Tôi là người biết cái thị xã Hà Đông này khi còn rất nhỏ. Tôi sống ở làng Chùa, cách thị xã Hà Đông 30km. Thi thoảng vào dịp nghỉ hè, cha tôi lại cho mấy anh chị em tôi ra Hà Đông chơi đặc biệt vào những dịp mồng 2 tháng 09 có bắn pháo hoa. Một trong những thứ mà tôi nhớ nhất của thị xã Hà Đông là đường tàu điện từ Hà Đông ra bờ hồ. Với mấy xu vé là chúng tôi lên chiếc tàu điện chạy ra tận trung tâm thủ đô để ăn một vài que kem sữa hay uống một cốc si-rô màu đo đỏ rất ngọt bằng những cái cốc thủy tinh sủi đầy tăm do công nghệ thổi thủy tinh gia công rồi lại trở về Hà Đông.
Thế rồi tàu điện biến mất. Cho dù lúc đó đã lớn và đã đi làm nhưng mỗi khi đạp xe dọc đường Nguyễn Trãi tôi lại nhớ những chuyến tàu điện thuở nhỏ. Và đến một ngày, người ta xây dựng tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh. Thú thực lúc đầu tôi cũng hồi hộp xem cái đường sắt trên cao ấy như thế nào. Nhưng khi những chiếc cọc bê tông khổng lồ dựng lên tôi bắt đầu cảm nhận thấy sự bất ổn. Sự thanh bình đượm chút lãng mạn của những chuyến tàu điện được thay vào bằng một tuyến đường trên cao đầy đe dọa. Vợ tôi dặn tôi sau này nếu đi làm mà tàu chạy qua thì phải tránh xa để nếu nhỡ tàu lao ra khỏi đường ray thì còn tránh được. Nỗi lo đó chỉ là nỗi lo xa rất mơ hồ giữa những nỗi sợ hãi có thật.
Đường tàu trên cao Hà Đông – Cát Linh là một đường tàu xấu nhất về mặt hình thức mà tôi được chứng kiến từ trước đến nay. Tôi không hiểu những người duyệt thiết kế với con mắt thẩm mỹ như thế nào mà lại duyệt cái mẫu đường sắt trên cao ấy. Khi bạn đi dưới ngước nhìn lên, bạn sẽ thấy một khối bê tông nặng nề, u uất và thô thiển như mái trần của một nhà tù đang đè nặng xuống toàn bộ cảm giác của bạn. Đặc biệt là những trạm dừng đỗ (nhà ga) thì xấu xí và kệch cỡm không sao tả xiết. Cái thị xã nhỏ bé và nhiều thơ mộng bị phá vỡ hoàn toàn bởi con rắn bê tông khổng lồ và ám ảnh này đè nát. Bạn tôi còn ví cái đường tàu ấy như vết dao lớn rạch đôi mặt một cô gái đẹp.
Thế nên, khi nghe nhà thầu Trung Quốc có thể xây dựng đường cao tốc Bắc Nam thì một nỗi kinh hãi đổ ụp xuống người dân. Một tuyến đường sắt khá đơn giản dài hơn chục km mà chúng ta phải chịu “đòn’’ nặng như thế thì cái đường cao tốc Bắc Nam sẽ như thế nào với đất nước này. Không chỉ người Việt Nam mà càng ngày càng nhiều quốc gia không còn tin vào sự đàng hoàng của Trung Quốc nữa. Bởi thế cả những người chân chính nhất, suy nghĩ kỹ lưỡng nhất và công bằng nhất cũng kinh sợ nếu để cho nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc Nam.
Chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn. Vậy tại sao chúng ta cứ chìm đắm mãi trong cái tên mỹ miều nhưng cực kỳ nguy hiểm: Trung Hoa. Và khi nghe phong phanh một nhà thầu Hàn Quốc có thể đứng ra xây dựng đường cao tốc bắc nam thì tôi nghe thấy tiếng reo hò dậy trời của người dân. Họ đã đúng về cả hai phía: lương tâm và sự thật, họ đã thấu hiểu Trung Quốc đối với dân tộc mình cả quá khứ và hiện tại… Trung Quốc đã đánh mất trọn vẹn chữ TÍN với người Việt Nam và đang đánh mất chữ TÍN trên toàn thế giới. Nếu bạn có cơ hội đọc những báo cáo của những tổ chức, trung tâm, viện…nghiên cứu về Trung Quốc, bạn sẽ thấy trong tất cả các báo cáo đó là lời dự báo và cảnh báo về một sự đe dọa chết người mang tên Trung Quốc.
Chúng ta không lấy quá khứ để quyết định hay nhiều việc của tương lai. Quan hệ Việt – Pháp, Việt – Mỹ, Việt – Hàn… là những minh chứng thuyết phục nhất. Nhưng “một sự bất tín vạn sự bất tin’’ mà Trung Quốc lại quá nhiều sự bất tín đối với chúng ta và thế giới. Hãy chứng minh cho người dân về sự đàng hoàng của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam để người dân sẽ từ bỏ những suy nghĩ nào đó của mình còn mang tính mặc cảm và suy diễn…
Thế nhưng, việc này quả là khó như tìm kim đáy bể phải không các bạn.
N.Q.T.
Nguồn: FB Nguyễn Quang Thiều