời tôi uống cà phê ở một quán trong khuôn viên Nhà hát chèo Trung ương, sau đó cùng vào xem một buổi học ngoại khóa có tính thực hành về nghệ thuật hát chèo Việt Nam do anh thu xếp tổ chức dành riêng cho học sinh tiểu học “Cánh Buồm”, với sự đóng góp trình diễn của rất nhiều nghệ sĩ ưu tú thiện chí, là những người đã chia sẻ / ủng hộ anh trong chương trình SGK Cánh Buồm.
Sau khi được hưởng một chương trình thú vị đầy ý nghĩa, chúng tôi lại rủ nhau ra quán tiếp tục đàm đạo. Người bạn trẻ cùng đi chung liên tục đặt câu hỏi để tìm hiểu về SGK Cánh Buồm vì lần đầu tiên nghe lạ mà hôm nay lại được gặp trực tiếp người chủ biên. Anh Phạm Toàn cho chúng tôi hay thêm về một số thành tích mới mà kế hoạch SGK Cánh Buồm đã đạt được, và những dự định sắp tới, còn bao nhiêu việc phải làm… Anh tỏ ra có chút băn khoăn về tuổi tác đã khá cao trong khi công việc trước mắt cũng còn nhiều dang dở, nhưng cho biết đã có được một hai người bạn cùng chí hướng có thể sẽ giúp anh hoàn tất nguyện vọng nếu chẳng may anh đi sớm. Chúng tôi không nói chuyện với nhau về chính trị, nhưng qua vài câu nói phơn phớt, hoặc qua một số việc làm cụ thể (như tham gia lập trang mạng bauxit.vn, dịch sách Nền dân trị Mỹ…), tôi biết anh không còn tin chút nào nữa vào cái hệ thống cầm quyền hiện có, coi nó là nguyên nhân chủ yếu của mọi sự băng hoại xã hội, nạn tham nhũng vô phương cứu chữa, và tình trạng lâm nguy văn hóa nói chung của đất nước. Nên có thể nói, anh cũng là người quan tâm nhiều đến chính trị, luôn ưu tư trăn trở đến vận hưng suy của đất nước, nhưng thuộc kiểu người chính trị không có lực lượng, không muốn lật đổ, không ham chức quyền, mà chỉ muốn đưa ra tiếng nói phản biện của người trí thức chân chính để đóng góp xây dựng, nhưng nói riết “chúng nó không nghe” thì bây giờ chẳng cần phát biểu phê bình lung tung làm chi nữa, mà quay trở lại tìm cách nâng cao dân trí bằng con đường thúc đẩy cải cách giáo dục qua việc làm tiên phong tích cực cụ thể của nhóm Cánh Buồm. Anh đã nén đi hết mọi sự bất bình để “thà đốt lên một ngọn đèn le lói còn hơn ngồi nguyền rủa mãi đêm thâu”, và việc làm của anh đã được một số người hưởng ứng, giúp đỡ, những người có cùng chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí”, trong đó phải kể có GS Chu Hảo (năm ngoái đã bị kỷ luật, xin ra khỏi ĐCSVN), nguyên Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức, người đã chịu trách nhiệm đứng ra xuất bản tất cả các SGK của nhóm Cánh Buồm.
`Ý đồ tốt đẹp như trên của nhà giáo Phạm Toàn đã có lần được anh tuyên bố rõ trong Tờ trình tổng quát trước Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 16.7.2014: “Có một bộ phận trí thức đáng kính kiên trì phản biện và xoay xở đủ cách,… hòng xoay chuyển tư duy Giáo dục và tác động tới thực tiễn Giáo dục nước nhà… Nhóm Cánh Buồm chủ trương không ‘phản biện’, và càng không than vãn. Nhóm Cánh Buồm chủ trương cái gì làm được thì làm luôn. Sức yếu thì dồn sức vào ‘huyệt’ – làm một cái MẪU – cái ‘mẫu’ không phải như một tấm gương để ‘noi theo’, mà cái mẫu như một sự vật cụ thể vừa mang tính gợi ý và cũng vừa mang tính kích thích.
Tính gợi ý, đó là làm thực sự điều gì cần phải làm mà giới lãnh đạo Giáo dục chưa biết hoặc có thể đã biết mà chưa tổ chức làm được. Một việc quan trọng nhất Nhóm Cánh Buồm phải làm ngay là soạn lại sách giáo khoa tiểu học các môn Khoa học xã hội và Nhân văn. Tính kích thích, đó là làm thực sự và hết sức mình để đưa ra những đóng góp có thực, nhưng không coi đó là giá trị bậc nhất, mà luôn luôn hi vọng chính mình được đồng nghiệp vượt qua”.
Thì ra, trên thực tế, kết hợp xem xét từ nhiều sự kiện khác, người ta thấy những việc làm tiên phong tích cực lâu nay nhằm mục đích phá đổ những thành trì cuối cùng của sự lạc hậu, phần lớn đều được khai mở do những con người thiện chí đứng bên ngoài tổ chức chính trị chính thức, thuộc khu vực tư nhân, hoặc do một số người cũng đã và đang ở trong bộ máy cầm quyền nhưng không còn tin nó nữa! Ai còn tin (hoặc vì hoàn cảnh làm bộ phải tin) với quyền lợi vốn gắn liền với bộ máy đầy khuyết tật này thì đều trở nên rụt rè gà phải cáo không dám công khai ủng hộ những việc làm biết là tốt nhưng không hợp với lối mòn chính thống. Điều này phần nào cho thấy thái độ khá bàng quan vô tâm tất nhiên và cũng có chỗ đáng được thông cảm của Bộ Giáo dục-Đào tạo (Bộ GD-ĐT), một Bộ đã có rất nhiều tai tiếng với quốc dân, trong việc Bộ GD-ĐT không hề tạo điều kiện về vật chất hay tinh thần nào để giúp cho nhóm Cánh Buồm hoạt động hiệu quả hơn nữa. Nói “thông cảm”, vì ai cũng thừa biết, với thể chế chính trị hiện tại, Bộ nào hay ông Bộ trưởng nào ngồi vào chiếc ghế điều hành của mình thì cũng đều trở nên nếu không bị tha hóa cực kỳ cũng trở thành bất lực, tất tần tật như nhau cả!
Bởi vì, lẽ ra, nếu dám mạnh dạn ủng hộ điều lợi ích chung cho sự nghiệp giáo dục, dù quan điểm có thể chưa thống nhất, các quan chức có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT phải nên coi sự xuất hiện độc đáo của nhóm Cánh Buồm là một cơ hội tự nhắc nhủ sự chú ý, đồng thời thúc đẩy những cuộc hội luận song phương và đa phương (giữa Bộ GD-ĐT và Nhóm Cánh Buồm) để bàn luận kỹ, nhằm tìm ra giải pháp chiết trung hợp lý nhất cho các vấn đề quan trọng đang còn tranh cãi, từ triết lý-đường lối giáo dục cho đến chương trình-SGK đi cùng với phương pháp giảng dạy các môn học cụ thể, để có sự tương tác, bổ sung, tham khảo lẫn nhau, nhằm tiến tới hoàn thiện dần các bộ SGK tương lai trong điều kiện cải cách không ngừng của nền giáo dục.
Cũng may, Bộ GD-ĐT cũng còn có chỗ coi được là biết “làm lơ” (hoặc chỉ cười trong bụng?) để cho nhà giáo Phạm Toàn tự tung tự tác, có lẽ vì thấy anh “quá tốt” hết chỗ chê, và hành động luôn đúng quy định pháp luật, nếu Bộ không tiện công khai khích lệ được thì cũng không làm điều gì để gây cản trở.
Giờ người chủ biên nhóm Cánh Buồm đã thật sự nằm xuống rồi, qua tin buồn này, tôi tin tưởng những gì anh và các đồng chí anh đã làm được sẽ là một nguồn cảm hứng kích thích vô hạn cho tất cả các nhà giáo nam nữ thế hệ trẻ hơn, luôn mong muốn cho nền giáo dục Việt Nam sớm được cải cách đúng cái mức cần thiết trong thời đại mới. Và tôi cũng tin, đối với một số quan chức cấp to còn có thiện tâm trong Bộ GD-ĐT, sự ra đi lần này của nhà giáo Phạm Toàn sẽ tạo cho họ một cảm giác giật mình giống như người đạp phải gai, từ đó đánh thức lương tâm và trách nhiệm của họ, để toàn thể quốc dân được nhờ.
27.6.2019
T.V.C.
Tác giả gửi BVN