Nếu máu trong cơ thể sống bị ngưng chảy?

Vũ Kim Hạnh

Cần đóng dấu mật vào văn bản về phương án tăng giá điện để ổn định tâm lý người dân. Thứ trưởng Bộ Công thương bộc bạch ý định. Lại mật, trời, phương án tình giá điện tăng mà cũng mật? Bí mật và ổn định tâm lý gì ở đây, ngay khi nhận hóa đơn tiền điện là chuyện phơi ra dưới ánh mặt trời, người dân “ổn định tâm lý” kiểu gì khi phải móc túi, buộc bụng đóng thêm khoản tăng chóng mặt? Phải chi… ví dụ nếu có chuyện cơ quan chức năng theo dõi tài khoản ngân hàng, email, internet, các mối quan hệ… của công dân rồi bí mật cho điểm “tín nhiệm xã hội” để xếp hạng công dân thì còn hiểu được vì chuyện theo dõi đó là… mật thật.

Hôm qua, Indonesia vừa đánh chìm 51 tàu đánh cá mà họ cho là vi phạm lãnh hải họ, trong đó có 26 tàu VN. Hôm 27/4, tàu kiểm ngư của ta va chạm với tàu tuần tra của họ để bảo vệ tàu đánh cá VN thì họ đánh chìm một tàu của ta và bắt 12 ngư dân. Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối, khẳng định cả tàu cá và tàu kiểm ngư của Việt Nam khi đó đang hoạt động trong vùng biển mà hai nước đang phân định vùng đặc quyền kinh tế (chưa xác định là lãnh hải của Indonesia) và các hành động này của phía Indonesia là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trái với pháp luật quốc tế.

Ngay sau vụ va chạm,tuần trước, phía Indonesia đã tung thông tin rộng rãi trong nước và cả thông tin ra quốc tế bằng tiếng Anh để giành lẽ phải về phía họ. Các hãng tin quốc tế tuy đưa tin đó là vùng chồng lấn nhưng cũng nhận định là người dân Indonesia rất đồng tình cách làm của Chính phủ của họ. Việt Nam có gửi công hàm, có mời Đại sứ Indonesia đến phản đối nhưng ứng biến thông tin kịp thời, tranh thủ dư luận trong nước và quốc tế ra sao khi mà ngay sau đó, tức hôm qua, họ bất chấp phản đối, làm tới, đốt 26 thuyền cá của ngư dân mình?

Liệu việc này có cần được thông tin rộng rãi trong dân mình và cả dư luận quốc tế để được hậu thuẫn hơn là cách “tiếp đón” tưng bừng sát thủ vô tình Đoàn thị Hương? Mà cả 2 việc đều là của Bộ Ngoại giao?
Một chuyện khác về thông tin. Theo TS Lê Tự Quốc Thắng mới viết trên FB, 2 ngày trước, tổ chức Times Higher Education (THE), một trong 3 bảng xếp hạng uy tín nhất thế giới, vừa công bố danh sách 417 trường đại học châu Á được xếp hạng, và không có trường đại học Việt Nam nào trong danh sách.
Trong các nước Đông Nam Á (không tính Sing được xếp hạng cao từ trước) thì Malaysia có 11 đại học và trường được xếp hạng cao nhất của họ là thứ 38. Các nước Philippines, Thái, Indonesia cũng có mặt. Và báo chí các nước (Trung Quốc, Malaysia, Philippines, UAE) có trường hạng cao hay tăng hạng thì đưa tin thật đậm, các trường bị xuống hạng thì chống chế. Còn Việt Nam thì lặng như tờ, vì nó không “đụng” đến ta nên ta cũng không đụng đến nó. Đường link tham khảo bảng xếp hạng đây: https://www.timeshighereducation.com/…/20…/regional-ranking…

Nhưng theo thiển ý của tôi, trong các loại thông tin, không gì nhạy cảm, bức bách bằng thông tin chính sách và thị trường kinh doanh, thương mại. Vì thông tin nó chảy rào rào trong cơ thể sống của thị trường muôn mặt không một phút ngưng nghỉ. Nghe các vị lãnh đạo nói rằng phải chờ Quốc hội thông qua, xây dựng kế hoạch hành động, phân bổ kinh phí, bộ máy thực hiện…thì mới công bố thông tin chính thức về các hiệp định thương mại tư do được. Lại có vị rất an tâm, không thiếu thông tin dâu, chúng tôi đã gửi văn bản đến đủ 63 tỉnh thành, đã đưa lên mạng và cũng đã in hai cuốn sách (về CPTPP) rồi, doanh nghiệp phải tìm mà đọc chứ. Vâng, cứ kiểm tra đường đi của 63 văn bản và số lượt người đọc trên mạng sẽ hiểu ngay mà. Qui trách nhiệm cho doanh nghiệp thì cũng đúng về lý nhưng hiệu quả và giá trị thực của thông tin đâu chỉ từ một phía? Và việc khắc phục từ đội quân hùng hậu (về số lượng) báo chí cũng như các Hiệp hội, tổ chức xúc tiến… đòi hỏi rất nhiều cố gắng và sự đồng bộ, tương tác…

Thông tin là tài nguyên quan trọng bậc nhất của thời buổi chuyển đổi số này, là máu lưu thông nuôi sống cơ thể. Máu lưu thông ổn mới nuôi cơ thể tốt. Cứ mãi ứng xử kiểu độc quyền thông tin, ban phát, bưng bít trong thế giới mở và hội nhập thì bị tuột mất quyền làm chủ thông tin quá rõ. Và tác hại khôn lường. Chưa kể trong một số ngành, một số người lãnh đạo, bịnh quyền hành, bưng bít đã “lậm”quá lâu thành ung thư khó bề “giải cứu” chính họ và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân, doanh nghiệp.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

Ảnh. Bộ trưởng Thủy sản & Hàng hải Indonesia chứng kiến cuộc đánh chìm các tàu cá họ cho là vi phạm, ngày 4/5.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, món ăn và ngoài trời

Ảnh: Giải cứu dưa hấu không xuất được sang Trung Quốc.

V.K.H.

Nguồn: FB Vu Kim Hanh

This entry was posted in Bí mật thông tin. Bookmark the permalink.