Mỗi triều đại đi qua đều muốn để lại dấu ấn mang tên mình. Mỗi chính phủ cầm quyền trước khi kết thúc nhiệm kỳ cũng muốn để lại danh tiếng. Siêu dự án đường cao tốc Bắc Nam được xem là dấu ấn mà Chính phủ VN sắp hết nhiệm kỳ muốn có. Điều này không khó lý giải sự quyết liệt của Chính phủ đối với siêu dự án bất chấp sự bất hợp lý của nó và cả phản ứng của dư luận. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nội các của ông biết rất rõ hiệu quả kinh tế của dự án như thế nào nhưng vẫn cố bảo vệ nó. Họ bảo vệ không phải vì dự án có ích, có lợi và khả thi mà bảo vệ tên tuổi của mình trước khi nhường vai trò điều hành đất nước cho người khác.
Công bằng mà nói không phải siêu dự án mới tạo nên dấu ấn cho Chính phủ đương nhiệm. Dự án bauxite Tây Nguyên và mở rộng Hà Nội cũng đủ là những dấu ấn khó thể phai trong lòng người dân. Đối với nhiều người, với hai đại “công trình” này, Chính phủ do Nguyễn Tấn Dũng điều hành đã tạo nhiều dấu ấn hơn những Chính phủ tiền nhiệm với dự án đường dây tải 500kv Bắc-Nam hay Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhiều người khác lại nghĩ, Chính phủ đương nhiệm chưa thỏa mãn với những dấu ấn đó nhất là khi chúng chẳng nhận được nhiều sự ủng hộ từ xã hội. Siêu dự án cao tốc Bắc Nam may ra là dấu ấn cứu cánh cho Chính phủ cầm quyền trước khi thoái trào.
Chẳng may là nó đã được ngăn chặn bởi những người cũng đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Đại dự án đường cao tốc Bắc Nam là dấu ấn của nhiệm kỳ cuối của hoặc Chính phủ hoặc Quốc hội. Giống như trái bóng sẽ phải bị sút bởi một trong hai đội trên sân bóng để ghi bàn. Nếu bên này không dành cơ hội sút thì bên kia sẽ phải làm chuyện đó. Quốc hội và Chính phủ không khác hai đội bóng trên sân bóng mà Đảng là trọng tài. Chỉ khác là trọng tài trên sân bóng thì vô tư. Quốc hội bác đại dự án, tức những người đại biểu nhân dân nhân đã sút “quả bóng” đại dự án vào “cầu môn” của Chính phủ và “ghi bàn” cho mình thay vì để cho Chính phủ làm điều đó trước khi cả hai cùng “thanh lý” nhiệm kỳ ở phút 89. Quả bóng ghi bàn đó không khác “cái chết bất ngờ” đối với “đội bóng” Chính phủ dù rằng luôn có “trọng tài” ủng hộ.
Nhiều chuyên gia đưa ra bình luận về bàn thắng đẹp này cùng với những sự háo hức, ngưỡng mộ trước lòng quả cảm, “bất khuất” của Quốc hội. Những chuyên gia bình luận khác háo hức nhưng cũng đầy hoài nghi, lo lắng… trước “đội bóng nhân dân” tưởng như có lợi thế “chuyên môn” và “sân nhà”, hiển nhiên sẽ phải thắng? Sao lại thắng một cách khó khăn và vất vả đến thế. Nhiều người không tin rằng bóng đá có kịch tính thì nghị trường cũng có kịch tính. Có lẽ kịch tính của nghị trường trong vụ việc đại dự án là sự thức tỉnh của các “cầu thủ”. Họ cảm thấy hỗ thẹn khi cứ phải “bán độ”trong khi fairplay trong trận cầu nghị trường không phải là quá khó và “phản quốc”. Các cổ động viên đã hoan hỉ và khâm phục các “cầu thủ nhân dân” ở những phút nghẹt thở vừa qua.
Mong rằng các cầu thủ nhân dân phát huy và tiếp tục fairplay trong những trận cầu nghị trường tiếp theo cho dù sự hoài nghi “fairplay” chỉ là thứ xa xỉ của nhiều nghị sĩ. Trận cầu đã kết thúc và một số “cầu thủ nhân dân” sẽ giải nghệ. Hy vọng rằng họ không mang đi cái nhiệt huyết và quyết tâm chơi bóng đẹp cho các tân binh mới.
MQ
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập