Thư giãn Chủ nhật – Chuyện bây giờ mới kể: NGƯỜI VIỆT ANH HÙNG

Chu Mộng Long

Phần thứ nhất

Tôi gặp John thật tình cờ. Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi vừa xuất ngũ và làm thủ tục chuyển ngành từ bộ đội nhập học đại học. Suốt gần một năm nằm dài ở quê chờ đợi, tôi vẫn mặc đồ lính như một niềm tự hào. Hôm ấy John nằm trong vũng máu, còn xung quanh thì bọn thanh niên làng tôi vẫn hầm hè đấm đá thụi bịch, dân làng không ai can lại còn vỗ tay cổ vũ. Thấy John từ đầu đến cuối không chống trả, tôi bèn dùng lời can ngăn dân làng và đưa John về nhà băng bó vết thương.

John bị chiếc cọc tre đâm vào sườn toác một mảng chảy máu, thân thể tím bầm. Việc đơn giản là John đến làng tôi, ngôi làng từng bị giặc Mỹ ném bom tàn phá khốc liệt và cũng là ngôi làng Thành đồng, để nghiên cứu chiến tranh Việt Nam. Làng tôi ghét Mỹ nên ít ai tiếp John ngoài bọn con gái. Và John bị đánh, gần như là bị đánh ghen. Không chỉ vì John to cao, đẹp trai như những lính Mỹ trước đây từng đi càn vào làng, trai làng khác đến làng tôi tán gái vẫn bị ăn đòn như thường.

Lúc John bình phục, tôi hỏi:

– Bị đòn có đau không?

– Đau – John trả lời.

– Có oán hận không? – Tôi lại hỏi.

John ngập ngừng một lát rồi khẽ cười:

– Oán hận thì giải quyết được gì?

John nói tiếng Việt khá sõi vì đã học tiếng Việt để thực hiện đề tài nghiên cứu sinh: “Chiến tranh Việt Nam nhìn từ tính cách Việt”. Nghe John nói về đề tài nghiên cứu của mình, tôi bắt đầu thích John. Bị no đòn mà không oán hận thì mày là thằng Mỹ tốt. Tôi nói cho nó biết luôn dòng họ tôi căn bản là dòng họ cách mạng, có đến 2 liệt sĩ trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều người tập kết ra Bắc trừ ba tôi ở lại miền Nam và đi lính Việt Nam cộng hòa, đến lượt 3 anh em tôi lại thành lính cộng sản. John cười:

– Đánh nhau thành lẽ sống nhỉ?

Tôi cũng cười theo:

– Không chỉ họ nhà tôi, cả làng này, cả dân tộc này suốt mấy ngàn năm nay đều vậy.

John mở ba lô lấy sổ tay ghi lại điều tôi nói. Tôi nhìn thấy trong ba lô to tướng của John gần như có đủ cả bộ sử Việt. John ở nhà tôi 3 ngày, ngoài nói chuyện với tôi, đi dạo quanh làng để xem những hố bom sau bao nhiêu năm vẫn chưa lấp hết, kể cả ra đồng xem bọn trẻ trâu chia phe choảng nhau bằng trò ném đất cục, còn lại thời gian ngồi ngấu nghiến bộ sách ấy. Và John cũng thích trò chuyện với tôi để tìm hiểu điều anh ta cần.

John đếm quanh nhà tôi thôi đã có 3 cái hố bom. John không hiểu bằng cách nào mà nhà tôi cũng như dân làng vẫn bám trụ một tấc không đi một ly không rời và vẫn sống sót cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tôi giải thích ngắn:

– Nếu dân làng không đội bom đội đạn bám trụ lại mảnh đất này thì cộng sản không có chỗ nương thân.

Có lẽ John thông minh nên hiểu nhiều hơn điều tôi nói. Tôi hỏi:

– Đã thấy tính cách anh hùng của người Việt chưa?

John trầm tư. Anh ta trạc tuổi tôi, nhưng cái dáng to cao, râu ria, lông lá nên trông già hơn tôi đến chục tuổi. John nói:

– Sorry, bạn đừng giận. Vì tính cách anh hùng đó mà người Việt các bạn lao vào chiến tranh liên miên suốt mấy nghìn năm lịch sử.

Tôi trố mắt trước nhận xét của John. Tôi nén giận và nói:

– Nhưng người Việt không chủ động gây chiến. Người Tàu xâm lược đất nước chúng tôi, chúng tôi đánh. Đến người Pháp, người Mỹ cướp đất nước chúng tôi, chúng tôi đánh. Đánh đến giọt máu cuối cùng. Nói như chị Út Tịch, còn cái lai quần cũng đánh. Không có gì quý hơn độc lập tự do!

John biết tôi giận nên cố ôn tồn:

– Vậy đánh nhau hoài có thấy sướng không?

Tôi định mượn câu nói của chị Út Tịch: “Đánh Tây sướng bằng tiên chứ cực gì”, và cả câu nói của anh Trỗi: “Còn thằng Mỹ thì không ai hạnh phúc nổi cả” để trả lời John, nhưng chợt thấu nỗi đau của những mất mát tang thương, tôi bèn dừng lại. John tiếp:

– Nếu còn thích đánh nhau thì người Việt các bạn còn khổ nhiều đời nữa.

Tôi buột miệng:

– Không đúng! Chiến tranh gian khổ, nhưng mỗi lần chiến thắng là niềm vui!

John gật đầu cười:

– Thảo nào hôm tôi bị đánh, cả làng đều rất vui…

Nói đoạn, John lấy sổ tay và bút viết ra, đề nghị phỏng vấn tôi một cách nghiêm túc. Tôi chấp nhận. John hỏi:

– Bỏ qua ngàn năm chống giặc Tàu vì đằng nào các bạn sẽ còn phải tiếp tục chống nữa. Cho phép tôi hỏi, nếu các bạn không đánh đuổi Pháp, không đánh đuổi Mỹ thì kết quả thế nào?

Tôi nói thẳng thừng:

– Lịch sử không có “nếu”. Lịch sử vận động theo lẽ tất nhiên, có áp bức có đấu tranh.

John cười:

– Không sai, nhưng lịch sử vẫn là lựa chọn của con người. Nếu các bạn không đánh đuổi Pháp hay Mỹ thì lịch sử vẫn vận động theo tính tất nhiên của nó.

– Tất nhiên là người Việt làm nô lệ cho thực dân Pháp, đế quốc Mỹ! – Tôi quả quyết.

John vẫn hí hoáy ghi đủ lời tôi, vừa ghi anh ta vừa nói:

– Tôi không phủ nhận đấu tranh. Nhưng nhiều dân tộc không tốn xương máu đánh nhau với thực dân, đế quốc, họ vẫn có độc lập, tự do.

Tôi thú thực không biết điều đó vì chỉ được học rằng, sau Việt Nam, các dân tộc đã đồng loạt đứng lên đấu tranh bằng máu để thoát khỏi ách thực dân cũ lẫn mới. John dẫn ra cả loạt các quốc gia giành độc lập bằng con đường ôn hòa và thậm chí được thực dân, đế quốc tự giác trao trả độc lập, tự do.

Trong đầu tôi khi ấy chỉ nghĩ John là kẻ bịp bợm. Lại thầm nghĩ, mày bị dân làng tao đả cho một trận cũng phải.

John hỏi tiếp:

– Các bạn đánh Khmer đỏ để tự vệ và giúp người Khmer thoát nạn diệt chủng là đúng rồi. Nhưng chính các bạn lại phải trả giá bằng cái gọi là cuộc "phản kích tự vệ" của kẻ khác mạnh hơn. Nếu năm 1979, các bạn không đánh nhau với Trung Quốc thì lịch sử sẽ thế nào?

Đến câu hỏi này thì tôi sôi cả gan, muốn gọi dân làng đến đả cho John trận nữa. Nhưng chợt nghĩ đến hình ảnh John lúc nằm sóng soài trên đất, người bê bết máu, tôi lại nén giận. Vẫn câu trả lời tương tự như trước:

– Dứt khoát không có “nếu” trong câu hỏi này, ông bạn Mỹ ngây ngô ạ. Nước Việt đã từng bị người Tàu biến thành quận Giao Châu, Giao Chỉ, người Việt phải còng lưng leo núi tìm lông chim trả, sừng tê, ngà voi, khom lưng xuống biển mò ngọc trai, đồi mồi cống cho người Hán. Và người Việt đã đánh trường kỳ để có độc lập, tự chủ. Nếu năm 1979 không đánh nhau với Trung Quốc thì lại phải quay về thời kỳ Bắc thuộc nữa sao?

Tôi vung tay nói như thét ra lửa, trong khi không ngờ John vẫn lạnh như nước. John nói như thể thông thuộc cả từng trang sử Việt:

– Thời kỳ gọi là độc lập, tự chủ kéo dài nhất của các bạn là thời Lê sau cuộc kháng Minh. Người Việt các bạn thoát khỏi cảnh lên núi tìm lông chim trả, sừng tê, ngà voi, xuống biển mò ngọc trai, đồi mồi thì lại phải lặn lội đãi cát tìm vàng, hàng năm đúc cả một tượng vàng to bằng tướng Liễu Thăng để cống nạp cho Thiên triều. Việc này chỉ chấm dứt khi Quang Trung được Càn Long thỏa thuận hủy bỏ. Năm 1979 nếu các bạn không xung đột biên giới với Trung Quốc, thậm chí nếu các bạn không đánh trả mà để cho quân Trung Quốc tràn đến Hà Nội rồi đưa Hoàng Văn Hoan lên nắm quyền thì lịch sử của các bạn vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác là không tốn xương máu.

Máu tim tôi ứ lên và cảm giác muốn bung ra đến rách toạc cả lồng ngực. Nhưng vì thấy John vẫn lạnh như nước, tôi cố kiềm chế và hỏi:

– Vì sao?

– Vì sau đó dù các bạn luôn tự hào chiến thắng thì rồi chính các bạn cũng phải tìm đến với nhà cầm quyền Bắc Kinh để khôi phục lại quan hệ hữu nghị bạn vàng. Năm 1979 và gần 10 năm sau đó chiến tranh liên miên vùng biên giới với người Hoa, các bạn thu hái được điều gì?

Đến đây thì buổi phỏng vấn kết thúc. Tôi muốn tống cổ John ra khỏi nhà tôi ngay lập tức, nhưng cũng lúc ấy John dừng lại và chủ động từ biệt tôi. John về lại thành thị và đến một số trường đại học để tiếp tục công trình nghiên cứu của mình. Biết tôi giận dữ, nhưng John vẫn ôn tồn cầm tay tôi rồi ôm tôi:

– Cảm ơn về lòng hào hiệp của bạn đã cứu tôi và giúp tôi hiểu thêm về tính cách Việt Nam.

Khoác ba lô lên lưng, John nói thêm:

– Người Việt dễ nổi máu anh hùng và dễ bị lôi vào trong các cuộc chiến tranh thù hận. Chiến tranh đã tạo ra tính cách anh hùng của người Việt. Đến mức khi không có giặc thì tự gây hấn và chia phe đánh nhau. Các bạn đã dạy cho thế giới nhiều bài học đắt giá nhưng hình như chính các bạn lại không tự rút ra được bài học gì ngoài sự tiếp tục duy trì tính cách anh hùng. Và với tính cách anh hùng ấy, các bạn sẽ còn đối mặt với chiến tranh nhiều lần nữa

Câu nói cuối cùng của John làm tôi suy nghĩ miên man. Nhưng rồi sau đó, đồng chí công an xã gọi tôi nói nhỏ: “Cái thằng Mỹ đó đang thực hiện diễn biến hòa bình đấy, đồng chí hãy cảnh giác với nó nếu nó còn quay lại”. Tôi quên hẳn John cho đến bây giờ. Bỗng hôm nay trong không khí sùng sục chống Tàu, tôi lại nhớ đến John…

Tháng Giêng, năm Kỷ Hợi

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Người Việt anh hùng. Bookmark the permalink.