MẶT TỐI, MẶT SÁNG nhà nghiên cứu chính trị NGUYỄN TRẦN BẠT QUA BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Trí Ngủ Việt

Với 2 bài viết xoay quanh lời của ông Nguyễn Phú Trọng: “Xót ruột khi đạo đức xuống cấp”.

https://viettimes.vn/chuyen-gia-nguyen-tran-bat-hay-tro-ve-voi-bac-cua-chung-ta-351615.html https://viettimes.vn/phan-2-nhot-quyen-luc-vao-trong-long-co-che-351618.html

Nguyễn Trần Bạt đã thể hiện 2 góc nhìn khác nhau của 2 con người khác nhau. Một mặt tỏ ra hiểu biết, cấp tiến, khoa học. Mặt khác cho thấy sự giáo điều, ngụy biện, nói lấy được để nhắm mục đích bảo vệ, duy trì sự cai trị của ĐCS.

Hai mặt đối lập trong một con người là cách thể hiện thống nhất trong các cuốn sách, bài nói, bài viết của Nguyễn Trần Bạt. Ông tự đứng về phía những người CS để lập luận, tham vấn, bảo vệ sự cầm quyền của họ. Bên cạnh đó, những giá trị khách quan cũng được lồng ghép, phân tích trong những giải pháp Ông đưa ra. Người CS sẽ thấy “khoái” kiểu kiên định bảo vệ chủ nghĩa CS, bảo vệ sự cầm quyền của họ mà vẫn bàn đến cải cách, bàn đến dân chủ hóa đất nước với một vai trò dẫn dắt, kiến tạo sự thay đổi xã hội.

Đảng CS không chấp nhận, phản ứng kịch liệt, thậm chí tìm cách loại bỏ những người nói, suy nghĩ theo cách “Chủ nghĩa CS chỉ có thể xóa bỏ, thay thế chứ không thể sửa chữa”. Nguyễn Trần Bạt thì ngược lại, ông cho rằng CNCS là định mệnh của dân tộc Việt Nam, những sai lầm, khiếm khuyết có thể sửa chữa, cải tạo và chỉ có đảng CS mới đủ sức mạnh, đủ vai trò và sứ mạng để sửa chữa, cải tạo và thúc đẩy xã hội thay đổi. Với tôi, đây là cách để ông tồn tại, để nói, viết, làm ăn và phát triển.

Trở lại với 2 bài viết mới nhất này, Nguyễn Trần Bạt lấy chủ đề ”Xót ruột khi đạo đức xuống cấp” để “trở về với Bác của chúng ta”.

Tại sao chúng ta xuống cấp đạo đức? Vì người ta từng tin tưởng rằng có chr nghĩa cộng sản, có tương lai, có lý tưởng. Nhưng bỗng nhiên người ta mất đi chỗ bấu lý tưởng ấy và rơi tự do vào khoảng chân không của dạo đức. Đạo đức là hiện tượng tinh thần xuất hiện trên nền của một lý tưởng chắc chắn. Không còn lý tưởng, không còn thần tượng và khong còn chỗ nào bấu vào để nhích đến tương lai nữa thì con người rơi tự do. Sự thoái hóa về đạo đức là hiện tượng rơi tự do về tinh thần của con người.

Nguyễn Trần Bạt

Ông nói “chúng ta/người ta” ở đây là nói những người CS. Người CS xuống cấp đạo đức là vì phai nhạt lý tưởng CS, thậm chí là mất lý tưởng CS nên không còn chỗ bấu víu về tinh thần, dẫn đến xuống cấp về đạo đức. Cái này là giải thích chủ quan ngô nghê của ông. Bởi lẽ, đại đa người dân trên trái đất này đều không cần bám viếu vào lý tưởng chính trị cụ thể nào để duy trì đạo đức. Theo tôi, người CS bị xuống cấp đạo đức có thể do nền tảng giáo dục, do quyền lực tha hóa. Quyền lực tha hóa cả lý tưởng CS và tha hóa cả đạo đức của họ.

Thoái hóa, biến chất, xuống cấp về đạo đức đã đến hồi báo động như vậy nhưng “Đảng không dễ sụp đổ”. Đây là quan điểm trấn an, động viên những người Cộng Sản trung kiên “chưa bị tha hóa” kiểu như ông Nguyễn Phú Trọng. Con người chúng ta ai cũng cần động viên, trì triết không mang lại cảm xúc tốt! Nêu lên những cái xấu thật lòng nhưng đồng thời cũng chỉ ra điểm “tích cực” ứng phó với cái xấu đó, đây là cách thể hiện của Nguyễn Trần Bạt.

Bài nói của ông có nhắc đến vai trò, nỗi lo của người trí thức. Tôi cho rằng, biểu hiện cao nhất, giá trị nhất của người trí thức phải là sự phản biện và giải pháp để giải quyết vấn đề. Nguyễn Trần Bạt đã lái người trí thức gắn với nỗi lo và từ đó lái sang nỗi lo “Vĩ đại” của Bác như là một cách tiếp cận mềm nhằm dẫn dắt một giải pháp mà lâu nay đảng coi như vùng đất cấm… thể chế.

Anh thử lật, thử ngẫm cuốn sách mỏng “Sửa đổi lối làm việc” để thấy rằng mỗi trang, mỗi dòng, mỗi chữ của Ông Cụ là nỗi lo đau đáu về sự tha hóa mà quyền lực mang lại cho các đồng chí của mình. Và nỗi lo ấy được xác nhận bởi thực tế tha hóa, bởi hiện tượng tham nhũng tràn lan như chúng ta đang thấy.

Nguyễn Trần Bạt

Các cụ có câu “lo co đầu gối, lo rối lông l…”. Chỉ lo không thì chưa nói lên điều gì cả, chưa phải là trí thức. Lo cái nỗi lo “vĩ đại” rồi để thực tế bết bét như hiện nay thì có gì đáng ca ngợi? Nhưng ngẫm lại, nếu không ca ngợi “nỗi lo vĩ đại” đó thì ông chẳng còn gì mà ca ngợi. Còn phản biện cứng, ông sẽ rơi ngay vào hàng ngũ phản động!

Cái khó, cái trở ngại của không mấy người trí thức có thể vượt qua là chỗ này.

Phần 2 của bài viết xoay quanh “Xót ruột khi đạo đức xuống cấp” là: phải “Nhốt quyền lực vào trong “lồng” cơ chế”.

Trước tiên Nguyễn Trần Bạt tán đồng việc “không thay đổi thể chế, không xao nhãng CNXH, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSVN” của tổng bí thư. Bên cạnh đó, ông cổ súy nhốt quyền lực vào lồng cơ chế. Phải xây dựng thể chế để kiểm soát quyền lực.

Chúng ta thấy khi phân tích về thể chế, Nguyễn Trần Bạt luôn gắn với đạo đức như là điều kiện cần và đủ để thể chế có giá trị và tin cậy. Qua đây ông muôn nói rằng, tình trạnh suy thoái đạo đức xã hội như hiện nay là biểu hiện của một thể chế lỗi, một thể chế hư hỏng.

Không thay đổi thể chế mà cần cải tạo thể chế, sửa chữa thể chế, cần phải kiểm soát quyền lực. Đây có thể hiểu như là một tham vấn, một đóng góp cho ĐCSVN để duy trì sự thống trị của ĐCS.

Lúc nào, ở đâu và vào thời đại nào con người cũng phải rèn luyện đạo đức để không lạm dụng quyền lực. Trong thời đại của chúng ta, song song với việc học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh trong việc sử dụng quyền lực công, xã hội vẫn phải xây dựng các thể chế để kiểm soát quyền lực. Xây dựng thể chế để kiểm soát một cách hiệu quả và chặt chẽ việc sử dụng quyền lực nhà nước là nhiệm vụ của những người còn sống. Nhưng trong khi xây dựng thể chế, chúng ta phải luôn nhớ rằng nếu không có đạo đức thì thể chế được xây dựng chỉ có thể hạn chế được cái xấu mà không tạo ra được cái tốt.

Nguyễn Trần Bạt

Tóm lấy những điểm tích cực của ĐCS để ca ngợi, đồng thời đưa ra những tham vấn sắc sảo là một nhạy bén để Nguyễn Trần Bạt có thể hợp tác với ĐCS một thời gian dài vừa qua. Do đứng hẳn về phía ĐCS để đánh giá, nhận định và tư vấn nên chúng ta vẫn dễ thấy những xung đột, bất cập, nguy biện trong ông.

Chất lượng cuộc sống không phụ thuộc vào thể chế. Mọi người cứ đổ vạ cho thể chế. Tôi nói rằng không có bất kỳ lực lượng nào gữ được trật tự ở Việt Nam nếu không phải là chế độ này. Không phải là chúng ta không có thực tế.

Nguyễn Trần Bạt

Chất lượng sống không phụ thuộc thể chế rồi lại khẳng định chế độ này mới giữ được trật tự ở VN, tức là mang lại hạnh phúc cho Việt Nam…

Ông cho rằng phương Tây can thiệp để lật đổ chế độ độc tài ở Irad, Lybia là một sai lầm, không mang lại hòa bình, thịnh vượng. Hàm ý này với VN là: lật đổ chế độ CS ở VN cũng sẽ không mang lại ổn định, mà tạo ra hỗn loạn, đau khổ.

“Nếu lấy tự do, dân chủ, nhân quyền theo tiêu chuẩn phương tây để cai trị ở những vùng đất như vậy thì sẽ thất bại”. Chỗ này hết sức ngụy biện và gò ép. Tự do dân chủ thì không phải là cai trị, nhà nước chỉ thay mặt người dân để quản lý xã hội! Các nước này đã bị lật đổ chế độ độc tài toàn trị, đơn nguyên chính trị, chuyển sang đa nguyên chính trị. Đây mới là điểm khởi đầu để xây dựng dân chủ, chứ chưa phải là dân chủ. Nói tự do dân chủ mà vẫn thất bại là sự trí trá để phủ nhận tiến trình chuyển đổi, muốn tránh né tiến trình xóa bỏ độc tài.

Lập luận vòng vo, ngụy biện của ông chỉ để cổ vũ, cải tạo, duy trì chế độ CS. Cái này ĐCSVN dễ chấp nhận và hài lòng với ông.

Xuyên suốt phần 2 “Nhốt quyền lực vào trong “lồng” cơ chế”, ông chỉ mượn lời Nguyễn Phú Trọng như một sự xum xoe, nịnh bợ. Ông mượn nỗi lo của HCM để nâng tầm nỗi lo của Nguyễn Phú Trọng.

Tại sao giờ phút nhạy cảm này, giữa lúc sức khỏe ông Trọng có vấn đề có thể dẫn đến chuyển giao quyền lực, Ông lại muốn nâng nỗi lo của ông Trọng? Chỉ có thể hiểu ông đang muốn nâng người kế tục ông Trọng, sẽ lo tiếp nỗi lo của ông Trọng. Ông nhấn mạnh vai trò của Đảng, nhấn mạnh sự quan trọng của việc tiếp tục đốt lò để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ người dân.

“Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, nhấn mạnh cần xây dựng thể chế để kiểm soát quyền lực nhưng ông không chỉ ra bất kỳ một cơ chế nào để nhốt được quyền lực. Ông đề cao vai trò đạo đức, trong khi chính ông và Nguyễn Phú Trọng đều khẳng định đạo đức đã xuống cấp đến độ báo động, đã bị quyền lực tha hóa. Trau dồi đạo đức, rèn luyện đạo đức là những cụm từ hết sức vô nghĩa, sáo rỗng, nó giống như tiếng kêu vô vọng giữa xa mạc quyền lực hiện nay.

Ứng dụng các bài học đạo đức từ tác phẩm “sửa đổi lối làm việc” chính là một cách thức để làm cho thể chế hoạt động có hiệu quả. Chúng ta không thể đối lập hay tách rời giữa đạo đức và thể chế, bởi vì xây dựng thể chế là công việc của nhà cầm quyền, còn rèn luyện đạo đức là để nhân dân thừa nhận nhà cầm quyền. Nếu nhân dân không tin tưởng vào đạo đức của nhà cầm quyền thì nhà cầm quyền sẽ không có cơ hội và điều kiện để xây dựng thể chế.

Nguyễn Trần Bạt

Cái “lồng” cơ chế hiện nay không có khả kiểm soát, không nhốt được quyền lực. Quyền lực tự tung tự tác, làm tha hóa lý tưởng, tha hóa đạo đức. Đúng như HCM đã lo, thực tế cho thấy tất cả hậu quả của việc lạm dụng quyền lực, tham nhũng,… đều đổ lên đầu người dân. Ai cũng dễ thấy, cái lồng cơ chế hiện nay là cái lồng lỗi, cái lồng khuyết tật. Kéo dài sự tồn tại của nó là kéo dài sự đau khổ cho đất nước, cho người dân.

Bên cạnh đó, Nguyễn Trần Bạt cũng thấy rằng, dù nhiều khuyết tật nhưng cái lồng này không dễ vỡ. Nên giải pháp xuyên suốt của ông là đồng thuận, nhất nhất giữ lồng và tìm cách sửa chữa nó.

khối đá đập không vỡ. Cái nguy cơ là tâm lý có sẵn trong cả hai phía, chứ Đảng không dễ đổ như người ta nghĩ. Với tốc độ ăn cắp và tham nhũng như thế này mà thể chế không sụp đổ thì anh có thể biết sức bền của Đảng là thế nào.

Nguyễn Trần Bạt

Bài nói chuyện này, có lẽ mục đích của ông không phải là góp ý, xây dựng đất nước. Đây chỉ là màn bày tỏ, nhấn mạnh lại lập trường ủng hộ ĐCS của ông cũng như ủng hộ nhóm của ông Nguyễn Phú Trọng trong giai đoạn chuyển giao. Có thể xem đây là sự trí trá, ranh mãnh của ông cũng như ông Xuân Ba.

Trong cuốn sách “Tình thế và giải pháp” được nhà xuất bản hội nhà văn ấn hành năm 2015. Ông đã thẳng thắn chỉ ra: cần cải cách chính trị theo xu hướng dân chủ hóa để bảo vệ dân tộc… Tôi nghĩ, đó mới là lời chính trực của người trí thức, đó mới là giải pháp để kiểm soát quyền lực, giải pháp để sửa chữa thể chế. Đương nhiên khi sửa xong, nó sẽ là một cái lồng khác, một thể chế khác.

Bài viết “bất chợt” của ông Nguyễn Trần Bạt và ông Xuân Ba có thể là một tín hiệu cho sự chuyển dịch quyền lực tại Ba Đình trong thời gian ngắn tới đây. Họ đều là những cao thủ trong việc đánh hơi xu hướng.

T.N.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Trí thức theo đảng. Bookmark the permalink.