Những ‘củi’ nào không thể ‘đốt lò’?

Thảo Vy

Trả lời: đó là những ‘rừng củi gộc’ trong cướp đất đai của người dân. Lâu nay, ‘củi’ dùng để ‘đốt lò’ là ‘củi’ trong ‘cướp bóc’ lẫn nhau ở các tập đoàn quốc doanh, những doanh nghiệp nhà nước. Còn cướp đất của dân chúng như ở Thủ Thiêm, ở vườn rau Lộc Hưng… thì không sao cả

.

https://2.bp.blogspot.com/-brQM0Fp4EjQ/XNRasRk896I/AAAAAAAAB5c/ru5o691qqHwFi-1f5fGH4i3OHVf39R2LACLcBGAs/s640/Unknown-2.jpeg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là ‘người đốt lò’. Ông còn giữ chức vụ Trưởng ban Cải cách Tư pháp Trung ương, thế nhưng với những sai phạm rất rõ ràng về việc Đảng bộ cùng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cướp đất đai của người dân ở quận 2, quận 9, quận Tân Bình…, ông Nguyễn Phú Trọng đã chọn giải pháp ngậm tăm.

Ở đây, trên cương vị Chủ tịch nước, lẽ ra ông Nguyễn Phú Trọng hiểu nên giải quyết căn cơ chuyện tham nhũng chính sách về đất đai, bằng việc đề nghị Quốc hội sửa đổi, thừa nhận về quyền sử dụng đất của tư nhân, chấm dứt cách hiểu vốn chỉ thích hợp trong thời chiến ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.

Thủ Thiêm – món nợ về niềm tin vào công lý

Tin rằng dẫu đang trên giường bệnh, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn được thư ký báo chí tóm tắt đầy đủ các tin tức ‘nóng’, trong đó có việc cử tri từ quận 2 Sài Gòn yêu cầu hôm 07-05 về “đại án Thủ Thiêm”.

Hôm 07-05, đơn vị số 7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (nguyên Chủ tịch HĐND thành phố), ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó chánh án TAND TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Theo tường thuật của báo chí, cầm đơn kiến nghị có chữ ký của 708 hộ dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Hồng Quang cho rằng chính sách đền bù tại Thủ Thiêm là không đúng theo quy định của pháp luật. “Đề nghị đưa vụ việc ra nghị trường Quốc hội, Thanh tra chính phủ lập đoàn thanh tra toàn diện mới giải quyết được. Vì một năm đã trôi qua từ lần chị Quyết Tâm, anh Nhân hứa sẽ giải quyết cho bằng được vấn đề Thủ Thiêm nhưng chưa có tiến triển”, ông Quang nói và cho biết có đầy đủ bằng chứng chứng minh kiến nghị của tất cả hộ dân là đúng. Người dân đồng loạt vỗ tay.

Đến lượt mình, ông Cao Thăng Ca giọng rành rọt: “Tôi không nói về các sai phạm ở Thủ Thiêm nữa, vì điều này đã quá rõ ràng. Còn về hướng giải quyết của thành phố, sau một năm lãnh đạo thành phố gặp bà con nghe khiếu nại, kết quả là: làm bà con bức xúc hơn”. Ông đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội đưa ‘đại án Thủ Thiêm’ (từ của ông Cao Thăng Ca) ra hội trường Quốc hội lần này để thảo luận và khởi tố vụ án sai phạm tại Thủ Thiêm.

Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, một lần nữa người dân lại nghe câu hứa hẹn quen thuộc của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Chúng tôi nói là làm, không phải hứa cho có với bà con đâu. Không phải tự nhiên mà Bí thư Thành ủy TP.HCM xuống gặp bà con đâu. Sau khi mọi việc được thanh tra, việc gì chính quyền làm sai thì phải sửa và ai làm sai phải bị xử lý. Đó là quan điểm nhất quán của thành phố”.

Để xác định có phải là ‘củi’ hay không, với tư cách là Trưởng ban cải cách Tư pháp Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng ngay trên giường bệnh đã có thể bút phê đề xuất chuyển cơ quan điều tra xem xét vụ việc này, giống như chuyện trên giường bệnh, ông vẫn đủ sức ký các văn bản ngoại giao chúc tụng, chia buồn mà báo chí đăng hổm rày.

Vườn rau Lộc Hưng: phiên bản ‘bá đạo’ của Thủ Thiêm

Gọi là ‘bá đạo’ vì sai phạm mà chính quyền TP.HCM cố tình gây ra ở khu phường 6, quận Tân Bình, hay còn gọi với tên quen thuộc “vườn rau Lộc Hưng” là rất rõ ràng và mang tính thách thức vào nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Đất đai ở khu vườn rau Lộc Hưng được khai phá, canh tác từ năm 1954 với cư dân đến từ cuộc di cư của gần một triệu người Việt từ miền Bắc Việt Nam đến miền Nam Việt Nam trong những năm 1954–1955. Ước tính có khoảng 800 ngàn dân di cư là theo đạo Công giáo. Khu vườn rau Lộc Hưng còn được xem là vùng đất Thánh của người miền Bắc di cư nghèo khó.

Theo các quy định ở Bộ Luật Dân sự của chính nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thì việc sinh sống, mưu sinh, thừa kế, chuyển nhượng của cư dân Lộc Hưng được pháp luật bảo hộ. Mọi việc di dời, cưỡng chế vì mục đích quy hoạch đều bắt buộc phải tuân thủ theo những bước quy trình luật định.

Nếu như ở Thủ Thiêm, chính quyền TP.HCM còn chịu khó bỏ công sức, thời gian để ban hành các nội dung văn bản mà sau này được cho là trái thẩm quyền, trong việc chiếm đất đai của người dân, thì ở khu vườn rau Lộc Hưng, chính quyền thẳng tay theo đúng nghĩa đen, cho xe xúc cơ giới cùng lực lượng sắc phục đến đây để đập phá nhà cửa của dân chúng, san bằng hoa màu đang canh tác. Và sự việc diễn ra trong tháng cận kề Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019.

Người dân bàng hoàng. Giới luật sư cả nước sửng sốt và chính quyền TP.HCM tiếp tục ‘đổ’ các lực lượng thường phục cùng sắc phục cắm chốt, và sẳn sàng sử dụng sức mạnh cơ bắp để trấn áp người dân trên khu đất vườn rau Lộc Hưng.

Bốn tháng đi qua. Tập hồ sơ vụ việc ngày càng dày đã được nhóm luật sư đệ trình nhiều cấp chính quyền và cả Thanh tra chính phủ. Bất chấp, Đảng bộ và chính quyền vẫn chọn sự im lặng như một sự công khai thỏa hiệp với cái ác, cái côn đồ giờ đây đã trở thành bản chất của những người cầm quyền.

Không có bất kỳ ‘khúc củi’ nào trong ‘rừng cây’ đó được ông chủ đốt lò để mắt tới.

T.V.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Chiến dịch "đốt lò" của Nguyễn Phú Trọng. Bookmark the permalink.