Việt Nam không có nền báo chí độc lập

Trúc Giang

Đảng – Chính phủ đặt ra việc quy hoạch báo chí như nói ở đây là vì lý do gì? Có lẽ một nguyên nhân là do giờ Đảng – Chính phủ đang bí tiền chăng? Nuôi hàng mấy trăm  tờ báo mà chỉ độc nói một giọng, kể cũng phí cơm gạo thật, thôi thì dẹp bớt đi cũng phải. Cơm gạo, nói cho cùng thì cũng là tiền thuế của dân, quy hoạch nó lại thì dân cũng chả có gì mà phản đối, vì dù còn mấy trăm như trước, hay sau này chỉ còn mấy chục tờ  thì cũng vậy thôi: có nói được cái gì lợi ích cho dân đâu, toàn nói để bảo vệ Đảng, bênh che cho cán bộ của Đảng mà thôi (tuy rằng trong văn bản có thòng thêm câu: báo chí cũng còn có chức năng là “diễn đàn của Nhân dân”, nhưng đố ai tìm được ở báo quốc doanh nào có tiếng nói của…dân oan, của nguy cơ mất nước vào tay Trung cộng đấy?). Trong bài viết ở đây, tác giả đặt câu hỏi: “Vì sao Đảng lại tự tước vũ khí của mình?” Trước nay đã sử dụng bao nhiêu vũ khí đấy, cả vũ khí bằng súng đạn và nắm đấm của công an nữa, mà Đảng có tuyên truyền được gì nhiều vào tai dân đâu? Các cán bộ cấp cao của Đảng vẫn chả luôn mồm chê bai dân “trình độ nhận thức thấp”, rồi dân luôn nghe theo sự “xúi giục của thế lực thù địch “ đấy thôi? Theo chúng tôi, Đảng – Chính phủ quy hoạch làm gì? Thu hẹp số lượng báo chí mà làm gì? Dại thế, cứ để gần ngàn báo chí các thể loại ấy cho nó tồn tại, nhưng hãy cai sữa hết lượt đi, đừng nuôi nữa, và vẫn bắt phải làm nhiệm vụ truyên truyền cho Đảng (đã có Luật An ninh mạng và súng đạn công an, kỉ luật đảng coi sóc, đố anh nào dám không chịu ‘tuyên truyền’ theo ý Đảng nào?)Lúc đó các nhà báo tài giỏi của Đảng tha hồ trổ tài, vừa không ăn tốn cơm, vừa tìm cách làm báo vừa hay, vừa khéo, hấp dẫn…để có thể sống còn chứ. Báo bán chạy, Chính phủ lại thu được thuế bỏ vào ngân sách. Có mất gì đâu. Các nhà báo phát huy tài năng kiếm được nhiều tiền trên thị trường báo chí, dân đổ xô mua và đọc báo quốc doanh thì báo lề ‘phản động’ có mà chết đầu nước!

Nói tóm lại, chả biết ai xui Đảng – Chính phủ đưa ra cái Quy hoạch này mà ngu dại, tối nước thế không biết?

Bauxite Việt Nam

Vì báo chí buộc phải là công cụ tuyên truyền của Đảng nên ở Việt Nam chẳng những không có báo chí tư nhân, mà sắp tới đây sẽ đóng cửa nhiều tờ báo hiện hữu với lý do… quy hoạch (!?)

https://1.bp.blogspot.com/-enCoBiO9q2U/XKYWrnQinlI/AAAAAAAABiA/XEkXfHtEsNcIiw-4e6JqD6uv6zIcRQzOgCLcBGAs/s640/Tu%25CC%259B%25CC%25A3%2Bdo%2Bba%25CC%2581o%2Bchi%25CC%2581%2B2018.jpg

Việt Nam đứng hạng 175/180 về tự do báo chí.

Ngày 3-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 362/QĐ-TTg về “Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”. Trong quyết định này, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết nội dung ban hành được căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư ở công văn mới nhất được đánh số 8785-CV/VPTW ngày 01 tháng 02 năm 2019. Nội dung công văn này không được công khai trong hệ thống văn bản pháp quy.

Khẳng định báo chí chỉ là công cụ tuyên truyền của Đảng cộng sản

“Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Trích Điều 1.I.1, Quyết định số 362/QĐ-TTg.

Theo quy hoạch, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, thành. Lộ trình là đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch nói trên. Riêng Hà Nội và TP.HCM, đến hết năm 2020, tối đa có 05 cơ quan báo in, không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo. Và đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch là chỉ còn 1 cơ quan báo (!?)

Theo tư liệu, ở TP.HCM hiện nay có 16 cơ quan báo chí: 1. Báo Sài Gòn giải phóng. 2. Báo Người lao động. 3. Báo Tuổi trẻ. 4. Báo Khăn quàng đỏ. 5. Báo Phụ nữ. 6. Báo Công giáo và dân tộc. 7. Báo Cựu chiến binh. 8. Báo Văn nghệ. 9. Báo Khoa học phổ thông. 10. Báo Thể thao TP.HCM. 11. Báo Công an TP.HCM. 12. Báo Pháp luật TP.HCM. 13. Thời báo Kinh tế Sài Gòn. 14. Báo Giáo dục TP.HCM. 15. Báo Doanh nhân Sài Gòn. 16. Báo Giác Ngộ.

Nếu theo quy hoạch trên thì báo Công an TP.HCM,  báo Công giáo và dân tộc, báo Giác Ngộ được tính riêng. Vậy còn 13 cơ quan báo chí ở TP.HCM, đến năm 2020 chỉ còn tối đa là 5. Vậy 5 cơ quan báo chí đó là ai? Rồi sang đến năm 2025, TP.HCM chỉ còn 1 cơ quan báo chí, đến giai đoạn này chắc không cần lăn tăn chi nữa!

Còn xét riêng về tạp chí ở TP.HCM, hiện có 20 tạp chí. Theo quy hoạch, TP.HCM có 01 cơ quan tạp chí thuộc Hội Văn học – Nghệ thuật. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Như vậy lượng tạp chí sẽ giảm rất lớn, nhưng cuộc ‘di dân’ này sẽ đơn giản nhiều so với các tòa soạn báo in, truyền thông đa phương tiện.

Vì sao Đảng lại tự tước vũ khí của mình?

Theo quy hoạch, trong tương lai gần, Đảng sẽ không còn sở hữu nhiều công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng trong tay. Điều đó xem ra thật tai hại khi với nghèo nàn công cụ, Đảng lại buộc phải đối mặt với đông đảo những nhà báo – công dân của nền báo chí kỷ nguyên số.

Nói một cách văn vẻ và… tuyên giáo, thì dường như Quyết định số 362/QĐ-TTg đã không nhận thức đúng về nghề báo, nên trong bối cảnh hô hào cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng báo chí lại không có sự thay đổi phù hợp, tất yếu sẽ bị tụt hậu, thua cuộc, dù quá khứ có vẻ vang đến đâu chăng nữa.

Vài năm gần đây, ai cũng có thể lập một kênh Youtube và có thể thành công khi đem sản phẩm của mình đến với công chúng, mà không cần phải qua một hệ thống cồng kềnh như kênh truyền hình truyền thống. Công chúng nghe, xem, đọc trên internet tăng cả về số lượng lẫn dung lượng thông tin.

“Tôi nghĩ rằng với những cam kết về nền kinh tế thị trường, cho dù có gắn đuôi về ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’, cho thấy chúng ta đang đứng trước thời điểm bản lề lịch sử của nghề báo. Mang tên là “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc”, thế nhưng ‘phát triển’ sao lại là thu hẹp mỗi địa phương chỉ còn một tờ báo in, một đài truyền hình? Làng báo Việt Nam có lẽ bắt đầu đi vào cuộc khủng hoảng của ám ảnh thất nghiệp, đóng cửa tòa soạn kể từ hôm nay!”. Nhà báo tự do Nguyễn Tuấn, chua chát nhận xét.

Nhà báo Thảo Vy, người đang làm việc trong một tòa soạn ‘nhà nước’, nói rằng bất chấp chuyện duy ý chí của ‘công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng’, thực tế thị trường báo chí rất rộng mở trong thời đại số. Và kinh tế báo chí dù thừa nhận hay không, nó vẫn tồn tại với những nguyên lý của nó. Chính lý thuyết của nền kinh tế báo chí hiện đại là cơ sở để lý giải cho hiện tượng tưởng chừng như phi lý: độc giả thay vì trả tiền mua tờ báo in đã dần được đọc báo với giá 0 đồng. Và đặc biệt, trong hoàn cảnh đó, tờ báo biết vận dụng tốt nguyên lý cơ bản của nền kinh tế, đó sẽ là tờ báo tiếp tục khẳng định được chỗ đứng của chính mình.

“Trên nền tảng của mạng xã hội như facebook, như WordPress, Youtube…, nhóm những nhà báo tự do đã có thể cùng nhau họp thành một tòa soạn ăn ý và tác nghiệp tuân thủ đúng pháp luật về dân sự và các quy định của Hiến pháp. Những công ty truyền thông quảng cáo sẽ là các nhà đầu tư cho kênh báo chí kỷ nguyên số ấy. Chỉ cần độc giả nhấp chuột vào đọc miễn phí là đã có thể tạo nguồn thu. Nút bạc, nút vàng mà Google xét cấp cho kênh Youtube là dẫn chứng.

Dĩ nhiên một quốc gia mà tự do báo chí hạn chế, thì việc thu hút đầu tư của đất nước đó rồi cũng sút kém đi… Tôi rất tò mò không biết công văn đánh số 8785-CV/VPTW ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Ban Bí thư viết gì về chuyện Đảng dường như đang có vẻ tự ti, khi chọn kế sách dùng mệnh lệnh hành chính để đóng cửa hàng loạt tờ báo trong hai năm tới? Liệu có liên quan gì đến chuyện nhắc lên – hạ xuống các nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ mới?”. Nhà báo Thảo Vy nghi vấn.

T.G.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Báo chí quốc doanh. Bookmark the permalink.