Thất bại trong vụ Cheonan khiến Trung Quốc bất an

Trên đời này vẫn có những ông chủ không muốn tố cáo chó của mình cắn trộm láng giềng. Tất nhiên là láng giềng thì mất lòng, người thiên hạ thấy thế cũng chẳng ai hài lòng, nhưng biết đâu lại chẳng có những con chó vẫy đuôi lăm le đến với ông chủ “nhân ái” kiểu đó. Vì thế các vị lão thành cách mạng Việt Nam không bao giờ ngừng cảnh giác với âm mưu của Phương Bắc. Thông điệp đều đặn và rất nghiêm của họ (mà nhiều trang mạng đó đây đã công bố một vài phần) may ra sẽ giúp Nhà nước chúng ta bớt nhẹ dạ.

Bauxite Việt Nam

Kẻ thua cuộc lớn nhất từ những căng thẳng đang diễn ra xung quanh vụ chìm tàu của Hàn Quốc có lẽ không phải là Xeun hay Bình Nhưỡng, mà là Bắc Kinh.

Phần đuôi tàu Cheonan sau khi được vớt và đưa lên xà lan. Ảnh: Reuters.

Phần đuôi tàu Cheonan sau khi được vớt và đưa lên xà lan. Ảnh: Reuters.

Tạp chí Foreign Policy của Mỹ vừa đăng bài bình luận về Thế khó xử của Trung Quốc trong vụ Cheonan của tác giả Drew Thompson. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin đăng tải lại để mọi người cùng suy ngẫm.

Với việc từ chối lên án Bắc Triều Tiên về “hành động cố ý tấn công và đánh chìm” một tàu hộ tống của Hải quân Hàn Quốc hồi tháng Ba, Trung Quốc đã để mất lòng tin phải khó khăn lắm mới có được và điều này nhắc nhở các quốc gia trên khắp châu Á về tầm quan trọng của Mỹ và và sự hiện diện của họ ở Tây Thái Bình Dương.

Khi trục vớt tàu Cheonan bị đắm và dò tìm đáy biển, người ta đã phát hiện một bằng chứng nóng – xác một quả thủy lôi của Bắc Triều Tiên. Một báo cáo của Hàn Quốc dựa trên sự tham gia của các chuyên gia Australia, Anh, Thụy Điển và Mỹ được công bố hồi cuối tháng Năm đã chỉ đích danh Bắc Triều Tiên, gây ra những dư chấn thực sự của vụ việc này.

Phản ứng trước báo cáo của Hàn Quốc, Băc Kinh không thể hiện một lập trường rõ ràng mà chỉ đơn thuần ghi nhận bản báo cáo, cũng như những tuyên bố bác bỏ của Bắc Triều Tiên. Thay vì lên án hành động bạo lực của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc phớt lờ kết luận của các nhà điều tra quốc tế sau khi nước này từ chối lời mời tham gia nhóm điều tra.

Đầu tháng Năm, trước khi báo cáo được công bố, cả Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đã có các cuộc gặp thượng đỉnh ở Trung Quốc với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng khi ra về đều không thỏa mãn.

Quyết định của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên đã không chỉ phản ánh một tính toán chính sách thận trọng dựa trên sự tư lợi thiển cẩn, mà còn cho thấy Bắc Kinh mong muốn duy trì sự cân bằng an ninh khu vực phụ thuộc vào một mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Việc không ủng hộ Bắc Triều Tiên có thể dẫn tới sụp đổ của nước này – điều sẽ mang lại những hậu họa cho Trung Quốc tệ hơn nhiều so với những gì mà các nhà quan sát bên ngoài tính toán.

Trung Quốc lo ngại khả năng hỗn loạn ở Bắc Triều Tiên vì một số lý do:

Thứ nhất, viễn cảnh những người tỵ nạn đói rách và tàn quân của Quân đội nhân dân Triều Tiên ở ngay gần biên giới Trung Quốc là một mối quan ngại rõ ràng.

1400km đường sông phân chia hai nước hẹp và nông ở nhiều nơi và sẽ không thể cản được người tỵ nạn và tàn quân vượt qua. Không phải ngẫu nhiên mà trong số 14 đường biên giới chung với các nước láng giềng, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc lãnh trách nhiệm chính chỉ ở các đường biên giới với Bắc Triều Tiên và Mianma.

Trong khi đó, sự hội nhập kinh tế giữa Bắc Triều Tiên và các tỉnh ở Đông Bắc Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm, khiến vùng Đông Bắc Trung Quốc sẽ phải trả một giá đắt nếu Bắc Triều Tiên rối loạn.

Sự ổn định về kinh tế ở các tỉnh “vành đai” này là mối lo ngại lớn của Bắc Kinh. Khi đã coi thương mại với Bắc Triều Tiên là một bộ phận trọng tâm trong kế hoạch phát triển (khoảng một nửa các nhà đầu tư Trung Quốc trong các liên doanh với Bắc Triều Tiên là từ hai tỉnh này), thì các tỉnh phía Bắc có thể phải chịu tác động kinh tế khá lớn từ sự bất ổn thêm nữa ở Bắc Triều Tiên.

Không chỉ có chính trị mới mang tính địa phương, mà đôi khi cả chính sách đối ngoại cũng mang tính địa phương.

Chúng ta thường cho việc Bắc Triều Tiên lệ thuộc vào Trung Quốc là điều đương nhiên. Nhưng trên thực tế, nhiều bộ phận quan trọng của Trung Quốc cũng lệ thuộc vào Bắc Triều Tiên.

Chính quyền địa phương ở Cát Lâm đã đầu tư tiền tỉ vào cơ sở hạ tầng để tạo một hành lang kinh tế từ thành phố Trường Xuân của Trung Quốc, dọc qua biên giới tới khu vực cảng Rajin của Bắc Triều Tiên do Trung Quốc thuê.

Các kế hoạch của tỉnh Cát Lâm đều được sự bảo trợ của các cấp cao nhất ở Bắc Kinh. Nếu Bắc Triều Tiên sụp đổ, thảm họa này sẽ chạm tới trái tim Bắc Kinh – và cả ví tiền của vùng Đông Bắc.

Một yếu tố khác mang tính động cơ đối với Bắc Kinh là quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng mối quan hệ của họ với Bắc Triều Tiên duy trì một sự cân bằng mong manh ở châu Á, đặt hai nước này vào thế chống lại Mỹ và các đồng minh.

Trong suy nghĩ của một số chiến lược gia Trung Quốc, việc không ủng hộ Bắc Triều Tiên, ngay cả sau một vụ khiêu khích quá đáng như vụ tấn công tàu Cheonan có thể dẫn tới một sự đổ vỡ rất tệ của nước này.

Việc Trung Quốc không muốn Bắc Triều Tiên sụp đổ do tác động của những sai lầm về chính trị và kinh tế đã phản ánh tất cả những mối lo ngại này.

Trong khi Trung Quốc có vẻ như sẵn sàng trả giá cho việc ít nhất là duy trì sự bền vững quốc gia, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều không muốn trả cái giá phải xây dựng lại một quốc gia thất bại, dẫn đến một tình trạng không hề dễ chịu.

Không mấy ngạc nhiên là việc Trung Quốc không muốn trừng phạt Bắc Triều Tiên về hành động của họ hay ngăn cản chế độ này thực hiện những hành động hiếu chiến đã phơi bày những hạn chế trong ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực và gặp phải sự giận dữ ở nhiều nơi của châu Á.

Xử sự của Trung Quốc trong vụ việc đã gây ra những làn sóng chính trị ở Nhật Bản.

Việc Thủ tướng Yukio Hatoyama từ chức cũng như việc giải quyết nhanh chóng vấn đề Căn cứ Không quân Futenma ở Okinawa đã tạo nên sự bất ổn lớn trong chính trường Nhật Bản, mà chắc chắn sẽ tác động lớn đến cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng Bảy.

Phản ứng của Trung Quốc chỉ làm đảm bảo sự hiện diện lớn của quân đội Mỹ ở Nhật Bản trong một tương lai có thể thấy trước.

Mặc dù vụ Cheonan là một tổn thương đối với người dân Hàn Quốc, Tổng thống Lee đã xử lý vụ việc một cách khéo léo với phản ứng thận trọng, minh bạch và có tính toán, không để cho căng thẳng leo thang.

Tuy nhiên, thảm kịch Cheonan chắc chắn sẽ có tác động định hình đối với chính trị Hàn Quốc và chính sách thống nhất. Quả thủy lôi của Bắc Triều Tiên là dấu chấm than cho sự sụp đổ của “Chính sách Ánh Dương” – cách tiếp cận bị chỉ trích rất nhiều của Hàn Quốc đối với việc trao đổi kinh tế Bắc Triều Tiên.

Mọi triển vọng mà Trung Quốc có thể có trong con mắt người Hàn Quốc để đóng một vai trò trung gian giữa hai miền Triều Tiên có lẽ đều đã tiêu tan.

Chiến lược của Trung Quốc nhằm ve vãn các nước láng giềng ở khắp châu Á với những lời hứa về hội nhập kinh tế và không ngừng tuyên bố về ý định hòa bình đã có một bước lùi quan trọng.

Ngay cả quyết định của Trung Quốc về việc “hoãn” chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tới Bắc Kinh cũng phản ánh sự bất an của Trung Quốc đối với tình trạng an ninh hiện tại của khu vực này.

Trong những tuần và tháng tới, việc vụ đắm tàu Cheonan sẽ làm khuấy đảo khu vực này như thế nào sẽ trở nên rõ ràng hơn.

TTX biên dịch

Nguồn: tuanvietnam.net

This entry was posted in Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.